Hoạt động ngân hàng

An Giang: Ngân hàng nỗ lực “bơm vốn” cho nền kinh tế

ThS. Trần Trọng Triết 22/08/2024 - 14:29

Phát huy tốt vai trò quản lý nhà nước về tín dụng tiền tệ ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh An Giang đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tập trung tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, ưu tiên “bơm vốn” tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ và các dự án trọng điểm ở địa phương…

agribank.jpg
An Giang: Ngân hàng nỗ lực “bơm vốn” cho nền kinh tế

Chia sẻ về hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Tuấn Dũng, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh An Giang cho biết, tính đến cuối tháng 8/2024, dư nợ tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đạt 118.958 tỷ đồng, tăng 5,72% so với cuối năm 2023.

Trong đó, dư nợ cho vay lĩnh vực ưu tiên phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 75.781 tỷ đồng, tăng 7,45% so với cuối năm 2023, chiếm 63,6% tổng dư nợ toàn địa bàn, gồm: dư nợ cho vay phục vụ sản xuất, thu mua xuất khẩu lúa gạo đạt 18.690 tỷ đồng, tăng 12,42% so với cuối năm 2023; cho vay nuôi trồng, thu mua và chế biến thủy sản xuất khẩu đạt 15.897 tỷ đồng, tăng 6,47% so với cuối năm 2023.

Đặc biệt cho vay kinh tế tập thể và hợp tác xã (HTX), hiện có Agribank An Giang và OCB An Giang đang triển khai hỗ trợ vốn tín dụng cho 2 HTX (1 HTX làm dịch vụ tưới tiêu và 1 HTX kinh doanh phân bón, thu mua nông sản), với tổng dư nợ trên hơn 6 tỷ đồng. Ngoài ra, các thành viên tham gia HTX cũng được các ngân hàng cho vay vốn với số tiền khoảng 5,48 tỷ đồng. Cho vay lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao khác (hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ): đạt 145,32 tỷ đồng, tăng 12,26% so với cuối năm 2023.

Về dư nợ cho vay hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg là 4,47 tỷ đồng, số khách hàng còn dư nợ là 30 khách hàng, doanh số cho vay từ đầu chương trình là 9.231 tỷ đồng.

Ngoài ra, cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 7/1/2013 của Chính phủ với tổng dư nợ là 24,67 tỷ đồng, với tổng số hộ vay là 214 khách hàng, doanh số cho vay từ đầu chương trình là 93,551 tỷ đồng.

Cơ cấu tín dụng giữa nội tệ và ngoại tệ; giữa ngắn hạn với trung và dài hạn đảm bảo, phù hợp với cơ cấu nguồn vốn và sử dụng vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn. Tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh là động lực tăng trưởng kinh tế.

Kết quả này có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương và chương trình phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp gặp khó khăn, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã thực hiện cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 34 doanh nghiệp và 240 cá nhân (tăng 29 khách hàng) với số lũy kế dư nợ gốc được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là 1.621,09 tỷ đồng, dư nợ lãi được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là 86,02 tỷ đồng (tăng 10,77 tỷ đồng).

Chia sẻ về nhiệm vụ thực hiện từ nay đến cuối năm 2024 ông Dũng cho biết, đơn vị tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp trọng tâm năm 2024 trên cơ sở nội dung chỉ đạo của Ngân hàng Trung ương, các Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch phát triển kinh tế của địa phương để thực hiện tốt công tác tham mưu, giúp Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quản lý nhà nước về tiền tệ, tín dụng, ngoại hối và hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh.

Nắm bắt kịp thời các vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách và những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện triển khai, tập trung tháo gỡ, xử lý những vấn đề thuộc thẩm quyền; báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đề xuất tham mưu chỉnh sửa cơ chế chính sách phù hợp với thực tiển.

Chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn quán triệt, thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo có liên quan của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 18, Công điện số 32, Chỉ thị số 14 và văn bản chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.

Thường xuyên theo dõi sát tình hình tăng trưởng tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn để kịp thời tổng hợp, xử lý theo thẩm quyền và báo cáo Ngân hàng Nhà nước Trung ương những vấn đề vượt thẩm quyền. Tiếp tục triển khai và đẩy mạnh Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp bằng các hình thức phù hợp và chủ động xử lý các kiến nghị đối với hoạt động ngân hàng.

Triển khai công tác thanh tra, kiểm tra giám sát; phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng; triển khai cơ cấu lại các tồ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu. Theo dõi việc triển khai thực hiện các phương án cơ cấu và xử lý nợ xấu của các quỹ tín dụng nhân dân giai đoạn 2022 - 2025; giám sát việc triển khai thực hiện thu hồi nợ xấu của các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
An Giang: Ngân hàng nỗ lực “bơm vốn” cho nền kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO