TS. Nguyễn Sơn, Chủ tịch Trung tâm Lưu ký Chứng khoán: Không bong bóng nhưng cần kiểm soát chặt dòng tiền

Bùi Trang| 29/06/2021 17:28
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Tại cuộc Tọa đàm “Kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán” do Tạp chí Kinh tế và Dự báo tổ chức, ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Trung tâm Lưu ký chứng khoán cho rằng thời điểm hiện tại không có bong bóng tài sản nhưng cần kiểm soát chặt chẽ chu chuyển dòng tiền, nhà đầu tư cần thận trọng.

TS. Nguyễn Sơn, Chủ tịch Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam

Theo số liệu vừa công bố của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II/2021 ước tính tăng 6,61% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 0,39% của quý II/2020 nhưng thấp hơn tốc độ tăng 6,73% của quý II các năm 2018 và 2019. Tăng trưởng GDP quý II/2021 thấp hơn so với mức dự báo 7% trước đó của nhiều tổ chức. Nguyên nhân là do tình hình dịch bệnh COVID-19 trong 2 tháng qua ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Nhìn nhận về mức độ tăng trưởng kinh tế cả năm 2021, tại TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia, Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam cho rằng mức tăng trưởng GDP cả năm 2021 sẽ đạt mục tiêu theo kịch bản cơ sở từ 6,1 – 6,5% nhưng không được chủ quan với lạm phát, hết sức chú trọng ổn định kinh tế vĩ mô. TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh việc đạt mục tiêu 6,5% rất khó khăn.

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, cho rằng đợt dịch bệnh bùng phát từ dịp 30/4 – 1/5 tới nay “đánh” vào các trung tâm sản xuất của Việt Nam như Bắc Ninh, Bắc Giang - nơi giữ một tỷ trọng rất cao trong sản xuất công nghiệp, xuất khẩu điện tử. Nguy cơ còn hiện hữu ở một vùng lớn nữa là Đông Nam bộ với TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương và cả Đồng Nai…. Cùng với đó là các thách thức như khan hiếm nguồn cung, đầu vào của nhiều sản phẩm, năng lực logistic hậu cần vận tải chưa đáp ứng quá trình phục hồi kinh tế, giá cả xu hướng tăng. Đây là các rủi ro khiến cho việc đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% khó khăn hơn rất nhiều.

Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế khó khăn nhưng thị trường chứng khoán lại tăng điểm, liên tiếp xác lập những kỷ lục mới và gần đây nhất chỉ số VN-Index đã vượt ngưỡng 1.400 điểm. Điều này khiến câu hỏi liệu có bong bóng hay không được đặt ra.

Trả lời vấn đề này, TS. Nguyễn Sơn, Chủ tịch Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam cho hay, mức tăng trưởng thị trường cổ phiếu hiện nay khoảng 105% GDP, trái phiếu là khoảng 150% GDP. Đây là mức tăng trưởng khá lớn so với 20 năm vận hành thị trường chứng khoán. Chỉ số VN-Index đã vượt mức 1.400 điểm, đặc biệt là thanh khoản thị trường bình quân vào khoảng 21 – 22 nghìn tỷ đồng, nhiều phiên lên tới 30 nghìn tỷ đồng. Liệu thị trường có tăng trưởng quá nóng? Đây là câu hỏi đặt ra cho cả thị trường, cả nhà quản lý và nhà đầu tư.

TS. Nguyễn Sơn cho rằng đây là sự tăng trưởng tốt, khá phù hợp bởi về cơ bản Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh trong những tháng đầu năm 2021, mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt được kỳ vọng. Thực tế nhiều thị trường như Mỹ, Nhật, Trung Quốc… tăng trưởng kinh tế không phải cao, thậm chí thấp hoặc âm nhưng tăng trưởng thị trường vốn khá cao. Ở Việt Nam, khu vực doanh nghiệp trừ sản xuất kinh doanh thì các hoạt động tài chính, đầu tư sản xuất một số khối ngành có điểm sáng. Đây là những yếu tố cần nhìn nhận khi đánh giá thị trường có quá nóng không, có bong bóng không.

Về vốn ngoại, vốn nội, hiện, thị trường có hơn 3,3 triệu tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư, riêng 6 tháng đầu năm 2021 tăng trưởng khoảng 500 nghìn tài khoản. Tài khoản nhà đầu tư nước ngoài khoảng 40 nghìn tài khoản trong đó 5 nghìn tài khoản của các định chế đầu tư nước ngoài. Giá trị danh mục đầu tư nước ngoài có khoảng 49,5 tỷ USD. Qua theo dõi, về cơ bản, vốn ngoại bán ròng nhưng không nhiều, sau bán ròng, dòng tiền không rút ra khỏi Việt Nam mà vẫn ở trên tài khoản – tiền mặt, tức là họ đang chờ đợi cơ hội đầu tư mới. Thị trường chứng khoán Việt Nam là thị trường cận biên chưa phải thị trường mới nổi, giá trị danh mục giải ngân vào thị trường cận biên ở mức độ hợp lý nên tiền vào ở mức độ thấp.

Thời điểm hiện nay, các dòng vốn rẻ đã tập trung, sản xuất kinh doanh nhỏ chưa có hướng vào dự án đầu tư, trong giai đoạn nhất định thì thị trường bất động sản, forex, tiền kỹ thuật số, vàng, chứng khoán có sự luân chuyển giao thoa. Đây là chuyện bình thường của thị trường.   

Theo TS.Nguyễn Sơn, báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho thấy 6 tháng đầu năm dư nợ tín dụng vào chứng khoán tăng 3%, tổng dư nợ của nền kinh tế đối với cho vay chứng khoán khoảng 0,46%, khoảng 46.700 tỷ đồng nằm trong giới hạn kiểm soát. Đây là mức độ thấp, không nóng. Dòng tiền cấp 1 kiểm soát tốt nhưng qua vòng 2, vòng 3 thì chu chuyển giữa các thị trường, nhưng không lớn có thể kiểm soát được.

Dòng vốn margin do Ủy ban Chứng khoán kiểm soát cũng nằm trong tầm kiểm soát. Có lẽ dòng tiền của dân cư trước đây đầu tư ở các lĩnh vực khác giờ tạm thời đưa vào thị trường chứng khoán và tạo ra hiệu ứng tăng cho thị trường.

“Tôi không nghĩ thời điểm này là thời điểm bong bóng tài sản trong đó có các tài sản như bất động sản, chứng khoán nhưng đây là giai đoạn cần kiểm soát chặt chẽ chu chuyển các dòng tiền và đặc biệt cảnh báo nhà đầu tư cẩn trọng hơn. Suy cho cùng tăng trưởng của thị trường chứng khoán, tăng trưởng giá cổ phiếu phụ thuộc vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đây là giá trị cốt lõi căn bản của doanh nghiệp, quyết định giá trị của cổ phiếu”, TS. Nguyễn Sơn nói.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
TS. Nguyễn Sơn, Chủ tịch Trung tâm Lưu ký Chứng khoán: Không bong bóng nhưng cần kiểm soát chặt dòng tiền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO