Bất động sản

Dòng vốn FDI giúp duy trì "điểm sáng" của thị trường bất động sản công nghiệp trong quý đầu tiên năm 2024

Nguyễn Huyền 13/04/2024 17:26

Bất động sản khu công nghiệp vẫn là điểm sáng của thị trường trong quý I/2024 nhờ tăng trưởng tốt dòng vốn FDI. Giá thuê đất trung bình tăng nhẹ 1% tại Hà Nội, đạt 214 USD/m²/kỳ hạn, so với quý trước, trong khi giá thuê đất trung bình tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng vẫn không tăng, lần lượt là 230 USD/m²/kỳ hạn và 95 USD/m²/kỳ hạn.

kcn.png
Ảnh minh họa

Trong Báo cáo Nghiên cứu Thị trường Bất động sản Việt Nam quý I/2024, Avison Young cho biết thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam chứng kiến một số thay đổi về giá thuê và tỷ lệ lấp đầy. Đặc biệt, quỹ đất công nghiệp cho thuê sẵn có tại 3 thành phố lớn: Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng không còn nhiều, với tỉ lệ lấp đầy trung bình của TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng lần lượt là 90%, 86% và 95%.

TP. Hồ Chí Minh có 14 KCN, 3 KCX và 1 khu công nghệ cao đang hoạt động với tổng diện tích gần 5.000 ha

TP. Hồ Chí Minh hiện có 14 KCN, 3 KCX và 1 khu công nghệ cao đang hoạt động với tổng diện tích gần 5.000 ha, địa phương này đang tăng cường tạo quỹ đất để thu hút đầu tư qua việc triển khai xây dựng KCN Phạm Văn Hai I và II với tổng diện tích 668 ha, dự kiến việc tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cho dự án KCN này sẽ diễn ra vào năm 2025. Cùng với đó là tháo gỡ vướng mắc KCN Lê Minh Xuân 2 để triển khai xây dựng KCN chuyên ngành y-dược và phát triển mô hình nhà xưởng cao tầng để nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

Quý I/2024, giá thuê trung bình và tỷ lệ lấp đầy ở thành phố lần lượt là 230 USD/m²/kỳ hạn và 90%. Mặc dù quỹ đất công nghiệp cho thuê hạn chế nhưng vốn đầu tư vào thành phố vẫn tăng cao nhờ ưu tiên thu hút các dự án chất lượng thay vì chạy theo số lượng.

Trong 2 tháng đầu năm 2024, có hơn 176 triệu USD tổng vốn thu hút (kể cả cấp mới và điều chỉnh) vào khu công nghiệp. Con số này được kỳ vọng sẽ tăng cao như năm trước, khi 2023 là năm đầu tiên các khu công nghiệp ở thành phố vượt 1 tỷ USD vốn đầu tư đăng ký, trong đó dự án của Viettel góp phần rất lớn với tổng vốn đầu tư 624 triệu USD.

Thành phố đang kêu gọi đầu tư 6 dự án công nghệ cao thuộc lĩnh vực điện tử, vi mạch, bán dẫn và trung tâm dữ liệu với tổng số gần 500 triệu USD, trong đó dự án trung tâm dữ liệu là dự án có số vốn nhiều nhất được kêu gọi đầu tư với 302 triệu USD.

Thu hút đầu tư vào KCN đang là ưu tiên của Hà Nội

Hà Nội hiện có 9 KCN và 1 khu công nghệ cao đang hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên gần 2.000 ha. Đầu tháng 3, Hà Nội chấp thuận chủ trương đầu tư KCN Đông Anh có diện tích gần 300 ha do Vinaconex làm chủ đầu tư, dự án gồm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 là 179,1 ha và giai đoạn 2 là 120,3 ha. Ngoài ra, Hà Nội cũng đang tập trung phát triển cụm công nghiệp, cụ thể có 3 cụm công nghiệp được khởi công trong quý này, trong đó 2 dự án ở huyện Phúc Thọ là cụm công nghiệp Liên Hiệp – giai đoạn 2 (12 ha) và cụm công nghiệp Tam Hiệp (20,9 ha), dự án còn lại là cụm công nghiệp Đông Phú Yên (41,2 ha) thuộc huyện Chương Mỹ.

Trong quý I/2024, khu công nghiệp ở Hà Nội ghi nhận giá thuê trung bình ở mức 214 USD/m²/kỳ hạn và tỉ lệ lấp đầy đạt 86%. Trong đó, giá thuê đất công nghiệp quý này của Hà Nội tăng trung bình 1% so với quý trước, tỉ lệ lấp đầy vẫn giữ ở mức ổn định.

Đầu năm nay, doanh nghiệp FDI chuyên đầu tư, sản xuất các thiết bị, linh kiện điện tử Mitac International Corporation đã thành lập Công ty TNHH công nghệ Mitac, đơn vị đại diện để thực hiện dự án tại Việt Nam. Dự án này nằm trong KCN HANSSIP – giai đoạn 1, tổng vốn đầu tư khoảng 66 triệu USD, dự kiến khởi công vào tháng 10/2024 và đưa một phần nhà xưởng vào hoạt động sản xuất trong tháng 6/2025.

Thành phố đang có hơn 700 dự án đầu tư trong và ngoài nước đang hoạt động tại các KCN với tổng vốn đăng ký trên 7 tỷ USD. Có 27 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại các KCN ở Hà Nội, trong đó Nhật Bản chiếm hơn 50% tổng vốn đầu tư tại đây.

Dự án thứ 2 thuộc lĩnh vực hàng không vũ trụ đầu tư vào Đà Nẵng

Cuối tháng 1/2024, tập đoàn KP Aero Industries (Hàn Quốc) đã động thổ dự án xây dựng nhà máy linh kiện hàng không KP VINA có tổng vốn đầu tư 20 triệu USD tại khu công nghệ cao Đà Nẵng. Dự kiến, nhà máy sẽ hoàn thành và đưa vào hoạt động trong tháng 9/2024. Đây là dự án thứ 2 thuộc lĩnh vực hàng không vũ trụ đầu tư vào Đà Nẵng, sau dự án của tập đoàn Universal Alloy Corporation (Hoa Kỳ).

Đà Nẵng đang có 5 KCN, 1 khu công nghệ cao và 1 khu công nghệ thông tin đang hoạt động, với tổng diện tích hơn 2.500 ha. Trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, thành phố sẽ chuyển đổi KCN Đà Nẵng thành khu phố tài chính quốc tế An Đồn và chuyển đổi 1 KCN theo mô hình KCN sinh thái theo tiêu chí quốc gia.

Trong thời gian qua, Đà Nẵng đã thu hút được những dự án công nghệ cao, như: Dự án nhà máy điện tử Foxlink của tập đoàn Foxlink International Investment Ltd (Đài Loan, Trung Quốc); dự án nhà máy linh kiện hàng không KP VINA của tập đoàn KP Aero Industries (Hàn Quốc). Giá thuê trung bình và tỉ lệ lấp đầy khu công nghiệp ổn định, lần lượt là 95 USD/m²/kỳ hạn và 95%. Đà Nẵng hiện có 4/5 KCN có tỉ lệ lấp đầy đạt trên 95%, gồm: KCN Đà Nẵng, KCN Hòa Khánh, KCN Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng và KCN Hòa Cầm. Dự án KCN Liên Chiểu có tỷ lệ lấp đầy 75%.

Năm 2024, Đà Nẵng ưu tiên thu hút công nghiệp công nghệ cao với trọng tâm là công nghệ số, công nghệ thiết kế vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data)… Những dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao kỳ vọng sẽ đóng góp tích cực vào việc nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị xuất khẩu hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm khoa học - công nghệ phát triển của cả nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dòng vốn FDI giúp duy trì "điểm sáng" của thị trường bất động sản công nghiệp trong quý đầu tiên năm 2024
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO