Văn hóa

Chiến thắng Điện Biên Phủ qua những trang văn Hữu Mai

Trần Văn Lợi 05/05/2024 09:16

Điện Biên Phủ là một đề tài lớn của nền văn học hiện đại Việt Nam. Đã có nhiều nhà văn viết về cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp của quân dân ta diễn ra trên mảnh đất này với những mức độ phản ánh khác nhau. Trong số đó, Hữu Mai là cây bút có nhiều tác phẩm nhất về đề tài này và ông được coi là “nhà văn của Điện Biên Phủ”.

Nhà văn Hữu Mai (1926 - 2007) tên thật là Trần Hữu Mai, quê ở phố Hàng Cấp, TP. Nam Định, tỉnh Nam Định. Năm 1946, ông tham gia Tự vệ thành Hà Nội. Năm 1947 ông vào bộ đội, làm Báo Quân Tiên phong của Đại đoàn 308 rồi đến năm 1956 về làm Tạp chí Văn nghệ quân đội. Năm 1978 nhà văn Hữu Mai làm Trưởng phòng Văn nghệ Quân đội. Đến năm 1983, ông chuyển sang Hội Nhà văn với quân hàm Đại tá. Ông từng là Ủy viên Thường trực Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa 3 và khóa 4. Ông cũng là thành viên của Hiệp hội Quốc tế các nhà văn viết truyện trinh thám (AIEP)...

Trong kháng chiến chống Pháp, Hữu Mai may mắn được tham gia nhiều trận đánh lớn, đặc biệt là chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Cảm nhận tầm vóc vĩ đại của cuộc kháng chiến cũng như chiến thắng Điện Biên Phủ, Hữu Mai đó dành nhiều tâm huyết để phản ánh cuộc chiến đấu vô cùng cam go, ác liệt song cũng hết sức vẻ vang và quan trọng ấy. Ông từng tâm sự “Tôi chỉ mong ghi lại một cách trung thực, càng nhiều càng tốt, những gì đã biết về một thời kỳ lịch sử hiếm có, rất đẹp, rất phong phú của dân tộc, mà mình đã may mắn vừa là nhân chứng, vừa là người trong cuộc.... Một chiến công như Điện Biên Phủ có biết bao điều tiềm ẩn, tôi cũng viết tiếp được về đề tài này là do tôi đó được tìm hiểu thêm về nó. Những nhân vật trong truyện của tôi đều có nguyên mẫu trong cuộc sống. Tôi tự bảo mình, những điều mình viết ra trước hết phải được họ công nhận là sự thật” (Báo Văn nghệ Trẻ, số 18+19, năm 2004).

Tác phẩm viết về Điện Biên Phủ của nhà văn Hữu Mai chia làm hai mảng: những tiểu thuyết, truyện ngắn do ông sáng tác và những tập hồi ký của đại tướng Võ Nguyên Giáp được ông thể hiện. Ở mảng thứ nhất, Hữu Mai có các tác phẩm: Cao điểm cuối cùng (tiểu thuyết), Người thợ chữa đồng hồ ở Điện Biên Phủ (truyện ngắn), Hoa ban đỏ (kịch bản phim), “Điện Biên Phủ - thời gian và không gian”... Tiểu thuyết “Cao điểm cuối cùng” là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất về chiến dịch Điện Biên Phủ. Bằng ngòi bút chân thực và sắc sảo, Hữu Mai đó tái hiện cuộc chiến đấu với tất cả vẻ quyết liệt, phức tạp và hùng tráng của nó. Trong đó, tác giả đó tập trung ca ngợi những vẻ đẹp của người chiến sĩ Vệ quốc trên chiến trường Điện Biên Phủ. Đó là tinh thần dũng cảm, hiến dâng cho tổ quốc, coi cái chết thật nhẹ nhàng, thanh thản. Đó là ý chí không chịu lùi bước trước những khó khăn ác liệt của cuộc chiến đấu. Đại tướng Hoàng Văn Thái từng đánh giá cao tính chân thật lịch sử và diễn biến của tiểu thuyết “Cao điểm cuối cùng”: “Cuốn sách đã rung động tôi vì nó đã phản ánh được khá trung thực cuộc chiến đấu và những con người đã viết nên một trang sử chói lọi của dân tộc”...

Có một câu chuyện vui liên quan đến tiểu thuyết này. Đó là, Hữu Mai tận dụng khả năng hư cấu của một nhà văn, từ nguyên mẫu có thực ngoài đời là Tiểu đoàn trưởng Dũng Chi (sau là thiếu tướng Dũng Chi), ông xây dựng nên nhân vật Quế Vinh với một số tình tiết "bảy thực ba hư". Đó là một nhân vật có thành phần xuất thân là tiểu tư sản, chiến đấu rất dũng cảm nhưng có lúc lại tỏ ra dao động, nhụt ý chí. Chính vì vậy, khi cuốn sách được in ra, nhà văn e ngại, luôn tìm cách tránh mặt Dũng Chi.

Phải đến năm 1994, trong một buổi giao lưu các nhân chứng lịch sử trong quân đội, “nhân vật Quế Vinh” mới có dịp gặp nhà văn Hữu Mai - “cha đẻ” của mình.

Hôm đó, sau khi Hữu Mai kể về quá trình viết tiểu thuyết "Cao điểm cuối cùng" thì bất ngờ cô dẫn chương trình hỏi nhà văn: “Thế hôm nay bác có muốn gặp nhân vật của bác không, có muốn gặp anh Dũng Chi không ạ?”

Lúc đó, nhà văn chậm rãi tâm sự: “40 năm nay tôi chưa gặp lại vì tôi sợ ông ấy giận, bởi vì không bao giờ tôi muốn làm những gì phật lòng những nhân vật của tôi. Những người tôi chọn đều là những nhân vật tốt rồi, tiêu biểu tôi mới viết, mình muốn chọn những gì nó là tiêu biểu của cuộc chiến tranh, viết những gì nó khác, khác với những gì người ta biết ngoài đời.”

Nhà văn vừa dứt lời thì bất ngờ, thiếu tướng Dũng Chi từ dưới hàng ghế ngồi đi lên và nói: “Tôi chính là Quế Vinh ở trong “Cao điểm cuối cùng”, và trong đó nhà văn Hữu Mai miêu tả tôi đúng từ hành động, việc làm, đến con người, tính cách, cách đi đứng, cách nói. Đúng là của tôi! Ở trong này thì nhà văn Hữu Mai có hư cấu thêm một số chi tiết không nhiều, nhưng mà tôi nghĩ đây là những chi tiết cần thiết để nói lên cái bản chất của một anh cán bộ tiểu tư sản. Có anh cán bộ tiểu tư sản nào trong những lúc chiến đấu ác liệt như thế lại không có những phút dao động?”.

Ngừng một chút, “nhân vật Quế Vinh” tâm sự tiếp: “Tôi đến đây là để cảm ơn nhà văn vì đã ghi lại chân thực cuộc chiến đấu anh dũng, vẻ vang của những người lính Điện Biên Phủ chúng ta. Mỗi người đều có cái nét riêng thể hiện nhân cách của mình dù dưới bất kỳ hình thức nào, nhưng cuối cùng ta vẫn là những con người tốt, anh dũng chiến thắng bất cứ kẻ thù nào. Nhà văn Hữu Mai có hư cấu đôi chút trong tác phẩm của mình. Nhưng không sao!".

Khi nghe được điều ấy, nhà văn Hữu Mai thấy “nhẹ cả người”. Không những ông trút được nỗi băn khoăn vẫn đeo đẳng, mà còn được người lính Điện Biên năm xưa “cảm ơn” …sau 40 năm.

Ở truyện ngắn “Người thợ chữa đồng hồ ở Điện Biên Phủ” , tác giả diễn tả sự ác liệt của cuộc chiến đấu cùng tấm gương hy sinh anh dũng của một chiến sĩ lái xe trẻ tuổi, có tài chữa đồng hồ cho đồng đội. Anh hy sinh khi giúp bạn kéo pháo về trận địa....

Kịch bản phim Hoa ban đỏ tái hiện cuộc chiến đấu gian khổ, với những hy sinh mất mát trên chiến trường Điện Biên Phủ gắn với câu chuyện tình của anh bộ đội và cô y tá. Trong những ngày cuối cùng của chiến dịch Điện Biên Phủ, tiểu đoàn trưởng Phương bị trọng thương khi chỉ huy cuộc chiếm lĩnh cứ điểm 206. Ở bệnh viện quân y, Phương gặp Tấm - cô y tá đồng hương với anh. Khi vết thương đã lành, Phương tạm biệt Tấm để trở lại đơn vị, cuộc chia tay của họ diễn ra ở một cánh rừng nở đầy hoa ban đỏ. Tấm đã thầm yêu Phương. Ngày cứ điểm bị đập tan, Tấm đã chạy đi khắp cánh đồng Mường Thanh mà không tìm được Phương, quanh cô chỉ có tiếng hát quân hành của bộ đội mừng thắng trận...

Bên cạnh mảng sáng tác, nhà văn Hữu Mai bền bỉ dành hàng chục năm với lòng say mê nhiệt thành để ghi lại và thể hiện các hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đó là các tập hồi ức: "Từ nhân dân mà ra", "Những năm tháng không thể nào quên", "Chiến đấu trong vòng vây", "Những chặng đường lịch sử", "Một vài hồi ức về Điện Biên Phủ", “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử”

“Từ nhân dân mà ra” là cuốn hồi ký sớm nhất, lý giải cho gốc tích của quân đội ta, từ những ngày đầu gây dựng lực lượng, rồi quá trình quân đội ta đã lớn mạnh chiến đấu kiên cường giành được nhiều thắng lợi vang dội. Đó là đội quân được sinh ra từ lòng yêu nước và tinh thần quả cảm của nhân dân, được nhân dân nuôi nấng, đùm bọc yêu thương, chiến đấu bảo vệ nhân dân. Tình cảm quân dân là nguồn sức mạnh to lớn cho bộ đội Cụ Hồ trong suốt lịch sử chiến đấu và giành chiến thắng.

Hồi ký “Những năm tháng không thể nào quên” thể hiện sự biết ơn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đối với Bác Hồ - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc ta và người thầy vĩ đại của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Quá trình phấn đấu, trưởng thành của vị Tổng Tư lệnh luôn được sự chỉ bảo, góp ý của Bác cùng Trung ương Đảng do Bác đứng đầu. Hình ảnh Bác là sức mạnh tinh thần to lớn động viên quân và dân ta chiến thắng kẻ thù.

“Chiến đấu trong vòng vây” đã diễn tả chân thực những giai đoạn khó khăn, gian khổ nhưng cũng đầy vẻ vang của cuộc kháng chiến chống Pháp. Qua từng chiến dịch, từ Việt Bắc Thu đông (1947), chiến dịch Biên giới (1950), bộ đội ta đã ngày càng trưởng thành. Với tài chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, quân đội ta đã liên tiếp giành được những thắng lợi quan trọng, đặc biệt là thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ.

Hai tác phẩm “Đường tới Điện Biên Phủ”“Điểm hẹn lịch sử” đã phản ánh chặng đường đấu tranh cách mạng kiên cường mà anh dũng của quân và dân ta, và chiến thắng Điện Biên phủ như một cái kết tất yếu cho một dân tộc yêu chuộng hòa bình, khát khao độc lập dân tộc. Điện Biên Phủ là điểm hẹn lịch sử. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là sự hội tụ, kết tinh những phẩm chất tuyệt vời của quân và dân ta, được đúc kết và sáng tạo từ những kinh nghiệm nghệ thuật quân sự của cha ông trong suốt bốn nghìn năm giữ nước: lấy ít địch nhiều, lấy yếu chế mạnh, lấy thô sơ thắng hiện đại. Đặc biệt, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, tài thao lược chiến trường của đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thể hiện một cách rõ nhất, có ý nghĩa hết sức quan trọng khi đã chuyển phương châm tác chiến “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” góp phần quyết định giành thắng lợi.

Các sáng tác và chắp bút của nhà văn Hữu Mai về chiến thắng Điện Biên Phủ vừa là những trang văn sinh động, vừa là những trang sử quý giá về cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của quân và dân ta. Những tác phẩm phong phú về thể loại này đã chứng minh sự gắn bó máu thịt của nhà văn với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và làm sáng tỏ nhận định: Hữu Mai là nhà văn của Điện Biên Phủ...

(Sưu tầm và biên khảo)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chiến thắng Điện Biên Phủ qua những trang văn Hữu Mai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO