Chứng khoán

VN-Index mất 11% trong tháng 10/2023

Mai Hương 31/10/2023 - 17:33

Với dòng tiền rút ra do áp lực giải chấp và cắt lỗ, VN-Index nằm trong top những chỉ số chứng khoán giảm sâu nhất trên thế giới trong tháng 10. Mức giảm của chỉ số tính chung cả tháng là 11%.

Định vị thị trường

Bối cảnh của thị trường chứng khoán Mỹ đã dần bớt đi sự tiêu cực trước cuộc họp của FED một ngày. Chỉ số đo lường rủi ro VIX tại Mỹ đã thoái lui khỏi mốc 20 điểm, xuống còn 19,7 điểm. Trong khi đó, cả 3 chỉ số DJIA (+1,58%), S&P 500 (+1,2%), NASDAQ (+1,16%) đều bật lên trong đêm qua.

Tuy nhiên, khu vực châu Á lại có những nỗi lo về số liệu kinh tế gây thất vọng của Trung Quốc và đồng Yen mất giá so với USD. NIKKEI 225 (+0,53%) là chỉ số tăng điểm đáng kể nhất trong khi Hang Seng (-1,7%), KOSPI (-1,41%), TWSE (-0,92%) đều mất điểm.

anh.png

VN-Index dù đã giảm liên tục nhưng trước áp lực giải chấp và cắt lỗ của nhà đầu tư, chỉ số vẫn tiếp tục thể hiện sự tiêu cực. Mức giảm tính chung cho cả tháng 10 của chỉ số là 11%, vượt xa các chỉ số khu vực.

Chất xúc tác

Việc kiểm soát tỷ giá vẫn đang khá hiệu quả với các nhịp bơm/rút nhịp nhàng của Ngân hàng Nhà Nước (NHNN). Phiên hôm qua, NHNN đã trở lại với hoạt động rút ròng sau 1 tuần bơm trở lại thị trường. Cụ thể, có 20.000 tỷ đồng tín phiếu trúng thầu với lãi suất tăng lên mức 1,50%, trong khi có 6.900 tỷ đồng đáo hạn. Như vậy, NHNN hút ròng 13.100 tỷ đồng từ thị trường, đưa số tín phiếu lưu hành trên thị trường tăng lên mức 206.499 tỷ đồng.

Lãi suất liên ngân hàng thậm chí chưa có phản ứng ngay khi các kỳ hạn ngắn nhất vẫn tiếp tục giảm. Kỳ hạn qua đêm đã giảm 15 điểm cơ bản xuống 0,85%.

Trong khi đó, tỷ giá trung tâm cũng tiếp tục được kéo xuống còn 24.087 VND/USD trong sáng nay. Hiện chỉ số DXY vẫn được giữ ở mức 106 điểm cho thấy đây vẫn là ngưỡng kháng cự khá "cứng" để vượt qua.

Dù chưa hề có dấu hiệu nhà điều hành "khóa van" dòng tiền nhưng tâm lý bất ổn của nhà đầu tư trong nước vẫn chưa thể được cải thiện. Kể cả khi khối ngoại cũng đã giải ngân trở lại hơn 300 tỷ đồng trên HOSE.

hose-2023-10-31.png

Nếu như không có giao dịch mang tính chất phòng vệ - hedging tại VHM (-257 tỷ đồng), quy mô mua ròng của phiên hôm nay có thể lên đến hơn 500 tỷ đồng.

Vận động thị trường

Như đã đề cập, vấn đề của thị trường là áp lực giải chấp và cắt lỗ của nhà đầu tư. Điều này tiếp diễn khiến cho những cổ phiếu lớn trong VN30 cũng không nằm ngoài vận động.

Cụ thể, MWG (-6,9%) đã giảm sàn về 37.700 đồng/cổ phiếu trong khi đó SAB (-6,7%), SSI (-6,4%), GVR (-6,1%) cũng đều giảm trên 6%. Khác biệt so với phiên hôm qua là tại rổ, VCB (+1%) đã không còn đơn độc khi có thêm sự hỗ trợ từ SSB (+1,8%), VIB (+1,7%), VNM (+0,6%).

Tuy nhiên, với 16/10 mã giảm với một số mã có biên độ rộng kể trên, VN30 cũng không thể có được nỗ lực tăng điểm cuối phiên. Đây cũng là quãng thời gian các CTCK trong nước thường xuyên có hành động giải chấp các vị thế đang sử dụng margin.

Nhóm Midcap và Penny luôn phải chịu tổn thương sâu nhất với một loạt mã như VCI, PVT, GEX, PDR, DGW, DPM, TCH, DBC, FTS, ANV, VGC, SZC, IDI giảm sàn. Còn các mã VND, VIX, HCM, VCG, LCG, VHC, PC1, NLG, BSI, SBT cũng giảm hơn 4%.

anh2.png

VN-Index đã xuống mức thấp nhất trong vòng 7 tháng trở lại đây. Chỉ số đóng cửa giảm 1,36% xuống 1.028,19 điểm, giá trị giao dịch đạt 14.881 tỷ đồng.

Tính chung cả tháng, VN-Index mất tới 10,91%. Còn các chỉ số HNX-Index (-2,45%), và UPCoM-Index (-1,64%) cũng mất lần lượt 12,77% và 8,84% trong tháng 10.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
VN-Index mất 11% trong tháng 10/2023
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO