Pháp luật - Nghiệp vụ

Cẩn trọng trước các hình thức lừa đảo giả mạo tin nhắn ngân hàng

Minh Ngọc 19/04/2023 09:47

Các ngân hàng liên tục khuyến cáo khách hàng nâng cao cảnh giác với các hình thức lừa đảo giả mạo tin nhắn, nhằm giữ an toàn giao dịch và bảo mật thông tin tài chính.

unnamed-1-.png

Mạo danh đầu số tin nhắn SMS ngân hàng

Với thủ đoạn này, kẻ gian gửi tin nhắn giả mạo ngân hàng có nội dung thông báo về dịch vụ, yêu cầu khách hàng truy cập vào đường dẫn (link) giả mạo (thường là đường link website gần giống dễ gây nhầm lẫn), không dẫn đến các địa chỉ chính thức của ngân hàng.

Các ngân hàng khẳng định, không bao giờ gửi tin nhắn có gắn đường dẫn yêu cầu khách hàng cung cấp/nhập tên đăng nhập và mật khẩu truy cập ngân hàng số,… Do đó, khách hàng tuyệt đối không truy cập vào các đường dẫn này để tránh bị mất thông tin tài khoản, thiệt hại tài sản.

Khách hàng nên cẩn trọng kiểm tra tin nhắn SMS nhận được có phải của ngân hàng không chỉ với 3 bước:

Bước 1: Sao chép tin nhắn Brandname đang nghi là giả mạo

Bước 2: Gửi tin nhắn đã sao chép đến đầu số của nhà mạng để kiểm tra: 9548 (mạng Viettel); 9241 (mạng Mobifone) hoặc 1551 (mạng Vinaphone)

Bước 3: Xem phản hồi của nhà mạng

Ngoài ra, website chính thức của ngân hàng thường có đuôi ".vn" và được đánh dấu an toàn bằng hình ổ khóa bên cạnh. Tài khoản mạng xã hội chính thức của các ngân hàng luôn có dấu tích xanh (Facebook, Tiktok) và dấu tích vàng (Zalo) bên cạnh. 

Giả mạo tin nhắn định danh của ngân hàng

Đây là một trong những hình thức lừa đảo phổ biến hiện nay. Nhóm lừa đảo tạo các tên miền phụ dạng [tên ngân hàng].vn-**** và gửi tin nhắn giả mạo với nội dung cảnh báo trừ tiền, thông báo thanh toán dư nợ thẻ tín dụng hoặc dịch vụ mà người dùng không đăng ký.

Sau đó, người dùng truy cập website giả mạo, cung cấp thông tin cá nhân hoặc tài khoản ngân hàng (tài khoản/tên đăng nhập/ mật khẩu). Lúc này, nhóm lừa đảo sẽ sử dụng thông tin của người dùng để đăng nhập trên các website chính thức của các tổ chức ngân hàng để lấy mã xác thực OTP.

Khi mã OTP được gửi tới điện thoại người dùng. Website giả mạo điều hướng sang trang yêu cầu người dùng nhập mã OTP. Nếu người dùng cung cấp thông tin OTP, nhóm lừa đảo có thể chiếm đoạt tiền trong tài khoản.

Để nâng cao cảnh giác và đảm bảo an toàn tài chính cho bản thân, khách hàng cần tuân thủ một số nguyên tắc sau đây: 

Thứ nhất, không truy cập vào các đường dẫn được gửi qua email giả mạo hoặc tin nhắn giả mạo.

Thứ hai, không cung cấp thông tin đăng nhập tài khoản Internet Banking (IB), mật khẩu, Smart OTP, số thẻ và những thông tin tài khoản khác cho bất cứ ai, kể cả nhân viên ngân hàng.

Thứ ba, luôn đăng nhập tài khoản thông qua các trang web chính thống, luôn kiểm tra kỹ địa chỉ website và đăng nhập vào đó trang web chính thức của ngân hàng hoặc dịch vụ tài chính.

Thứ tư, luôn đảm bảo thiết bị truy cập vào các ứng dụng tài chính là thiết bị an toàn, không bị thay đổi quyền truy cập vào thiết bị gốc.

Thứ năm, luôn nâng cấp hệ điều hành để đảm bảo các lỗ hỏng của hệ điều hành được vá.

Thứ sáu, luôn kiểm tra và xác minh thông tin trước khi đăng ký và sử dụng các dịch vụ tài chính trực tuyến.

Trường hợp phát hiện bất kỳ tin nhắn bất thường nào liên quan đến sản phẩm - dịch vụ, khách hàng ngay lập tức liên hệ hotline của ngân hàng để được hỗ trợ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cẩn trọng trước các hình thức lừa đảo giả mạo tin nhắn ngân hàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO