(thitruongtaichinhtiente.vn) - Qua các buổi làm việc của Cơ quan Thường trực Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tại chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hà Nam và tỉnh Thanh Hóa các ngày 11- 12/7/2019 cho thấy, bên cạnh sự tích cực, nỗ lực của ngành Ngân hàng trong việc mở rộng mạng lưới, cung cấp thêm sản phẩm, dịch vụ, tiện ích phù hợp tới người dân thì sự phối hợp chặt chẽ, tham gia tích cực của các sở, ngành liên quan, đặc biệt là cơ quan công an sẽ giúp khống chế, đẩy lùi nạn tín dụng đen.
Ngân hàng tiếp cận người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa
Đoàn công tác Cơ quan Thường trực Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam làm việc tại chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hà Nam |
Tại NHNN tỉnh Hà Nam, ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc cho biết, thực hiện Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng triển khai Chỉ thị 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ, góp phần hạn chế tín dụng đen, NHNN chi nhánh tỉnh Hà Nam đã chủ động thực hiện các nhiệm vụ được phân công thuộc chức năng của NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố, với các nhóm công việc khác nhau như tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng, các gói, khoản cho vay ưu đãi đến các tầng lớp nhân dân, tuyên truyền về hoạt động hiệu quả của mô hình Quỹ tín dụng trên địa bàn. Bên cạnh đó chi nhánh đã tham mưu giúp Thống đốc, UBND tỉnh thực hiện tốt chính sách mở rộng, đa dạng các loại hình cho vay, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng trên địa bàn; phát triển công ty tài chính, tổ chức tài chính vi mô nhằm mở rộng các kênh cung cấp tài chính chính thức. Chi nhánh đặc biệt quan tâm tới công tác phát triển mạng lưới ở địa bàn nông thôn. Từ năm 2015 đến nay, đã cấp phép thành lập mới 3 Quỹ tín dụng và 10 phòng giao dịch liền kề của các Quỹ tín dụng, cấp Giấy chứng nhận 01 dự án tài chính vi mô. Với hoạt động chủ yếu gắn liền với dân cư, giao dịch thuận tiện nên mô hình Quỹ tín dụng và tài chính vi mô đang trở thành một kênh cung cấp vốn hiệu quả, từng bước xóa bỏ hụi, họ, cho vay nặng lãi ở nông thôn Hà Nam.
Ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết thêm, mặc dù tín dụng đen chưa gây ảnh hưởng nhiều đến hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh nhưng nếu các tổ chức tín dụng (TCTD) không kiểm soát chặt chẽ việc giám sát khách hàng trong sử dụng vốn vay sẽ có nguy cơ sử dụng vốn vay không đúng quy định của pháp luật, ảnh hưởng xấu đến hệ thống ngân hàng. Trong cho vay, các TCTD cần nghiêm túc tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành, duy trì và đảm bảo các chỉ tiêu an toàn, đặc biệt là kiểm soát nợ xấu, từ đó góp phần quan trọng hạn chế tín dụng đen.
Đối với Thanh Hóa, ông Nguyễn Thành An – Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh cho biết, với diện tích lớn thứ 5 và dân số lớn thứ 3 trong số các đơn vị hành chính tỉnh trên toàn quốc, trên địa bàn hiện có 103 TCTD hoạt động (chủ yếu là chi nhánh), bao gồm 14 chi nhánh NHTMNN, 18 chi nhánh NHTMCP, 2 tổ chức tài chính vi mô, 1 tổ chức tín dụng hợp tác, 67 Quỹ tín dụng nhân dân và 1 Phòng giao dịch kiều hối. Để góp phần đẩy lùi tín dụng đen, NHNN tỉnh đã có văn bản gửi các TCTD về việc triển khai Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng, chỉ đạo các TCTD tăng cường minh bạch hồ sơ vay vốn, chỉ đạo các TCTD như Agribank, VietinBank, BIDV, Vietcombank, LienVietPostBank tăng cường cho vay tiêu dùng tới các cá nhân.
Là chi nhánh ngân hàng có hệ thống mạng lưới tới vùng sâu, vùng xa, các huyện miền núi, ông Tống Thành Trung – Phó Giám đốc Agribank chi nhánh Thanh Hóa cho biết, bên cạnh công tác tuyên truyền dưới hình thức và qua nhiều kênh thông tin như qua các hội nghị tổ vay vốn, các buổi giải ngân tại cơ sở, in tờ rơi, pano, áp phích, chi nhánh Agribank tỉnh Thanh Hóa đã triển khai hàng loạt giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân tiếp cận vốn ngân hàng để sản xuất kinh doanh và đáp ứng các nhu cầu vốn tiêu dùng hợp lý, góp phần hạn chế tín dụng đen xuất hiện. Có thể kể đến như: đẩy mạnh cho vay thông qua tổ vay vốn (tính đến 30/6/2019, dư nợ đạt gần 5,1 nghìn tỷ đồng, tăng trên 220 tỷ đồng so với đầu năm, bình quân gần 70 triệu đồng/khách hàng); đẩy mạnh hoạt động tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2015; tập trung triển khai thực hiện Chương trình tín dụng tiêu dùng đối với khách hàng cá nhân hộ gia đình theo chương trình ưu tiên của Agribank, trong đó đã rút ngắn thời gian thẩm định, thực hiện xét duyệt và giải ngân ngay trong ngày khi nhận được đầy đủ bộ hồ sơ hợp lệ (6 tháng đầu năm, doanh số cho vay chương trình đạt trên 6,5 tỷ đồng với tổng số trên 231 khách hàng; dư nợ bình quân gần 26 triệu đồng/khách hàng). Đặc biệt, mô hình điểm giao dịch lưu động bằng xe ô tô chuyên dùng ở các huyện vùng sâu, vùng xa nơi điều kiện đi lại của người dân còn gặp nhiều khó khăn trở ngại là một cách làm hay, sáng tạo của Agribank đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân tiếp cận được vốn vay và các dịch vụ do Agribank cung cấp (tính đến ngày 30/6/2019 đã phục vụ gần 3.200 lượt khách hàng với trên 3.300 bút toán giao dịch khác nhau). Mặc dù việc đi lại vất vả song mô hình xe ngân hàng lưu động này thực sự có hiệu quả, tác dụng trực tiếp đến người dân, tạo điều kiện cho nhiều người dân tiếp cận và sử dụng dịch vụ, sản phẩm của ngân hàng.
Với VietinBank, theo ông Phạm Văn Nam – Phó Giám đốc chi nhánh Thanh Hóa, ngân hàng quán triệt luôn giữ tính chủ động rất cao trong việc tiếp cận, tìm kiếm khách hàng, không ngồi chờ khách hàng tự tìm đến. Các giải pháp mà chi nhánh đang triển khai để góp phần hạn chế tín dụng đen là đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, trong đó chú ý tới thời gian xử lý hồ sơ nhanh, kiểm soát hồ sơ cấp tín dụng nhanh để khách hàng không bị gián đoạn vốn trong quá trình kinh doanh – khiến tín dụng đen có chỗ len chân. Bên cạnh đó, chi nhánh đẩy mạnh áp dụng công nghệ tiên tiến triển khai các hoạt động cho vay online, mở thẻ online giúp khách hàng dễ tiếp cận, không cần đến ngân hàng giao dịch.
Sự vào cuộc tích cực, chặt chẽ của cả bộ máy chính trị giúp “chặn” tín dụng đen
Ông Nguyễn Thành An - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại buổi làm việc |
Thanh Hóa là một trong những trường hợp điển hình thành công trong việc khống chế, đẩy lùi nạn tín dụng đen nhờ sự tổng hợp sức mạnh của nhiều cơ quan, đơn vị như ngân hàng, công an, chính quyền cũng như các các sở, ban ngành liên quan. Ông Nguyễn Thành An cho biết, Thanh Hóa từng là một trong những trọng điểm về tín dụng đen với 143 vụ đã được triệt phá, khởi tố, bắt giam, trong đó có 2 công ty lớn, phạm vi hoạt động trên toàn quốc (Trường Cửu, Nam Long). Các ổ nhóm cho vay tín dụng đen này thường núp bóng dưới hình thức thành lập công ty kinh doanh với nhiều hình thức kinh doanh như cầm đồ, thuê lại tài sản, xây dựng… để cho vay nặng lãi, nhiều trường hợp lãi suất tương đương 180%/năm.
Tuy nhiên, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là cơ quan công an, hoạt động tín dụng đen trên địa bàn tỉnh nay đã được khống chế thành công, Thanh Hóa trở thành một trong các điển hình về xử lý tín dụng đen. Với sự phối hợp của Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, từ cuối năm 2018 đến nay, Công an tỉnh đã nhiều lần ra quân, triệt phá các ổ nhóm, đường dây tín dụng đen có quy mô lớn. UBND tỉnh thì tổ chức các chiến dịch gỡ bỏ, làm sạch các biển, tờ quảng cáo tín dụng đen dán trên tường, cột điện tại các ngõ, thôn, đường…
Ông Nguyễn Toàn Thắng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Thanh Hóa |
Về phía ngành Ngân hàng, bên cạnh các giải pháp triển khai trong hệ thống các TCTD, đã có sự phối hợp rất tốt với cơ quan công an cũng như các cơ quan khác có liên quan như tham gia các đoàn kiểm tra hoạt động của các công ty tài chính trên địa bàn, gửi các văn bản cho cơ quan công an về việc tính toán lãi suất và xác định mức độ vi phạm về cho vay tài chính hay gửi văn bản tới Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc cấp giấy phép chưa đúng đối với các công ty tài chính nhằm ngăn chặn việc biến tướng cho vay nặng lãi. NHNN tỉnh cũng đã phối hợp với Đài Truyền hình, Đài phát thanh tỉnh tuyên truyền về hoạt động ngân hàng để người dân hiểu thêm về hoạt động của ngân hàng.
Sự quyết tâm, nỗ lực và phối hợp hành động của các đơn vị, tổ chức và cả hệ thống chính trị đã giúp đẩy lùi nạn tín dụng đen tại Thanh Hóa. Thiết nghĩ, mô hình phối hợp và cách làm hiệu quả này nên được nhân rộng để tín dụng đen khó còn chỗ để hoạt động.