Hoạt động ngân hàng

Các TCTD đóng góp ý kiến hoàn thiện Dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi)

Quỳnh Lê - Minh Ngọc 09/03/2023 15:09

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam vừa phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Tọa đàm Góp ý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Đại diện các tổ chức tín dụng (TCTD) đã đóng góp nhiều ý kiến thiết thực, chi tiết để hoàn thiện Dự thảo Luật. Tạp chí Thị trường Tài chính - Tiền tệ trân trọng giới thiệu.

6 vấn đề chính cần sửa đổi

Đại diện Ngân hàng TMCP Đầu tư Việt Nam (BIDV)

Qua hơn 12 năm thực hiện Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) số 47/2010/QH12, Luật số 17/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD số 47/2010 (Luật Các TCTD) đã có những đóng góp quan trọng trong công tác quản lý cũng như tạo môi trường pháp lý ổn định cho hoạt động của hệ thống ngân hàng.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện cơ cấu lại các TCTD, cùng với việc phát triển và thay đổi mạnh mẽ của CMCN 4.0, Luật Các TCTD đã tồn tại một số hạn chế, cần chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn. Trên cơ sở đó, BIDV đề xuất sửa đổi, bổ sung hoàn thiện một số điểm sau:

Về nội dung hoạt động được phép của TCTD, để tạo điều kiện cho các TCTD, đề nghị điều chỉnh khoản 2 Điều 89 như sau: “Tổ chức tín dụng không được tiến hành bất kỳ hoạt động kinh doanh nào ngoài các hoạt động ngân hàng, hoạt động kinh doanh khác ghi trong Giấy phép, văn bản chấp thuận hoặc văn bản khác được Ngân hàng Nhà nước cấp cho tổ chức tín dụng”.

Về hoạt động ngân hàng điện tử, hiện nay Ngân hàng Nhà nước chưa có văn bản hướng dẫn đối với giao địch diện tử trong lĩnh vực ngân hàng, các TCTD đang thực hiện theo Nghị định 35/2007/NĐ-CP về việc giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng, chưa có hướng dẫn đối với “hoạt động kinh doanh khác của TCTD”. Đề nghị làm rõ và lưu ý có hướng dẫn kịp thời, đầy đủ nếu giữ nguyên quy định này.

Về hoạt động góp vốn, mua cổ phần, thực tế hiện nay có một số công ty quản lý nợ và khai thác tài sản (AMC) là công ty con của NHTM thực hiện thêm dịch vụ tư vấn giá tài sản bảo đảm cho khách hàng vay vốn tại NHTM. Hoạt động của các công ty AMC này có được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận không và trên cơ sở nào? Nếu được chấp thuận, đề nghị sửa đổi Khoản 3 Điều 102 dự thảo Luật theo hướng  cho phép TCTD được thành lập công ty con hoạt động trong lĩnh vực tư vấn giá tài sản đảm bảo cho khách hàng vay vốn tại chính NHTM đó (không phải hoạt động thẩm định giá theo Luật giá 2012).

Về hoạt động nghiệp vụ ủy thác và đại lý, giao đại lý, thực tế thị trường hiện nay có nhu cầu và cần thiết phải có đại lý quản lý tài sản bảo đảm là các TCTD. Tuy nhiên, dự thảo đã lược bỏ. Vì vậy, đề nghị giữ nguyên và để tạo hành lang pháp lý đáp ứng nhu cầu thực tế đề nghị quy định rõ về “đại lý quản lý tài sản bảo đảm” của TCTD (khái niệm, nội dung, các trường hợp được nhận làm đại lý…).

Về hoạt động kinh doanh khác của các NHTM, để đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách hàng, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài, đề nghị Ban soạn thảo xem xét giữ nguyên nội dung cho phép NHTM được tiếp tục thực hiện hoạt động “Tư vấn tài chính doanh nghiệp, tư vấn mua, bán, hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp và tư vấn đầu tư” như quy định tại Luật các TCTD hiện hành.

Về hoạt động kinh doanh bất động sản, để tạo điều kiện cho các TCTD sử dụng được nhiều nguồn lực, phương thức để xử lý nợ, thu hồi vốn, nhưng đồng thời vẫn bảo đảm quản lý Nhà nước trong việc hạn chế các TCTD thực hiện kinh doanh bất động sản, BIDV đề xuất sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 132 Luật các TCTD 2010 theo hướng: Quy định nắm giữ bất động sản là việc TCTD nhận tài sản là bất động sản để thay thế nghĩa vụ trả nợ của khách hàng tại TCTD; Trong thời hạn 5 năm (hoặc một thời điểm cụ thể mà Ngân hàng Nhà nước đánh giá là phù hợp) kể từ ngày TCTD nhận bất động sản để thay thế nghĩa vụ trả nợ của khách hàng, tổ chức tín dụng phải bán, chuyển nhượng...; giao Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn trình tự, thủ tục đăng ký chuyển quyền sở hữu, sử dụng đối với bất động sản khi TCTD nhận tài sản là bất động sản để thay thế nghĩa vụ trả nợ của khách hàng.

Tác giả trích dẫn

Đề xuất hoàn thiện quy định về tổ chức quản trị, điều hành của TCTD

Đại diện Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)

Hiện nay việc tổ chức, quản trị, điều hành các TCTD phải đồng thời áp dụng cả Luật Các TCTD, Luật Doanh nghiệp, Luật chứng khoán (đối với công ty đại chúng). Điều này dẫn tới sự chồng chéo trong quy định pháp luật khi áp dụng, gây lúng túng cho các TCTD, có tình trạng một vấn đề quy định tại Luật Các TCTD “vừa thừa, vừa thiếu”, tạo ra các quan điểm khác nhau khi áp dụng pháp luật.

Do đó, đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét điều chỉnh các nội dung liên quan tới quy định tổ chức, quản trị, điều hành của TCTD tại Luật các TCTD theo hướng:

Một là, áp dụng các quy định chung về tổ chức, quản trị, điều hành của TCTD (tùy theo mô hình/loại hình công ty) như quy định chung tại Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán hiện hành.

Hai là, chỉ đặt ra các quy định đối với những vấn đề đặc thù của ngành Ngân hàng. Cụ thể, ngoài các quy định chung áp dụng theo Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán (áp dụng đối với công ty đại chúng), thì các điểm yêu cầu đặc thù đối với các TCTD sẽ quy định thêm tại Luật các TCTD.

Bên cạnh đó, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước bổ sung cơ chế, làm rõ trách nhiệm của thành viên Ban kiểm soát từ ngày thành viên nộp đơn từ chức tới Ban kiểm soát cho tới ngày được Đại hội đồng cổ đông phê duyệt. Cụ thể, trong khoảng thời gian này, thành viên Ban kiểm soát không phải chịu trách nhiệm về các quyết định, nghị quyết của Ban kiểm soát mà thành viên đó không tham gia biểu quyết, thông qua. Việc làm rõ trách nhiệm của thành viên Ban kiểm soát trong thời gian nêu trên sẽ giúp các bên áp dụng đúng pháp luật và thành viên Ban kiểm soát rõ ràng hơn về trách nhiệm của mình.

Ngoài ra, kiến nghị Ngân hàng nhà nước xem xét việc mở rộng đối tượng người có liên quan phải phù hợp với thực tế, bảo đảm khả năng thực hiện; xem xét lại quy định về giao dịch giữa Tổ chức tín dụng với người có liên quan của Tổ chức tín dụng, quy định về trình tự thủ tục chưa hợp lý, đặc biệt là hợp đồng/giao dịch giữa TCTD với người có liên quan khi phát sinh giao dịch thường xuyên như giao dịch tài khoản, thẻ, tiền gửi...; rà soát, làm rõ các qui định về chức năng, nhiệm vụ, hoạt động của TCTD...

Tác giả trích dẫn

Cần thiết luật hóa các quy định xử lý nợ xấu

Đại diện Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank)

Trong hoạt động cấp tín dụng, việc áp dụng các biện pháp bảo đảm giữ vai trò đặc biệt quan trọng nhằm bảo đảm khả năng thu hồi vốn của TCTD. Do vậy, cần thiết phải có một hành lang pháp lý rõ ràng và minh bạch để bảo vệ bên cho vay/bên nhận bảo đảm trong các trường hợp bên vay không có khả năng trả nợ hoặc chây ì không thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho các TCTD. Pháp luật Việt Nam và pháp luật của các nước đều thừa nhận bên nhận bảo đảm có quyền xử lý tài sản bảo đảm khi bên có nghĩa vụ được bảo đảm không thực hiện, thực hiện không đúng nghĩa vụ khi đến hạn.

Bên cạnh đó, với kết quả đạt được trong hoạt động xử lý nợ xấu của các TCTD theo quy định tại Nghị quyết 42, việc luật hóa các quy định của Nghị quyết 42 thành Luật chuyên ngành về xử lý nợ xấu của TCTD hoặc quy định thành một chương về xử lý nợ xấu trong Luật Các TCTD là cần thiết và có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo an toàn của hệ thống TCTD.

Ngoài việc kế thừa toàn bộ các quy định của Nghị quyết 42, thì Luật chuyên ngành về xử lý nợ xấu của các TCTD cũng cần phải bổ sung các quy định nhằm tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong quá trình thực thi Nghị quyết 42 về các vấn đề cụ thể như: quy định về thu giữ tài sản bảo đảm; Thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm; Chuyển nhượng tài sản bảo đảm; Áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm tại Tòa án; Hoàn trả tài sản bảo đảm là vât chứng trong các vụ án hình sự.

Cần mở rộng đối tượng bán nợ cho VAMC

Đại diện Công ty Quản lý tài sản (VAMC)

Trong 5 năm thực hiện Nghị quyết 42 cũng như trong quá trình tham gia xây dựng dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi), dưới góc độ của VAMC, chúng tôi xin tập trung vào một số nội dung cụ thể như sau:

Hiện tại, Điều 188 của dự thảo quy định tổ chức mua bán xử lý nợ xấu sẽ được mua khoản nợ xấu đang hạch toán trong và ngoài bảng cân đối kế toán của TCTD (trừ TCTD liên doanh và TCTD 100% vốn nước ngoài). Quy định này sẽ làm hạn chế đối tượng bán nợ cho VAMC, theo đó, đối tượng bán nợ cho VAMC là các TCTD, trừ TCTD liên doanh và TCTD 100% vốn nước ngoài.

Trên cơ sở các quy định dưới đây, VAMC kiến nghị mở rộng đối tượng bán nợ cho VAMC bao gồm cả các TCTD liên doanh và TCTD 100% vốn nước ngoài:

- Nghị quyết 54 của Chính phủ về việc sẽ từng bước phát triển thị trường mua bán nợ chuyên nghiệp, bền vững, trong đó thiết lập, vận hành có hiệu quả sàn giao dịch nợ trong đó VAMC sẽ là trung tâm của thị trường.

- Quyết định 986 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ phát triển VAMC thực sự trở thành trung tâm trong hoạt động xử lý nợ xấu. Theo quy định tại dự thảo Luật, việc loại trừ VAMC được mua nợ xấu của TCTD liên doanh và TCTD 100% vốn nước ngoài cũng làm hạn chế quyền của VAMC, trong khi các tổ chức mua bán nợ khác vẫn có được quyền này.

Do đó, việc mở rộng phạm vi mua nợ xấu của VAMC là TCTD liên doanh và TCTD 100% vốn nước ngoài nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động mua bán nợ của VAMC cũng như góp phần mở rộng thị trường mua bán nợ nói chung, tạo sự bình đẳng giữa VAMC và các tổ chức mua bán nợ khác.

Đối với hoạt động mua nợ xấu và thỏa thuận phân chia giữa VAMC và các TCTD, dự thảo đã bãi bỏ nội dung: Trong trường hợp có VAMC và TCTD mua bán có thoả thuận phân chia thì giá mua phải bằng giá trị định giá của tổ chức định giá độc lập và VAMC phải thống nhất với TCTD  lựa chọn tổ chức định giá độc lập.

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 42, VAMC cho rằng giá trị do tổ chức định giá đưa ra chỉ là giá tham khảo để hai bên xem xét quy định giá mua bán phù hợp, kể cả đối với trường hợp tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu thảo thuận với TCTD bán nợ phân chia phần giá trị còn lại của số tiền thu hồi được từ khoản nợ xấu (sau khi trừ giá mua và các chi phí xử lý) thì sau khi có kết quả thẩm định giá, hai bên vẫn cần thoả thuận để thống nhất giá mua bán nợ.

Như vậy, phương án quy định tại Dự thảo, VAMC đánh giá là tối ưu, vừa luật hoá nguyên tắc đã có tại Nghị quyết 42 vừa giảm thiểu rủi ro và tăng tính chủ động cho VAMC trong việc thúc đẩy hoạt động mua, bán, xử lý nợ xấu theo giá trị thị trường.

Tác giả trích dẫn

Sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến tham gia xử lý các TCTD yếu kém

Đại diện Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank)

Luật các TCTD sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã đưa ra khung pháp lý về cơ cấu lại và xử lý TCTD yếu kém. Song trong quá trình tham gia xử lý TCTD yếu kém, quy định hiện hành của Luật các TCTD đã bộc lộ nhiều hạn chế bất cập, cần sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn, cụ thể:

Thứ nhất, về phương án chuyển giao bắt buộc TCTD yếu kém cho một NHTM, sau khi hoàn tất thủ tục chuyển giao bắt buộc, việc xác định TCTD yếu kém là công ty con của NHTM nhận chuyển giao bắt buộc chưa có cơ sở pháp lý rõ ràng. Đồng thời, do NHTM không được thành lập NHTM khác (sở hữu 100% vốn điều lệ) nên không có cơ sở pháp lý xác định cơ quan/cấp nào của NHTM nhận chuyển giao bắt buộc có thẩm quyền phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc TCTD yếu kém.

Thứ hai, cần quy định về nội dung cung cấp thông tin trong trường hợp thực hiện phương án cơ cấu lại TCTD yếu kém mà NHTM nhà nước hiện nay phải nhận chuyển giao bắt buộc (thủ tục phê duyệt cung cấp thông tin, nội dung trình phê duyệt được cung cấp…).

Thứ ba, đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung quy định để hạn chế đến mực thấp nhất tác động về thương hiệu, giá trị doanh nghiệp và xếp hạng tín nhiệm quốc tế đối với NHTM cổ phần chuyển giao bắt buộc.

Thứ tư, đề nghị xem xét, bổ sung quy định thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước được chỉ định NHTM thực hiện việc nhận chuyển giao bắt buộc TCTD yếu kém.

Thứ năm, tạo cơ sở pháp lý cho NHTM nhận chuyển giao bắt buộc chủ động thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và xác định rõ trách nhiệm của Ban kiểm soát đặc biệt.

Tác giả trích dẫn

Cần hướng dẫn mở hơn về nguyên tắc thực hiện ủy thác, nhận ủy thác của công ty tài chính

Đại diện Công ty Tài chính cổ phần điện lực (EVN Finance)

Khoản 1 Điều 109 dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi), bổ sung quy định công ty tài chính được thực hiện tiếp nhận vốn ủy thác của Chính phủ, tổ chức, cá nhân vào các dự án sản xuất, kinh doanh, cấp tín dụng được phép". Ngoài ra, điểm b Khoản 2 Điều 11 Thông tư 30/2014/TT-NHNN cũng cho phép công ty tài chính được nhận ủy thác của NHTM, ngân hàng chính sách, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty tài chính khác, ngân hàng hợp tác xã, tổ chức, cá nhân để thực hiện cho vay đối với khách hàng". Như vậy, theo các quy định này, công ty tài chính được nhận ủy thác cho vay từ tổ chức, cá nhân.

Đối với quy định về xét duyệt cấp tín dụng đối với các khoản cho vay tiêu dùng, EVNFinance đề xuất Ban soạn thảo xem xét quy định đối với các khoản cho vay tiêu dùng có giá trị nhỏ của công ty tài chính chỉ cần yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin về khả năng tài chính của khách hàng thay vì cung cấp tài liệu, dữ liệu chứng minh khả năng tài chính.

Về hoạt động cấp tín dụng bằng phương thức điện tử quy định, đề nghị Ban soạn thảo xem xét có hướng dẫn quy trình cấp tín dụng bằng phương tiện điện tử trong cả trường hợp toàn bộ và một phần bởi trong quá trình chuyển đổi số thì các tổ chức tín dụng cũng chưa thực hiện ngay được toàn bộ bằng phương thức điện tử.

Tại dự thảo lần này, một số nội dung quy định về hoạt động của công ty tài chính cũng đã được cụ thể hơn như hoạt động nhận tiền gửi, mua bán công cụ nợ, giấy tờ có giá,…. EVNFinance đề xuất Ban soạn thảo xem xét bổ sung quy định về việc mở tài khoản thanh toán của công ty tài chính đối với khách hàng mà công ty thực hiện cấp tín dụng.

Tác giả trích dẫn

Rà soát lại các quy định cho phù hợp với quốc tế

Đại diện Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Sacombank)

Qua thực tiễn, chúng tôi nhận thấy, nhiều quy định tại dự thảo liên quan đến hoạt động thanh toán với quốc tế vẫn còn chưa được làm rõ, cụ thể: 

Tổ chức cá nhân tham gia hoạt động ngân hàng được quyền thỏa thuận áp dụng tập quán thương mại, đặc biệt là tập quán thương mại quốc tế do Phòng thương mại Quốc tế (ICC) ban hành. Tuy nhiên, điều khoản này có rất nhiều điểm mâu thuẫn với pháp luật Việt Nam. Do đó, chúng tôi mong muốn tại dự thảo Luật lần này nên giải quyết rõ: khi áp dụng tập quán thương mại quốc tế do ICC ban hành thì những điểm trái và mâu thuẫn đó, các bên có được áp dụng nguyên tắc ICC hay vẫn áp dụng luật Việt Nam.

Về thư tín dụng (L/C), các quy định hiện nay chưa rõ đâu là hình thức cấp tín dụng, đâu là dịch vụ thanh toán, dẫn đến sự mẫu thuẫn trong quá trình áp dụng thực tế. Để tránh những vướng mắc cho các TCTD, cũng như cơ quan quản lý, đề nghị, dự thảo Luật cần làm rõ L/C trong trường hợp nào là cấp tín dụng, trường hợp nào là dịch vụ thanh toán.

Về bao thanh toán. Theo kinh nghiệm quốc tế và nhu cầu thực tiễn thị trường, ngân hàng và khách hàng có nhu cầu thực hiện bao thanh toán chiết khấu miễn truy đòi. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, có cả 2 hình thức bao thanh toán truy đòi và bao thanh toán miễn truy đòi. Nếu NHNN mở cửa cho phương thức bao thanh toán miễn truy đòi, đề nghị nên bổ sung coi như đây là hoạt động ngân hàng khác.

Tác giả trích dẫn

Cần làm rõ yêu cầu kiểm toán độc lập hệ thống kiểm soát nội bộ

Đại diện Ngân hàng ANZ

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 40, “Hệ thống kiểm soát nội bộ là tập hợp các cơ chế, chính sách, quy trình, quy định nội bộ, cơ cấu tổ chức của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được xây dựng phù hợp với hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước và được tổ chức thực hiện nhằm bảo đảm phòng ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời rủi ro và đạt được yêu cầu đề ra”. Hiện nay các thông tư hướng dẫn về kiểm toán độc lập đối với hoạt động kiểm soát nội bộ (Thông tư 39/2011/TT-NHNN được sửa đổi bổ sung bởi Thông tư 24/2021/TT-NHNN) quy định theo hướng đánh giá định kỳ với toàn bộ hệ thống kiểm soát nội bộ. Điều này thực sự là một thách thức và khó khăn rất lớn đối với các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cũng như các công ty kiểm toán độc lập. Chưa có công ty kiểm toán độc lập nào trên thị trường Việt Nam có thể cung cấp dịch vụ kiểm toán độc lập toàn bộ hệ thống kiểm soát nội bộ. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo xem xét sửa đổi quy định tại khoản 3, Điều 40 theo hướng: cho phép các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, có thể quyết định phạm vi đánh giá dựa trên cơ sở phân tích, đánh giá hằng năm cũng như là chính sách quản lý rủi ro của tổ chức.

Tác giả trích dẫn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các TCTD đóng góp ý kiến hoàn thiện Dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO