Bất chấp tình trạng tăng trưởng chậm lại, Trung Quốc sẽ vẫn là động lực tăng trưởng lớn nhất của kinh tế thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho biết. ADB dự báo Trung Quốc sẽ đạt mức tăng trưởng GDP 4,8% trong năm 2024, thấp hơn mục tiêu “khoảng 5%” của quốc gia này.
Tại buổi họp báo công bố báo cáo Triển vọng phát triển châu Á (ADO) tháng 4/2024, ADB cho biết Trung Quốc sẽ vẫn là động lực tăng trưởng lớn nhất của nền kinh tế thế giới bất chấp tình trạng kinh tế chậm lại.
“Trung Quốc rõ ràng vẫn còn quan trọng trong thời gian tới. Quốc gia này vẫn chiếm gần một nửa GDP ở châu Á - Thái Bình Dương,” kinh tế trưởng Albert Park của ADB cho biết trong cuộc họp báo.
"Mặc dù tốc độ tăng trưởng đang chậm lại và chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng sẽ tiếp tục ở mức vừa phải trong những năm tới…, tuy nhiên Trung Quốc dường như vẫn có khả năng là nền kinh tế đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng toàn cầu,” ông Park nói.
ADB dự báo Trung Quốc sẽ đạt mức tăng trưởng GDP năm 2024 là 4,8%, thấp hơn mục tiêu “khoảng 5%” của chính phủ nước này. Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 5,2% vào năm 2023, phù hợp với mục tiêu chính thức là khoảng 5%.
Ngay cả khi tăng trưởng chậm hơn, dữ liệu của ADB ước tính Trung Quốc sẽ chiếm 46% tăng trưởng ở châu Á đang phát triển trong giai đoạn 2024-2025.
Trung Quốc hiện chiếm lần lượt 18% và 48% GDP toàn cầu và châu Á, dựa trên tỷ giá hối đoái ngang giá sức mua, một thước đo được ADB, Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sử dụng.
Còn Ấn Độ thì sao?
Quỹ đạo kinh tế xuất sắc của Ấn Độ đã khiến nhiều người ca ngợi vai trò của đất nước này như một cường quốc công nghệ và sản xuất, đồng thời là một sự thay thế hấp dẫn cho Trung Quốc. Nền kinh tế của quốc gia Nam Á này gần đây đã phát triển với tốc độ nhanh nhất trong 6 quý, vượt qua cả kỳ vọng, với mức tăng trưởng 8,4% trong quý IV/ 2023 của năm tài chính hiện tại 2023-2024 (kết thúc vào 31/3)..
Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB cho biết: “Tầm quan trọng của Ấn Độ đối với tăng trưởng trong khu vực đang ngày càng tăng”. ADB kỳ vọng tăng trưởng của quốc gia sẽ cao nhất trong khu vực, ở mức 7% trong năm 2024 và 7,2% vào năm 2025.
Cũng theo chuyên gia kinh tế trưởng này, mặc dù nền kinh tế Ấn Độ chắc chắn là một “điểm sáng”, nhưng vẫn nhỏ hơn so với Trung Quốc. Về thước đo tỷ giá hối đoái PPP, nhà kinh tế này lưu ý nền kinh tế Trung Quốc vẫn gấp khoảng 2,5 lần so với Ấn Độ.
Ông nói thêm: “Vì vậy, theo tiêu chuẩn đó, tôi nghĩ sẽ mất nhiều thời gian để Ấn Độ có thể thực sự thúc đẩy được tăng trưởng toàn cầu”.
Ngoài ra, tăng trưởng ở các nền kinh tế tiên tiến dự kiến sẽ chậm lại trong năm nay, với việc ADB dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ sẽ giảm xuống 1,9% so với mức 2,5% của năm ngoái và của Nhật Bản sẽ tăng 0,6% so với 1,9% vào năm 2023.
Trong báo cáo của mình, ADB cũng cho biết họ kỳ vọng tốc độ tăng trưởng của các nước đang phát triển ở châu Á trong năm nay sẽ mạnh hơn một chút so với dự báo tháng 12 năm ngoái, do nhu cầu nội địa lành mạnh bù đắp cho sự suy thoái ở Trung Quốc.
Bất chấp giá năng lượng tăng, lạm phát cũng được dự đoán sẽ giảm ở châu Á - Thái Bình Dương từ 3,3% năm 2023 xuống còn 3,2% trong năm nay.