(thitruongtaichinhtiente.vn) - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhiệm kỳ 2016-2021 Nguyễn Chí Dũng cho biết, những tháng cuối năm 2021, kinh tế nước ta có nhiều cơ hội phát triển song vẫn phải đối mặt khó khăn, thách thức; điều quan trọng nhất và ưu tiên hàng đầu là phải đẩy lùi được dịch bệnh COVID-19.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhiệm kỳ 2016-2021 Nguyễn Chí Dũng |
Báo cáo giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm trong phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội, chiều ngày 25/7, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết Chính phủ tiếp thu toàn bộ các ý kiến, sẽ chỉ đạo tổ chức nghiên cứu, xây dựng, bổ sung các giải pháp phù hợp trong chỉ đạo, điều hành kinh tế - xã hội của 6 tháng cuối năm trên quan điểm vừa nỗ lực khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức cũng như vừa tận dụng các cơ hội mới, điều hành linh hoạt trong ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Trong 6 tháng đầu năm, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19 với biến chủng mới, nhưng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt qua được khó khăn, thách thức, tập trung thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch COVID-19 vừa phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống của nhân dân.
Kết quả nổi bật là đã tổ chức thành công nhiều sự kiện chính trị quan trọng của Đảng, Nhà nước, tiếp tục duy trì ổn định tình hình và phát triển kinh tế - xã hội của 6 tháng đầu năm, với những kết quả rất tích cực. Chính phủ đã chỉ đạo công tác sơ kết và đánh giá thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của 6 tháng đầu năm để rút ra những bài học kinh nghiệm phục vụ tốt hơn cho công tác chỉ đạo điều hành của 6 tháng cuối năm. Qua đó có rút ra được 4 bài học, cụ thể:
Thứ nhất, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong phòng, chống dịch COVID-19. Quyết tâm phải lớn, nỗ lực phải cao, hành động quyết liệt, hiệu quả, khẩn trương nắm chắc tình hình thực tế, lấy phương châm hành động thần tốc hiệu quả để lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện. Đẩy nhanh việc tiêm vaccine phòng COVID-19 và coi đây là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu và có tính chất quyết định để ổn định hướng phát triển kinh tế đất nước và hoàn thành được nhiệm vụ, mục tiêu của năm 2021.
Thứ hai, phải thường xuyên rà soát và hoàn thiện thể chế tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật.
Thứ ba, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, bám sát được tình hình thực tiễn để chủ động linh hoạt, kịp thời xây dựng các kịch bản chuẩn bị cho mọi tình huống có thể xảy ra.
Thứ tư, phải khơi dậy và phát huy được tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, sức mạnh của con người Việt Nam. Chủ động thông tin kịp thời, chính xác về tình hình kinh tế - xã hội, dịch bệnh để củng cố niềm tin trong nhân dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội và tranh thủ được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.
Đánh giá tình hình những tháng cuối năm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, kinh tế nước ta vẫn đang đối mặt với những khó khăn, thách thức. Nhiều hạn chế yếu kém cần tập trung xử lý trong 6 tháng cuối năm. "Thách thức lớn nhất hiện nay là phải phấn đấu đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP của cả năm là rất khó khăn", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Giải thích rõ hơn, Bộ trưởng cho biết, nhập siêu bắt đầu xuất hiện trở lại. Xuất nhập khẩu còn phụ thuộc vào một số ít của thị trường. Tỷ trọng xuất khẩu của khu vực FDI còn cao. Các thị trường tài chính bất động sản, chứng khoán còn tiềm ẩn rủi ro. Sắp xếp và cấu trúc lại doanh nghiệp nhà nước còn chậm. Giá cả một số mặt hàng cơ bản lại tăng. Gia tăng khả năng lạm phát và ảnh hưởng đến đầu tư toàn xã hội. Khả năng đứt gãy của chuỗi sản xuất, cung ứng chiến lược phát sinh của nước ta còn gặp nhiều thách thức. Tỷ lệ dân số được tiêm chủng vaccine còn thấp. Nguy cơ có thể lỡ nhịp so với nền kinh tế thế giới vì không đủ nguồn cung và công nghệ sản xuất vắc-xin.
Thu hút nguồn vốn FDI, sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài có dấu hiệu suy giảm. Hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân còn gặp nhiều khó khăn. Lực lượng lao động làm việc trong nền kinh tế đang giảm. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi tăng. Đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn, đặc biệt là người lao động làm việc trong các khu công nghiệp bị ảnh hưởng của dịch bệnh. Giải ngân đầu tư công thì còn chậm. Công tác bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, đấu tranh phòng, chống tội phạm còn nhiều thách thức, nhất là tội phạm lừa đảo tội phạm qua mạng.
Dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng tin rằng, cơ hội của 6 tháng cuối năm có rất nhiều, đặc biệt chúng ta đã có được khí thế mới sau khi Đại hội Đảng lần thứ XIII thành công với một quyết tâm mới và có nhiều các quyết sách quan trọng. Sau khi kiện toàn tổ chức bộ máy, tác động tích cực từ xu thế phục hồi của nền kinh tế thế giới và nhiều chính sách, giải pháp trong bối cảnh COVID-19 được phát huy hiệu quả, như là việc đẩy mạnh phê duyệt các quy hoạch cũng như các chính sách hỗ trợ hiệu quả đời sống của người lao động, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã. Giải pháp phát triển thị trường xuất nhập khẩu, củng cố và chiếm lĩnh thị trường nội địa cũng như quá trình chuyển đổi số, nhất là chuyển đổi số cho các doanh nghiệp được đẩy mạnh, tiếp tục thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính về đất đai, xây dựng, đấu thầu, đấu giá, giải phóng mặt bằng, giải ngân vốn đầu tư công...
"Điều quan trọng nhất trong 6 tháng cuối năm đó là kiểm soát và đẩy lùi được dịch bệnh COVID-19, nhất là ở các khu vực động lực, thành phố lớn, khu công nghiệp. Đây là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, cũng là điều kiện cần, quan trọng nhất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ trưởng, việc triển khai thực hiện các giải pháp cần được phân cấp mạnh mẽ, tạo sự chủ động, linh hoạt, điều chỉnh trọng tâm hợp lý giữa các mục tiêu kiểm soát dịch với tăng trưởng kinh tế, gắn liền với bối cảnh và tình hình cụ thể của mỗi địa phương, tổ chức sản xuất, kinh doanh an toàn, phấn đấu đạt kết quả cao nhất, không đánh đổi sức khỏe và sự an toàn của người dân đối với tăng trưởng bằng mọi giá.