Trong khuôn khổ Chuỗi sự kiện Giáo dục tài chính năm 2024 "Đồng tiền thông thái", chiều ngày 2/10, Học viện Ngân hàng phối hợp với Vụ Truyền thông Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức chương trình talkshow "Hiểu biết về đồng tiền Việt Nam", tọa đàm về giáo dục tài chính cho sinh viên và cuộc thi Hiểu biết về tài chính.
Tham dự sự kiện, về phía NHNN có: Bà Lê Thị Thúy Sen, Vụ trưởng Vụ truyền thông; bà Kim Lan Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông; ông Mai Việt Trung, Phó Vụ trưởng Vụ truyền thông; bà Nguyễn Linh Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ.
Về phía Học viện Ngân hàng có: Ông Bùi Hữu Toàn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Học viện; bà Phạm Thị Hoàng Anh, Phó Giám đốc phụ trách, Ban Giám đốc; ông Nguyễn Thanh Phương, Phó Giám đốc.
Sự kiện đã thu hút nhiều diễn giả, chuyên gia trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng và gần 600 tân sinh viên tại Hà Nội.
Mở đầu chương trình, bà Lê Kim Yến, Vụ Truyền thông NHNN, đã trình bày chủ đề "Tìm hiểu về đồng tiền Việt Nam" với các hình thức độc đáo như: câu hỏi trắc nghiệm, mini game và video phim ngắn được trích chuyển thể từ cuốn sách "Khéo khôn với tiền - Tránh những ưu phiền" của tác giả Lê Thị Thúy Sen. Cách tiếp cận đơn giản, dễ hiểu này góp phần nâng cao nhận thức, tạo ra "sân chơi" bổ ích, thú vị, giúp các bạn sinh viên có thêm góc nhìn sâu sắc và thiết thực về lịch sử phát triển, ý nghĩa và vai trò của đồng tiền Việt Nam trong nền kinh tế cũng như trong đời sống hàng ngày.
"Hiểu được giá trị đồng tiền sẽ biết trân trọng sức lao động, từ đó biết cách tính toán, chi tiêu để tích lũy và tiết kiệm tiền sao cho đúng cách", bà Lê Kim Yến chia sẻ.
Chia sẻ về tín dụng tiêu dùng cá nhân, bà Lê Thị Minh Trang, chuyên gia đến từ VPBank cho biết, các bạn trẻ đang đối mặt với xu hướng "nợ chồng nợ" do không kiểm soát được việc chi tiêu và chi trả các khoản tín dụng, dẫn đến áp lực tài chính và không có khả năng trả nợ các khoản tín dụng của mình. Do đó, các bạn trẻ nên kiểm soát chi tiêu; tiếp cận các ứng dụng để giúp quản lý thu chi hàng ngày, hàng tháng và hiểu rõ về lãi suất, kỳ trả nợ cũng như cách thức trả nợ để tránh rơi vào tình trạng nợ xấu.
Liên quan đến những kiến thức về thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), bà Nguyễn Thị Thúy Giang, chuyên gia đến từ SHB cho biết, TTKDTM tại Việt Nam đã đạt những kết quả rất tích cực. Tuy nhiên, đi cùng với sự phát triển của TTKDTM, các thủ đoạn lừa đảo cũng ngày càng gia tăng. Do đó, để sử dụng dịch vụ TTKDTM an toàn, bà Giang khuyến nghị, khách hàng - đặc biệt là các bạn trẻ - nên cảnh giác cao độ và liên tục cập nhật các hình thức lừa đảo hiện nay, đồng thời đọc thêm nhiều tin tức để bổ sung kiến thức về phòng tránh lừa đảo, gian lận trên không gian mạng.
Tiếp nối chương trình, tọa đàm với chủ đề "Giáo dục tài chính cho sinh viên" đã nhấn mạnh việc nâng cao dân trí tài chính đang là nhu cầu cấp bách hiện nay và giáo dục tài chính cho sinh viên cũng là một bước đi quan trọng, giúp giới trẻ hiểu biết về quản lý tài chính cá nhân, định hướng tiêu dùng và tránh được rủi ro về "tín dụng đen".
Phát biểu tại tọa đàm, bà Lê Thị Thúy Sen cho hay, muốn thay đổi nhận thức, hành vi và thói quen sử dụng dịch vụ tài chính, giới trẻ sẽ là "hạt nhân"/nhân tố quan trọng để lan tỏa, tạo ra cộng đồng tài chính tốt đẹp hơn, từ đó góp phần thực hiện xã hội văn minh trong việc sử dụng các dịch vụ tài chính - ngân hàng. Bên cạnh thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, việc truyền thông giáo dục tài chính là một trong những trụ cột để góp phần thực hiện các chiến lược quốc gia cũng như các Đề án mà Thủ tướng Chính phủ giao.
Trong quá trình triển khai và đẩy mạnh giáo dục tài chính, bà Sen cho rằng, cái khó là việc truyền tải các kiến thức và kỹ năng tài chính mang tính chất chuyên sâu trở nên "đơn giản, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ tiếp thu và dễ thực hành". Đây là khó khăn, thử thách cần được nghiên cứu kỹ càng để có thể khéo léo truyền tải kiến thức tới xã hội thông qua các hình thức truyền thông.
Đánh giá về tầm quan trọng của giáo dục tài chính, bà Phạm Thị Hoàng Anh cho hay, đây là một trong những trụ cột rất quan trọng của chiến lược tài chính quốc gia, hướng tới nhiều đối tượng khác nhau, trong đó có đối tượng trẻ - đặc biệt là đối tượng sinh viên do sự thông minh, năng động và dễ dàng tiếp thu các kiến thức "hóc búa", đồng thời khả năng lan tỏa tri thức của mình về tài chính tới những người xung quanh như gia đình, bạn bè và xã hội.
Thông qua buổi tọa đàm, các sinh viên đã nắm bắt những thông tin, kiến thức cơ bản về tín dụng tiêu dùng, thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) và các lưu ý để bảo vệ bản thân tránh khỏi các rủi ro khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính.
Cũng tại sự kiện, cuộc thi "Hiểu biết về tài chính" đã lộ diện 4 đội thi xuất sắc nhất đến từ các trường đại học hàng đầu khu vực phía Bắc, bao gồm: Đội Infinity Rise - Học viện Ngân hàng; đội Angel - Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội; đội Chi Lăng - Đại học Công đoàn; đội Sunflower - Đại học Thủy lợi.
Đây là sân chơi giúp các bạn trẻ tích lũy được nhiều kiến thức hữu ích về tài chính - ngân hàng, biết cách tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính, hiểu về các sản phẩm vay vốn dành cho sinh viên và biết cách để tránh bẫy "tín dụng đen".
Trải qua các phần thi trí tuệ hết sức gay cần và đặc sắc, đặc biệt là phần tranh biện căng thẳng để chinh phục ban giám khảo và khán giả, đội Chi Lăng xuất sắc trở thành Quán quân của cuộc thi "Hiểu biết về tài chính" với giá trị giải thưởng là 5.000.000 đồng. Tiếp theo là đội Infinity Rise đạt giải Á quân với giá trị giải thưởng là 3.000.000 đồng; đội Angel và Sunflower đồng giải 3 trị giá 2.000.000 đồng.