Đến cuối tháng 1/2024, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đạt 3.508 nghìn tỷ đồng, giảm 0,93% so với cuối năm 2023 và tăng 9,27% so với cùng kỳ. Trong khi đó, cùng kỳ năm trước, tín dụng giảm 0,48%.
Nguyên nhân tác động đến kết quả tín dụng tháng 1/2024 trên địa bàn, ngoài các yếu tố liên quan đến hoạt động tín dụng (như nhu cầu vốn của khách hàng; tình hình kinh tế xã hội và khả năng hấp thụ vốn…), thì yếu tố kỹ thuật, gắn liền với kỳ nghỉ Tết cổ truyền âm lịch và tính chất thời vụ là yếu tố chính tác động đến tăng trưởng tín dụng trong tháng 1/2024.
Theo đó, nhu cầu vốn (chủ yếu là vốn ngắn hạn ) tăng mạnh trong những tháng cuối năm 2023 (tháng 10, tháng 11 và tháng 12) để chuẩn bị cho hoạt động sản xuất kinh doanh, thương mại và dịch vụ phục vụ cho dịp Tết và dư nợ tín dụng này sẽ giảm theo kỳ hạn vay và thời hạn trả nợ vào dịp Tết nhằm không chỉ khai thác hiệu quả nguồn vốn vay, mà còn hạn chế việc phải chi trả lãi vay trong kỳ nghỉ. Điều này được phản ánh rõ nét khi dư nợ tín dụng ngắn hạn trên địa bàn tháng 1/2024 giảm 2,32%, trong khi đó, dư nợ trung dài hạn tăng 0,35% so với tháng trước.
Với diễn biến đó, để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo định hướng của Chính phủ, của NHNN, các TCTD nói chung và trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh nói riêng, các giải pháp mở rộng và tăng trưởng tín dụng sau đây nên được xem xét để tập trung triển khai:
Thứ nhất, khai thác và sử dụng vốn hiệu quả, tạo điều kiện tốt nhất cho khách hàng hiện hữu sử dụng vốn vay hiệu quả; hỗ trợ khách hàng thông qua việc đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn, dịch vụ ngân hàng. Tiếp tục xem xét điều chỉnh giảm lãi suất cho vay hợp lý, phù hợp với khả năng tài chính và xu hướng giảm lãi suất bình quân đầu vào của mỗi TCTD, với tinh thần chia sẻ, đồng hành để cùng phát triển.
Thứ hai, tiếp tục tập trung và thực hiện giải pháp tăng trưởng tín dụng vào nhóm ngành lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế; nhóm ngành lĩnh vực đang có xu hướng tăng trưởng tích cực; khách hàng tốt để hoạt động tốt hơn, tạo hiệu ứng tăng trưởng tích cực và củng cố quan hệ ngân hàng – khách hàng. Những tín hiệu tích cực về sản xuất kinh doanh của một số ngành lĩnh vực trong những ngày đầu năm mới như: có đơn hàng sản xuất; công nhân trở lại làm việc đạt tỷ lệ cao, nhiều thông tin tuyển dụng….xuất khẩu và đầu tư công tiếp tục thực hiện tốt, là những yếu tố thuận lợi, cần quan tâm, tiếp cận và hỗ trợ doanh nghiệp về vốn, dịch vụ ngân hàng để duy trì và thúc đẩy đà tăng trưởng.
Thứ ba, thực hiện các giải pháp liên quan đến kích thích sản xuất kinh doanh; kích thích nhu cầu vay vốn. Trong đó, bên cạnh những thuận lợi về lãi suất, về thị trường tiền tệ, về hạn mức tín dụng…, cần tổ chức thực hiện các gói tín dụng ưu đãi, các sản phẩm tín dụng linh hoạt, hấp dẫn và thuận lợi cho khách hàng, doanh nghiệp để kích thích doanh nghiệp đầu tư, vay vốn mở rộng và phát triển sản xuất kinh doanh. Trong quá trình này, tiếp tục thực hiện tốt và thực chất hoạt động cải cách hành chính và bằng hành động cụ thể, thiết thực, mang lại tiện ích, tiện lợi và sự hài lòng cho khách hàng để không chỉ giúp khách hàng thuận lợi trong quan hệ giao dịch với khách hàng mà còn hỗ trợ, tư vấn, thông tin cho khách hàng củng cố và phát triển quan hệ ngân hàng – khách hàng bền vững, làm cơ sở mở rộng và tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả.
Trong bối cảnh được dự báo còn nhiều khó khăn thách thức, việc chủ động và thực hiện tốt các giải pháp tín dụng của các TCTD sẽ không chỉ hạn chế tác động của những khó khăn khách quan, khó khăn từ phía thị trường mà còn góp phần đảm bảo hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sự ổn định trong hoạt động sản xuất kinh doanh để tăng trưởng và phát triển. Kết quả này, sẽ tác động tích cực trở lại đối với tăng trưởng tín dụng của các TCTD và góp phần thực hiện tốt định hướng tăng trưởng tín dụng của NHNN trong năm 2024.