VCCI kiến nghị một loạt giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

Thanh Thanh| 07/04/2020 17:56
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngoài các giải pháp đang được các bộ ngành và địa phương triển khai, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), TS Vũ Tiến Lộc hôm 6/4 đã gửi công văn tiếp tục kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ một loạt giải pháp mới hỗ trợ doanh nghiệp (DN), trong đó có giải pháp về chính sách tín dụng…

Gần 35 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường

Theo Chủ tịch VCCI, dịch bệnh đang là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng suy giảm của DN. Trong 3 tháng đầu năm, cả nước đã có tới gần 35 nghìn DN rút lui khỏi thị trường. “Đây là con số kỷ lục từ trước đến nay. Lần đầu tiên sau hàng thập kỷ, số lượng DN rút lui khỏi thị trường lớn hơn số DN đăng ký thành lập mới…”- TS Vũ Tiến Lộc nhận xét.

 Theo một kết quả khảo sát nhanh của VCCI được triển khai cuối tháng 3 đầu tháng 4 thì tác động của đại dịch Covid - 19 đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của DN là rất nghiêm trọng. Có tới gần 85% DN trong mẫu khảo sát cho biết dịch bệnh đã làm cho thị trường tiêu thụ của họ bị thu hẹp, gần 60% DN cho rằng dịch bệnh khiến họ thiếu vốn và đứt dòng tiền cho kinh doanh, trên 40% DN cho biết đại dịch gây thiếu nguồn cung nguyên liệu, 43% DN phải thu hẹp quy mô lao động do thiếu việc làm. 82% DN cho rằng doanh thu năm 2020 của họ sẽ bị sụt giảm so với năm 2019. Và có 30% DN dự báo có thể tụt giảm tới 30-50% doanh thu và 22% sẽ tụt giảm trên 50%.

Cũng theo kết quả khảo sát của VCCI, nếu tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp thì có tới gần 30% số DN chỉ có thể duy trì hoạt động được không quá 3 tháng, 50% DN chỉ trụ được nửa năm. Trên 75% số DN thì cho rằng sẽ phải thu hẹp quy mô lao động và  gần 10% số DN phải giảm quy mô lao động tới 50% so với hiện nay. Chỉ có chưa đầy 1% số DN gia tăng lao động. Hệ lụy của xu hướng này là hàng triệu lao động sẽ có nguy cơ mất việc làm trong những tháng tới đây.

Kết quả khảo sát của VCCI cho biết, 73% số DN đã kịp thời có chính sách hỗ trợ người lao động trong khủng hoảng. Các DN nhìn chung đã chủ động, sáng tạo đưa ra các giải pháp phù hợp kịp thời trong sử dụng lao động. Trên 60% DN đã áp dụng phương thức làm việc linh hoạt về thời gian cho một bộ phận lao động, 46% DN không cắt giảm lao động nhưng giảm giờ làm, 42% DN tranh thủ thời gian dịch bệnh để đào tạo lại nhân lực, 41% DN tổ chức làm việc tại nhà. Chỉ khoảng 20% DN cho biết đã buộc phải cắt giảm lao động, chấm dứt hợp đồng lao động và 21% DN cho biết phải cắt giảm lương để không phải cắt giảm lao động.

“Đó là những ứng xử linh hoạt đầy trách nhiệm. Chưa ai dự báo được khi nào thì dịch bệnh sẽ qua đi, nhưng một điều chắc chắn là hệ lụy, ảnh hưởng của dịch bệnh tới nền kinh tế sẽ còn kéo dài và không thể khắc phục được ngay khi dịch bệnh kết thúc và khó khăn với DN còn chất chồng trước mắt…”- Chủ tịch VCCI nhận định.

Doanh nghiệp cần hỗ trợ nhiều hơn

Để hỗ trợ cộng đồng DN, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 và nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành khác

Theo Chủ tịch VCCI, cộng đồng DN vui mừng đón nhận và đánh giá cao sự chỉ đạo kịp thời, hiệu quả của Thủ tướng; sự vào cuộc của các bộ ngành, địa phương để các giải pháp hỗ trợ DN bước đầu đi vào thực tiễn, hỗ trợ tích cực cộng đồng DN vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, trước những diễn biến ngày càng phức tạp của dịch Covid-19 và khó khăn của DN ngày càng gia tăng, VCCI đã tiến hành khảo sát nhanh tình hình DN và ngày 3/4/2020 đã tổ chức họp trực tuyến với lãnh đạo của gần 100 Hiệp hội DN trong và ngoài nước để nắm bắt tình hình thực hiện các Chỉ thị của Thủ tướng, ảnh hưởng mới của dịch Covid-19 tới hoạt động của DN và những đề xuất, kiến nghị tiếp theo của cộng đồng DN.

“Trên cơ sở tập hợp ý kiến của các Hiệp hội DN và DN, ngoài các giải pháp đang được các bộ ngành và địa phương triển khai, ngày 6/4/2020, VCCI đã lại gửi công văn tiếp tục kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp hỗ trợ DN mới…”- TS Vũ Tiến Lộc cho biết.

Theo đó, VCCI kiến nghị một loạt giải pháp ngắn hạn và dài hạn. Trong số 36 giải pháp ngắn hạn, có 5 giải pháp vừa phối hợp thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh và duy trì sản xuất kinh doanh; 5 giải pháp về chính sách tài khóa; 3 giải pháp về chính sách tín dụng; 5 giải pháp về chính sách lao động, tiền lương, công đoàn; 2 chính sách hỗ trợ một số lĩnh vực bị thiệt nặng nề bởi dịch Covid-19; 3 giải pháp về cải cách thủ tục hành chính; 5 giải pháp về tổ chức thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Chính phủ; 2 giải pháp về sự chung tay của người lao động, người tiêu dùng và 6 giải pháp về phía cộng đồng DN.

Liên quan đến các giải pháp về chính sách tín dụng, ngoài các giải pháp hiện hành như tái cơ cấu nợ, giảm lãi suất cho vay, giảm phí; trên cơ sở ý kiến của DN, VCCI đề nghị có mức giảm sâu lãi suất thêm đối với khoản vay mới và vay hiện hữu cho từng nhóm khách hàng bị ảnh hưởng dịch bệnh khác nhau. Đồng thời đề nghị Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn quy trình chuẩn đối với việc thẩm định, đánh giá thiệt hại, xác định đối tượng DN được hưởng hỗ trợ do trên thực tế các ngân hàng thương mại thực hiện khác nhau. VCCI cũng đề nghị xem xét nới lỏng các tiêu chí cho phép cung cấp các khoản vay bình thường và các khoản vay lãi suất thấp…

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI: “Nhiệm vụ hàng đầu là làm sao nâng cao năng lực của doanh nghiệp…”

Không chỉ trong đại dịch mà ngay cả thời hậu Covid-19, vấn đề lớn nhất sẽ là việc làm. Tổ chức Lao động Quốc tế dự báo Covid-19 sẽ làm cho 25 triệu người mất việc. Nhiều tổ chức quốc tế còn đưa ra con số cao hơn thế. Việc tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình kinh doanh sau Covid-19 sẽ làm sâu sắc thêm xu hướng này.

Xu hướng chuyển đổi số và ro-bot hóa chắc chắn sẽ được đẩy mạnh hơn. Giao dịch trực tuyến và nền kinh tế online sẽ lên ngôi. Thị trường nội địa và mạng sản xuất nội bộ các nền kinh tế sẽ được xem trọng. Thương mại và đầu tư quốc tế sẽ đảo chiều – luồng vốn đầu tư của các nền kinh tế phát triển có xu hướng quay lại về chính quốc. Đầu tư quốc tế sẽ phi tập trung hơn để phân tán rủi ro. Tác động cộng hưởng của công nghệ, của chiến tranh thương mại và Covid-19… sẽ vẽ lên một bức tranh kinh tế toàn cầu với nhiều sắc màu và hình khối mới. Hội nhập vẫn là một xu hướng quan trọng, nhưng chắc chắn hội nhập sẽ được điều chỉnh lại với tinh thần không chỉ thúc đẩy tự do mà còn cần hài hòa hơn và công bằng hơn. Covid-19 sẽ làm cho 25 triệu người mất việc. Nhiều tổ chức quốc tế còn đưa ra con số cao hơn thế. Việc tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình kinh doanh sau Covid-19 sẽ làm sâu sắc thêm xu hướng này.

Nền kinh tế và cộng đồng DN Việt Nam sẽ đứng trước những cơ hội và thách thức chưa từng có. Việt Nam sẽ có cơ hội đón nhận dòng vốn mới có chất lượng cao hơn trong một chiến lược đầu tư phi tập trung, đa phương hóa nguồn cung ứng để tránh lệ thuộc quá lớn vào một thị trường của các tập đoàn xuyên quốc gia. Việt Nam có sẵn lợi thế về địa kinh tế, địa chính trị, có quy mô thị trường và nguồn lực nhưng để tận dụng tốt cơ hội này, Việt Nam đang đứng trước yêu cầu nâng cao chất lượng thể chế, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng để đón nhận dòng vốn đầu tư mới. Nhưng thách thức cũng lớn hơn khi xu hướng tự động hóa gia tăng, cơ hội việc làm trong những ngành sử dụng nhiều lao động giản đơn sẽ bị thu hẹp. Bài toán công ăn việc làm cho hàng triệu lao động kỹ năng còn thấp, trong các ngành công nghiệp dệt may, da giày, điện tử - các cỗ máy tạo việc làm chủ yếu trong nền kinh tế, cũng như hàng triệu lao động đang hàng ngày hàng giờ được giải phóng khỏi khu vực nông nghiệp năng suất thấp cần được tạo việc làm trong thời gian tới là một thách thức lớn. Sứ mệnh giải quyết công ăn việc làm cho lực lượng này đè nặng lên vai của đội ngũ doanh nhân.

Nhưng DN Việt Nam, chủ yếu là các DN nhỏ và vừa, 5 triệu hộ kinh doanh, xét về bản chất kinh tế, cũng chính là các DN nhỏ và siêu nhỏ của nền kinh tế. Làm sao nâng cao năng lực của DN đặc biệt là các DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa, để họ có thể trụ vững trong thời kỳ Covid-19 và vươn lên trong thời kỳ hậu Covid đang trở thành nhiệm vụ hàng đầu của cả hệ thống chính trị và nhiệm vụ đẩy mạnh cải cách đồng bộ về thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực làm bệ đỡ cho DN lớn lên sẽ là yêu cầu quan trọng nhất, mở đường cho sự phát triển của nền kinh tế và cộng đồng DN ở tương lai.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
VCCI kiến nghị một loạt giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO