Xét xử đường dây lừa đảo hàng chục tỷ đồng thông qua các cuộc gọi mạo danh

Bùi Trang| 29/09/2022 09:13
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - TAND TP. Hà Nội vừa xét xử đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản tinh vi và tuyên phạt bị cáo Phạm Hương Liên (SN 2000, ở TP. Việt Trì, Phú Thọ) lĩnh 7 năm tù, Dương Mai Nam (SN 2001, ở huyện Yên Lập, Phú Thọ) 7 năm tù vì tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Các bị cáo Mai Thị Hằng (SN1978, mẹ Nam) 9 năm tù, Mai Hương (SN 1980, mẹ Liên) 5 năm, Đỗ Thanh Tùng (SN 1990, ở huyện Ba Vì) 4 năm; Nguyễn Tiến Đạt (SN 1991, ở quận Long Biên) 5 năm và Nguyễn Tuấn Thành (SN 2001, ở TP Sơn La) 6 năm tù cùng về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Hai bị cáo Ngô Thị Khánh Vân (SN 1983, ở phường Tam Thanh, Lạng Sơn và Trịnh Thị Thu Phương (SN 1994, ở thị xã Đông Triều, Quảng Ninh) cùng bị phạt 3 năm tù vì tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.

Theo hồ sơ vụ án, năm 2020, công an nhận đơn trình báo của chị Nguyễn Thị Hương T. (SN 1976, ở quận Đống Đa) về việc bị lừa đảo hơn 11 tỷ đồng sau khi nghe cuộc gọi nặc danh.

Chị T. kể lại, sáng ngày 25/8/2020, chị nhận được cuộc gọi của một nam giới, tự xưng là đơn vị dịch vụ bưu chính gửi cho chị “trát hầu tòa” của TAND TP. Hà Nội với lý do chị nợ thẻ tín dụng quá hạn. Người này còn chuyển máy cho chị T. nói chuyện với một người tự xưng là cán bộ công an, Viện KSND TP. Hà Nội yêu cầu chị T. rút tiền trong sổ tiết kiệm để xác minh. Các đối tượng yêu cầu chị phải ngắt sim điện thoại trong vòng 72 giờ để phục vụ công tác điều tra.

Do lo lắng, chị T. đã làm theo yêu cầu các đối tượng và tất toán 14 sổ tiết kiệm và vay tiền của bạn bè, người thân với số tiền hơn 11,9 tỷ đồng. Các đối tượng yêu cầu chị cung cấp mã OTP rồi chiếm quyền điều khiển các tài khoản ngân hàng của chị T.

Tiếp nhận đơn trình báo, cơ quan công an xác định, từ ngày 25-30/8, các đối tượng đã chia nhỏ số tiền 11,9 tỷ đồng rồi chuyển đến nhiều tài khoản khác. Từ các tài khoản đó lại chuyển dồn đến tài khoản của Phạm Hương Liên và Dương Mai Nam.

Liên và Nam đã rút tiền mặt ra và đưa cho mẹ là Hương và Hằng. Hai bị cáo này tiếp tục chuyển tiền vào tài khoản của Tiến, Đạt, Thành, Tùng. Các bị cáo này lại rút tiền mặt rồi chuyển đến các tài khoản khác nhằm gây khó khăn cho công tác điều tra và thu hồi tài sản. Đối với Mai Thị Hoài Thương, cơ quan điều tra chưa xác định đối tượng này ở đâu, chưa làm rõ đây có phải là đối tượng gọi điện lừa đảo chị T. không. Do đó, công an tách tài liệu để tiếp tục điều tra.

Để thuận tiện cho việc nhận và chuyển tiền, các đối tượng thành lập nhóm chuyên nhận và rút tiền. Mỗi tháng, Thương yêu cầu các bị cáo nhận và chuyển từ 20-30 tỷ đồng. Các bị cáo đều nhận thức đây là số tiền bất chính vì Thương không có hoạt động kinh doanh mà chuyển tiền số lượng rất lớn. Cách thức nhận và chuyển tiền cũng bất thường, lòng vòng qua nhiều tài khoản. Tại cơ quan điều tra, các bị cáo khai nhận có quen biết với Mai Thị Hoài Thương (SN 1990, ở Phú Thọ, quốc tịch Đài Loan). Thương rủ Tùng, Đạt, Thành, Hương, Hằng, Nam, Liên mở các tài khoản ngân hàng hoặc mượn tài khoản của những người khác rồi nhắn thông tin tài khoản cho Thương để nhận tiền, rút tiền và chuyển tiền.

Cơ quan điều tra đã phong tỏa 10 tài khoản của các bị cáo và thu giữ tiền trong các tài khoản này để phục vụ công tác điều tra vụ án.

Mở rộng điều tra, công an còn làm rõ Phương và Vân là các đối tượng không có nghề nghiệp. Hai bị cáo bàn nhau thuê người mở thẻ ngân hàng để đem bán kiếm lời với giá gấp 3-4 lần (700.000 đồng – 800.000 đồng). Hai bị cáo còn đăng tải trên mạng xã hội để thu mua các giấy CMND của nhiều người, sửa thông tin, thay ảnh rồi của mình rồi mở các tài khoản ngân hàng đem bán kiếm lời.

Cơ quan điều tra xác định, từ tháng 2-4/2020, hai bị cáo này đã thu mua 34 giấy CMND với giá 100.000 đồng/cái và thu lời từ hành vi bất chính 12-20 triệu đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xét xử đường dây lừa đảo hàng chục tỷ đồng thông qua các cuộc gọi mạo danh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO