Vấn đề - Nhận định

6 nguyên nhân khiến tín dụng tăng chậm

Ngô Hải 20/12/2023 - 08:57

Đến ngày 13/12, tín dụng tăng 9,87% so với cuối năm 2022 nhưng vẫn thấp hơn so với định hướng điều hành. Đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng giảm, dẫn tới cầu tín dụng của người dân, doanh nghiệp giảm tương ứng... là 1 trong 6 nguyên nhân khiến tín dụng tăng chậm.

giao-dich-60-.jpg
6 nguyên nhân khiến tín dụng tăng chậm

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2024 do Báo Người Lao Động vừa tổ chức, bà Bùi Thúy Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đánh giá, năm 2023, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, lạm phát cao, thương mại toàn cầu sụt giảm, giá cả hàng hóa cơ bản biến động mạnh. Các nước phải tiếp tục tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát. Đồng USD quốc tế biến động mạnh, tỉ giá nhiều nước mất giá mạnh.

Nền kinh tế trong nước chịu tác động tiêu cực từ quốc tế. Các động lực tăng trưởng xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng đều gặp thách thức do cầu thế giới thấp, đơn hàng, thị trường sụt giảm. Nhu cầu vốn cho phục hồi kinh tế vẫn tập trung chủ yếu qua kênh tín dụng ngân hàng nên tiềm ẩn rủi ro hệ thống.

Trong bối cảnh đó, thực hiện chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng khả năng tiếp cận tín dụng như bảo đảm thanh khoản và mở rộng hạn mức tín dụng ngay từ đầu năm; điều chỉnh giảm liên tục 4 lần lãi suất điều hành; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để hạ mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh…

“Đến ngày 13/12, tín dụng tăng 9,87% so với cuối năm 2022 nhưng vẫn thấp hơn so với định hướng điều hành”, bà Bùi Thúy Hằng cho biết.

Bà Bùi Thúy Hằng cho biết, có 6 nguyên nhân dẫn đến tăng trưởng tín dụng đến thời điểm này của năm 2023 vẫn còn thấp, đó là:

Thứ nhất, đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng giảm, dẫn tới cầu tín dụng của người dân, doanh nghiệp giảm tương ứng;

Thứ hai, một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), trong khi việc triển khai các giải pháp tăng khả năng tiếp cận tín dụng thông qua Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV, Quỹ Phát triển DNNVV... chưa phát huy hiệu quả;

Thứ ba, khó khăn từ thị trường bất động sản tác động đến khả năng hấp thụ tín dụng của nhóm bất động sản, trong khi tín dụng bất động sản chiếm tỷ trọng khoảng 21% trong tổng tín dụng chung;

Thứ tư, sau thời gian kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro của khách hàng bị đánh giá cao hơn, khi hoạt động của doanh nghiệp khó chứng minh hiệu quả TCTD rất khó khăn trong quyết định cho vay;

Thứ năm, khó khăn trong việc triển khai một số chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến các vấn đề pháp lý (quỹ đất, trình tự, thủ tục mua bán, định giá...); danh mục các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án xây dựng, cải tạo lại chung cư chậm ban hành khiến các ngân hàng khó tiếp cận, thẩm định dự án;

Thứ sáu, vướng mắc liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm, tài sản giữ hộ, trong đó phần lớn là nhà và đất.

Tính riêng tại địa bàn TP. Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh thông tin, tín dụng trong lĩnh vực thương mại, bán buôn, bán lẻ luôn chiếm tỉ trọng cao, đâu đó khoảng 13,6% trong tổng dư nợ trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

Đến cuối tháng 11/2023, tổng dư nợ đối với lĩnh vực này đạt khoảng 462.000 tỷ đồng. “Nếu so với tháng trước, tín dụng lĩnh vực này tăng 2,2% và cũng cao hơn mức tăng bình quân chung trên địa bàn. Điều này cho thấy tín hiệu tích cực”, ông Nguyễn Đức Lệnh chia sẻ.

Cũng theo ông Nguyễn Đức Lệnh, để có được điều này là nhờ lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, thương mại dịch vụ tăng vào cuối năm theo mùa vụ và đáp ứng nhu cầu trong dịp Tết cổ truyền của người Việt. Đồng thời, chính sách ổn định của cơ chế chính sách về tiền tệ tín dụng và lãi suất của Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phát huy tác dụng.

Thương mại, dịch vụ là lĩnh vực liên quan trực tiếp tới thanh toán không dùng tiền mặt, thương mại điện tử… Điều này không chỉ tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong hoạt động thanh toán mà còn tạo điều kiện cho việc luân chuẩn vốn đạt hiệu quả, thúc đẩy thương mại.

Một yếu tố nữa được ông Nguyễn Đức Lệnh chỉ ra là TP. Hồ Chí Minh đã làm tốt chương trình kết nối ngân hàng và doanh nghiệp, nhất là cho sản xuất thương mại dịch vụ cuối năm, bình ổn thị trường.

Theo đó, chỉ tính riêng chương trình cho vay bình ổn thị trường trên địa bàn mùa vụ năm 2023 đã đạt doanh số trên 13.000 tỷ đồng. Trong đó, cho vay doanh nghiệp bình ổn thị trường đối với 13 doanh nghiệp; 11 doanh nghiệp thuộc chuỗi cung ứng và phân phối sản phẩm.

Bên cạnh đó, lãi suất cho vay thấp, khoảng từ 4 - 6%/năm, đã góp phần trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp giảm giá thành, giữ ổn định gía bán các mặt hàng thiết yếu, từ đó hỗ trợ trực tiếp người tiêu dùng dịp cuối năm và phát huy ý nghĩa của chương trình.

“Chương trình kết nối ngân hàng doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã trở thành chương trình, nhiệm vụ chung, của UBND các quận huyện; trở thành nội dung chính trong nội hàm hỗ trợ doanh nghiệp và cải thiện môi trường đầu tư của một số sở ngành và UBND các quận, huyện”, ông Nguyễn Đức Lệnh thông tin và cho rằng: “Đây là điểm nổi bật, là dấu ấn về sự năng động, linh hoạt và tư duy quản lý, cũng như thực hiện tốt cải cách hành chính…, làm cơ sở nền tảng để phát huy hiệu quả chương trình nhiều ý nghĩa trong hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp”.

Chia sẻ về định hướng điều hành chính sách tiền tệ thời gian tới, bà Bùi Thúy Hằng cho biết, để tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng và ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục chỉ đạo ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp.

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành tín dụng kịp thời, phù hợp, chủ động bổ sung hạn mức, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế.

Tiếp tục triển khai các chương trình, chính sách, giải pháp về tín dụng đã và đang thực hiện, tập trung cho các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ.

Đồng thời, cũng sẽ khuyến khích các tổ chức tín dụng đơn giản hóa thủ tục cho vay, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào quy trình cho vay, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế.

Bên cạnh các giải pháp của ngành Ngân hàng, bà Bùi Thúy Hằng nhấn mạnh sự cần thiết trong việc phối hợp đồng bộ của các bộ, ngành, ví như: để đẩy mạnh triển khai Chương trình cho vay nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng, UBND các tỉnh, thành phố cần khẩn trương công bố danh mục các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư, trong đó, các dự án được công bố phải đảm bảo đúng theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng. Đồng thời, Bộ Xây dựng tổng hợp, thông báo danh mục những dự án đủ điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng thương mại tra cứu, xem xét cho vay theo đúng nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 33/NQ-CP (trên cơ sở danh mục do UBND tỉnh công bố).

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần nâng cao năng lực, khả năng hấp thụ vốn, tích cực thực hiện các biện pháp tái cấu trúc hoạt động, nâng cao năng lực quản trị điều hành, xây dựng các phương án, dự án sản xuất kinh doanh khả thi, minh bạch tình hình tài chính…

Từ đó, tổ chức tín dụng có cơ sở thẩm định, quyết định cho vay và tăng khả năng tiếp cận các nguồn vốn từ các kênh huy động khác (như phát hành cổ phiếu, trái phiếu…), nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, Quỹ Phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ…

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
6 nguyên nhân khiến tín dụng tăng chậm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO