Ba thị trường chủ lực nhập khẩu cá tra Việt Nam trong các tháng đầu năm nay là Trung Quốc, Mỹ và EU, trong đó thị trường Trung Quốc, EU giảm lần lượt là 4% và 18,1%.
Trung Quốc nhập khẩu 75 triệu USD cá tra Việt Nam trong 2 tháng đầu năm
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong tháng 3/2024 ước đạt 685 triệu USD, tăng 49% so với tháng trước đó, nhưng giảm 10,67% so với tháng 3/2023. Lũy kế, xuất khẩu thủy sản quý I/2024 đạt 1,9 tỷ USD tăng 3,21% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu thủy sản trong tháng 2 đã giảm 38,7% so với tháng 1, nhưng lũy kế 2 tháng đầu năm lại tăng 13,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong tháng 2/2024, xuất khẩu cá tra tăng trưởng âm ở hầu hết các thị trường (chỉ đạt hơn 90 triệu USD, giảm 42% so với cùng kỳ năm ngoái), và hầu hết các phân khúc sản phẩm. Mặc dù sụt giảm 2 con số, nhưng lũy kế 2 tháng đầu năm xuất khẩu cá tra sang các thị trường vẫn tăng 6% so với cùng kỳ và đạt 255 triệu USD.
Trong thời gian này, Trung Quốc vẫn là nhà nhập khẩu cá tra hàng đầu của Việt Nam nhưng giảm 65% so với tháng 2/2023, đạt kim ngạch 23 triệu USD. Lũy kế hai tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc đạt 75 triệu USD, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2024, Trung Quốc vẫn tiếp tục là thị trường trọng điểm của xuất khẩu cá tra Việt Nam. Thị trường này đã tăng nhập khẩu cá tra từ cuối năm 2023 sau khi liên tiếp sụt giảm từ đầu năm. Song, nhập khẩu cá tra của Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào tình hình kinh tế của đất nước. Khi tình hình kinh tế ổn định và tốt lên, nhà nhập khẩu sẽ tăng nhập hàng và một trong những ưu tiên chọn lựa ở thị trường Việt Nam là mặt hàng cá tra.
Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Chuyên gia thị trường Cá tra VASEP cho biết, tháng 2/2024 là thời điểm trùng với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhất là sau khi nhiều thị trường trong đó có Trung Quốc tăng cường nhập khẩu để tích trữ cho kỳ nghỉ lễ này, là yếu tố giúp giá cá tra nguyên liệu đã thoát đáy, tăng từ 25.000-26.000 đồng/kg năm 2023 lên 28.000-29.000 đồng/kg đầu năm 2024. Sau khi tăng mạnh nhập khẩu Trung Quốc có thể giảm nhập khẩu làm giảm tốc hoạt động sản xuất và tiêu thụ của các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam.
Theo các chuyên gia, kinh tế Trung Quốc năm nay bắt đầu khởi sắc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, tỷ lệ việc làm tăng cao. Với những tín hiệu lạc quan từ nền kinh tế Trung Quốc, kỳ vọng doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam sẽ tiếp tục đạt được những kết quả khả quan tại thị trường này.
Hà Lan đứng đầu khối EU về tiêu thụ cá tra Việt Nam
Tháng 2/2024, xuất khẩu cá tra sang EU đạt 8 triệu USD, giảm 46,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế, trong 2 tháng đầu năm xuất khẩu cá tra sang khối thị trường này đạt 21 triệu USD, giảm 18,1% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, tháng 2/2024 hầu hết các thị trường trong khối đều giảm nhập khẩu cá tra từ Việt Nam và giảm ở hầu hết các phân khúc sản phẩm.
Top các thị trường nhập khẩu nhiều nhất cá tra Việt Nam của khối EU, gồm: Hà Lan, Đức, Bỉ và Tây Ban Nha.
Trong tháng 2, Hà Lan tiếp tục đứng đầu khối về tiêu thụ nhiều nhất cá tra Việt Nam với 2 triệu USD, giảm 43% so với cùng kỳ và giảm 48% so với tháng trước. Đây là mức thấp nhất trong 3 năm trở lại đây kể từ năm 2022. Lũy kế 2 tháng đầu năm đạt 5,754 triệu USD, giảm 14,4% so với cùng kỳ năm trước.
Sau 5 năm thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện (2019- 2024) và 10 năm quan hệ Đối tác Chiến lược về nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực (2014 2024), quan hệ Việt Nam - Hà Lan được đánh giá là điển hình của mối “quan hệ năng động và hiệu quả” giữa hai khu vực Á – Âu.
“Hà Lan vẫn có nhu cầu cao với các sản phẩm cá tra của Việt Nam, vì vậy, để giữ ổn định ở thị trường này các doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao chất lượng sản phẩm, thực hiện các cam kết phát triển xanh, sạch, an toàn”, bà Thu Hằng nói.
Đứng thứ 2 là Đức, trong tháng 2, thị trường này nhập khẩu hơn 1,6 triệu USD cá tra, giảm 55% so với tháng 2/2023. Lũy kế 2 tháng đầu năm nay đạt hơn 3,42 triệu USD, giảm 45% so với cùng kỳ. Xuất khẩu cá tra sang Đức từ nửa cuối năm 2023 đến nay liên tục diễn biến thất thường, có khi chạm đáy 1,4 triệu USD trong tháng 11/2023 sau khi chạm đỉnh hơn 6 triệu USD tháng trước đó.
Trong thời gian này, xuất khẩu cá tra sang Bỉ cũng không phải là ngoại lệ trong bối cảnh sụt giảm chung, với giá trị đạt gần 1,2 triệu USD, giảm 26,1% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 2 tháng đầu năm đạt 2,36 triệu USD, giảm 12,7% so với cùng kỳ 2023
Tây Ban Nha là thị trường thứ 4 trong khối tiêu thụ nhiều nhất cá tra Việt Nam với khoảng 1 triệu USD trong tháng 2/2024, tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 2 tháng đạt gần 3 triệu USD, tăng 69,6% so với cùng kỳ năm trước.
Theo các chuyên gia kinh tế, cuộc xung đột Nga - Ukraine và ở Trung Đông tạo những tác động đầy bất ổn và rủi ro cho triển vọng kinh tế của khối này và năm 2024 có thể tiếp tục là một năm đầy thách thức đối với mục tiêu phục hồi và tăng trưởng nền kinh tế của EU.
Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang EU trong đó có cá tra sẽ chịu ảnh hưởng của suy thoái chung toàn cầu. Doanh nghiệp Việt Nam cần khai thác tối đa những ưu đãi, lợi thế mà EVFTA mang lại để tham gia sâu hơn vào thị trường EU. Mặt khác, để thâm nhập sâu hơn vào thị trường này trong thời gian tới doanh nghiệp cần thích ứng các quy định về tiêu chuẩn xanh của EU về chất lượng hàng hóa, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững...