Chứng khoán

VN-Index điều chỉnh giảm 6 điểm trên nền thanh khoản thấp

Quỳnh Dương 21/10/2024 - 16:32

Áp lực bán lại gia tăng với sắc đỏ áp đảo khiến chỉ số chung hụt hơi trượt điểm và giằng co cho tới cuối phiên. Nhìn chung nhà đầu tư vẫn chủ động chọn đứng ngoài quan sát, thể hiện qua mức thanh khoản trung bình thấp trong những phiên gần đây.

image(9).png
Diễn biến VN-Index

Khởi đầu tuần mới, thị trường mở cửa phiên giao dịch dưới áp lực điều chỉnh ngắn hạn giảm 2 điểm với áp lực bán đến từ đa số các nhóm ngành. Tuy nhiên đến giữa phiên nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn ngành bất động sản như VHM bật tăng mạnh hơn 5% kéo chỉ số chung hồi phục và xanh nhẹ trong phiên. Nhóm ngành ngân hàng tiếp tục ghi nhận lực cầu tích cực đến từ VCB, STB và VPB giữ cho chỉ số quanh vùng hỗ trợ 1.365 điểm.

Bước sang phiên chiều, áp lực bán ở nhóm cổ phiếu ngành Ngân hàng tăng mạnh trở lại khi các ngân hàng quốc doanh như VCB, CTG và BID bất ngờ giảm gần 1%. Nhóm dầu khí (PLX) và hàng không (VJC) cũng chịu áp lực bán nhiều phiên liên tiếp và chưa có dấu hiệu dừng lại. Đến cuối phiên, nhóm cổ phiếu nhà Vingroup bất ngờ bật tăng trở lại với VHM, VRE và VIC giữ cho thị trường không bị giảm điểm quá mạnh.

image(8).png
Bản đồ thị trường

Hiệu ứng từ thương vụ mua cổ phiếu quỹ lớn nhất lịch sử chứng khoán Việt Nam giúp VHM tiếp tục bùng nổ trong phiên giao dịch hôm nay, kết phiên tăng 5,64% và đóng góp tới gần 2,9 điểm cho chỉ số chung. Tính từ thời điểm Vinhomes công bố kế hoạch mua lại tối đa 370 triệu cổ phiếu quỹ, cổ phiếu VHM đã tăng khoảng 38%, vốn hóa vượt 208.000 tỷ đồng. Bên cạnh VHM, 2 cổ phiếu họ Vingroup khác là VIC (tăng 1,08%) và VRE (tăng 1,87%) cũng hút dòng tiền, giúp hãm đà rơi của thị trường trong phiên.

Sắc đỏ bao trùm nhóm cổ phiếu ngân hàng ngoại trừ điểm sáng EIB tăng kịch trần với giao dịch đột biến, khớp lệnh hơn 34,7 triệu đơn vị và dư mua trần gần nửa triệu đơn vị. Ngoài EIB, VPB kết phiên tăng nhẹ 0,5%, là 2 mã duy nhất tăng điểm trong nhóm ngân hàng hôm nay.

Thanh khoản phiên hôm nay suy yếu hơn so với phiên trước. Giá trị giao dịch cả 3 sàn đạt 15.600 tỷ đồng.

Khối ngoại vẫn miệt mài “xả hàng” khi bán ròng sang phiên thứ 8 liên tiếp. Giá trị bán ròng phiên hôm nay đạt hơn 274 tỷ đồng trên toàn thị trường, tập trung bán STB, FPT, HPG.

image(10).png
Giao dịch khối ngoại

Kết thúc phiên giao dịch hôm nay, VN-Index giảm 5,69 điểm (-0,44%), xuống 1.279,77 điểm với 99 mã tăng và 287 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 623 triệu đơn vị, tương đương tổng giá trị đạt 14.347 tỷ đồng, giảm 10% về khối lượng và 7% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 42,6 triệu đơn vị, giá trị đạt 852 tỷ đồng.

HNX-Index giảm 1,78 điểm (-0,78%), xuống 227,43 điểm với 56 mã tăng và 95 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 43 triệu đơn vị, giá trị 750 tỷ đồng, giảm 35% về khối lượng và 34% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 5,6 triệu đơn vị, giá trị đạt 513,4 tỷ đồng.

UPCoM-Index giảm 0,56 điểm (-0,60%), xuống 92,14 điểm với 115 mã tăng và 142 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 35 triệu đơn vị, giá trị đạt 505 tỷ đồng, giảm 7% về khối lượng và tăng 15% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 6,1 triệu đơn vị, giá trị đạt 117,3 tỷ đồng.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều giảm nhẹ trên dưới 5 điểm, trong đó VN30F2411 giảm 2 điểm, tương đương -0,1% xuống 1.363,9 điểm, có thanh khoản sôi động nhất với hơn 165.730 đơn vị.

Với diễn biến hiện tại, CTCK Vietcombank (VCBS) khuyến nghị nhà đầu tư cân nhắc chốt lời những mã đã đạt mục tiêu lướt sóng ngắn hạn, đồng thời có thể tận dụng những nhịp rung lắc để giải ngân thăm dò tỷ trọng nhỏ đối với những cổ phiếu tích lũy tốt với thanh khoản thấp thuộc các nhóm ngành như ngân hàng, chứng khoán.

Về chiến lược đầu tư tuần này, CTCK MBS cho rằng, nhà đầu tư nên tận dụng các nhịp hồi của thị trường để hạ bớt tỷ trọng danh mục, không mua đuổi trong phiên. Nhóm cổ phiếu cơ cấu danh mục có thể chú ý đến là ngân hàng, thủy sản, thực phẩm,…

Bên cạnh đó, MBS phân tích, việc chỉ số DXY tăng 2,87% trong vòng 1 tháng trở lại đây, mức cao nhất gần 4 tháng khiến tỷ giá USD/VND lại “nổi sóng”. Theo đó, chiều ngày 18/10, Ngân hàng Nhà nước đã phát hành hơn 12.000 tỷ đồng tín phiếu qua kênh thị trường mở để hút VND trong bối cảnh áp lực tỷ giá gia tăng từ đầu tháng 10 đến nay. Tiền đồng mất giá 1,39% trong vòng 5 ngày qua và giảm 2,13% trong vòng 1 tháng trở lại đây. Tuy câu chuyện tỷ giá ở thời điểm hiện tại không còn tác động như những tháng đầu năm nhưng vẫn là biến số cần quan sát trong bối cảnh chỉ số VN-Index liên tục “lùi bước” khi tiệm cận vùng cản tâm lý 1.300 điểm.

"Chiến lược bán khi thị trường tiệm cận vùng cản 1.300 điểm đang chi phối hoạt động trading ngắn hạn của nhà đầu tư, một phần vì nó đã đúng trong vòng gần 7 tháng qua, một phần vì dòng tiền ở thời điểm hiện tại vẫn chưa được cải thiện khi 2 tuần liên tiếp thanh khoản vẫn chưa vượt ngưỡng 18.000 tỷ đồng, bên cạnh đó là áp lực bán mạnh trở lại từ khối ngoại. Ngoài ra, thị trường đã khởi động mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2024, khá nhiều cổ phiếu có kết quả kinh doanh tích cực nhưng giá không tiến triển rõ rệt, thậm chí ở một số cổ phiếu còn tạo hiệu ứng “tin ra là bán”, chuyên gia MSB nhận định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
VN-Index điều chỉnh giảm 6 điểm trên nền thanh khoản thấp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO