Vấn đề - Nhận định

Xây dựng văn hóa “vay văn minh, trả văn minh” để tài chính tiêu dùng phát triển bền vững

Đoàn Hằng 20/04/2023 16:49

Hoạt động thu hồi nợ "phản cảm" từ một vài công ty tài chính không được Ngân hàng Nhà nước cấp phép, hay việc khách hàng rủ nhau “bùng nợ” vay… thời gian quan đang gây ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội và hoạt động cho vay tiêu dùng chính thống. Để tránh những hệ lụy tiêu cực và phát triển tài chính tiêu dùng bền vững, giới chuyên môn kiến nghị cần xây dựng thói quen "vay văn minh, trả văn minh" trong xã hội.

Thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam được đánh giá còn rất nhiều tiềm năng phát triển, nhu cầu vay vốn tín dụng tiêu dùng của người dân là rất lớn, đặc biệt trong giai đoạn nền kinh tế đang phục hồi. Cho vay tiêu dùng qua các kênh tín dụng chính thức như ngân hàng thương mại, công ty tài chính, các công ty tài chính công nghệ (fintech)… đã và đang góp phần rất lớn vào việc đáp ứng nhu cầu vốn tiêu dùng của khách hàng cá nhân, hạn chế tín dụng đen.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, những vấn đề phát sinh trong hoạt động thu hồi nợ "phản cảm" từ một vài công ty tài chính không được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp phép và hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) hay sự vụ công ty cho vay tiêu dùng được NHNN cấp phép hoạt động theo Luật Các TCTD (công ty tài chính tiêu dùng chính thống) bị cơ quan công an kiểm tra, đã tác động tiêu cực tới hình ảnh của các đơn vị cho vay tiêu dùng chính thống, thậm chí bị hiểu lầm là tín dụng đen.

Vậy, cho vay và thu hồi nợ thế nào để đúng quy định pháp luật? Làm sao để tín dụng tiêu dùng phát triển lành mạnh, bền vững, góp phần đẩy lùi tín dụng đen đang là vấn đề đặt ra hiện nay.

toan-canh-toa-dam-tin-dung-tieu-dung-_cho-vay-va-thu-hoi-no-dung-phap-luat-_-sang-nay-20-4-anh-hoang-trieu_3.jpg
Toàn cảnh tọa đàm

Công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước cấp phép đang bị đánh đồng với tín dụng đen

Phát biểu tại buổi Tọa đàm Tín dụng tiêu dùng: "Cho vay và thu hồi nợ đúng pháp luật!" do Báo Người Lao Động tổ chức ngày 20/4, ông Nguyễn Hoàng Minh, Trưởng Văn phòng Đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, thời gian gần đây các phương tiện truyền thông đại chúng đưa nhiều tin bài về cho vay tiêu dùng – gặp nhiều khó khăn, nhất là các công ty cho vay hợp pháp.

Ông Nguyễn Hoàng Minh cho biết, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam vừa nhận được báo cáo của 10/12 tổ chức hội viên là các công ty tài chính tiêu dùng. Qua báo cáo, các hội viên đã thực hiện nghiêm các quy định pháp luật, như các quy định tại Thông tư 43 và Thông tư 18 của NHNN (quy định chi tiết về quy trình cho vay, lãi suất, văn hóa thu hồi nợ,…). Dẫu vậy, thời gian qua, 7/10 công ty tài chính báo cáo đã bị cơ quan chức năng kiểm tra, hiện chưa có kết luận.

Số liệu từ NHNN cho thấy, đến nay có 16 công ty tài chính được Ngân hàng nhà nước cấp phép hoạt động theo Luật Các TCTD và các Luật có liên quan khác. Trong khi đó, các cửa hàng cầm đồ, các công ty mạo danh là công ty tài chính, các App cho vay… không được NHNN cấp phép lại rất nhiều, các hoạt động cho vay và thu hồi nợ của các loại hình này đang ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động và thương hiệu của các công ty tài chính chính thống. “Thậm chí, công ty tài chính tiêu dùng hợp pháp được NHNN cấp phép quản lý đang bị đánh đồng với tín dụng đen”, ông Nguyễn Hoàng Minh nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Hoàng Minh cho biết thêm, các công ty tài chính tiêu dùng chính thống đang rất khó khăn. Hoạt động cho vay và thu hồi nợ quý I/2023 tăng trưởng thấp, có công ty tài chính sụt giảm cả cho vay và thu hồi nợ. Các khách hàng vay của công ty tài chính tiêu dùng là khách hàng dưới chuẩn, chây ì trả nợ, khi nhân viên tài các công ty tài chính chính nhắc nợ khách hàng còn đe dọa ngược lại…. Khó khăn tiếp theo là đội ngũ nhân sự nghỉ việc nhiều, khó tuyển dụng do rủi ro nghề nghiệp, định kiến xã hội.

Làm sao thu hồi nợ cho đúng luật?

Theo Luật sư Trương Thị Hòa, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh, tín dụng tiêu dùng góp phần phát triển nền kinh tế, đây là giải pháp để đấu tranh, hạn chế tín dụng đen. Thực tế, trong xã hội đang có khoảng cách giữa người có thu nhập cao và thu nhập thấp và tín dụng tiêu dùng nhằm góp phần thu hẹp khoảng cách này.

Tuy nhiên, Luật sư Trương Thị Hòa cũng khẳng định: “Tín dụng tiêu dùng phải phát triển, cho vay phải đi đôi với thu hồi nợ. Đây là vấn đề chúng ta phải quan tâm”.

Vậy, làm sao thu hồi nợ đúng luật?. Trả lời cho câu hỏi này, Luật sư Trương Thị Hòa cho rằng, trước tiên, muốn thu hồi nợ đúng luật phải có quy định pháp luật đầy đủ. NHNN đã có rất nhiều văn bản thông tư liên quan đến hoạt động, quy định của pháp luật và phải được thực hiện, kiểm tra, giám sát. Cần tăng cường tuyên truyền kiến thức pháp luật cho người vay, để khách hàng hiểu đã đi vay thì phải trả nợ.

Dưới góc nhìn của công ty mua bán nợ ông Ngô Xuân Duy, Giám đốc Pháp chế, Công ty Mua bán nợ Việt Nam quốc tế cho biết, hoạt động của các công ty mua bán bạn đang thiếu khung pháp lý. Ví dụ, công ty đang khá phân vân việc gọi điện nhắc nợ như thế nào là đúng?.

Do đó, ông Ngô Xuân Duy kiến nghị: “Cần có khung pháp lý rõ ràng hơn và có thể điều chỉnh các công ty mua bán nợ không chỉ có tổ chức tín dụng”.

Trong quá trình đòi nợ, ông Ngô Xuân Duy cho biết, đã thực hiện bước khởi kiện tại tòa án đối với khách hàng chây ỳ trả nợ nhưng trong quá trình làm việc cũng khó khăn. Vì góc nhìn của cơ quan tố tụng chưa có cái nhìn có thiện cảm đối với phân khúc này, các công ty mua bán nợ phải giải trình khá nhiều dù họ khởi kiện theo đúng quy định.

Hơn nữa, thời gian tiến hành tố tụng khá dài, từ 9 tháng đến 1 năm với vụ án thông thường. Với hàng ngàn hồ sơ thì việc này khá khó khăn. Do đó, cần cơ chế phù hợp hơn đối với hoạt động thu hồi nợ. Đây là vấn đề của các nhà làm luật nhưng xuất phát từ những khó khăn thực tế hiện nay, rất cần những biện pháp xử lý.

Thực tế cho thấy, một số khách hàng dùng giấy tờ giả để vay, hành vi này có thể vi phạm về lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Do đó, cần cả ý thức trách nhiệm của khách hàng trong quá trình vay nhằm giúp thị trường minh bạch, rõ ràng hơn và hạn chế thấp nhất hành vi lừa đảo.

Ông Ngô Xuân Duy kiến nghị: “Cơ quan quản lý kiểm soát tín dụng đen chặt chẽ nhưng cũng cần giám sát người vay có trách nhiệm. Cần minh bạch, rõ ràng từ hai phía để thúc đẩy tài chính tiêu dùng phát triển”.

Phát triển tài chính tiêu dùng bền vững

Phát biểu tại tọa đàm, ông Hoàng Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổ chức Tài chính vi mô CEP cho biết, nhu cầu về vốn của người dân là rất lớn, các nguồn vay cũng rất đa dạng, từ chính thức đến bán chính thức và phi chính thức, đặc biệt có cả nguồn cho vay "không văn minh" là tín dụng đen. Đối với công nhân lao động có thu nhập thấp, khi tiếp cận các nguồn vốn lãi cao, gánh nặng nợ quá lớn dễ dẫn đến mất khả năng trả nợ và lập tức các biện pháp đòi nợ "không văn minh" xuất hiện.

Để tránh những hệ lụy trong xã hội và phát triển tài chính tiêu dùng bền vững, ông Hoàng Văn Thành đề nghị, cần xây dựng thói quen "vay văn minh, trả văn minh" trong mọi tầng lớp dân cư. Đề làm được việc này, thì tuyên truyền, thông tin đầy đủ, hỗ trợ kiến thức tài chính cho người vay là rất cần thiết. Nhất là những thông tin về lãi suất, hợp đồng tín dụng, cho vay…

Ông Nguyễn Hoàng Minh cũng đồng tình với giải pháp tăng cường tuyên truyền tránh để khách hàng gây ngộ nhận công ty tài chính tiêu dùng hợp pháp và công ty trái pháp luật. Theo đó, NHNN cần công bố danh sách các doanh nghiệp tín dụng tiêu dùng được cấp phép, có quản lý cần được công bố để người dân có nhìn nhận tốt hơn. “Cần truyền thông thêm nghĩa vụ người đi vay, rủi ro trả nợ không đúng hạn, người dân có niềm tin hơn”, ông Nguyễn Hoàng Minh nhấn mạnh.

Về phía các công ty tài chính tiêu dùng, ông Nguyễn Hoàng Minh đề nghị, tiếp tục quảng bá hình ảnh - công ty chính thống hợp pháp. Đồng thời, cần đưa ra nhiều sản phẩm phong phú, hữu ích cho khách hàng. Cho công nhân khu chế xuất – công nghiệp, vay trả góp, mở rộng mạng lưới, góp phần vùng sâu xa. Đặc biệt, phải cải tiến văn hóa thu hồi nợ.

Đại diện cơ quan quản lý, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP Hồ Chí Minh cũng khẳng định để để phát triển thị trường tài chính tiêu dùng an toàn, tích cực, hiệu quả, vừa phòng và chống tín dụng đen, cần tác tuyên truyền để người dân nhận thức đúng về tín dụng đen để không rơi vào vòng xoáy này. Cụ thể, nên tuyên truyền trực tiếp về kênh phường, xã, công nhân, nhóm dân phố… Ngoài ra, các TCTD cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, giảm thủ tục để mọi tầng lớp dân cư tiếp cận dòng vốn vay chính thức dễ dàng hơn.

Liên quan đến hoạt động thu hồi nợ, ông Nguyễn Văn Dũng đề nghị các TCTD cần tuân thủ chặt chẽ các quy định, hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước. Đồng thời phải phối hợp với các cơ quan, ban ngành, địa phương để tránh cho vay nặng lãi.

Ông Nguyễn Văn Dũng cũng cho biết, vừa qua UBND TP. Hồ Chí Minh giao NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh phối hợp với Công an TP. Hồ Chí Minh phòng chống tín dụng đen và có văn bản kiến nghị thành phố. Theo đó, Công an Thành phố cần tiếp tục tăng cường kiểm tra, liên ngành các công ty tài chính, tiệm cầm đồ, công ty đòi nợ thuê… cũng như thường xuyên rà soát, thông tin các phương thức, thủ đoạn cho vay nặng lãi, đang rà soát các app không đúng quy định, các công ty đòi nợ thuê vi phạm quy định.

“NHNN Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cũng đã phối hợp, làm việc với Công an Thành phố nhằm xác định đối tượng nghi ngờ và xác định làm đúng, ảnh hưởng đến thị trường tín dụng tiêu dùng”, ông Nguyễn Văn Dũng cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng văn hóa “vay văn minh, trả văn minh” để tài chính tiêu dùng phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO