Các Hiệp hội ngành, nghề

An Giang bàn giải pháp thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ và chế biến sâu nông, thủy sản

ThS.Trần Trọng Triết 21/02/2025 - 15:49

Nhằm tạo điều kiện gặp gỡ, trao đổi thúc đẩy xúc tiến liên kết sản xuất, tiêu thụ và chế biến sâu nông, thủy sản trên địa bàn tỉnh, ngày 21/2, UBND tỉnh An Giang tổ chức Hội nghị thúc đẩy định hướng hình thành các khu, cụm công nghiệp và các giải pháp thu hút doanh nghiệp chế biến nông, thủy sản. Phó Chủ tịch tỉnh Ngô Công Thức chủ trì hội nghị.

img_20250221_152822.jpg

Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển tỉnh An Giang tại hội nghị cho biết, năm qua mặc dù tình hình kinh tế thế giới và trong nước còn khó khăn song với quyết tâm vượt qua khó khăn ngành Nông nghiệp đã chủ động, linh hoạt điều hành kịch bản tổ chức thích ứng với biến động khí hậu và gắn với liên kết sản xuất, tiêu thụ và chế biến theo chuỗi giá trị.

Tổng diện tích xuống giống cây lúa khoảng 618,6 nghìn ha, sản lượng ước đạt hơn 4,071 triệu tấn; hoa màu gieo trồng là 48,8 nghìn ha; cây ăn quả hơn 19,7 nghìn ha, ước sản lượng thu hoạch các loại cây ăn quả cả đạt khoảng 358 nghìn tấn; Ước tổng sản lượng thịt hơi chăn nuôi cả năm là 58,4 nghìn tấn; Ước số lượng nhà yến hiện có khoảng 1.276 nhà, sản lượng tổ yến thu hoạch khoảng 11 tấn; Tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt gần 702 nghìn tấn, trong đó, cá tra khoảng 629 nghìn tấn.

Cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói: toàn tỉnh đã cấp 564 mã số vùng trồng, với tổng diện tích 19.766 ha nhằm phục vụ nhu cầu xuất khẩu đi các thị trường Úc, Hoa Kỳ, New Zealand, Nga, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, UAE; và 01 mã số cơ sở đóng gói khoai lang xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc của Công ty Cổ phần Rau quả Thực phẩm An Giang.

An Giang hiện có 182 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên (trong đó: có 5 sản phẩm đạt 5 sao - cấp Quốc gia và 14 sản phẩm đạt 4 sao và 163 sản phẩm 3 sao) và hơn 900 cơ sở sản xuất kinh doanh, trong đó có hơn 800 cơ sở chế biến nông lâm thủy sản đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm.

Kim ngạch xuất khẩu nông sản năm 2024 ước đạt 701 triệu USD, cụ thể: xuất khẩu gạo ước đạt 497 nghìn tấn, tương đương 295 triệu USD, giảm 7,2% về lượng và giảm 4,5% về kim ngạch so cùng kỳ; Xuất khẩu thủy sản đông lạnh ước đạt 169 nghìn tấn, tương đương 332 triệu USD, tương đương về sản lượng và kim ngạch so với cùng kỳ; Xuất khẩu rau quả đông lạnh ước đạt 147 nghìn tấn, tương đương 74 triệu USD, tăng trên 19% về kim ngạch so cùng kỳ.

Ghi nhận tại hội nghị cho thấy, vốn tín dụng ngân hàng trên địa bàn tỉnh An Giang đang là kênh “tiếp sức” cho doanh nghiệp, người dân vươn lên trong sản xuất kinh doanh, góp phần “trợ lực” phát triển kinh tế địa phương.

Hệ thống ngân hàng tỉnh An Giang cam kết sẵn sàng cung ứng đầy đủ nguồn vốn tín dụng, hỗ trợ phát triển kinh tế và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhờ đó mà tăng trưởng tín dụng năm 2024 trên địa bàn đạt khoảng 12%, đạt dư nợ tín dụng 125.179 tỷ đồng. Trong đó: dư nợ tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản đạt 36.813 tỷ đồng; ngành công nghiệp và xây dựng đạt 11.517 tỷ đồng; lĩnh vực hoạt động thương mại, vận tải và viễn thông đạt 56.589 tỷ đồng; các hoạt động dịch vụ khác đạt 20.260 tỷ đồng.

Phát biểu tại Hội nghị ông Võ Hồng Nho, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh An Giang cho biết, việc triển khai thực hiện chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản (Công văn 5631/NHNN-TD ngày 14/7/2023 và Công văn 7849 ngày 23/9/2024 của Ngân hàng Nhà nước) trên địa bàn An Giang đạt dư nợ 17.252 tỷ đồng, tăng 14,83% so với cuối năm 2023. Trong đó, dư nợ theo Chương trình tín dụng với lĩnh vực lâm sản, thủy sản (quy mô tín dụng lên 60.000 tỷ đồng) đạt 924,43 tỷ đồng, lãi suất dao động từ 4,5% - 10%/năm cho 20 doanh nghiệp, 88 hộ cá nhân (lãi suất cho vay thấp hơn tối thiểu từ 1%-2%/năm).

Chính nhờ “trợ lực” cơ cấu hợp lý của vốn tín dụng ngân hàng, qua đó góp phần cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) đạt 7,16%; GRDP bình quân đầu người đạt 66,24 triệu đồng/năm; trong đó, ước tăng trưởng của ngành Nông nghiệp là 3,67%. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 35,6% trong tổng cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Định hướng thời gian tới, ông Võ Hồng Nho cho biết, ngành Ngân hàng An Giang sẽ chủ động tham mưu UBND tỉnh, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành để truyền thông chính sách tín dụng, xử lý kịp thời các kiến nghị nhằm ổn định hoạt động trên địa bàn.

Tiếp tục đồng hành cùng khách hàng, chia sẻ khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận vốn. Nguồn vốn tín dụng được đảm bảo sẵn sàng, lãi suất cho vay giảm đáng kể, công tác thanh toán không dùng tiền mặt và chuyển đổi số được triển khai tích cực, hiệu quả.

Tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai các giải pháp tiền tệ, tín dụng trọng tâm như cấp tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, tổ chức chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
An Giang bàn giải pháp thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ và chế biến sâu nông, thủy sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO