Hơn 50 doanh nghiệp niêm yết xuất sắc nhất trong minh bạch thông tin năm 2023 đã được vinh danh tại Lễ trao giải Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết lần thứ 16 – năm 2023, vừa diễn ra tại The Arena Cam Ranh, tỉnh Khánh Hoà.
Sự kiện được tổ chức kết hợp với Hội nghị Doanh nghiệp niêm yết thường niên năm 2023 với sự tham dự của lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; lãnh đạo các Sở Giao dịch Chứng khoán, Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam và đại diện gần 300 công ty niêm yết, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ và các định chế tài chính khác trên thị trường.
Sau gần 6 tháng bình chọn, vượt qua gần 600 doanh nghiệp niêm yết trên cả hai sàn, Hội đồng bình chọn đã chọn được 51 doanh nghiệp xuất sắc ở 3 hạng mục Báo cáo thường niên, Quản trị công ty và Báo cáo phát triển bền vững để chính thức vinh danh.
Đối với hạng mục Báo cáo thường niên (BCTN): 116 doanh nghiệp có BCTN tốt nhất được bình chọn vào vòng chung khảo. Hội đồng Bình chọn đã lựa chọn ra 30 doanh nghiệp có BCTN xuất sắc nhất được vinh danh, bao gồm 10 DN có báo cáo thường niên tốt nhất trong Nhóm ngành Tài chính và 20 DN có BCTN tốt nhất trong Nhóm ngành phi tài chính
Đối với hạng mục BCTN, năm nay thực hiện chấm điểm các DNNY có đăng ký tham gia và DN được chia theo 02 nhóm ngành tài chính và phi tài chính, thay vì chấm theo nhóm vốn hóa như mọi năm. Việc chấm điểm BCTN ở vòng sơ khảo được thực hiện bởi bên thứ ba độc lập là Viện Thành viên Hội đồng quản trị Việt Nam (VIOD). Kết quả sơ khảo sau đó được soát xét bởi 4 công ty kiểm toán hàng đầu (Big 4) là Deloitte, Ernst & Young, KPMG và PwC nhằm đảm bảo tính chính xác, khách quan và chuyên sâu trong việc xét chọn. Hai Sở GDCK TP.HCM và Hà Nội thẩm định lại kết quả lần cuối trước khi công bố.
Tiêu chí chấm BCTN năm nay tiếp tục được thực hiện theo Thông tư 96/2020/TT-BTC hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán. Năm 2023 là năm thứ ba các nội dung liên quan đến giảm thiểu phát thải khí nhà kính được đưa vào tiêu chí chấm ở hạng mục BCTN.
Theo đánh giá của Hội đồng bình chọn, các báo cáo đăng ký tham gia đánh giá của khối tài chính đa số thuộc nhóm vốn hóa lớn (14 công ty) và vốn hóa vừa (9 công ty) và khác (1 công ty) phản ánh đặc thù của nhóm này. Trong khi đó, các báo cáo đăng ký tham gia thuộc khối phi tài chính thuộc nhóm vốn hóa lớn (19 công ty), vốn hóa vừa (40 công ty), vốn hóa nhỏ (26 công ty) và khác (7 công ty). Vì vậy, nhìn chung, kết quả đánh giá BCTN sau khi điều chỉnh của khối ngành tài chính (trung bình 72,65 điểm) vẫn nhỉnh hơn BCTN của khối phi tài chính (trung bình 68,01 điểm).
Trên phương diện các nhóm tiêu chí cụ thể, các doanh nghiệp nhóm ngành tài chính có sự đầu tư về mặt hình thức tốt hơn các doanh nghiệp phi tài chính (cao hơn 1,67 điểm bình quân). Báo cáo của Ban giám đốc trong các doanh nghiệp tài chính và quản trị công ty cũng được đầu tư nhiều hơn (cao hơn lần lượt là 1,74 điểm và 0,7 điểm bình quân) so với các doanh nghiệp phi tài chính. Các nội dung về thông tin chung và đánh giá của Hội đồng quản trị về hoạt động của công ty giữa hai khối ngành có sự tương đồng cao nhất. Sự khác biệt lớn nhất đến từ tình hình hoạt động trong năm liên quan đến các tiêu chí phát triển bền vững và phân tích về các chỉ tiêu tình hình tài chính và chỉ tiêu tài chính chủ yếu trong năm.
Các BCTN vượt trội của các doanh nghiệp khối ngành tài chính có sự đầu tư trong việc thể hiện bức tranh hoạt động trong năm của mình một cách sinh động, thu hút và nhất quán đến người đọc. Quan trọng hơn, nhiều doanh nghiệp trong khối này với mục tiêu tiếp cận các nguồn vốn và tài chính quốc tế, đã công bố thông tin hệ thống và tường minh về mô hình quản trị, cơ cấu quản lý, hệ sinh thái kinh doanh; các mục tiêu, chiến lược và quản trị rủi ro ngắn, trung và dài hạn.
Đối với các doanh nghiệp phi tài chính, các doanh nghiệp có BCTN xuất sắc thường đồng thời xây dựng các báo cáo phát triển bền vững riêng. Mục tiêu chiến lược và mục tiêu phát triển bền vững trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn cùng với việc nhận diện các rủi ro trọng yếu bao gồm rủi ro về môi trường và chính sách quản trị rủi ro được phân tích, trình bày và minh họa cụ thể.
Từ việc đánh giá BCTN 2022 của các doanh nghiệp khối tài chính và phi tài chính cho thấy, nhìn chung, các doanh nghiệp đã có sự quan tâm, đầu tư và nâng cao chất lượng BCTN cũng như công bố thông tin. Các BCTN được trao giải cũng có thể xem như hình mẫu điển hình mà các doanh nghiệp trên thị trường có thể hướng đến.
Đối với hạng mục Quản trị công ty: 104 doanh nghiệp có tình hình quản trị công ty tốt nhất được chọn vào vòng chung khảo, phân theo từng nhóm vốn hóa. Trong đó, 34 DN thuộc nhóm vốn hóa lớn, 34 DN thuộc nhóm vốn hóa vừa và 36 DN thuộc nhóm vốn hóa nhỏ. Tại vòng chung khảo, Hội đồng bình chọn đã chọn ra 28 doanh nghiệp xuất sắc nhất để trao giải.
Các tiêu chí đánh giá quản trị công ty (QTCT) được xây dựng dựa trên các quy định pháp luật về quản trị công ty tại Việt Nam và thông lệ quản trị tốt dựa trên các nguyên tắc QTCT của G20/OECD, Bộ nguyên tắc Quản trị công ty theo thông lệ tốt nhất của Việt Nam (VCGS), Bộ thẻ điểm Quản trị công ty tại ASEAN. Bộ tiêu chí đánh giá hạng mục quản trị công ty được xây dựng riêng dựa trên khung nguyên tắc quản trị công ty của OECD, tập trung xoay quanh 5 nguyên tắc: quyền cổ đông, đối xử công bằng với các cổ đông; công bố thông tin và minh bạch; trách nhiệm của hội đồng quản trị; Phát triển bền vững và bền bỉ. Các tiêu chí đó được phân loại thành câu hỏi mang tính chất tuân thủ quy định của pháp luật về quản trị công ty và câu hỏi mang tính chất thông lệ tốt trong thực hành quản trị công ty cao hơn các yêu cầu của pháp luật.
Năm nay, bộ tiêu chí QTCT được bổ sung thêm 18 câu hỏi, bao gồm 1 câu về tổ chức đại hội cổ đông, 2 câu về đề cử thành viên HĐQT nâng cao đa dạng hoá và 15 câu về phát triển bền vững và bền bỉ. Đây được xem là bước đầu cho những yêu cầu mới về quản trị công ty trong bối cảnh Chính phủ thực hiện mạnh mẽ các cam kết về giảm phát thải, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững trong 2 năm qua, sau Hội nghị COP26. Khía cạnh phát triển bền vững và bền bỉ (Sustainability and Resilience) là một nội dung quan trọng trong bộ Nguyên tắc QTCT của G20/OECD vừa được ban hành trong năm 2023.
Hội đồng bình chọn cho biết, điểm quản trị công ty của các doanh nghiệp cho thấy sự tiến bộ và ngày càng chú trọng thực hiện hoạt động quản trị tốt. Hiện nay, các doanh nghiệp có sự chênh lệch giữa mức độ đáp ứng các tiêu chí tuân thủ so với các tiêu chí mang tính chất thông lệ: 66% doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí tuân thủ, gần 26% doanh nghiệp đáp ứng thông lệ. Bên cạnh đó, kết quả đánh giá cho thấy mức độ đáp ứng tiêu chí tuân thủ dao động từ 62,9 - 72,3%, tùy vào từng nhóm vốn hóa (doanh nghiệp thuộc nhóm vốn hóa lớn thường tuân thủ pháp luật tốt hơn); các tiêu chí mang tính thông lệ được đáp ứng từ 21,1 - 42,1% (doanh nghiệp thuộc nhóm vốn hóa nhỏ có xu hướng ít đáp ứng thông lệ hơn).
Phần lớn doanh nghiệp vẫn đáp ứng tiêu chí thông lệ ở mức khá thấp và tỷ lệ vi phạm về nghĩa vụ công bố thông tin ở mức đáng kể (khoảng 18%), cho thấy các thực hành quản trị công ty tuy tiến bộ nhưng vẫn đang trong quá trình tiếp cận đổi mới, cần thúc đẩy hành động cụ thể để cải thiện nhanh hơn.
Các điểm cần cải thiện liên quan đến đảm bảo quyền và đối xử công bằng với các cổ đông; công bố thông tin và minh bạch; vai trò các bên hữu quan và phát triển bền vững; cơ cấu và vai trò kiểm soát của hội đồng quản trị.
Với sự sửa đổi, bổ sung quan trọng theo Bộ nguyên tắc Quản trị công ty của OECD, bộ tiêu chí đánh giá năm 2023 được nâng cấp thể hiện sự kỳ vọng, nhưng còn nhiều thách thức: kỳ vọng trong cải thiện hiệu quả hoạt động, tạo đột phá trong phát triển bền vững dài hạn; thách thức trong khoảng cách giữa thực tiễn so với luật pháp và tính tự nguyện cam kết thực hiện.
Đối với hạng mục Báo cáo phát triển bền vững: những doanh nghiệp có báo cáo phát triển bền vững riêng và các DN có điểm cao ở nội dung môi trường và xã hội trong các BCTN lọt vào vòng chung khảo sẽ được Hội đồng bình chọn xem xét chấm điểm báo cáo phát triển bền vững ở vòng chung khảo. Nội dung chấm báo cáo này sẽ được thực hiện bởi các chuyên gia đến từ Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh (ACCA).
Năm nay, Ban Tổ chức tiếp tục duy trì tiêu chí chấm liên quan đến giảm thiểu khí nhà kính. Đây là cơ sở để xét chọn giải thưởng dành cho doanh nghiệp quản lý tốt phát thải khí nhà kính nhằm khuyến khích các doanh nghiệp niêm yết nâng cao nhận thức và quan tâm hơn đến các vấn đề về môi trường và tác động của biến đổi khí hậu, chung tay vì mục tiêu chung của Việt Nam trong cam kết giảm phát thải khí nhà kính ròng về mức bằng 0 vào năm 2050.
Hội đồng bình chọn cho biết, mùa báo cáo 2023, các doanh nghiệp đã cho thấy nhiều nét mới trong việc áp dụng các thông lệ tốt. Các doanh nghiệp lớn có truyền thống làm báo cáo tốt trong các năm trước đây, sau một năm trùng lại thì năm nay đã trở lại vị thế vốn có của mình.
Trong năm 2022 và 2023 cũng chứng kiến sức ép gia tăng từ các nhà đầu tư có tổ chức yêu cầu các doanh nghiệp nhận được vốn đầu tư của họ phải thực hành ESG một cách nghiêm túc hơn.
Nhóm bình chọn báo cáo phát triển bền vững đã có một số cập nhật về tiêu chí để đảm bảo các xu thế lớn được cập nhật, bao gồm, tăng cường về chất lượng của công bố thông tin về phát thải khí nhà kính. Theo đó, các doanh nghiệp công bố thông tin phát thải khí nhà kính theo các tiêu chuẩn quốc tế được chấp nhận rộng rãi (ISO, GHG Protocol….) sẽ được đánh giá cao hơn.
Các doanh nghiệp được điểm cao thường phải công bố các thông tin định lượng tối thiểu là 50% theo hướng dẫn chung của GRI và các hướng dẫn chuyên ngành. Nhóm bình chọn cũng đánh giá cao các doanh nghiệp có sử dụng nhiều hơn một tiêu chuẩn công bố thông tin, đặc biệt là các tiêu chuẩn/khung công bố thông tin được các nhà đầu tư sử dụng nhiều như TCFD, ISSB…
Hội đồng bình chọn cũng thắt chặt các đánh giá đối với các đảm bảo từ bên thứ ba được cung cấp. Theo đó, chất lượng của các đảm bảo được cung cấp sẽ được đánh giá theo các tiêu chí như: tỷ lệ % các chỉ số được đảm bảo, phạm vi đảm bảo, tiêu chuẩn thực hiện đảm bảo…
Về tổng quan, số lượng các công ty lập báo cáo phát triển bền vững riêng biệt năm nay lọt vào vòng chung khảo đã tăng nhẹ từ mức 19 năm 2022 lên 21 báo cáo (tăng hơn 10%), tiếp nối từ đà tăng các năm trước.
Các báo cáo có nhiều điểm mới, mang tính đột phá. Lần đầu tiên một công ty Việt Nam – Tập đoàn Bảo Việt (BVH), lọt vào vòng chung khảo chấm báo cáo phát triển bền vững đã thực hiện đánh giá ESG theo các tiêu chuẩn quốc tế của Dow Jones. Cũng lần đầu tiên, một công ty Việt Nam (Gemadept- GMD) lọt vào vòng chung khảo có sử dụng dịch vụ kiểm định phát thải khí nhà kính bởi một đơn vị được xác thực bởi ISO14064.
Bên cạnh đó, ghi nhận ngoài GRI, đã bắt đầu có các doanh nghiệp Việt Nam áp dụng thêm một số khung công bố thông tin khác như CDP. Công bố thông tin phát thải khí nhà kính, đã có một số công ty bắt đầu có cam kết mục tiêu Net Zero với các mốc thời gian cụ thể như VNM, GMD.
Ở góc độ quản trị ESG, số lượng các công ty áp dụng mô hình ủy ban ESG thuộc hội đồng quản trị ngày càng nhiều hơn. Điều này phản ánh thực tế rằng các vấn đề về ESG ngày càng được quan tâm hơn bởi hội đồng quản trị.
Số lượng các đơn vị công bố thông tin về đánh giá nhà cung cấp tăng lên so với các năm trước, đặc biệt có đơn vị công bố bộ chỉ số đánh giá nhà cung cấp về các lĩnh vực môi trường và xã hôi. Điều này cho thấy các doanh nghiệp đã có nhận biết tốt hơn về tác động môi trường và xã hội xuyên suốt chuỗi cung ứng.
Mặc dù còn nhiều điểm cần cải thiện nhưng với những thay đổi tích cực trong công bố thông tin phát triển bền vững của các doanh nghiệp trong mùa báo cáo năm 2023 cũng như các quy định quốc tế ngày càng chặt chẽ hơn cùng với sức ép ngày càng gia tăng từ các nhà đầu tư tổ chức, hy vọng rằng chất lượng báo cáo phát triển bền vững trong những năm tới sẽ tiếp tục được cải thiện theo hướng tiệm cận với các thông lệ tốt.
Kết quả, Hội đồng đã chọn ra 6 báo cáo tốt nhất để trao giải. Trong 6 DN có báo cáo phát triển bền vững tốt nhất, Ban Tổ chức sẽ trao 3 Giải khuyến khích cho 3 hạng mục khác nhau, 1 Giải dành cho Doanh nghiệp báo cáo quản lý khí thải nhà kính tốt nhất, 1 Giải Nhì và 1 Giải Nhất.
Năm nay, Ban Tổ chức tiếp tục bình chọn giải thưởng dành cho Doanh nghiệp báo cáo quản lý khí thải nhà kính tốt nhất. Đây là giải thưởng nhằm khuyến khích các doanh nghiệp niêm yết nâng cao nhận thức và quan tâm hơn đến các vấn đề về môi trường và tác động của biến đổi khí hậu, chung tay vì mục tiêu chung của Việt Nam trong cam kết giảm phát thải khí nhà kính ròng về mức bằng 0 vào năm 2050.
Vượt qua rất nhiều ứng cử viên khác, CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã chinh phục Hội đồng bình chọn để lần thứ hai liên tiếp đoạt giải thưởng này.
Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital Việt Nam, chia sẻ: “Khách hàng ở trong và ngoài nước tiếp tục lên tiếng, yêu cầu chúng tôi thực hiện tuân thủ ESG trong đầu tư. Khách hàng muốn biết cụ thể chúng tôi đang làm gì, làm theo chiến lược nào, đo sự tiến bộ ra sao. Nhưng hiện nay Dragon Capital đang gặp khó khăn trong việc đo lường lượng phát thải trong danh mục đầu tư của mình vì rất ít công ty làm điều này. Do đó, chúng tôi phải thuê một công ty nước ngoài để đánh giá lượng phát thải trong danh mục bằng cách so sánh các công ty trong danh mục với các công ty cùng ngành ở nước ngoài.”
“Điều này với Dragon Capital cũng là một thách thức không nhỏ. Việc đo lường và đánh giá tác động môi trường của danh mục đầu tư không chỉ giúp công ty hiểu rõ hơn về các rủi ro liên quan đến ESG, mà còn đáp ứng yêu cầu ngày càng cao từ khách hàng về tính minh bạch và trách nhiệm xã hội. Để doanh nghiệp thu hút được các nguồn vốn tốt và dài hạn từ các nhà đầu tư và các định chế tài chính, chúng ta nên xem ESG và đầu tư chuyển đổi xanh là cơ hội chứ không phải chi phí,” ông Dominic nói.
Bà Trần Anh Đào, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban Điều hành Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, Trưởng Ban tổ chức Cuộc bình chọn, cho biết, trải qua 16 lần tổ chức, Cuộc Bình chọn đã có sức lan tỏa rất mạnh mẽ và ngày càng thể hiện rõ ràng hơn về tư tưởng xuyên suốt trong hành trình hướng tới một thị trường tài chính bền vững của Việt Nam nói riêng, cũng như hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững mà Chính phủ đã đề ra với sự đồng hành chặt chẽ giữa các chủ thể và thành viên thị trường. Cuộc Bình chọn ngày càng có nhiều sự đổi mới, tiến bộ và là cầu nối giúp các doanh nghiệp niêm yết tăng cường sức mạnh nội tại của chính doanh nghiệp, cũng như xây dựng hình ảnh thương hiệu, tạo dựng niềm tin đối với cộng đồng nhà đầu tư.
Hai năm vừa qua, trong bối cảnh mà cả doanh nghiệp và thị trường đều phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức do những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, bất ổn chính trị ở nhiều nước và đặc biệt là sự suy giảm kinh tế trên toàn cầu chưa có dấu hiệu chững lại, thì lúc này các nhà kinh tế, các nhà quản trị càng phải lắng đọng lại để xem xét và lưu tâm hơn đến quản trị doanh nghiệp tốt, quản trị rủi ro trong việc xây dựng chiến lược kinh doanh, từ đó giúp doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng, đứng vững trước những biến động bất ngờ ập đến cho doanh nghiệp.
Thực tế của các cuộc Bình chọn trong nhiều năm qua đã chứng mình rằng doanh nghiệp có nền tảng quản trị tốt, kiểm soát rủi ro và xây dựng chiến lược phù hợp, quản trị nguồn vốn chặt chẽ sẽ có khả năng thích ứng cao hơn, nhanh chóng lấy lại đà phục hồi và phát triển ổn định sau những giai đoạn biến động.
Tăng trưởng xanh, phát triển xanh, chống biến đổi khí hậu đang là xu hướng, là tương lai của nền kinh tế toàn cầu. Tại Việt Nam, chủ đề xanh đang rất được quan tâm, được đẩy mạnh và lan tỏa từ trung ương đến địa phương, đến cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư. Thông lệ tốt yêu cầu việc quản trị doanh nghiệp tốt phải gắn liền với quản trị các tác động đến môi trường và trách nhiệm xã hội, đây cũng là một yếu tố quan trọng để thị trường, các nhà đầu tư đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài, các đối tác và các bên liên quan đánh giá khi tiếp cận doanh nghiệp, khi đầu tư vào doanh nghiệp.
Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết (Vietnam Listed Company Awards) là sự mở rộng từ Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên (Vietnam Annual Report Awards), do Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE), Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Báo Đầu tư phối hợp tổ chức với sự tài trợ thường niên và duy nhất của Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital và cùng với sự hỗ trợ kỹ thuật hiệu quả của các đối tác chuyên nghiệp như IFC, ACCA, các công ty kiểm toán hàng đầu Deloitte, EY, KPMG, PwC. Năm 2023 là năm thứ 16 Cuộc bình chọn đồng hành cùng TTCK Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp niêm yết.