Các giải pháp của NHNN để tăng khả năng tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế

TS. Nguyễn Quốc Hùng| 25/09/2020 12:13
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) -Bài viết điểm lại các giải pháp của NHNN và ngành Ngân hàng đã thực hiện để tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đồng thời nêu một số định hướng điều hành của NHNN trong thời gian tới.

Tóm tắt: Trước những diễn biến phức tạp và tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 đối với hoạt động tín dụng ngân hàng; bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp về tín dụng nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch. Bài viết điểm lại các giải pháp của NHNN và ngành Ngân hàng đã thực hiện để tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đồng thời nêu một số định hướng điều hành của NHNN trong thời gian tới.

Solutions of State Bank of Vietnam to increase businesses’ access to bank capital and support economic growth

Abstract: In the face of complicated progress and negative impacts of COVID-19 pandemic on bank credit, following the instructions of the Government, the Prime Minister; the State Bank of Vietnam (SBV) and the banking sector have implemented many solutions on lending policies in order to solve difficulties for borrowers affected by the pandemic. The article reviews  solutions made by the SBV and the banking sector to increase businesses’ access to bank capital and support economic growth, and at the same time outlines some operating directions of the SBV in the coming time.

1. Tác động của đại dịch Covid-19 đến nền kinh tế và hoạt động tín dụng ngân hàng

Thời gian qua, dịch bệnh COVID-19 đã gây ra nhiều tác động tiêu cực đối với mọi hoạt động kinh tế - xã hội trên toàn cầu. Tại Việt Nam, với độ mở của nền kinh tế khá lớn, dịch COVID-19 cũng tác động mạnh lên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội của đất nước. GDP 6 tháng đầu năm 2020 tăng 1,81%, là mức tăng thấp nhất của 6 tháng các năm trong giai đoạn 2011-2020. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự kiến tăng trưởng kinh tế Việt Nam chỉ đạt mức 2,7% trong năm 2020. Theo đó, khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế đặt ra nhiều thách thức trong bối cảnh giải ngân vốn đầu tư công thấp, số ca lây nhiễm trong cộng đồng tăng trở lại từ cuối tháng 7, tình hình sản xuất kinh doanh của nhiều ngành, lĩnh vực tiếp tục gặp khó khăn, đặc biệt là ngành du lịch, vận tải, dịch vụ lưu trú, ăn uống, xuất nhập khẩu..., số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động, số lao động mất việc làm tăng...

Về phía ngành Ngân hàng, ảnh hưởng của dịch bệnh dẫn đến khách hàng gặp khó khăn trong việc trả nợ ngân hàng đúng hạn. Mặc dù các tổ chức tín dụng (TCTD) đã triển khai nhiều chương trình, sản phẩm tín dụng với lãi suất ưu đãi, nhưng do nhu cầu tín dụng của khách hàng sụt giảm nên tốc độ tăng tín dụng thấp hơn so với các năm trước: tháng 1 tăng 0,1%, tháng 2 tăng 0,07%, tháng 3 tăng 1,1%, tháng 4/2020 tăng 1,42% so với cuối năm 2019, tháng 5 tăng 1,69%, tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2020 đạt 3,63%, là mức thấp nhất so với cùng thời điểm của các năm trong giai đoạn 2016-2020. Đến ngày 30/7/2020, tín dụng tăng 3,75% (cùng kỳ 2019 tăng 7,46%).

2. Các giải pháp của NHNN và ngành Ngân Hàng để tăng khả năng tiếp cận vốn cho Doanh Nghiệp, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế

Trước những diễn biến phức tạp và tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 đối với hoạt động tín dụng ngân hàng; bám sát những chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp về tín dụng nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch, cụ thể:

Thứ nhất, điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá, đảm bảo thanh khoản nền kinh tế, giữ nền tảng vĩ mô, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN) hoạt động trong môi trường kinh doanh ổn định.

Thứ hai, ngay khi xảy ra dịch bệnh COVID-19, NHNN đã chủ động ban hành các văn bản và tổ chức làm việc trực tiếp với các TCTD để yêu cầu các TCTD cân đối, đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao khả năng tiếp cận vốn; rà soát, đánh giá mức độ ảnh hưởng của dịch đối với khách hàng, xây dựng các chương trình, kịch bản hành động của ngân hàng để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng.

Thứ ba, khẩn trương ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN, tạo cơ sở pháp lý để các TCTD tháo gỡ khó khăn về vốn vay cho khách hàng, như: Khách hàng được cơ cấu các khoản nợ gốc và lãi đến hạn với thời hạn phù hợp, được giữ nguyên nhóm nợ tại thời điểm trước dịch và được tiếp tục vay vốn để thực hiện các dự án sản xuất kinh doanh có hiệu quả, được các TCTD miễn giảm lãi, phí. Đây là giải pháp hữu hiệu giúp giảm áp lực về nguồn tiền trả nợ đến hạn để doanh nghiệp tập trung vốn cho sản xuất kinh doanh.

Thứ tư, trong bối cảnh cầu tín dụng của nền kinh tế yếu do tác động của dịch bệnh, NHNN đã quyết liệt chỉ đạo TCTD tập trung mọi nguồn lực, đẩy mạnh cải cách quy trình thủ tục nội bộ, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn để nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng.

Thứ năm, 2 lần liên tiếp giảm mạnh các mức lãi suất điều hành, trần lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên (hiện nay là 5%/năm) để giảm mặt bằng lãi suất, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận vốn vay với chi phí phù hợp trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch.

Thứ sáu, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đã ban hành Thông tư hướng dẫn cho vay tái cấp vốn với lãi suất 0%, số tiền khoảng 16.000 tỷ đồng để Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) cho người sử dụng lao động gặp khó khăn về tài chính vay trả lương người lao động bị ngừng việc do ảnh hưởng của dịch bệnh với lãi suất 0%.

Thứ bảy, chủ động điều chỉnh tăng mức tăng trưởng tín dụng của hàng loạt các TCTD hoạt động hiệu quả, có điều kiện mở rộng tín dụng lành mạnh vào các lĩnh vực phục vụ cho tăng trưởng kinh tế.

Thứ tám, NHNN đã phối hợp UBND tỉnh, thành phố tổ chức các Hội nghị kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp nhằm nhận diện khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, từ đó có giải pháp tháo gỡ phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quan hệ tín dụng với ngân hàng.

3. Những kết quả đạt được

Việc triển khai các giải pháp trên đã có kết quả tích cực, các TCTD đã vào cuộc mạnh mẽ, thể hiện tinh thần chia sẻ, tháo gỡ, tạo điều kiện cho khách hàng vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất kinh doanh, thông qua các giải pháp rất hữu hiệu, thiết thực như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ để tháo gỡ khó khăn cho những khách hàng đang có dư nợ tại TCTD, tích cực triển khai các chương trình, gói sản phẩm tín dụng ưu đãi lãi suất thấp hơn lãi suất thông thường tạo điều kiện cho khách hàng có thêm nguồn vốn khôi phục sản xuất kinh doanh,... bước đầu đã phản ánh những cố gắng của toàn ngành Ngân hàng cùng đồng lòng chung sức với người dân, doanh nghiệp, với Chính phủ và các bộ, ngành trong cuộc chiến chống dịch COVID-19.

Kết quả, đến ngày 27/7/2020, tất cả các TCTD, kể cả công ty tài chính, ngân hàng nước ngoài đều vào cuộc mạnh mẽ, đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 265.358 khách hàng với dư nợ 261.671 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 446.315 khách hàng với dư nợ 1.218.326 tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ ngày 23/1 đến nay đạt 1.281.941 tỷ đồng cho 267.294 khách hàng, lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5 – 2,5% so với trước dịch. Riêng NHCSXH đã thực hiện gia hạn nợ cho 154.635 khách hàng với dư nợ 3.895 tỷ đồng, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ cho 75.209 khách hàng với dư nợ 1.567 tỷ đồng, cho vay mới đối với 1.270.172 khách hàng với dư nợ 47.143 tỷ đồng. 

4. Giải pháp, định hướng điều hành của NHNN trong thời gian tới

Trong bối cảnh dịch tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của DN thuộc nhiều ngành, lĩnh vực, NHNN tiếp tục chỉ đạo thực hiện các giải pháp điều hành để ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, hỗ trợ kinh tế nhằm đạt tăng trưởng ở mức cao nhất, cụ thể:

- Điều hành chính sách tiền tệ để góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện để nhanh chóng khôi phục kinh tế; điều hành tỷ giá và thị trường ngoại hối ổn định, sẵn sàng can thiệp thị trường để đảm bảo thanh khoản ngoại tệ cho nền kinh tế, ổn định thị trường.

- Cân đối, tập trung vốn để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, chú trọng vào các lĩnh vực ưu tiên, các dự án hiệu quả, có khả năng phục hồi ngay sau khi kết thúc dịch; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.

- Sẵn sàng điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn cho các TCTD có nhu cầu và khả năng tăng để đáp ứng tối đa nhu cầu của nền kinh tế.

- Chỉ đạo TCTD: (i) quyết liệt triển khai các giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí theo Thông tư 01, đẩy mạnh cho vay mới để người dân, doanh nghiệp có nguồn vốn tiếp tục sản xuất, kinh doanh; (ii) phát triển các sản phẩm tín dụng đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân; (iii) đơn giản hóa quy trình thủ tục nội bộ, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận và vay mới nhưng không nới lỏng điều kiện tín dụng, đảm bảo chất lượng, an toàn tín dụng, duy trì hoạt động lành mạnh của hệ thống ngân hàng.

- Sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2020/TT-NHNN cho phù hợp với thực tế và tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho tổ chức tín dụng và khách hàng.

- Tiếp tục tăng cường phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố triển khai rộng rãi trên toàn quốc chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp để nắm bắt và kịp thời xử lý khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế sau dịch.

Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 18 năm 2020

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các giải pháp của NHNN để tăng khả năng tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO