Vì sao đồng USD  vẫn tiếp tục tăng giá?

Đạt Trịnh| 09/04/2020 10:14
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Đồng Đô la Mỹ (USD) vẫn tiếp tục mạnh lên mặc dù FED (Ngân hàng Dự trữ Liên Bang Mỹ) đã thực hiện cắt giảm lãi suất hai lần trong thời gian gần đây, xuống gần bằng 0.

Theo những nguyên tắc cơ bản, giá trị của hàng hoá sẽ giảm xuống khi tăng cung một mức khổng lồ vào thị trường. Trong bối cảnh hiện nay, khi Chính phủ Mỹ đang thực thi các gói kích cầu ổn định nền kinh tế, bơm cả ngàn tỷ USD vào thị trường, đáng lẽ theo lý thuyết thông thường, giá trị đồng USD sẽ sụt giảm, nhưng trên thực tế, nhu cầu đồng bạc xanh vẫn rất lớn ngay cả khi lợi suất kho bạc giảm, không chỉ riêng Mỹ mà còn cả nhiều quốc gia khác trên toàn thế giới. Hiện tượng này có thể sẽ là dấu hiệu không tốt cho nền kinh tế toàn cầu.

Mỹ vẫn được đánh giá là thị trường an toàn nhất

Lợi suất trên thị trường Mỹ cao hơn thị trường thế giới là lý do lớn nhất khiến các nhà đầu tư trên toàn cầu gửi tiền vào trái phiếu kho bạc Mỹ, cũng như đẩy mạnh dòng tiền vào thị trường tín dụng trong những năm gần đây. Tính đến cuối năm 2019, tổng lượng tiền nước ngoài đầu tư vào thị trường Mỹ đã lên tới 20 nghìn tỷ USD bao gồm cổ phiếu, trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp và các khoản nợ doanh nghiệp khác (cập nhật theo dữ liệu Kho bạc Mỹ).

Trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu, động thái cắt giảm lãi suất của FED nhằm ổn định nền kinh tế, theo dự kiến sẽ làm giảm phần nào sức hấp dẫn của thị trường này. Theo tâm lý thị trường, các nhà đầu tư trên toàn cầu sẽ rút tiền về thị trường quê nhà, và đặt trong trường hợp nhu cầu rút tiền mặt lớn, điều này sẽ đẩy giá trị đồng USD xuống thấp hơn. Đồng thời, nhu cầu nắm giữ các tài sản tài chính đối với các nhà đầu tư nước ngoài sẽ giảm mạnh - Một lãnh đạo Ngân hàng Goldman Sachs cho biết.

Nhưng trên thực tế thị trường đang phản ánh điều ngược lại, đồng USD vẫn giữ vững giá trị mặc dù trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp đang được giao dịch trong tình trạng khá căng thẳng, khi các nhà đầu tư muốn bán tháo nhằm chuyển sang giữ tiền mặt. Chỉ số đồng USD đã tăng 3,8% kể từ ngày 9/3/2020 và tiếp tục tăng hoặc giữ ở mức cao trong suốt khoảng thời gian sau đó, sau những tuyên bố mới của FED về gói kích cầu ngàn tỷ sẽ được tung ra thị trường nhằm đảm bảo tính thanh khoản. Tình trạng diễn ra trên thị trường chứng khoán cũng tương tự với các thị trường phái sinh và thị trường tiền tệ, phản ánh những vấn đề căng thẳng, bất ổn.

Một trong những nguyên nhân chính tác động đến quyết định của nhà đầu tư đó là Mỹ vẫn là thị trường an toàn nhất trên thế giới, là nơi để cất trữ tài sản an toàn. Theo chiến lược gia tại Ngân hàng Bank of America - ông Hans Mikkelsen cho biết, các nhà đầu tư châu Âu đang mua nhiều trái phiếu doanh nghiệp của Mỹ hơn, mặc dù khối lượng giao dịch chưa thực sự lớn.

USD vẫn là đồng tiền của các giao dịch quốc tế

Một vấn đề đáng lo ngại đối với đồng USD, theo chiến lược gia thị trường tiền tệ của Credit Suisse, ông Zoltan Poszar,  đó là trạng thái của đồng USD - loại tiền tệ thương mại toàn cầu. Khi các tập đoàn đa quốc gia bị chịu ảnh hưởng từ suy thoái nền kinh tế, họ sẽ buộc phải vay USD nhiều hơn nhằm đảm bảo hoạt động kinh doanh, thanh toán khoản phải trả cho các nhà cung ứng,… (các giao dịch quốc tế hầu hết đều lựa chọn đồng USD để thực hiện hợp đồng), điều này sẽ khiến các ngân hàng địa phương khó có thể đáp ứng nhu cầu ngoại tệ cần thiết. Ông cũng cho biết thêm, FED nên tăng quy mô hoạt động trên thường phái sinh, đặc biệt là phương thức phòng vệ rủi ro hoán đổi (swap) đồng USD với lãi suất thấp hơn trong kỳ hạn dài hạn hơn nhằm tạo điều kiện cung cấp thanh khoản cho các tập đoàn đa quốc gia.

Nỗ lực ổn định tâm lý thị trường

Nhìn nhận vấn đề theo khía cạnh khác, có thể thấy Chính phủ Mỹ đang thực hiện nhiều biện pháp nhằm ổn định tâm lý thị trường trong giữa cơn bão dịch bệnh COVID-19. Không giống như các quốc gia châu Âu hay người láng giềng Canada, Mỹ khuyến khích các doanh nghiệp sa thải nhân viên để họ có thể nhận được trợ cấp thất nghiệp mở rộng (mặc dù công ty cũng sẽ được khen thưởng nếu công ty có thể đưa những người này trở lại làm việc sau đó). Điều này thật kỳ lạ khi mà các công nhân viên chức tại châu Âu chỉ bị cắt giảm giờ làm và vẫn được Chính phủ trả lương. Tuy nhiên trong tình hình kiểm soát bệnh dịch đang gặp nhiều khó khăn tại Mỹ hiện nay, thì giãn cách xã hội đang được quyết liệt triển khai, nên sa thải nhân viên phải chăng cũng là một trong những nỗ lực để giảm thiểu khả năng lây nhiễm. Thật khó để đánh giá biện pháp này của Mỹ là có hiệu quả hay không tại thời điểm này? Tuy nhiên, điều này góp phần củng cố tâm lý người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy quá trình tái cơ cấu để thích nghi tốt hơn với tình hình dịch bệnh, đồng thời giảm thiểu tâm lý hoang mang của các nhà đầu tư trên thị trường trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Vậy nên, theo nhiều khía cạnh, đồng USD vẫn đang giữ tốt giá trị của mình.

Không những thế, cuộc chiến dầu mỏ giữa Mỹ, Nga và các quốc gia dầu mỏ Trung Đông đã tạm thời đạt được những thoả thuận nhất định, khiến giá dầu bình ổn và bắt đầu tăng trưởng trở lại, chính đây là một trong những lý do khiến đồng USD không những giảm giá mà còn tiếp tục tăng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vì sao đồng USD  vẫn tiếp tục tăng giá?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO