Bộ Tài chính khẳng định không có chuyện “làm khó” doanh nghiêp xăng dầu

Thanh Thanh| 23/10/2022 08:30
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Bộ Tài chính đã chỉ đạo Cục Hải quan các tỉnh, thành phố bố trí cán bộ, công chức trực giải quyết thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát và xử lý vướng mắc đối với xăng dầu nhập khẩu 24/7, các vướng mắc của một số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu là do chưa thực hiện đúng, đủ các quy định của pháp luật hiện hành.

Yêu cầu rà soát - Việc thường xuyên

Ngày 18/10/2022 Bộ Công Thương đã có Công văn số 6436/BCT-TTTN đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục rà soát và điều chỉnh các khoản chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức... theo mức phù hợp với thực tế phát sinh thời gian qua để tính đúng tính đủ trong giá cơ sở cũng như kiến nghị của một số doanh nghiệp (DN) đầu mối kinh doanh xăng dầu (KDXD).

Công văn của Bộ Công Thương cho biết, trong thời gian gần đây, thị trường xăng dầu trong nước có hiện tượng một số DN kinh doanh bán lẻ xăng dầu đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh, tập trung tại một số tỉnh, thành phố như TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, An Giang, Bình Phước, Đắk Lắk…. Theo báo cáo của nhiều DN đầu mối KDXD, ngoài nguyên nhân khách quan do nguồn cung xăng dầu trên thế giới khan hiếm, còn có nguyên nhân là do từ cuối năm 2021 đến nay, các chi phí KDXD tăng mạnh và một số DN đầu mối không có đủ nguồn tài chính để nhập hàng do không đủ hạn mức tín dụng và nguồn ngoại tệ nên chủ yếu chỉ duy trì lượng hàng đủ để cung cấp cho hệ thống phân phối của DN và duy trì lượng dự trữ tồn kho theo quy định. Nhiều DN đầu mối KDXD đã tiết giảm chi phí kinh doanh, trong đó có việc giảm mạnh chiết khấu bán hàng dẫn đến DN bán lẻ KDXD thua lỗ.

Bộ Công Thương cũng cho biết, theo báo cáo của các DN đầu mối KDXD và Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, thời gian gần đây, các chi phí KDXD tiếp tục tăng cao, nhất là chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam (chi phí tăng bất thường do các nhà cung cấp nước ngoài đã điều chỉnh mức phụ phí thị trường lên mức rất cao, chi phí vận chuyển tăng, tiếp cận nguồn hàng khó khăn...)

Sau khi nhận được Công văn của Bộ Công Thương ngày 20/10, ngay trong ngày 21/10, Bộ Tài chinh có Công văn khẳng định, Bộ đã thường xuyên rà soát, cập nhật, điều chỉnh chi phí xăng dầu theo thực tế phát sinh và trên cơ sở rà soát số liệu có kiểm chứng tại DN.

Cụ thể, căn cứ số liệu, đề xuất của Bộ Công Thương và các thương nhân đầu mối cung cấp, năm 2022, Bộ Tài chinh đã 2 lần điều chỉnh chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam (lần 1 vào ngày 10/1/2022, theo đó đối với xăng RON92 lên mức 290 đồng/lít, lần 2 vào ngày 10/7/2022 tăng 60 đồng lên 350đ/lít).

Bộ Tài chinh cũng 2 lần điều chỉnh chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về đến cảng (lần 1 vào ngày 10/1/2022, theo đó đối với xăng RON92 lên mức 250 đồng/lít; lần 2 vào ngày 7/10/2022 tăng 40 đồng lên 290 đồng/lít).

Đối với Premium trong nước cũng được điều chỉnh 2 lần (lần 1 vào ngày 10/1/2022, theo đó đối với xăng RON92 lên mức 970 đồng/lít; lần 2 vào ngày 7/10/2022 tăng 350 đồng lên 1.320 đồng/lít).

Trong Công văn gửi Bộ Công Thương, Bộ Tài chinh cho biêt, Bộ Công Thương đề nghị điều chỉnh một số chi phí đối với hoạt động KDXD nhưng không gửi kèm số liệu và báo cáo cụ thể đánh giá mức độ biến động các khoản chi phí để Bộ Tài chính có cơ sở tính toán điều chỉnh theo quy định. Do đó, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương cung cấp số liệu, báo cáo gửi về Bộ Tài chính trước ngày 25/10/2022.

“Sau khi nhận được số liệu, báo cáo đánh giá của Bộ Công Thương và các thương nhân đầu mối kết hợp với số liệu kiểm chứng thực tế, Bộ Tài chính sẽ khẩn trương phối hợp với Bộ Công Thương rà soát đánh giá mức độ điều chỉnh các khoản chi phí có biến động bất thường theo quy định...”- Công văn của Bộ Tài chinh khẳng định.

Cơ quan Hải quan giải quyết thủ tục 24/7

Tại Công văn văn số 6436/BCT-TTTN, Bộ Công Thương đã đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan tạo điều kiện cho các DN đầu mối KDXD (nhất là đối với các DN trong danh sách gửi kèm theo công văn) thực hiện việc thông quan hàng hóa xăng dầu để kịp thời bổ sung nguồn hàng từ nguồn nhập khẩu cho thị trường trong nước.

Trong Công văn phúc đáp, Bộ Tài chính cho biết, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã có công văn số 3642/TCHQ-GSQL ngày 31/8/2022 chỉ đạo Cục Hải quan các tỉnh, thành phố bố trí cán bộ, công chức trực giải quyết thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát và xử lý vướng mắc đối với xăng dầu nhập khẩu 24/7, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp gây phiền hà cho DN.

Ngay trong ngày 21/10/2022, Bộ trưởng Tài chính cũng đã có công văn số 10855/BTC-VP gửi Tổng cục Hải quan đề nghị báo cáo những kiến nghị của Bộ Công Thương về việc hỗ trợ DN KDXD theo đúng quy định pháp luật.

Đối với một số DN cụ thể, Bộ Tài chính cho biêt, đây là DN KDXD đang có nợ thuế lớn cũng như chưa đáp ứng được quy định về nhập khẩu, phân phối xăng dầu trong nước

Cụ thể, đối với Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil, hiện  công ty có phát sinh số tiền thuế quá hạn nộp (số tiền cưỡng chế là 684.420.492.218 đồng) nên Cục Thuế TP.Hồ Chí Minh đã đề nghị cơ quan hải quan tạm dừng thủ tục theo quy định tại khoản 8 Điều 33 Nghị định 126/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Như vậy, việc dừng làm thủ tục đối với công ty để đảm bảo tránh nguy cơ thất thu thuế của nhà nước theo đúng quy định pháp luật về quản lý thuế.

Đối với Công ty CP Thương mại Đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu, theo quy định tại Nghị định 67/2020/NĐ-CP của Chính phủ thì đến ngày 10/8/2022 các DN KDXD nhập khẩu phải thực hiện trang bị và kết nối thiết bị đo mức bồn bể tự động kết nối trực tuyến số lượng xăng dầu xuất/nhập/tồn kho với cơ quan hải quan để kiểm soát buôn lậu, trốn thuế.

Tuy nhiên, sau nhiều lần đôn đốc của cơ quan Hải quan, đến nay Tổng kho xăng dầu Nam Sông Hậu vẫn không triển khai việc lắp đặt và kết nối thiết bị nên không đủ điều kiện để nhập khẩu xăng dầu.

Đối với Công ty CP Thương mại Dầu khí Đồng Tháp, Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà, trên thực tế, 2 công ty này hiện không phát sinh vướng mắc. Riêng đối với kiến nghị của Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà về việc được sử dụng chứng thư chất lượng do nhà cung cấp đi theo tàu nhập khẩu để xem xét thông quan là không phù hợp với quy định tại Quyết định 3810/QĐ-BKHCN ngày 18/12/2019 của Bộ Khoa học và Công nghệ vì mặt hàng xăng dầu nhập khẩu phải kiểm tra chất lượng trước khi thông quan và cơ quan kiểm tra là Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng.

“Như vậy, các vướng mắc của một số DN đầu mối KDXD nêu trên là do chưa thực hiện đúng, đủ các quy định của pháp luật hiện hành, các DN nhập khẩu khác vẫn thực hiện đầy đủ, nghiêm túc và không phát sinh vướng mắc. Vì vậy, đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo các DN sản xuất, DN đầu mối, phân phối, bán lẻ hoạt động thông suốt nhằm đảm bảo nguồn cung xăng dầu từ sản xuất trong nước, nhập khẩu để phục vụ sản xuất, kinh doanh và đời sống..”- Công văn của Bộ Tài chính lưu ý.

Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Công Thương có ý kiến với các công ty khẩn trương rà soát, hoàn thiện, thực hiện các quy định của pháp luật nêu trên. Trường hợp vượt thẩm quyền, đề nghị Bộ Công Thương rà soát, tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ Tài chính khẳng định không có chuyện “làm khó” doanh nghiêp xăng dầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO