Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí: Sửa đổi cả bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý là hoàn toàn phù hợp

T.H| 25/10/2021 14:18
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trên thế giới và Việt Nam sẽ ngày càng được chú trọng. Vì vậy, việc chú trọng hơn so với yêu cầu của Hiệp định CPTPP cũng thể hiện Việt Nam coi trọng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, tạo môi trường thuận lợi, an toàn và thu hút. Từ các phân tích trên, việc sửa đổi cả bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý trong thời điểm này là hoàn toàn phù hợp.

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí giải trình một số vấn đề đại biểu quan tâm

Thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 2, sáng 25/10, sau khi Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí đã giải trình một số vấn đề đại biểu quan tâm.

Giải trình tại Phiên họp, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết, qua thảo luận đã có nhiều ý kiến xác đáng thể hiện sự quan tâm lớn của các đại biểu Quốc hội đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự. Đối với một số vấn đề vẫn còn 2 luồng ý kiến khác nhau, ngày 24/10/2021, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã có Công văn kèm theo bản giải trình cụ thể, chi tiết từng nội dung còn ý kiến khác nhau để gửi đến Ủy ban Tư pháp làm rõ các vấn đề mà đại biểu quan tâm.

Về ý kiến tên Luật, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị giữ nguyên tên “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự”. Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết, việc sửa đổi Điều 44 của Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự chỉ để đảm bảo đồng bộ, thống nhất với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đồng thời đáp ứng đúng theo Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021.

Về ý kiến đề nghị không quy định sửa đổi Điều 44 Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự thành điều luật riêng mà thiết kế trong quy định về hiệu lực thi hành, Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nghiêm túc tiếp thu để hoàn thiện dự án Luật. Tuy nhiên, phạm vi sửa đổi dự án Luật lần này chỉ tập trung sửa đổi một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự để đảm bảo thực hiện các cam kết trong Hiệp định CPTPP; giải quyết các vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn do thiên tai, dịch bệnh gây ra, không mở rộng đến các nội dung khác mà chưa được nghiên cứu, đánh giá, tổng kết đầy đủ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Do đó, những ý kiến góp ý đề nghị sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng hình sự, việc tổ chức cơ quan điều tra hình sự và các văn bản quy phạm pháp luật khác nằm ngoài phạm vi trên sẽ được Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục ghi nhận và nghiên cứu, tổng kết toàn diện để sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới.

Về sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 155 và Khoản 8 Điều 157 của Bộ Luật Tố tụng hình sự có liên quan đến Khoản 1 Điều 226 Bộ Luật Hình sự, Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết, tại Phiên họp trực tuyến này vẫn còn có những ý kiến khác nhau. Do đó, cần có sự cân nhắc, lựa chọn, đảm bảo cao nhất cho lợi ích quốc gia, quyền và lợi ích của người tiêu dùng; đáp ứng yêu cầu khi xảy ra trong thực tiễn thì đã có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh về vấn đề này.

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phân tích, tại điều khoản của Hiệp định CPTPP về công nhận chỉ dẫn địa lý có quy định rằng các bên thừa nhận chỉ dẫn địa lý có thể bảo hộ thông qua hệ thống nhãn hiệu; hoặc một hệ thống riêng; hoặc các biện pháp pháp lý khác. Như vậy, có thể hiểu việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý cũng tương tự như việc bảo hộ nhãn hiệu.

Ở Việt Nam, từ trước đến nay chính sách bảo hộ đối với hai đối tượng này đều có sự tương đồng. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 155 và Khoản 8 Điều 157 bãi bỏ nội dung dẫn chiếu đến khoản 1 Điều 226 của Bộ luật Hình sự là đảm bảo sự thống nhất về chính sách pháp luật, chính sách bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và chính sách xử lý hành vi xâm phạm quyền.

Theo Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, hành vi xâm phạm quyền sở hữu đối với chỉ dẫn địa lý không chỉ xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu quyền mà còn xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng. Do đó, việc giao quyền chủ động yêu cầu khởi tố vụ án cho chủ sở hữu quyền, mặc dù ở khía cạnh nhất định có thể bảo vệ được chủ sở hữu quyền nhưng lại làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.

Trong thời gian tới, việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trên thế giới và Việt Nam sẽ ngày càng được chú trọng. Vì vậy, việc chú trọng hơn so với yêu cầu của Hiệp định CPTPP cũng thể hiện Việt Nam coi trọng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, tạo môi trường thuận lợi, an toàn và thu hút. Từ các phân tích trên, việc sửa đổi cả bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý trong thời điểm này là hoàn toàn phù hợp.

Về sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 146 liên quan đến thủ tục tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho biết, qua thảo luận, đa số các đại biểu Quốc hội bày tỏ sự đồng tình với việc Dự luật sửa đổi theo hướng bổ sung trách nhiệm tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm cho Công an xã. Làm rõ hơn nội dung này, Viện trưởng Lê Minh Trí chỉ ra rằng, tình hình dịch bệnh COVID-19 tác động đến khó khăn trong hoạt động của xã hội nói chung và khó khăn trong hoạt động xử lý các tình huống liên quan đến tội phạm cở cơ sở nói riêng. Thời gian qua, Công an xã đã tăng cường lực lượng chính quy về cơ sở khá nhiều. Lực lượng này này có thể giải quyết ngay tại chỗ một số tình huống, giảm áp lực quá tải cho Công an huyện; đảm bảo an ninh, trật tự ở cơ sở cả trước mắt và lâu dài.

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho biết, nguồn năng lực của Công an xã dù đã được chuyển biến nhiều, tuy nhiên thời gian tới cần tiếp tục tính toán về nhân sự, tái đào tạo, đầu tư cơ sở vật chất với một lộ tình khẩn trương, tích cực. Đồng thời, khi Công an xã được bổ sung trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm thì Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện sẽ dùng biện pháp nghiệp vụ để kiểm sát chặt chẽ hoạt động này của Công an xã, đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Đối với việc sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 148, Khoản 1 Điều 229, Khoản 1 Điều 247 về bổ sung căn cứ tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, tạm đình chỉ và đình chỉ vụ án vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh, Viện Trưởng cho biết, biện pháp này được coi là biện pháp kỹ thuật cuối cùng, cần pháp luật cho phép để xử lý tình huống khi hết hạn điều tra, truy tố mà các cơ quan chức năng không thu thập được chứng cứ chứng minh tội phạm do thiên tai dịch bệnh. Nếu theo quy định của Luật hiện hành thì phải đình chỉ và dừng hết các biện pháp tố tụng, như vậy có thể xảy ra tình trạng hàng loạt các đối tượng được trả tự do về xã hội, trong đó có nhiều đối tượng thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng. Do đó, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung các quy định trên nhằm phù hợp với tình hình thực tiễn; đồng thời, các cơ quan tố tụng sẽ phải cân nhắc, xem xét thận trọng khi quyết định áp dụng căn cứ này đối với từng trường hợp cụ thể, hạn chế tối đa việc ảnh hưởng đến giải quyết vụ án, vụ việc khi được phục hồi.

Về hiệu lực thi hành dự án Luật, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí nêu rõ, để bảo đảm đúng lộ trình thực hiện cam kết của Việt Nam theo Hiệp định CPTPP và kịp thời tháo gỡ những khó khăn trong thực tiễn hiện nay, Cơ quan soạn thảo đã trình tự dự án Luật theo trình tự, thủ tục rút gọn. Do đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sẽ có hiệu lực thi hành từ kể từ ngày được Quốc hội thông qua. Quy định này cũng bảo đảm phù hợp với Khoản 2 Điều 151 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí: Sửa đổi cả bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý là hoàn toàn phù hợp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO