TS.Cấn Văn Lực: Ngân hàng cũng là đối tượng cần được giảm phí từ đối tác

Ngô Hải (Thực hiện)| 04/05/2020 11:52
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Theo TS.Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, ngành Ngân hàng đang chịu tác động trực tiếp từ đại dịch Covid-19. Do đó, các ngân hàng cũng là đối tượng cần được giảm phí từ các đối tác, nhất là các doanh nghiệp viễn thông.

TS.Cấn Văn Lực

Phóng viên: Dưới góc nhìn chuyên gia, ông đánh giá như thế nào về sự phát triển của thanh toán không dùng tiền mặt thời gian gần đây?

TS.Cấn Văn Lực: Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là thanh toán điện tử tăng lên khá nhanh. Số lượng và giá trị giao dịch tăng khoảng trên dưới 50%. Mặc dù có yếu tố dịch bệnh nhưng đây cũng là xu thế tất yếu trong bối cảnh ngân hàng số và xu thế thanh toán điện tử tại Việt Nam phát triển nhanh như thời gian qua.

Phóng viên: Theo ông, đâu là những thách thức đang đặt ra đối với phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam?

TS.Cấn Văn Lực: Đang có nhiều thách thức tác động đến sự phát triển của thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam. Trong đó, thách thức lớn nhất trong thanh toán không dùng tiền mặt chính là niềm tin và thói quen tiêu dùng. Bởi ở đâu đó người dân vẫn còn băn khoăn về những rủi ro mất tiền, chậm hay do thất lạc.

Tiếp đến là hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt vẫn chưa được đồng bộ, ví dụ người có tài khoản ngân hàng thanh toán sẽ thuận lợi hơn trong khi người không có tài khoản ngân hàng thì lại chưa có phương thức thanh toán thuận tiện giống như mobile money… Thực tế cho thấy, việc mobile money vẫn chưa được triển khai đang là một rào cản khiến thanh toán không dùng tiền mặt chưa phát triển. Theo tôi, cần sớm cho thanh toán bằng hình thức mobile money. Và để hoạt động được thông suốt cần phải có sự hợp tác giữa ngân hàng với tổ chức cung ứng dịch vụ mobile money để đảm bảo hệ sinh thái và khách hàng là người có lợi.

Rào cản nữa liên quan đến tình hình an ninh mạng như: phòng chống rủi ro trong thanh toán…

Cuối cùng là kinh tế ngầm, kinh tế không chính thức vẫn còn ở mức tương đối lớn, cũng là thách thức đối với sự phát triển của thanh toán không dùng tiền mặt.

Phóng viên: Nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch Covid-19, ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều đợt miễn, giảm phí giao dịch chuyển tiền cho khách hàng. Điều này có giúp kích cầu thanh toán không tiền mặt không, thưa ông?

TS.Cấn Văn Lực: Đây là một trong những biện pháp tốt để kích cầu thanh toán không dùng tiền mặt. Tuy nhiên, giải pháp quan trọng nhất vẫn là gia tăng sự tiện lợi và an toàn trong hoạt động thanh toán. Tất nhiên, để đạt được những điều này, chúng ta cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, bao gồm: tăng tính an toàn bảo mật, giảm phí thanh toán, tăng sự hiểu biết của người dân đối với lĩnh vực tài chính thông qua các chương trình giáo dục tài chính…

Phóng viên: Trong bối cảnh các ngân hàng nỗ lực chia sẻ khó khăn với khách hàng bằng cách giảm phí giao dịch, thì các doanh nghiệp viễn thông vẫn đang thu phí tin nhắn SMS của ngân hàng cao gấp 3 lần tin nhắn thông thường. Theo ông, điều này có hợp lý không?

TS.Cấn Văn Lực: Đây là điều bất hợp lý và cần phải có những điều chỉnh. Mức phí tin nhắn cũ này đã tồn tại lâu rồi, rõ ràng là không phù hợp với bối cảnh hiện nay khi chi phí giao dịch, đặc biệt qua kênh điện tử giảm rất nhiều do các ngân hàng đang đẩy mạnh miễn, giảm phí cho khách hàng. Theo đó, các chi phí về viễn thông cần phải được các nhà mạng giảm theo tương ứng.

Hơn nữa các tổ chức tín dụng cũng là những đối tượng khó khăn chịu tác động lớn từ dịch Covid-19. Họ vừa phải chịu tác động trực tiếp vừa phải chịu tác động gián tiếp từ đại dịch. Các tổ chức tín dụng cũng là đối tượng được Nhà nước giãn hoãn thuế rồi. Do đó, các ngân hàng cũng là đối tượng cần được giảm phí từ phía các đối tác, nhất là các doanh nghiệp viễn thông.

Qua tìm hiểu tôi có nhận thấy lĩnh vực viễn thông đang có dự kiến giảm phí cho người tiêu dùng vào mức khoảng 15 nghìn tỷ đồng. Có thể, có một phần nào đó sẽ được chia sẻ cho các tổ chức tín dụng để hỗ trợ giảm phí thanh toán phí chuyển tiền cho khách hàng. Tuy nhiên, mức giảm phí sẽ tùy thuộc vào mức độ đàm phán của các ngân hàng và năng lực tài chính của các công ty viễn thông hiện nay.

Phóng viên: Với vai trò của nhà nghiên cứu, theo ông, đâu là những giải pháp lâu dài để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam?

TS.Cấn Văn Lực: Có rất nhiều giải pháp, cụ thể:

Trước tiên, sớm hoàn thiện hành lang pháp lý. Dù đã có Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt nhưng đề án này đang dần lạc hậu trong bối cảnh tài chính số, ngân hàng số đang phát triển rất nhanh và mạnh.

Thứ hai, tiếp tục củng cố hạ tầng thanh toán, hạ tầng viễn thông.

Thứ ba, tăng cường hiểu biết và nhận thức của người dân thông qua các chương trình: giáo dục tài chính... để qua đó tăng niềm tin vào thanh toán không dùng tiền mặt.

Thứ tư, tăng cường các biện pháp về an ninh, an toàn, nhất là các biện pháp quản lý rủi ro, các giải pháp liên quan đến an ninh mạng

Cuối cùng, cần phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia về định danh cá nhân. Đặc biệt phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa tổ chức tín dụng với các bên liên quan.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TS.Cấn Văn Lực: Ngân hàng cũng là đối tượng cần được giảm phí từ đối tác
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO