TP. Hồ Chí Minh: Tín dụng tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2020

Ngô Hải| 13/05/2021 09:23
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Số liệu thống kê về hoạt động ngân hàng tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2021 vừa được Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh vừa công bố cho biết, tổng dư nợ tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng trên địa bàn tính đến ngày 1/4/2021 đạt 2.595,08 nghìn tỷ đồng, tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, dư nợ tín dụng của khối ngân hàng nhà nước đạt 768,92 nghìn tỷ đồng, chiếm 29,6% tổng dư nợ toàn hệ thống, tăng 2,1% so với tháng trước và tăng 10,3% so với cùng kỳ; dư nợ tín dụng của khối ngân hàng cổ phần đạt 1.410,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 54,3% tổng dư nợ toàn hệ thống, tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 14,5% so với cùng kỳ; dư nợ tín dụng của khối ngân hàng nước ngoài, liên doanh đạt 416,06 nghìn tỷ đồng, chiếm 16,1% tổng dư nợ toàn hệ thống, tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 3,6% so với cùng kỳ.

 

Tổng dư nợ tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng phân theo loại tiền, trong đó dư nợ tín dụng bằng VND đạt 2.418,73 nghìn tỷ đồng, chiếm 93,2% tổng dư nợ toàn hệ thống, tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2020; dư nợ tín dụng bằng ngoại tệ đạt 176,36 nghìn tỷ đồng, chiếm 6,8%, tăng 1,9% so với tháng trước và tăng 4,6% so với cùng kỳ.

Tổng dư nợ tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng phân theo thời hạn cho vay, trong đó: Dư nợ ngắn hạn đạt 1.203,37 nghìn tỷ đồng, chiếm 46,4% tổng dư nợ tín dụng, tăng 2,6% so với tháng trước và tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2020; dư nợ trung hạn, dài hạn đạt 1.391,72 nghìn tỷ đồng, chiếm 53,6% tổng dư nợ, tăng 1,2% so với tháng trước và tăng 15,4% so với cùng kỳ.

Với việc các hoạt động sản xuất kinh doanh đang trên đà phục hồi, Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh dự báo: “Nhu cầu vốn trên địa bàn sẽ còn tăng trong thời gian tới”.

Cũng theo Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh, lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn có dấu hiệu tăng nhẹ đã tác động đến nguồn vốn huy động. Tính đến đầu tháng 4/2021, tổng vốn huy động của toàn hệ thống ngân hàng trên địa bàn đạt 2.915,29 nghìn tỷ đồng, tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, vốn huy động của khối ngân hàng nhà nước đạt 833,53 nghìn tỷ đồng, chiếm 28,6% tổng vốn huy động, tăng 2,7% so với tháng trước và tăng 10,9% so với cùng kỳ; vốn huy động của khối ngân hàng thương mại cổ phần đạt 1.545,19 nghìn tỷ đồng, chiếm 53% tổng vốn huy động, tăng 0,6% so với tháng trước và tăng 17,8% so với cùng kỳ; vốn huy động của khối ngân hàng nước ngoài, liên doanh đạt 536,57 nghìn tỷ đồng, chiếm 18,4% tổng vốn huy động, giảm 1,8% so với tháng trước và tăng 12,5% so với cùng kỳ.

Nếu phân theo loại tiền, thì: Vốn huy động bằng VND đạt 2.582,68 nghìn tỷ đồng, chiếm 88,6% tổng vốn huy động, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 16,5% so với cùng kỳ 2020; vốn huy động bằng ngoại tệ đạt 332,61 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,4% tổng vốn huy động, giảm 4,6% so tháng trước và tăng 3,2% so với cùng kỳ.

Trước đó, Cục Thống kê Hà Nội cũng cho biết, tính đến hết tháng 4/2021, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn Thành phố đạt 2.250 nghìn tỷ đồng, tăng 1,4% so tháng trước và tăng 2,1% so với thời điểm kết thúc năm 2020, trong đó dư nợ cho vay đạt 2.035 nghìn tỷ đồng, chiếm 90,4% trong tổng dư nợ, tăng 1,5% và tăng 2,4%.

Về lãi suất. Trái ngược với xu hướng tăng nhẹ tại TP. Hồ Chí Minh, mặt bằng lãi suất trên địa bàn Hà Nội được các tổ chức tín dụng điều chỉnh giảm nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và cá nhân tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp hơn. Mặt bằng lãi suất cho vay bằng VND của TCTD phổ biến ở mức 5,5- 8,0%/năm đối với ngắn hạn; 7,5-9%/năm đối với trung và dài hạn. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,5%/năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP. Hồ Chí Minh: Tín dụng tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2020
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO