Có thể nói, cơ chế chính sách của Ngân hàng Nhà nước hiện nay đã và đang tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong đó chính sách tiền tệ tín dụng tạo điều kiện và hỗ trợ cho các doanh nghiệp, các nhóm ngành lĩnh vực phát triển, đặc biệt là những nhóm ngành, lĩnh vực là động lực tăng trưởng của đất nước.
Những kết quả của hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung và lĩnh vực xuất khẩu nói riêng trong 10 tháng đầu năm đã và đang phản ánh hiệu quả chính sách. Nhìn dưới góc độ quản lý, hiệu quả đó, gắn liền với 3 yếu tố chính sau:
Thứ nhất, ổn định kinh tế vĩ mô và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu nói riêng tăng trưởng và phát triển.
Việc Ngân hàng Nhà nước sử dụng các công cụ tỷ giá, lãi suất hiệu quả và điều hành tỷ giá linh hoạt, không chỉ đảm bảo giữ ổn định đồng tiền quốc gia, kìm giữ lạm phát mà còn ổn định thị trường ngoại hối trong suốt thời gian qua.
Kết quả này, có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động của doanh nghiệp thuộc lĩnh vực xuất nhập khẩu, thúc đẩy khu vực doanh nghiệp này tăng trưởng và phát triển. Đồng thời tiếp tục củng cố và tạo lập niềm tin chính sách, niềm tin của doanh nghiệp đối với chính sách tiền tệ và điều hành chính sách tỷ giá, lãi suất của Ngân hàng Nhà nước trong suốt thời gian qua, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, qua đó tiếp tục thu hút nhà đầu tư nước ngoài, cũng như mở rộng và tăng trưởng thị trường xuất khẩu.
Thứ hai, chính sách tín dụng ưu đãi, tạo điều kiện về vốn, lãi suất cho doanh nghiệp xuất khẩu. Trong đó, xuất khẩu là lĩnh vực thuộc chương trình tín dụng cho vay ngắn hạn bằng tiền đồng đối với 5 nhóm ngành, lĩnh vực, bao gồm: doanh nghiệp nhỏ và vừa; xuất khẩu; lĩnh vực nông nghiệp & nông thôn; công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Với lãi suất cho vay hiện nay không quá 4%/năm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng và tăng trưởng hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy hoạt động này tăng trưởng. Riêng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, tổng dư nợ tín dụng cho vay bằng VND đối với doanh nghiệp xuất khẩu đạt 105.305 tỷ đồng, chiếm 6,21% tổng dư nợ cho vay 5 nhóm ngành lĩnh vực trên địa bàn.
Thứ ba, chính sách tiền tệ, tín dụng của Ngân hàng Nhà nước đảm bảo đáp ứng tốt nhất nhu cầu ngoại tệ hợp pháp cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu để phục vụ sản xuất kinh doanh và xuất khẩu sản phẩm.
Theo đó, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này có nhiều lựa chọn cho nhu cầu vốn; nhu cầu ngoại tệ để thanh toán (mua ngoại tệ hoặc vay ngoại tệ) nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh, nhu cầu thanh toán. Đến nay, trên địa bàn Thành phố, tổng dư nợ tín dụng ngoại tệ quy đổi VND đạt 130,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 3,4% trong tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn.
Bên cạnh đó, các TCTD đáp ứng tốt nhất nhu cầu về dịch vụ cho doanh nghiệp trong hoạt động thanh toán, chuyển tiền và các dịch vụ khác có liên quan rất tiện ích, tiện lợi, an toàn và hiệu quả.
Quan hệ giữa doanh nghiệp xuất khẩu với các TCTD là quan hệ truyền thống, sản phẩm đa dạng và chuyên nghiệp mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp để mở rộng và tăng trưởng cũng như thuận lợi trong quá trình phát triển thị trường quốc tế.