Yếu tố tâm lý tác động đến nhà đầu tư trên TTCK trong thời kỳ dịch COVID-19

TS. Trần Thị Vân Anh| 08/02/2021 09:03
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Nghiên cứu với mục tiêu xem xét tác động của các yếu tố tâm lý tới NĐT trên TTCK Việt Nam trong giai đoạn dịch COVID-19, từ đó, đề xuất một số hàm ý chính sách liên quan.

Tóm tắt: Dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam. Cùng với việc triển khai nhiều giải pháp cụ thể, trực tiếp kiểm soát dịch bệnh, Chính phủ cũng đã áp dụng hàng loạt các chính sách vĩ mô nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế nói chung và ổn định TTCK. Đây được coi là yếu tố tâm lý tác động đến các nhà đầu tư (NĐT) trên TTCK. Nghiên cứu này với mục tiêu xem xét tác động của các yếu tố tâm lý tới NĐT trên TTCK Việt Nam trong giai đoạn dịch COVID-19, từ đó, đề xuất một số hàm ý chính sách liên quan tới vấn đề này.

Psychological factors affecting investors on the stock market during COVID-19 pandemic

Abstract: COVID-19 pandemic has caused many negative effects on the stock market of Vietnam. Along with the implementation of specific measures to directly control disease, the Government has also applied a series of macro policies to support the economy in general and stabilize the stock market. This is considered as a psychological factor affecting investors on the stock market. This study aims to examine the impact of psychological factors on investors on Vietnam’s stock market during the COVID-19 pandemic, then, proposing some policy implications related to this issue for Vietnam.

Đặt vấn đề

Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tới nền kinh tế thế giới và TTCK vốn được coi là phong vũ biểu của nền kinh tế. Điều này thể hiện qua sự sụt giảm nhanh và mạnh của các chỉ số TTCK lớn trên thế giới như Dow Jones (Mỹ) giảm 28,3%, Nikkei 225 (Nhật) giảm 18,8%, KOSPI (Hàn Quốc) giảm 24,8%, Hang Seng (Hồng Kông) giảm 19%, FTSE 100 (Anh) giảm 25,9%, SET (Thái Lan) giảm 32,5%, PSEI (Philippines) giảm 35,9%.  Nhìn chung, các chỉ số TTCK thế giới giảm từ trên 10% đến 40% trong quý I/2020 tương ứng với giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát mạnh nhất trong khi chính phủ các quốc gia còn khá lúng túng khi chưa có được những biện pháp khắc phục hiệu quả. Ví dụ như trong một tuần từ ngày 9/3 đến ngày 16/3/2020, TTCK Mỹ đã trải qua đợt giảm mạnh nhất kể từ năm 1987 và đã 3 lần phải kích hoạt cơ chế tạm dừng giao dịch. Trong ngày 12/3, có đến 10 quốc gia, vùng lãnh thổ phải kích hoạt cơ chế tạm dừng giao dịch, đặc biệt, Philippines ngày 17/3/2020 đã quyết định tạm ngừng TTCK để đối phó với dịch bệnh. Tây Ban Nha ra chỉ thị cấm bán khống đối với 69 loại cổ phiếu; Italia, Anh cấm bán khống đối với một số loại chứng khoán; Hàn Quốc tạm dừng bán khống trong vòng 6 tháng; Ðài Loan xem xét giải pháp cấm toàn bộ hoạt động bán khống.

Bước sang tháng 4, TTCK thế giới đã bắt đầu tăng trưởng trở lại khi dịch COVID-19 phần nào đã được kiểm soát trên toàn cầu cùng với một số biện pháp mà chính phủ các quốc gia và vùng lãnh thổ đã triển khai để duy trì hoạt động của TTCK. Ví dụ như quy định cho phép kéo dài thời hạn nộp báo cáo tài chính tại Mỹ, Anh, Trung Quốc hay gia hạn thời gian tổ chức các cuộc họp đại hội đồng cổ đông (Indonesia) và khuyến khích doanh nghiệp niêm yết mua cổ phiếu quỹ để bình ổn giá (Đài Loan). Xu thế tăng điểm tiếp tục trong tháng 5 và tháng 6 khi nhiều quốc gia đã bắt đầu nới lỏng các quy định giãn cách xã hội nhằm tái khởi động nền kinh tế sau dịch và đưa ra các biện pháp nhằm kích thích nền kinh tế. Tính đến cuối tháng 6/2020, TTCK Mỹ tăng 2,5%, Anh tăng 2,8%, Pháp tăng 5,4%, Nhật Bản tăng 2,5%, Hàn Quốc tăng 4,8%, Trung Quốc tăng 4%, Thái Lan tăng 0,69%, Phillipines tăng 8,7% so với cuối tháng trước.

Tương tự như tình hình TTCK thế giới, đại dịch COVID-19 cũng tác động mạnh đến TTCK Việt Nam. Cùng với những biện pháp trực tiếp kiểm soát dịch bệnh thì Chính phủ cũng đã triển khai hàng loạt các chính sách vĩ mô nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế nói chung và ổn định TTCK nói riêng. Bài viết với mục tiêu xem xét tác động của các yếu tố tâm lý tới NĐT trên TTCK Việt Nam trong giai đoạn dịch COVID-19 vừa qua nhằm đề xuất một số hàm ý chính sách liên quan tới vấn đề này cho Việt Nam.

Những yếu tố tâm lý tác động đến NĐT

Theo thống kê từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), tính đến cuối tháng 4, số lượng tài khoản giao dịch trong nước đạt 2.439.409 tài khoản, trong đó số tài khoản giao dịch của các NĐT cá nhân có tỷ lệ áp đảo là 2.428.985 trong khi số tài khoản của các NĐT tổ chức chỉ là 10.424 tài khoản. Các NĐT cá nhân chủ yếu là người nghiệp dư nên dù tham gia với số lượng lớn nhưng lại có mức độ đa dạng hóa danh mục đầu tư thấp hơn, quy mô và khối lượng giao dịch nhỏ hơn so với các NĐT tổ chức. Các NĐT cá nhân thường không có chiến lược đầu tư dài hạn và không tuân theo các triết lý đầu tư cụ thể, vì vậy họ dễ bị tổn thương và dễ bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố đặc biệt là các yếu tố tâm lý.

Nhà đầu tư cá nhân trên TTCK Việt Nam nhìn chung chịu tác động của 4 yếu tố tâm lý chủ yếu chi phối quá trình ra quyết định đầu tư: tâm lý quá tự tin; tâm lý sợ thất bại; tâm lý sử dụng các quy tắc có sẵn; tâm lý đám đông. Mỗi yếu tố tâm lý có khái niệm và các hình thái biểu hiện cụ thể như sau:

Tâm lý quá tự tin: thể hiện ở phản ứng tự tin thái quá hay bi quan thái quá, là trạng thái mà NĐT có xu hướng nghĩ rằng họ tốt hơn thực tế (Trivers, 1991) do đó nhiều khi hiểu sai giá trị thông tin họ nhận được, nghĩa là họ không chỉ hiểu sai tính chính xác của thông tin mà còn hiểu sai cả ý nghĩa của thông tin. Sự tự tin thái quá mà một NĐT có càng lớn thì rủi ro càng cao do họ rất ít đa dạng hóa đầu tư mà chỉ tập trung vào những cổ phiếu đã quen thuộc, ít/không tham khảo quan điểm của những NĐT khác (Campbell và cộng sự, 2004; Lichtenstein và cộng sự, 1982).

Tâm lý quá tự tin thể hiện trong quan sát của Bikas và cộng sự (2013) khi nhận thấy rằng phần lớn các NĐT nhỏ cảm thấy rằng họ có đủ kiến ​​thức và kinh nghiệm trong đầu tư. Graham và cộng sự (2009) đã cố gắng đánh giá biểu hiện tâm lý này tới tần suất giao dịch như thế nào. Họ nhận thấy rằng các NĐT dưới tác động của tâm lý quá tự tin thực hiện giao dịch thường xuyên hơn và có xu hướng có danh mục đầu tư đa dạng hơn (Graham và cộng sự, 2009; Liu và Du, 2016).

Trong những năm gần đây, có nhiều nghiên cứu đã ghi nhận hai phản ứng bất thường thái quá của thị trường đó là phản ứng quá nhanh và phản ứng quá chậm. Barberis và cộng sự (1998) cho rằng nguyên nhân phát sinh hai phản ứng này là do NĐT bị ảnh hưởng của tâm lý sợ thất bại và tâm lý sử dụng các quy tắc sẵn có.

Tâm lý sợ thất bại: khi điều kiện kinh tế vĩ mô hay vi mô thay đổi thì những NĐT có tâm lý sợ thất bại có xu hướng chậm phản ứng với những thay đổi đó và gắn nhận định của mình với tình hình chung trong một giai đoạn dài hạn trước đó. Tức là khi có tin nền kinh tế suy giảm, NĐT có tâm lý sợ thất bại cho rằng kinh tế kém đi chỉ là tạm thời và sẽ tiếp tục đi lên trong dài hạn mà không nhận thấy rằng đây có thể là tín hiệu bắt đầu cho một chu kỳ suy thoái nhiều năm. Tuy nhiên, khi tình hình kinh tế vẫn chưa cho thấy sự cải thiện sau một khoảng thời gian thì các nhà đầu có tâm lý sợ thất bại sẽ không còn giữ vững được niềm tin về việc thị trường có thể sẽ nhanh chóng phục hồi nên sẽ dẫn tới những phản ứng thái quá.

Ví dụ như NĐT căn cứ vào mức tăng trưởng EPS tương đối trong quá khứ để xây dựng các chiến lược giao dịch khác nhau cũng như dự đoán cho mức tăng trưởng trong một số khoảng thời gian nhất định. Tâm lý sợ thất bại làm cho NĐT tin rằng các công ty có EPS cao sẽ tiếp tục tăng trưởng đều đặn nên họ tiếp tục mua chứng khoán với mong muốn có thêm phần lợi nhuận hoặc như các công ty có mức tăng trưởng EPS thấp cũng sẽ liên tục suy giảm nên họ có thể đổ xô đi bán chứng khoán với mong muốn thu hồi lại một phần lợi nhuận (Chen và cộng sự, 2009). Mặt khác, chính tâm lý sợ thất bại cũng làm cho các NĐT khá bảo thủ trong việc tiếp nhận những bằng chứng mới làm thay đổi nhận định của họ (Edwards, 1968). 

Tâm lý sử dụng các quy tắc có sẵn: thường thể hiện bằng ba hiệu ứng. Thứ nhất là lệch lạc/thiên kiến do sự quen thuộc thể hiện bằng xu hướng NĐT ưa chuộng hơn những gì quen thuộc với mình. Nói cách khác, NĐT thường sử dụng những phương án quen thuộc hơn là thử xem xét các phương án mới khác. Thứ hai là lệch lạc/thiên kiến do sự neo đậu được hiểu là xu hướng cố định vào một kết quả duy nhất. Điều này có nghĩa là NĐT xác định một kết quả ban đầu và luôn cố điều chỉnh kết quả cuối cùng hướng về kết quả ban đầu đó. Thứ ba là lệch lạc/thiên kiến do tình huống điển hình là biểu hiện tâm lý được nghiên cứu nhiều nhất trong ba hình thức trên.

Lệch lạc do tình huống điển hình xuất hiện khi NĐT hy vọng rằng kết quả một chuỗi các sự kiện được tạo ra bởi một quá trình ngẫu nhiên có thể đại diện cho một sự chắc chắn sẽ xảy ra (Tversky và Kahneman, 1974). Những NĐT như vậy có xu hướng không quan tâm nhiều đến những nhân tố dài hạn, mà quan tâm đến những tình huống điển hình ngắn hạn. Hay nói cách họ đặt trọng tâm quá nhiều vào thông tin về các tình huống hiện tại mà bỏ qua hay không đặt nặng sự cần thiết phải sử dụng những kiến ​​thức trước đây của họ (Liu và Du, 2016).

Khi có biểu hiện thiên kiến do tình huống điển hình thì NĐT có xu hướng phân loại các công ty thành các nhóm riêng biệt dựa trên các đặc điểm tương tự, sử dụng thông tin trong quá khứ để dự đoán về hiệu suất trong tương lai (Spyridon và cộng sự, 2017). Theo Daniel và cộng sự (2002) thì NĐT có thể ngoại suy quá mức từ hiệu suất trong quá khứ và gây ra phản ứng thái quá, do đó đặt giá quá cao hoặc quá thấp, tạo ra sự đảo ngược trong tương lai khi kỳ vọng được chứng minh là sai.

Tâm lý đám đông/hiệu ứng bầy đàn: là thuật ngữ thể hiện hành vi của các NĐT và các nhà quản lý quỹ có thể chấp nhận một chiến lược đầu tư rủi ro trên thị trường mà không thu thập thông tin đầy đủ chỉ vì nhiều NĐT khác làm như vậy (Bikhchandani và Sharma, 2000). Trong thị trường tài chính, tâm lý đám đông xảy ra khi các NĐT bắt chước hành vi của các NĐT khác hoặc đưa ra quyết định đầu tư trên cơ sở quan điểm, đánh giá hoặc hành động của người khác. Một NĐT có thể có lý do chính đáng để lý giải cho việc bản thân mình xuất hiện tâm lý đám đông. Ví dụ, các nhà phân tích thị trường tài chính có thể xem xét ý kiến ​​của đa số bởi vì theo cách này họ có thể tránh được nguy cơ thiệt hại cho danh tiếng của mình.

Tâm lý đám đông tồn tại ở cả NĐT tổ chức và NĐT cá nhân trên các thị trường tài chính phát triển cũng như thị trường tài chính mới nổi (Merli và cộng sự, 2013; Barber và cộng sự, 2009). Các NĐT tổ chức có thể bắt chước hành vi đầu tư của người khác vì họ nghĩ rằng bằng cách này họ có thể tăng thu nhập của mình. Tuy nhiên, nhiều NĐT sao chép hành vi của các NĐT khác theo cách không hợp lý và đôi khi hoàn toàn phi lý. Cụ thể như khi họ bị cuốn theo những hành vi thường xuất hiện khi TTCK ở giai đoạn thuận lợi thể hiện là giá cổ phiếu ở mức dự kiến, hoặc hoảng loạn khi đối mặt với việc giá cổ phiếu không diễn biến như suy đoán. Đôi khi, các quy ước xã hội hoặc phong tục cũng đóng một vai trò trong sự xuất hiện của tâm lý đám đông (Spyrou, 2013).

NĐT cá nhân thường thể hiện tâm lý đám đông khi thực hiện các giao dịch trên TTCK (Barber và cộng sự, 2009). Hành vi như vậy xuất hiện khi các NĐT bỏ qua niềm tin cá nhân và hành động theo ý kiến ​​và cảm xúc từ các NĐT khác thông qua tương tác xã hội (Redhead, 2008). Hiệu ứng bầy đàn giữa các NĐT là một hành vi tâm lý phổ biến phát sinh do có nhiều biến động và sự thay đổi của các xu hướng ngắn hạn thường diễn ra trên thị trường tài chính (Kabir và Shakur, 2018).

Ảnh hưởng của yếu tố tâm lý tới NĐT trên TTCK Việt Nam

Dịch bệnh COVID-19 khiến nền kinh tế toàn cầu nói chung và TTCK nói riêng chịu nhiều ảnh hưởng rất tiêu cực. Trong đầu tháng 1/2020, TTCK Việt Nam tiếp tục đà tăng điểm từ cuối năm 2019 tuy nhiên tới cuối tháng 1/2020 thì các chỉ số TTCK Việt Nam đã trải qua những đợt giảm điểm nhanh và mạnh. Cụ thể, TTCK giảm điểm sâu vào ngày 30/1, giảm 3,22%; ngày 31/1, giảm 2,39%; và ngày 3/2/2020, giảm 0,91%. Mặc dù sau đó TTCK Việt Nam có một số phiên phục hồi như trong ngày 6/2/2020 tăng 1,36%; ngày 20/2/2020 tăng 1,01% tuy nhiên giảm điểm trên TTCK vẫn là xu hướng chung trong giai đoạn này. Kết thúc quý I/2020, Việt Nam trở thành một trong những TTCK giảm điểm mạnh nhất khu vực châu Á với chỉ số VN-Index mất khoảng 34% giá trị kể từ khi dịch bùng phát và giảm 45% từ đỉnh 1.200 điểm của VN-Index cách đây 2 năm tính cuối tháng 3/2020.  Đây cũng là mức giảm lớn thứ 2, chỉ xếp sau mức giảm 44,25% trong quý 1/2008, giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Định giá P/E của VN-Index chỉ còn 9,8 lần, thấp nhất trong vòng 5 năm. Chứng khoán Việt Nam bị định giá ở mức thấp nhất trong khu vực ASEAN và các thị trường mới nổi.

Nguyên nhân chính của hiện tượng này là do những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 đã đưa tới phản ứng bi quan thái quá (một thể hiện cực đoan của tâm lý quá tự tin) của NĐT đã dẫn tới trạng thái trì hoãn đầu tư khiến TTCK Việt Nam liên tục giảm điểm mạnh. Thêm vào đó tâm lý sợ thất bại cũng làm cho nhiều NĐT mất niềm tin vào sức chống đỡ của TTCK và chọn cách từ bỏ đầu tư, bán tháo chứng khoán cũng góp phần làm cho TTCK giảm điểm. Như đã nêu ở trên, TTCK Việt Nam chủ yếu là các NĐT cá nhân ít có chiến lược đầu tư dài hạn và không tuân theo các triết lý đầu tư cụ thể nên hay bị ảnh hưởng của tâm lý đám đông cũng làm cho hiện tượng bán tháo chứng khoán trở nên trầm trọng hơn trong giai đoạn này.

Nếu coi ngày 30/3/2020 là “đáy” thời COVID-19 khi VN-Index chạm xuống mốc 662 điểm thì kể từ đó đến nay, TTCK Việt Nam liên tục tăng điểm cho thấy TTCK đang đi vào giai đoạn phục hồi. Sang tháng 4, TTCK Việt Nam là một trong những thị trường phục hồi nhanh và mạnh nhất thế giới khi từ ngày 1/4 đến ngày 17/4, thị trường ghi nhận 11/12 phiên tăng điểm với tổng số tăng khoảng 19%. Tính đến phiên giao dịch cuối cùng của tháng 4, chỉ số Vn-Index đã hồi phục khoảng một nửa số điểm đã mất trong tháng 3. Đầu tháng 5 thì chỉ số VN-Index đã lên tới mốc 800 điểm lên mức gần 900 điểm vào cuối tháng 6/2020.

Việc tăng điểm liên tục của TTCK trong quý 2/2020 có thể giải thích bằng tâm lý tự tin và tâm lý đám đông ảnh hưởng tới quyết định của NĐT. Tâm lý tự tin xuất phát từ sự lạc quan của NĐT về những kết quả tích cực của những biện pháp do Chính phủ triển khai nhằm ổn định nền kinh tế nói chung và TTCK nói riêng. Thêm vào đó, tâm lý tự tin của nhiều NĐT xuất phát từ những tín hiệu tích cực như làn sóng dịch chuyển vốn FDI vào Việt Nam, tiến trình đẩy mạnh đầu tư công, cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước được thúc đẩy... Tâm lý đám đông cũng thúc đẩy các NĐT chấm dứt việc bán tháo chứng khoán và thậm chí bắt đầu mua chứng khoán.

Một đặc điểm của TTCK Việt Nam trong 3 tháng vừa qua là sự gia tăng đáng kể số lượng tài khoản mở mới. Theo Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), tính từ tháng 3 đến tháng 6/2020 có gần 100.000 tài khoản mở mới trong đó, tháng 3 là 31.949 tài khoản và tháng 4 là 36.721 tài khoản. Số liệu của VSD cho thấy tính lũy kế trong 4 tháng gần nhất, các NĐT nội đã mở mới 137.753 tài khoản chứng khoán, tương đương 73% số lượng tài khoản chứng khoán mở mới trong cả năm 2019, nâng tổng số tài khoản chứng khoán tại Việt Nam đạt 2,54 triệu tài khoản.

Thông thường dưới ảnh hưởng của tâm lý sử dụng các quy tắc có sẵn và tâm lý đám đông thì phần lớn NĐT tham gia thị trường khi giá cổ phiếu đã tăng mạnh vì bị hấp dẫn bởi nền kinh tế tăng trưởng và khả năng đạt tỷ suất lợi nhuận cao. Tuy nhiên trong giai đoạn vừa qua thì nhiều NĐT mới lại tham gia thị trường khi nguy cơ suy thoái vẫn hiện hữu, thậm chí số lượng NĐT tham gia mạnh nhất vào trong tháng 4 và 5 khi mà giá cổ phiếu vẫn đang xu hướng tăng giá. Lý giải cho hiện tượng đặc biệt này là do tâm lý tự tin của NĐT về sự phục hồi của TTCK. Mặc dù kết quả kinh doanh trong các tháng của quý II của nhiều doanh nghiệp còn tiếp tục suy giảm, nhưng các chính sách kích thích kinh tế, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ người dân được chính phủ thực thi đã củng cố niềm tin của NĐT và nâng đỡ sức cầu thị trường.

Mặt khác, do TTCK mất điểm mạnh trong tháng 3 làm cho khoảng 60% cổ phiếu có thị giá thấp hơn giá trị sổ sách, tâm lý đám đông đã làm cho nhiều NĐT tăng mạnh giá trị đầu tư vào TTCK và thậm chí thu hút nhiều người chưa từng đầu tư chứng khoán mở tài khoản, điều này giúp thị trường có thêm dòng tiền mới để cân đối lại lực bán mạnh mẽ của khối ngoại. Số liệu của VSD cho biết khối ngoại đã bán ròng hơn 15.000 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay, trong khi khối tự doanh công ty chứng khoán cũng bán ròng hơn 2.500 tỷ đồng. Nếu như không có những NĐT mới tham gia thì thị trường khó có thể ổn định như hiện nay. Thêm vào đó thì đầu tư vào cổ phiếu được nhiều NĐT lựa chọn bởi dễ tham gia và phù hợp với mọi quy mô vốn đặc biệt là khi nhiều kênh đầu tư khác khó sinh lời cao và giảm dần sức hút.

Mặc dù số lượng NĐT trong nước tăng mạnh nhưng trong vài tháng gần đây, số lượng tài khoản mở mới của NĐT ngoại khá hạn chế. Thêm vào đó là hiện tượng bán ròng của các NĐT nước ngoài trong quý I/2020. Theo dữ liệu từ Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh, khối ngoại bán ròng xấp xỉ 8.000 tỷ đồng trong tháng 3/2020. Riêng phiên ngày 30/3, lượng cổ phiếu bán trên thị trường lên tới hơn 5 tỷ USD. Lý giải cho hiện tượng này là một phần là do tâm lý bi quan và tâm lý sợ thất bại của NĐT ngoại về khả năng phục hồi của nền kinh tế các quốc gia trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Một nguyên nhân khác là việc hạn chế đi lại giữa các quốc gia khiến NĐT ngoại ít có cơ hội mở tài khoản tham gia TTCK Việt Nam. Tuy nhiên sang tháng 5 thì dòng tiền ngoại lại quay trở lại Việt Nam khi chỉ số VNIndex đang ở ngưỡng gần cận kề điểm số trước COVID-19. Điều này cho thấy, các NĐT ngoại đã có tâm lý lạc quan hơn về TTCK Việt Nam do tình hình dịch bệnh được kiểm soát hiệu quả và dòng vốn FDI vẫn đang dồn về Việt Nam. Số liệu của Bộ Kế hoạch Đầu tư cho thấy trong 4 tháng đầu năm 2020, Việt Nam thu hút khoảng 12,33 tỷ USD vốn FDI, bằng 84,5% so với cùng kỳ năm 2019; giải ngân được 5,15 tỷ USD, bằng 90,4% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, một nguyên nhân khác khiến các NĐT ngoại quay trở lại TTCK Việt Nam là do, việc cắt giảm lãi suất có hiệu lực từ ngày 13/5/2020 cũng phần nào khiến NĐT không còn mặn mà gửi ngân hàng vì không còn đạt lợi nhuận cao như trước đó.

Có thể nói tác động của dịch COVID-19 đến TTCK Việt Nam là rõ nét. Sự biến động của TTCK Việt Nam trong giai đoạn dịch bệnh vừa qua có thể được lý giải bởi 4 yếu tố tâm lý chính đã dẫn dắt các quyết định của nhà đầu tư tham gia trên thị trường.

Một số hàm ý chính sách

Những ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh COVID-19 đến TTCK là rất rõ ràng. Tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ và các bộ, ngành, chúng ta đang dần kiểm soát tốt được dịch bệnh. Các chính sách, biện pháp hỗ trợ nền kinh tế nói chung và TTCK nói riêng cũng đang dần phát huy tác dụng góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Cụ thể như ngày 9/3/2020, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 37/TT-BTC quy định kể từ ngày 7/5/2020 đến hết ngày 31/12/2020 cho phép giảm 50% mức thu của 20/22 khoản phí, lệ phí trong lĩnh vực so với quy định tại Biểu mức thu phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán ban hành kèm theo Thông tư số 272/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính. Tiếp theo đó Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 14/2020/TT-BTC ngày 18/3/2020, trong đó giảm giá và miễn hoàn toàn không thu đối với 15 loại dịch vụ chứng khoán. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng tiếp tục rà soát sửa đổi Thông tư 272/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán để cắt giảm một số khoản phí và lệ phí, tiếp tục hỗ trợ thị trường hơn nữa trong giai đoạn khó khăn.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cũng có hướng dẫn các doanh nghiệp niêm yết gia hạn thời gian tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020, tổ chức đại hội trực tuyến và đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch COVID-19. Quy định rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ mua cổ phiếu quỹ của các doanh nghiệp từ 7 ngày xuống còn 1 ngày của UBCK cũng góp phần hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện nhanh giải pháp mua vào cổ phiếu của chính mình khi giá rơi quá xa so với giá trị nội tại của doanh nghiệp.

Trong giai đoạn COVID-19 vừa qua, Chính phủ cũng thúc đẩy triển khai các biện pháp thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp ví dụ như chính sách về thuế, phí; cắt giảm chi phí đầu vào, chi phí liên quan đến người lao động; cắt giảm chi phí logistics. Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất điều hành và thực hiện cơ cấu lại nợ, giãn nợ đối với các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng từ dịch COVID-19 qua đó hỗ trợ cho các doanh nghiệp niêm yết tăng khả năng phục hồi hoạt động sau khi dịch được kiểm soát. Song hành cùng với các cơ quan quản lý nhà nước thì một số công ty chứng khoán cũng có những biện pháp hỗ trợ NĐT như Chứng khoán AIS thông báo giảm lãi suất giao dịch ký quỹ từ 9,5%/năm xuống 9%/năm; Chứng khoán VPS, Chứng khoán FPT, Chứng khoán Kiến Thiết miễn phí giao dịch.

Những nỗ lực của Chính phủ và các tổ chức có liên quan trong giai đoạn vừa qua đã đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia xử lý dịch bệnh tốt nhất và nhờ đó có thể nhanh chóng ổn định được nền kinh tế nói chung và TTCK nói riêng. Tuy triển vọng khó khăn và thách thức vẫn là rất lớn, do đó định hướng chính sách của Việt Nam trong giai đoạn trước mắt thiết nghĩ cần lưu ý những vấn đề sau:

Thứ nhất, cần triển khai một kế hoạch hỗ trợ tổng thể.

Đại dịch COVID-19 là một dạng của rủi ro bất khả kháng nên tất cả các đối tượng trong xã hội đều phải đối mặt với những khó khăn ở các mức độ và tính chất khác nhau. Ðối với TTCK, để giữ chân NĐT ở lại với thị trường trong lúc khó khăn này, Chính phủ cần căn cứ vào nguồn lực hiện có để triển khai các giải pháp tổng thể, đồng bộ với sự phối hợp chặt chẽ của cơ quan quản lý thị trường, các tổ chức cung cấp dịch vụ vận hành thị trường nhằm hỗ trợ cho NĐT và đặc biệt là các doanh nghiệp để họ vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Khi triển khai kế hoạch hỗ trợ tổng thể, các cơ quan quản lý nên tôn trọng cơ chế tự điều chỉnh theo quan hệ cung - cầu của thị trường nhằm hạn chế tối đa các tác động, can thiệp về hành chính và kỹ thuật vào thị trường khi chưa thật sự cần thiết.  Mặt khác các cơ quan quản lý nên theo dõi sát sao diễn biến của thị trường để kịp thời cung cấp thông tin, đồng thời cần phải tăng cường tuyên truyền về các giải pháp và kết quả chống dịch bệnh và chính sách hỗ trợ để tạo niềm tin cho NĐT. Các cơ quan quản lý cũng nên có chế tài xử lý nghiêm những hành vi thao túng, trục lợi do dịch bệnh hoặc tung tin đồn thất thiệt.

Thứ hai, cần tiếp tục hỗ trợ các NĐT và các thành viên thị trường.

Như đã phân tích ở trên thì NĐT cá nhân chiếm số lượng chủ yếu trên TTCK Việt Nam do đó nếu không có chính sách hỗ trợ họ trong bối cảnh khó khăn hiện nay thì dưới tác động của tâm lý bi quan, tâm lý sợ thất bại hay tâm lý đám đông sẽ dễ tạo nên xu hướng bán tháo, rời bỏ thị trường, tác động trực tiếp tới các công ty niêm yết cũng như các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực chứng khoán. Do đó, mặc dù Chính phủ đã có các quy định giảm mức phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán, tuy nhiên, Chính phủ cũng nên cân nhắc miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân đối với thuế giao dịch chứng khoán hiện nay là 0,1%/giá trị giao dịch từng lần và thuế 5% đánh vào phần cổ tức nhận được bằng tiền mặt. Việc miễn, giảm hai loại thuế này nên được áp dụng tối thiểu là trong năm 2020 hoặc cho đến khi thị trường ổn định trở lại nhằm góp phần kích thích NĐT cá nhân tham gia vào TTCK.

Trong trường hợp chỉ một trong hai loại thuế có thể miễn được, thì loại thuế 5% khi nhận cổ tức bằng tiền mặt nên xem xét được miễn vì như vậy các NĐT sẽ có thêm động cơ nắm giữ cổ phiếu để ở lại với thị trường, tránh bán tháo gây áp lực lên thị trường. Mặt khác Chính phủ nên ban hành những quy định nhằm hỗ trợ công ty chứng khoán để các tổ chức này thực hiện tốt hơn các biện pháp hỗ trợ NĐT. Theo đó, nên giảm thuế hay gia hạn thời gian nộp thuế cho các công ty kinh doanh trong lĩnh vực chứng khoán. (Nguyễn Hữu, 2020)

Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật và khung khổ pháp luật.

Để theo dõi sát các biến động của TTCK, trước mắt cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hệ thống công nghệ, cải thiện nền tảng giao dịch, thanh toán bù trừ... UBCK nên yêu cầu 2 Sở Giao dịch Chứng khoán cũng như Trung tâm Thông tin chứng khoán tăng cường công tác giám sát, thực hiện báo cáo hằng ngày và phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý nghiêm các hành vi trục lợi và tung tin đồn. Yêu cầu các công ty chứng khoán thực hiện báo cáo hằng ngày, đặc biệt là tình hình giao dịch quỹ, ký quỹ, tuân thủ nghiêm các quy định về giao dịch. Ngoài ra Bộ Tài chính cũng tập trung đẩy mạnh, cơ cấu lại TTCK theo Đề án cơ cấu lại TTCK và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bộ Tài chính cần tiếp tục hoàn thiện thể chế và ban hành hệ thống văn bản hướng dẫn Luật Chứng khoán đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực vào đầu năm 2021. Cụ thể, Bộ Tài chính cần tập trung xây dựng các nghị định và thông tư hướng dẫn Luật Chứng khoán trên cơ sở khắc phục những nhược điểm đã tổng kết, đánh giá và đã được thông qua tại Luật Chứng khoán năm 2019.

Thứ tư, cân nhắc việc gia tăng dòng vốn tín dụng từ ngân hàng vào TTCK.

Số liệu từ UBCK cho thấy dư nợ của hệ thống ngân hàng cho vay kinh doanh chứng khoán đang ở mức độ thấp, chỉ chiếm khoảng 0,37% tổng dư nợ tín dụng (tương đương 30.452 tỷ đồng), tỷ lệ nợ xấu phát sinh từ cho vay chứng khoán là thấp so với mặt bằng chung. Trong khi đó thì quy định khống chế hạn mức cho vay chứng khoán không lớn hơn 5% vốn điều lệ ngân hàng đã hạn chế dòng vốn tín dụng từ ngân hàng chảy vào lĩnh vực này. Do đó, có thể cân nhắc tăng hạn mức tín dụng cho vay kinh doanh chứng khoán của hệ thống ngân hàng để tạo điều kiện có thêm nguồn vốn mới bổ sung cho khu vực này góp phần cải thiện sức mua, giúp ổn định TTCK.

Nói tóm lại, dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó có TTCK. Sự biến động trên TTCK Việt Nam giai đoạn vừa qua được lý giải một phần bởi các yếu tố tâm lý chi phối hành vi của NĐT. Để giảm bớt những tác động tiêu cực của những biến động này đòi hỏi có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan quản lý để đưa ra những giải pháp đồng bộ nhằm ổn định tâm lý nhà đầu tư và đặc biệt là hỗ trợ cho các doanh nghiệp niêm yết vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Tài liệu tham khảo:

- Barber, B., Odean, T.& Zhu, N. (2009). Systematic noise. Journal of Financial Markets, 12(4), 547-569.

- Barberis, N., Shleifer, A., Vishny, R. (1998). A model of investor sentiment. Journal of Financial Economics 49 (3), 307-343.

- Bikhchandani, S., Sharma, S. . (2000). Herd behavior in financial markets, IMF Staff Papers, Bd.47, H. 3. Washington D.C.: IMF.

- Campbell, W. K., Goodie, A. S., & Foster, J. D. (2004). Narcissism, confidence, and risk attitude. The Journal of BehavioralDecision Making, Vol. 17, 297-311.

- Chen, W, C. Wu, W. Liu. (2009). The conservatism bias in an emerging stock market: Evidence from Taiwan . Pacific-Basin Finance Journal 17, 494-505.

- Daniel, K., Hirshleifer, D., & Siew H. (2002). Investor psychology in capital markets: evidence and policy implications. Journal of Monetary Economics, 49(1), 139–209.

- Edwards, W. (1968). Conservatism in human information processing. In B. (. Kleinmuntz, Formal Representation of Human Judgment (pp. 17-52). New York: Wiley.

- Graham, J.R., Harvey, C.R., & Huang, H. (2009). Investor competence, trading frequency and home bias. Management Science, 55(7), 1094-1106.

- Kabir, M.,S. Shakur. (2018). Regime-dependent herding behavior in Asian and Latin American stock markets. Pacific-Basin Finance Journal 47(1), 60-78.

- Liu, H., S. Du. (2016). Can an overconfident insider coexist with a representativeness heuristic insider. Economic Modelling 54, 170–177.

- Merli, M., & Roger, T. (2013). What drives the herding behavior of individual investors? Finance, 34(3), 67-104.

- Redhead, K. (2008). Personal finance and investments: a behavioural finance perspective. Oxford and New York: Routledge.

- Spyridon, K., D. Philippas, C. Siriopoulos. (2017). Cognitive biases in investors’ behaviour under stress: Evidence from the London Stock Exchange. International Review of Financial Analysis, doi: 10.1016/j.irfa.2017.09.003.

- Spyrou, M. (2013). Herding in financial markets: a review of the literature. In M. Spyrou, Review of Behavioral Finance, Bd. 5 (pp. 175-194).

(Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 15/2020)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Yếu tố tâm lý tác động đến nhà đầu tư trên TTCK trong thời kỳ dịch COVID-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO