Hoạt động ngân hàng

Quyết tâm triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy mạnh tín dụng ngân hàng tại Khu vực 5

Quỳnh Lê 18/03/2025 22:24

Ngày 18/3, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội nghị đẩy mạnh tín dụng ngân hàng, góp phần tăng trưởng kinh tế Khu vực 5 (bao gồm các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn). Ông Đoàn Thái Sơn, Phó Thống đốc NHNN và ông Nguyễn Huy Dũng, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đồng chủ trì hội nghị

Tham gia hội nghị có các Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, UBNN các tỉnh cùng lãnh đạo các vụ, cục NHNN, lãnh đạo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, lãnh đạo các tổ chức tín dụng (TCTD), doanh nghiệp, Hiệp hội trên địa bàn Khu vực 5.

dsc03672.jpeg
Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn phát biểu tại hội nghị

Thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp tăng cường đầu tư vốn tín dụng

Tại hội nghị, ông Lê Quang Huy, Giám đốc NHNN Khu vực 5 đã trình bày báo cáo của NHNN Khu vực 5 về tình hình hoạt động ngân hàng trên địa bàn, những khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị nhằm đẩy mạnh tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Theo đó, NHNN Khu vực 5 có phạm vi quản lý 6 tỉnh, địa bàn các tỉnh có điều kiện kinh tế- xã hội phát triển khá chênh lệch giữa miền núi, trung du và đồng bằng; khoảng cách địa lý giữa trụ sở tại Thái Nguyên và một số tỉnh khá xa, giao thông đi lại khó khăn, cơ sở hạ tầng còn hạn chế, đặc biệt các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Mạng lưới hoạt động của các TCTD trên địa bàn Khu vực 5 được mở rộng từ trung tâm thành thị đến các huyện, miền núi, vùng sâu, vùng xa, đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ tài chính, tiền tệ, ngân hàng và phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Toàn khu vực có 36 TCTD đang hoạt động với 136 chi nhánh cấp 1; 3 chi nhánh tổ chức tài chính vi mô (TYM) và 49 quỹ tín dụng Nhân dân (QTDND); 52 chi nhánh cấp huyện, thành phố, thị xã của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; 449 phòng giao dịch trực thuộc các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn.

Ông Lê Quang Huy cho biết, tổng nguồn vốn huy động Khu vực 5 đến ngày 28/2/2025 đạt hơn 567 nghìn tỷ đồng, tăng 1,29% so với cuối năm 2024, chiếm 3,7% nguồn vốn huy động toàn quốc, đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn tín dụng trên địa bàn.

Tổng dư nợ tín dụng Khu vực 5 đến ngày 28/2/2025 đạt gần 512 nghìn tỷ đồng, tăng 1,5% so với cuối năm 2024, chiếm khoảng 3,25% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

Trong đó, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bắc Giang có số lượng TCTD và quy mô hoạt động lớn, tổng nguồn vốn huy động và dư nợ tín dụng chiếm thị phần chủ yếu, chiếm 85,04% tổng dư nợ của Khu vực 5; hoạt động ngân hàng tại các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn có quy mô nhỏ, tăng trưởng còn thấp do điều kiện kinh tế - xã hội tỉnh miền núi, còn nhiều khó khăn.

Về cơ cấu tín dụng theo ngành, lĩnh vực, dư nợ tín dụng đối với ngành nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 45 nghìn tỷ đồng, chiếm 8,79% trên tổng dư nợ của Khu vực 5; dư nợ đối với ngành công nghiệp và xây dựng đạt khoảng 155 nghìn tỷ đồng, chiếm 30,33%; dư nợ tín dụng đối với ngành thương mại dịch vụ đạt khoảng 311,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 60,88%.

Tín dụng tiếp tục được tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các chương trình tín dụng phát huy tiềm năng thế mạnh của các địa phương, kết quả đến ngày 28/2/2025, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 163,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 31,96% trên tổng dư nợ toàn khu vực.

dsc03680.jpeg
Ông Lê Quang Huy, Giám đốc NHNN Khu vực 5

Tỷ lệ nợ xấu toàn khu vực ở mức 1,01%/tổng dư nợ, có cải thiện so với năm 2023 (tỷ lệ nợ xấu khu vực cuối năm 2023 là 1,08%). Đảm bảo nợ xấu trong tầm kiểm soát và nhận diện đúng rủi ro theo các chuẩn mực trong hoạt động ngân hàng...

Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Lê Quang Huy cũng chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc trong hoạt động ngân hàng tại khu vực. Chẳng hạn, do đặc thù trên địa bàn có nhiều khu, cụm công nghiệp với số lượng lớn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, có nhiều đơn vị hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu nên phát sinh khối lượng lớn thủ tục cấp phép hoạt động đầu tư đối với doanh nghiệp, xác nhận vay trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp.

Một số quy trình, thủ tục đăng ký, xác nhận đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chưa được thực hiện hoàn toàn trên môi trường điện tử, gây khó khăn, mất nhiều thời gian cho doanh nghiệp và cho cơ quan quản lý Nhà nước trong thực hiện cũng như ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, tiến độ thanh toán qua ngân hàng...

Định hướng hoạt động trong thời gian tới, ông Lê Quang Huy nêu rõ, NHNN Khu vực 5 sẽ triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 01/CT-NHNN của NHNN Việt Nam về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2025. Phấn đấu giữ ổn định thị trường tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng trên địa bàn; giảm lãi suất để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, tiếp tục triển khai có hiệu quả, thiết thực chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp bằng các hình thức phù hợp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của người dân doanh nghiệp trong quan hệ tín dụng với ngân hàng.

Tăng cường kết nối ngân hàng - doanh nghiệp

Phát biểu tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp trên địa bàn Khu vực 5 đều ghi nhận sự đồng hành với tinh thần trách nhiệm cao của ngành Ngân hàng, thể hiện không chỉ ở việc cấp vốn kịp thời mà còn cùng doanh nghiệp chia sẻ, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là sự đồng hành của NHNN và các ngân hàng thương mại trong việc khắc phục những hậu quả do bão số 3 để lại.

"NHNN đã kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp thông qua các chính sách góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối. Bên cạnh đó, thực hiện và chú trọng cải cách hành chính, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp Việt Nam", đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên cho biết.

dsc03679.jpeg
Toàn cảnh hội nghị

Mặt khác, đại diện các doanh nghiệp và hiệp hội ngành nghề trên địa bàn cũng kiến nghị ngành Ngân hàng tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, xem xét nới lỏng điều kiện vay vốn.

"Đề nghị NHNN chỉ đạo các NHTM bám sát nghị quyết của Đảng bộ từng tỉnh trong khu vực, đối với các dự án trọng điểm để có thể có cơ chế linh hoạt, đặc thù riêng cho từng dự án, có chính sách ưu đãi lãi suất phù hợp cho các chủ đầu tư dự án. Chẳng hạn như tại Thái Nguyên, nên tạo điều kiện đặc biệt cho các nữ doanh nhân phát triển ngành chè, nâng tầm thành nông sản mạnh toàn quốc, đạt quy mô tỷ USD vào năm 2030 như mục tiêu đề ra", đại diện CTCP Thương mại Thái Hưng đề xuất.

Đại diện các doanh nghiệp đồng thời đề xuất triển khai thêm các gói tín dụng ưu đãi dành riêng cho doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển các ngành kinh tế xanh; cắt giảm thủ tục hành chính, đặc biệt phê duyệt tín dụng; số hoá, đồng bộ hoá trong giao dịch giữa khách hàng và ngân hàng; tạo điều kiện tiếp cận tín dụng ưu đãi đối với các hộ gia đình, hợp tác xã, chủ trang trại, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp hàng hóa, sản phẩm...

z6422159499250_96b889b06f925968f3ac559f3d4d0b33.jpg
Ông Đoàn Ngọc Lưu, Phó Tổng Giám đốc Agribank phát biểu tại hội nghị

Về phía các ngân hàng, ông Đoàn Ngọc Lưu, Phó Tổng Giám đốc Agribank thông tin, tại địa bàn 6 tỉnh thuộc NHNN Khu vực 5, Agribank hiện có 9 chi nhánh loại I, 62 chi nhánh loại II và 87 phòng giao dịch. Hoạt động của các chi nhánh cơ bản hiệu quả, ổn định, luôn đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội trên các tỉnh trong khu vực.

Theo đó, đến ngày 15/3/2025, dư nợ của 9 chi nhánh thuộc Khu vực 5 của Agribank đạt hơn 111 nghìn tỷ đồng, phục vụ 191 nghìn khách hàng, chiếm tỷ trọng dư nợ lớn nhất 21,5% trong khu vực (512 nghìn tỷ đồng), chiếm 6,5% tổng dư nợ của Agribank. Dự kiến cả năm tăng trưởng tín dụng các chi nhánh trong khu vực này sẽ đạt 13 nghìn tỷ đồng, quy mô dư nợ đến cuối năm 2025 ước đạt 125 nghìn tỷ đồng.

Ông Đoàn Ngọc Lưu đề xuất chính quyền các địa phương quan tâm chỉ đạo, đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến việc triển khai các dự án đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư tại các khu công nghiệp trên địa bàn, hỗ trợ các TCTD kết nối khách hàng đầu tư vốn tín dụng, thúc đẩy phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, đề nghị NHNN Khu vực 5 quan tâm, hỗ trợ kịp thời cho các TCTD trong đó có các chi nhánh của Agribank trên địa bàn, đảm bảo hoạt động thông suốt, hiệu quả, đặc biệt trong công tác ngân quỹ, định hướng đầu tư tín dụng phù hợp với hồ sơ kinh tế địa phương.

kdk_3763-1.jpg
Ông Nguyễn Việt Cường, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank phát biểu tại hội nghị

Đại diện Vietcombank, ông Nguyễn Việt Cường, Phó Tổng Giám đốc cho biết, Vietcombank hiện có 7 chi nhánh trên địa bàn khu vực, đây cũng là khu vực có đóng góp quan trọng trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Trong năm 2025, Vietcombank sẽ tập trung cho mục tiêu tăng trưởng tín dụng, ưu tiên tập trung vào các lĩnh vực như đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng. Đồng thời, ngân hàng luôn sẵn sàng đồng hành cùng các doanh nghiệp thúc đẩy các dự án đầu tư công...

Triển khai đồng bộ các giải pháp

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Huy Dũng, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên khẳng định, việc thành lập NHNN khu vực 5 và đặt trụ sở tại Thái Nguyên là niềm vinh dự và tự hào của người dân tỉnh Thái Nguyên. Ông Nguyễn Huy Dũng đồng thời chia sẻ một số giải pháp trọng tâm mà tỉnh Thái Nguyên đang tập trung thực hiện tốt để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư trên địa bàn.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy thành tích, thành quả đã đạt được trong thời gian qua để thúc đẩy hoạt động của NHNN Khu vực 5 được hiệu quả hơn nữa", ông Nguyễn Huy Dũng khẳng định và đề nghị chính quyền các địa phương trong khu vực cùng nhau đồng hành, chia sẻ vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn khu vực.

z6418770461399_5bcd2faec6cebc2bc588dcc30c63c78e.jpg
Ông Đoàn Thái Sơn, Phó Thống đốc NHNN và ông Nguyễn Huy Dũng, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đồng chủ trì hội nghị

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn đánh giá cao sự đồng hành của chính quyền của các địa phương trong khu vực đối với hoạt động của ngành Ngân hàng, chung tay cùng ngành Ngân hàng thực hiện các mục tiêu chung của đất nước.

Phó Thống đốc cho biết, thời gian qua, toàn ngành Ngân hàng đã nỗ lực triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng cường tín dụng cho sản xuất, kinh doanh của khách hàng. Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được thực hiện trên phương châm chia sẻ khó khăn và đồng hành cùng với người dân, doanh nghiệp bằng chính nguồn lực của ngành Ngân hàng, vì vậy, các TCTD đã điều chỉnh kế hoạch, chỉ tiêu kinh doanh, lợi nhuận, giảm lãi suất để có điều kiện hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp.

Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong khu vực, thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục bám sát chỉ đạo và các chương trình kinh tế xã hội của các địa phương trong khu vực, thực hiện đồng bộ các giải pháp về điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng.

Đối với NHNN Khu vực 5, Phó Thống đốc đề nghị khẩn trương phối hợp với các đơn vị chuyên môn tập trung rà soát, khẩn trương triển khai quy trình, nghiệp vụ, các hệ thống công nghệ thông tin có liên quan đến các hoạt động nghiệp vụ cụ thể của NHNN theo mô hình tổ chức mới, đảm bảo an toàn, thông suốt. Thường xuyên theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế - xã hội và tiền tệ, hoạt động ngân hàng trong khu vực được giao quản lý để kịp thời chủ động xử lý và tham mưu đề xuất xử lý các nhiệm vụ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao.

Đối với các TCTD, Phó Thống đốc quán triệt triển khai thực hiện theo chỉ đạo của Thống đốc tại Chỉ thị 01/CT-NHNN, bám sát và kịp thời triển khai các chỉ đạo mới của Thống đốc và NHNN trong thời gian tới. Tập trung Tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro....

Bên cạnh các giải pháp của ngành Ngân hàng, Phó Thống đốc đề nghị các sở, ban, ngành, các hội, hiệp hội liên quan trên địa bàn khu vực tiếp tục đồng hành, hỗ trợ triển khai các giải pháp, chính sách hiệu quả, đồng bộ, giúp người dân, doanh nghiệp của khu vực ổn định sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội bền vững, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà Chính phủ, các địa phương đã đề ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quyết tâm triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy mạnh tín dụng ngân hàng tại Khu vực 5
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO