Các Hiệp hội ngành, nghề

Xuất khẩu tôm sang Trung Quốc và Mỹ tăng mạnh, ngành tôm kỳ vọng sớm trở lại đường đua tăng trưởng

Nguyễn Huyền 18/03/2024 - 12:54

2 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu tôm tăng 24% so với cùng kỳ năm trước. Top 5 thị trường xuất khẩu hàng đầu có 2 thị trường giảm là EU và Hàn Quốc, 3 thị trường nhóm đầu là Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản đều đạt mức tăng trưởng tốt, đặc biệt thị trường Trung Quốc tăng 3 con số. Do vậy, ngành tôm kỳ vọng sớm trở lại đường đua tăng trưởng trong năm nay.

xuat-khau-tom-1.jpg
Xuất khẩu tôm sang Trung Quốc và Mỹ tăng mạnh, ngành tôm kỳ vọng sớm trở lại đường đua tăng trưởng

Xuất khẩu tôm sang thị trường Trung Quốc tăng trưởng 3 con số

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu tôm trong tháng 2/2024 giảm 11%, đạt 173 triệu USD do trùng với Tết Nguyên đán, nhưng nhờ tăng trưởng mạnh trong tháng 1, nên lũy kế 2 tháng đầu năm tăng. Top 5 thị trường xuất khẩu tôm lớn của Việt Nam, gồm: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, EU và Hàn Quốc.

Kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam trong 2 tháng đầu năm nay đạt 415 triệu USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, thị trường Trung Quốc và Mỹ ghi nhận tăng trưởng lần lượt 143% và 26% so với cùng kỳ.

Trong tháng đầu năm nay, giá trung bình xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ, Anh, Hàn Quốc ghi nhận tăng trong khi giá xuất khẩu sang Trung Quốc, EU, Nhật Bản giảm.

Bà Phùng Thị Kim Thu, Chuyên gia thị trường ngành Tôm VASEP cho biết, xuất khẩu tôm sang thị trường Trung Quốc trong tháng 2/2024 tăng 76% đạt 39 triệu USD. Đây là thị trường duy nhất trong số các thị trường nhập khẩu tôm chính ghi nhận tăng trưởng dương trong tháng 2 năm nay. Lũy kế 2 tháng đầu năm cho thấy, xuất khẩu tôm sang thị trường Trung Quốc tăng 143% đạt 81,453 triệu USD, tăng 143,1% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm tỷ lệ 19,6%.

“Tháng đầu tiên của năm nay, Trung Quốc tăng mạnh nhập khẩu tôm để đáp ứng nhu cầu Tết Nguyên đán, nhưng lại giảm nhập khẩu từ Ecuador - nguồn cung tôm lớn nhất của Trung Quốc, nên họ tăng cường nhập khẩu tôm từ Việt Nam. Tại thị trường Trung Quốc, tôm Việt Nam phải cạnh tranh về giá so với các nguồn cung đối thủ, tuy nhiên nhiều nhà mua hàng ở Trung Quốc đánh giá tôm Việt Nam có chất lượng cao hơn Ecuador, Ấn Độ nên đã chấp nhận mức giá cao hơn”, bà Kim Thu nói.

Năm 2023, Trung Quốc nhập 1 triệu tấn tôm, cho thấy dung lượng lớn của thị trường có lợi thế địa lý gần này. Doanh nghiệp Việt Nam cũng có chiến lược tập trung bán vào Trung Quốc những mặt hàng tôm mà các nước cung ứng tôm khác không thể đáp ứng. Dự báo, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc sẽ vẫn tăng trưởng tốt trong nửa đầu năm nay.

Tôm Việt Nam được đánh giá có triển vọng hơn các đối thủ tại thị trường Mỹ

Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ trong tháng 2 năm nay đạt 31 triệu USD, giảm 9%. Lũy kế 2 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 72,13 triệu USD, tăng 26%, chiếm tỷ lệ 17,4%. Do trùng với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán nên xuất khẩu sang Mỹ trong tháng 1/2024 giảm nhẹ. Giá trung bình xuất khẩu tôm sang Mỹ sau khi chạm đáy vào tháng 11/2023, đã có xu hướng tăng trong những tháng đầu năm nay.

Theo nhận định của chuyên gia ngành tôm, doanh số bán thủy sản tươi sống và đông lạnh của Mỹ dự báo sẽ ổn định trong năm 2024, sau khi gặp nhiều khó khăn trong năm 2023 do lạm phát, người dân thắt chặt chi tiêu. So với một số nguồn cung tôm chính tại Mỹ là Ấn Độ, Ecuador, Trung Quốc thì Việt Nam được đánh giá có triển vọng hơn, nhất là khi quan hệ ngoại giao Việt Nam – Mỹ tốt đẹp, mở ra nhiều cơ hội cho hàng hóa Việt Nam sang Mỹ. Mỹ cũng đang có chính sách tăng cường mua hàng từ các nước, giảm phụ thuộc quá nhiều vào hàng Trung Quốc.

Việt Nam vẫn giữ vững là nguồn cung tôm thứ tư của Mỹ (sau Ấn Độ, Ecuador và Indonesia nhưng đứng trước Thái Lan). Tháng 1/2024, Việt Nam xuất khẩu 3.688 tấn tôm sang xứ cờ hoa, mang về 35,7 triệu USD, giảm 5% về lượng và 12% về giá trị. Giá trung bình đạt 4,46 USD/lb, giảm 9% so với cùng kỳ năm trước và 2% so với tháng 12/2023

Bên cạnh đó, triển lãm Thủy sản Bắc Mỹ 2024 diễn ra từ ngày 10-12/3 có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn từ Việt Nam sang Mỹ, cũng hứa hẹn nhiều triển vọng cho xuất khẩu tôm sang thị trường này. Khó khăn, thách thức cho ngành vẫn hiện hữu như dịch bệnh trên tôm nuôi vẫn đáng lo ngại, nhu cầu thị trường vẫn yếu và chưa có sự phục hồi rõ nét như thị trường EU, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Đứng thứ ba là Nhật Bản, lũy kế 2 tháng đầu năm xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 60 triệu USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm tỷ lệ 14,5%

Khối thị trường EU đứng thứ tư với kim ngạch xuất khẩu trong 2 tháng qua đạt 49 triệu USD, so với cùng kỳ giảm 4,4%, chiếm tỷ lệ 11,8%.

Thị trường Hàn Quốc đứng thứ năm, với kim ngạch xuất khẩu trong 3 tháng đầu năm nay đạt 40 triệu USD, so với cùng kỳ năm ngoái giảm 14%, chiếm tỷ lệ 9,6%.

“Xuất khẩu tôm kỳ vọng sớm trở lại đường đua tăng trưởng trong năm nay. Để đạt được mong muốn này, ngành tôm xác định tập trung cho khâu nuôi để nâng sức cạnh tranh và đẩy mạnh sản xuất hàng giá trị gia tăng (lợi thế của tôm Việt Nam), cùng với sự sát cánh của chính phủ, các bộ, ngành”, bà Kim Thu cho biết.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xuất khẩu tôm sang Trung Quốc và Mỹ tăng mạnh, ngành tôm kỳ vọng sớm trở lại đường đua tăng trưởng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO