Triển vọng ngân hàng năm 2022 phụ thuộc vào tốc độ phục hồi của nền kinh tế

Thanh Hải (thực hiện)| 31/01/2022 06:40
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, triển vọng ngành Ngân hàng năm 2022 phụ thuộc rất lớn vào khả năng khống chế dịch bệnh COVID-19, cũng như tốc độ phục hồi của nền kinh tế. Nếu tốc độ phục hồi của nền kinh tế tốt, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế tăng lên, hoạt động cung ứng vốn cho nền kinh tế của hệ thống ngân hàng sẽ được tăng cường, chất lượng tài sản cũng như thu nhập của ngân hàng nhờ đó sẽ tốt hơn.

TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

Phóng viên: Năm 2021 khép lại với nhiều khó khăn thách thức cho nền kinh tế nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng. Thời điểm này, nhìn lại những gì ngành Ngân hàng đã trải qua trong năm qua, ông có đánh giá như thế nào?

TS. Nguyễn Quốc Hùng: Có thể nói năm Tân Sửu – 2021, là năm hết sức đặc biệt, đánh dấu một sự kiện không thể nào quên, đó là dịch COVID-19, đặc biệt là làn sóng dịch lần thứ 4 đã để lại những tác động tiêu cực chưa từng có tiền lệ đối với kinh tế - xã hội. Cũng như mọi lĩnh vực, ngành nghề khác, hoạt động tài chính – ngân hàng cũng chịu những tác động tiêu cực từ đại dịch.

Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành vào cuộc rất quyết liệt, hầu như cả nước đều căng mình chống dịch, từ đầu quý III/2021 nhiều tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16, Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ (trong đó có 2 đầu tầu kinh tế là TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh) đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế. Lần đầu GDP ghi nhận mức tăng trưởng âm trong quý III/2021. Trong bối cảnh đó, ngành Ngân hàng cũng gặp không ít khó khăn song đã chủ động ban hành chính sách cũng như sửa đổi bổ sung phù hợp với thực tiễn diễn biến của dịch bệnh nhằm  hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn. Chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được điều hành linh hoạt, chủ động, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ đà phục hồi kinh tế phù hợp với diễn biến của dịch bệnh, thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ “vừa chống dịch, vừa đảm bảo phát triển kinh tế”…

Kết quả đến ngày 20/12/2021, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ với giá trị nợ đã cơ cấu lũy kế từ khi có dịch đạt hơn 607 nghìn tỷ đồng; hiện có hơn 775 nghìn khách hàng đang được tiếp cận chính sách, với dư nợ gần 300 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 2 triệu khách hàng với dư nợ hơn 3,87 triệu tỷ đồng. Tổng số tiền lãi TCTD đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 34,9 nghìn tỷ đồng; cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ ngày 23/1/2020 đến nay đạt trên 7 triệu tỷ đồng. Ngoài ra, các TCTD cũng đã tích cực tham gia các hoạt động ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19, số tiền hơn 3.500 tỷ đồng.

Riêng Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) đã thực hiện gia hạn nợ với dư nợ 6.305 tỷ đồng, cho vay mới đối với 3.505.557 khách hàng với số tiền 135.198 tỷ đồng. 

Mặc dù gặp không ít khó khăn và đối mặt với rủi ro nợ xấu tăng cao trong tương lai bởi dịch bệnh, song có thể nói trong năm qua các TCTD đã làm được một số điểm nổi bật.

Thứ nhất, các TCTD nâng cao năng lực tài chính thông qua việc tăng vốn điều lệ. Từ đầu năm đến nay, đã có hơn 20 ngân hàng, công ty liên tục đẩy mạnh tăng vốn bằng nhiều hình thức và đã được NHNN chấp thuận về tăng vốn điều lệ…

Thứ hai, công cuộc chuyển đổi số trong ngành tài chính - ngân hàng diễn ra khá sôi động, các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trở nên phổ biến hơn, tăng cả về lượng và chất. Cũng nhờ đẩy mạnh chuyển đổi số đã giúp ngành Ngân hàng vẫn duy trì sự ổn định trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, đảm bảo các giao dịch thông suốt, nâng cao trải nghiệm khách hàng và đáp ứng được mọi nhu cầu của khách hàng.

Thứ ba, hoạt động M&A trong mảng tài chính - ngân hàng tiếp tục diễn ra sôi động. Thương vụ lớn nhất trong năm là SMBC mua lại 49% vốn của FE CREDIT. Thương vụ này là một phần trong động thái của SMBC để nắm bắt cơ hội phát triển hơn nữa ở châu Á khi FE CREDIT chiếm khoảng 50% thị phần trên thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam. 

Tóm lại, trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát mạnh, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, việc điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng được thực hiện một cách linh hoạt dù phải đối mặt với nhiều thách thức để vừa tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ phục hồi kinh tế, vừa kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an toàn hệ thống.

Phóng viên: Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, không ít doanh nghiệp đã phải ngừng hoạt động, người dân mất việc, số còn lại cũng đang rất khó khăn để khôi phục sản xuất kinh doanh. Điều này ảnh hưởng ra sao đến hoạt động của ngành Ngân hàng, thưa ông?

TS. Nguyễn Quốc Hùng: Với vai trò là “huyết mạch” của nền kinh tế,  khi nền kinh tế khó khăn do đại dịch COVID- 19 thì hoạt động của ngành Ngân hàng chắc chắn cũng bị ảnh hưởng. 

Tuy nhiên thời gian qua, các ngân hàng giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bằng chính nguồn lực tài chính của mình, thực chất là doanh nghiệp hỗ trợ doanh nghiệp, hơn nữa thực hiện Thông tư 01, Thông tư 03, Thông tư 14 của NHNN làm tăng áp lực trích dự phòng rủi ro tối thiểu 30% năm kể từ 2021.

Với thực tế hiện nay, toàn bộ dư nợ được cơ cấu nợ là nợ dưới chuẩn, khả năng trở thành nợ xấu là rất cao. Chưa kể do đứt gãy chuỗi cung ứng, nhiều doanh nghiệp đang nợ nhóm 1 với lãi dự thu được hạch toán vào thu nhập, song đến thời điểm trả nợ gặp khó khăn, các TCTD sẽ phải loại ra khỏi thu nhập và lúc đó ngành Ngân hàng sẽ chịu áp lực nợ xấu, tăng trích dự phòng rủi ro, và loại dự thu ra khỏi thu nhập. 

Bên cạnh đó, vòng quay vốn tín dụng thấp có thể ảnh hưởng đến khả năng thanh khoản. Vì vậy, trong tương lai ngành Ngân hàng sẽ gặp nhiều khó khăn cần được nhìn nhận một cách khách quan và cần được cộng đồng chia sẻ. 

Dù đứng trước những áp lực, rủi ro như trên song ngành Ngân hàng vẫn đang rất tích cực chia sẻ, đồng hành, hỗ trợ nhằm giúp doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn... như số liệu đã công bố ở trên.

Phóng viên: Với những kết quả ngành Ngân hàng đạt được trong năm qua, cùng với kịch bản phục hồi nền kinh tế trong trạng thái bình thường mới như hiện nay, ông có dự báo như thế nào về triển vọng ngành Ngân hàng năm 2022? 

TS. Nguyễn Quốc Hùng: Theo tôi, triển vọng ngành Ngân hàng năm 2022 phụ thuộc rất lớn vào khả năng khống chế dịch bệnh COVID-19, cũng như tốc độ phục hồi của nền kinh tế. Nếu tốc độ phục hồi của nền kinh tế tốt, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế tăng lên, đồng nghĩa với khả năng trả nợ của doanh nghiệp, người dân cao hơn, hoạt động cung ứng vốn cho nền kinh tế, cho vay bán lẻ, tiêu dùng của hệ thống ngân hàng sẽ được tăng cường, chất lượng tài sản cũng như thu nhập của ngân hàng nhờ đó sẽ tốt hơn. Trong trường hợp ngược lại, nếu tốc độ phục hồi của nền kinh tế chậm/thấp hơn dự kiến, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn khó khăn sẽ ảnh hưởng tới hoạt động của ngân hàng khi phải tăng trích lập dự phòng nợ xấu, thu nhập từ lãi giảm, gia tăng nợ xấu... 

Điểm sáng về triển vọng ngành Ngân hàng trong năm tới chính là các khoản thu nhập từ phí (phí dịch vụ, bancassurance...) – một trong những động lực tăng trưởng của ngành Ngân hàng thời gian qua – tiếp tục sẽ được phát huy trong thời gian tới. Bên cạnh đó, với tốc độ chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng đang diễn ra vô cùng mạnh mẽ, các ngân hàng có cơ hội kiểm soát chi phí hoạt động tốt hơn. Cùng với đó là việc nỗ lực nâng cao tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cũng như tiếp cận các nguồn vốn bán buôn với chi phí rẻ hơn sẽ giúp ngân hàng giảm chi phí vốn. Những yếu tố này sẽ tạo điều kiện cho ngân hàng có được thu nhập tốt hơn. 

Ngoài ra, không thể không nhắc tới hoạt động M&A trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, đặc biệt là các thương vụ M&A của các công ty tài chính tiêu dùng. Xu hướng này sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2022, đem lại nguồn thu lớn cho các ngân hàng sở hữu các công ty tài chính. 

Phóng viên: Từ những khó khăn, thách thức được dự báo trong năm 2022, với vai trò cầu nối liên kết, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức hội viên, Hiệp hội Ngân hàng sẽ có những giải pháp như thế nào để giúp các tổ chức hội viên vượt qua khó khăn, thưa ông?

TS. Nguyễn Quốc Hùng: Bước sang năm 2022, trước những khó khăn, thách thức ngành Ngân hàng sẽ phải đối mặt, với vai trò cầu nối liên kết, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức hội viên, Hiệp hội sẽ tiếp tục phát huy tốt vai trò liên kết hội viên và làm cầu nối giữa các tổ chức hội viên với cơ quan quản lý Nhà nước, tạo sự đồng thuận cao trong việc thực thi chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN. Kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc của tổ chức hội viên, để kiến nghị các cơ quan liên quan có giải pháp tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức hội viên trong quá trình hoạt động. Tích cực tham gia, đóng góp trong công tác xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động ngân hàng nhằm hỗ trợ về nghiệp vụ và pháp lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức hội viên.

Ngoài ra, công tác truyền thông tiếp tục được tăng cường, hỗ trợ cho tổ chức hội viên bằng cách nắm bắt sát thông tin, tình hình, phối hợp chặt chẽ, tích cực hơn giữa đơn vị truyền thông của Hiệp hội là Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ bản giấy và  Tạp chí điện tử (https://thitruongtaichinhtiente.vn), trang tin của Hiệp hôi (http://vnba.org.vn)... với các đơn vị truyền thông của hội viên, Vụ Truyền thông NHNN với các cơ quan báo chí trong và ngoài ngành.

Đồng thời, phối hợp với NHNN và các cơ quan liên quan tổ chức các sự kiện tôn vinh các tổ chức hội viên đạt hiệu quả cao trong hoạt động đối với từng lĩnh vực cụ thể, qua đó để tuyên truyền, quảng bá thương hiệu các tổ chức hội viên và Hiệp hội; tạo sự gắn kết giữa hoạt động của Hiệp hội với NHNN và các tổ chức hội viên;… Tôi tin rằng, với những giải pháp trọng tâm được đề ra, cùng với sự đoàn kết, nhất trí cao từ các tổ chức hội viên, Hiệp hội Ngân hàng chắc chắn sẽ phát huy tốt vai trò của mình trong năm 2022.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Triển vọng ngân hàng năm 2022 phụ thuộc vào tốc độ phục hồi của nền kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO