Hoạt động cho vay tiêu dùng tại Việt Nam đang có dấu hiệu hồi phục trở lại. Đặc biệt, với hành lang pháp lý mới, thị trường tài chính tiêu dùng được dự báo sẽ sôi động hơn trong thời gian tới.
Vay tiêu dùng chiếm hơn 20% tổng dư nợ
Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, hoạt động tín dụng tiêu dùng những năm qua đã có bước phát triển mạnh cả về quy mô dư nợ, số lượng tổ chức tín dụng (TCTD) tham gia và mức độ đa dạng về sản phẩm, dịch vụ. Đến nay, tổng dư nợ cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng tại Việt Nam đạt khoảng 2,8 triệu tỷ đồng, tương đương 20% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, trở thành một phần quan trọng trong cơ cấu tín dụng của hệ thống các TCTD.
Tính đến giữa tháng 6, dư nợ tín dụng là 14,07 triệu tỷ đồng, tăng gần 3,8% so với cuối năm ngoái. Trong đó, cho vay tiêu dùng đạt hơn 3 triệu tỷ đồng. Trong tăng trưởng tín dụng của 6 tháng đầu năm 2024, tín dụng tiêu dùng phục vụ đời sống tăng nhanh, chiếm hơn 21%, tương đương hơn 1/5 tổng dư nợ của nền kinh tế.
Điều này có được đến từ nhu cầu vay phục hồi, đầu tư công được thúc đẩy lan tỏa hiệu ứng ra nền kinh tế xã hội; các chính sách giảm thuế, phí VAT và đặc biệt các gói ưu đãi với mặt bằng lãi suất cho vay thấp của các ngân hàng thương mại đã phát huy hiệu quả.
Đầu tháng 7 vừa qua, NHNN Việt Nam đã ban hành các thông tư hướng dẫn, trong đó có Thông tư số 12/2024/TT-NHNN (sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN) của NHNN về hoạt động cho vay của TCTD đã bổ sung quy định về các khoản vay có giá trị nhỏ. Cụ thể, các khoản vay tối đa dưới 100 triệu đồng thì TCTD chỉ cần yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin tối thiểu về mục đích sử dụng vốn vay và khả năng tài chính của khách hàng trước khi quyết định cho vay. Nhờ đơn giản hóa thủ tục vay tín dụng tiêu dùng, đã có nhiều khách hàng được tiếp cận với vốn ngân hàng.
Chị Nguyễn Minh Nguyệt muốn vay 350 triệu đồng, tương đương 50% tổng chi phí mua xe ô tô để phục vụ nhu cầu cá nhân. Ngoài giảm phí, chị còn được ngân hàng giảm lãi suất và kéo dài thời gian trả nợ.
Anh Trần Hoàng Nam công nhân tại Phú Xuyên chật vật, khó khăn khi lương không đủ chi trả cho gia đình 5 người. Anh Nam dự định vay để mua xe máy, hành nghề xe ôm công nghệ tăng thu nhập. Rất may anh đã vay được ở ngân hàng, triển khai 3 hình thức là vay tiền mặt, thẻ tín dụng hay vay mua sản phẩm trả góp. “Ngân hàng áp dụng gói vay ưu đãi từ 10 - 70 triệu đồng với kỳ hạn linh hoạt từ 6 - 24 tháng, hồ sơ vay đơn giản. Quy trình phê duyệt hồ sơ cũng được tiến hành nhanh chóng, thời gian giải ngân chỉ sau 2 giờ kể từ khi thủ tục vay được chấp thuận”- anh Nam cho biết.
Tương tự, chị Nguyễn Minh Hà ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết: “Tôi vừa tốt nghiệp mới đi làm, vì chưa có tích lũy tài chính từ trước nên khi mua máy tính xách tay, tôi phải sử dụng gói vay tiêu dùng. Thủ tục vay vốn rất nhanh, gọn, đơn giản. Sau khi cung cấp đủ căn cước công dân, hợp đồng lao động, chứng minh thu nhập và các giấy tờ theo yêu cầu, tôi được nhận máy tính ngay”.
Ngân hàng rộng cửa, tăng sức hút cho vay tiêu dùng
Hiện các ngân hàng như Agribank, Vietcombank, BIDV, VietinBank, VPBank, SHB, VIB... đều đưa ra nhiều gói tín dụng tiêu dùng phù hợp với mục đích vay vốn của khách hàng.
Phó Tổng Giám đốc HDBank Trần Hoài Nam cho biết, hiện cầu vốn cá nhân tăng trưởng tốt. HDBank có Công ty Tài chính HD SAISON đã xây dựng gói tín dụng 10.000 tỷ đồng cho công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất vay tiêu dùng và ghi nhận đến nay, gói tín dụng này giải ngân khá tích cực. Các hình thức phát triển tín dụng tiêu dùng trên các nền tảng điện tử, nền tảng số để giúp khách hàng có nhiều lựa chọn gói vay vốn phù hợp, tiết kiệm thời gian xử lý khoản vay cũng cần được quan tâm, chú trọng.
Tổng Giám đốc Ngân hàng TPBank Nguyễn Hưng nhận định: "Chúng tôi có những hệ thống để đánh giá, chấm điểm khách hàng dựa trên lịch sử tín dụng, dựa trên lịch sử tiêu dùng, dựa trên thu nhập và một số yếu tố khác để ra quyết định cho vay rất nhanh. Trên cơ sở đó, kiểm soát được chất lượng tín dụng và dám mạnh dạn đẩy mạnh cho vay tiêu dùng".
Tăng trưởng tín dụng tiêu dùng cá nhân trong những năm qua đã trở thành một trong những động lực chính thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế chuyển đổi từ tăng trưởng dựa vào đầu tư sang tiêu dùng nội địa. Điều này không chỉ giúp cải thiện sức mua trong nước mà còn thúc đẩy các ngành công nghiệp dịch vụ và bán lẻ phát triển mạnh mẽ. Đối với các ngân hàng, cho vay cá nhân mở ra cơ hội tăng trưởng hấp dẫn trong dài hạn với mức sinh lời cải thiện.
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho hay, ở các nước phát triển, tỷ lệ tín dụng tiêu dùng chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 60-70% tổng dư nợ cho vay. Với thị trường hơn 100 triệu dân như nước ta, tín dụng tiêu dùng vẫn còn nhiều dư địa để phát triển.
“Việc đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng là cần thiết vì góp phần kích cầu tiêu dùng trong nước. Theo khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, 29,7% doanh nghiệp mong muốn kích cầu tiêu dùng trong nước, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh”- Phó chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) TS Tô Hoài Nam, đánh giá.
Công ty chứng khoán HSC dự đoán nửa cuối năm 2024, tăng trưởng tín dụng sẽ tiếp tục tích cực hơn, đặc biệt là tăng trưởng tín dụng tiêu dùng với các chính sách tài khóa - tiền tệ tiếp tục có xu hướng hỗ trợ chính sách, thúc đẩy cầu tiêu dùng và đóng góp cho tăng tổng cầu của nền kinh tế. Công ty chứng khoán MB kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ đạt 14% vào năm 2024 với mức tăng trưởng GDP dự kiến 6,3 - 6,5%. Trong đó, lĩnh vực tài chính tiêu dùng, thẻ tín dụng và cho vay mua ô tô dự kiến sẽ có nhu cầu tín dụng cao hơn nhờ lãi suất cho vay thấp và doanh số bán lẻ phục hồi. Hay như việc tăng lương cơ sở có hiệu lực từ ngày 1/7 với tỷ lệ tăng cao chưa từng có từ trước, sẽ giúp nhiều đối tượng người dân thụ hưởng có thêm thu nhập để tăng chi tiêu…
Về phía NHNN cho biết, các tổ chức tín dụng phải tiếp tục công khai lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân cũng như thông tin về lãi suất cho vay các gói, chương trình tín dụng, sản phẩm (nếu có) trên website của ngân hàng. Qua đó, khách hàng có thêm thông tin tham khảo khi tiếp cận vốn vay.
Phối hợp với các cơ quan chức năng khai thác dữ liệu “sạch” để thúc đẩy tín dụng tiêu dùng. Kết nối khai thác dữ liệu thông tin từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ cho việc xác thực thông tin, nhận biết khách hàng bằng phương tiện điện tử; gắn mã số định danh công dân với tất cả tài khoản cá nhân để phục vụ công tác quản lý và xác thực thông tin khách hàng khi ngân hàng cung ứng sản phẩm tín dụng và thanh toán.