Chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ giúp người dân và doanh nghiệp vượt qua đại dịch

Ngô Hải| 28/12/2021 14:20
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Thông tại buổi họp báo Triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2022 cho biết, đến ngày 20/12/2021, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ với giá trị nợ lũy kế từ khi có dịch khoảng 607.000 tỷ đồng, hiện có khoảng 775.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch được cơ cấu lại nợ, với dư nợ trên 296.000 tỷ đồng.

Ngày 28/12/2021, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức họp báo Triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2022. Buổi họp do Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú chủ trì, cùng với sự tham dự của các Vụ, Cục thuộc NHNN; ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và đại diện một số tổ chức tín dụng (TCTD)…

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú chủ trì họp báo

Ngân hàng đã đồng hành và chia sẻ khó khăn với người dân và doanh nghiệp

Thông tin tại buổi họp báo cho biết, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng trong năm qua, với sự chủ động, linh hoạt, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngành Ngân hàng đã thực hiện tốt các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) và hoạt động ngân hàng nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; đồng thời, chủ động bám sát tình hình, tập trung mọi nguồn lực tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, góp phần thúc đẩy phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Do đó, dù chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch COVID-19 nhưng tín dụng toàn nền kinh tế tăng ngay từ đầu năm và cao hơn so cùng kỳ năm 2020. Tính đến ngày 22/12/2021, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 12,68% so với cuối năm 2020, tăng khoảng 14,57% so với cùng kỳ năm 2020. Bên cạnh đó, dư nợ tín dụng đối với 23 chương trình tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) đến ngày 30/11/2021 đạt 245.199 tỷ đồng, tăng 8,4% so với năm 2020, với hơn 6,4 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ.

Để góp phần tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, ngành Ngân hàng đã đẩy mạnh việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ. Theo đó, NHNN đã 2 lần sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19 cho phù hợp với tình hình thực tế. Kết quả đến ngày 20/12/2021, các TCTD đã: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ với giá trị nợ lũy kế từ khi có dịch khoảng 607.000 tỷ đồng, hiện có khoảng 775.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch được cơ cấu lại nợ, với dư nợ trên 296.000 tỷ đồng; (ii) miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 1,96 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ hơn 3,87 triệu tỷ đồng; tổng số tiền lãi lũy kế đến nay TCTD đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 34.900 tỷ đồng; (iii) cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ ngày 23/01/2020 đến nay đạt trên 7,4 triệu tỷ đồng cho khoảng trên 1,3 triệu khách hàng.

Cùng với đó, ngành Ngân hàng cũng tiếp tục thực hiện các giải pháp về miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục khó khăn do dịch COVID-19. Ước tính số lượng giao dịch được miễn phí chiếm khoảng 80%. Dự kiến tổng số tiền phí dịch vụ thanh toán qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (TTĐTLNH) và qua hệ thống chuyển mạch bù trừ (hệ thống Napas) đã giảm cho khách hàng từ năm 2020 đến hết năm 2021 khoảng 2.557 tỷ đồng và giảm trên 250 tỷ đồng tiền khai thác dịch vụ thông tin tín dụng trong năm 2021.

Thời gian qua, NHNN đã tổ chức các Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp tại các địa phương trên cả nước, nhất là tại những thời điểm không thực hiện giãn cách xã hội, nhằm nhận diện khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, từ đó có giải pháp tháo gỡ phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quan hệ tín dụng với ngân hàng.

Về kết quả thanh toán không dùng tiền mặt trong 10 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020, NHNN cho biết, giao dịch qua POS tăng tương ứng 14,25% và 12,6% về số lượng và giá trị giao dịch; qua kênh Internet tăng tương ứng 49,39% và 29,14%; qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 72,67% và 85,09%; thanh toán qua kênh QR code tăng tương ứng 54,24% và 120,64% với hơn 90.000 điểm chấp nhận thanh toán qua QR code...

Trong năm qua, công tác an sinh xã hội cũng được ngành Ngân hàng đặc biệt chú trọng. NHNN cho biết, tính từ đầu năm đến nay, ngành ngân hàng đã dành hơn 5.000 tỷ đồng hỗ trợ triển khai các hoạt động an sinh xã hội trên toàn quốc. Riêng công tác phòng, chống COVID-19, ngành Ngân hàng đã ủng hộ hơn 3.500 tỷ đồng với nhiều chương trình ý nghĩa hưởng ứng lời kêu gọi của lãnh đạo Đảng, Nhà nước như: ủng hộ Quỹ vắc-xin phòng chống COVID-19 của Chính phủ hơn 700 tỷ đồng, ủng hộ 250 tỷ đồng cho chương trình “Sóng và máy tính cho em”…

Gánh nặng nợ xấu đang hiện hữu

Công tác cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu tiếp tục dược triển khai quyết liệt, hiệu quả trong năm qua. Các mục tiêu tại Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 về cơ bản đã đạt được.

Trước tình hình phức tạp của dịch COVID-19, NHNN đã chỉ đạo các TCTD đánh giá thực trạng nợ xấu để xây dựng kế hoạch xử lý nợ xấu bảo đảm phù hợp với diễn biến dịch bệnh; đồng thời tiếp tục tích cực nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng, hạn chế phát sinh nợ xấu mới.

Tuy vậy, trước những tác động tiêu cực từ đại dịch, áp lực nợ xấu đang tăng cao. Chia sẻ tại buổi họp báo, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 1,9%; nợ xấu nội bảng và nợ đã bán cho VAMC chưa xử lý là 3,79%; nợ xấu nội bảng cùng với nợ đã bán cho VAMC và nợ tiềm ẩn đã cơ cấu theo Thông tư 01, 03 ,14 là 8,2%. “Nợ xấu tăng là điều không mong muốn nhưng đây là điều bất khả kháng do bối cảnh đại dịch COVID-19”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói.

Toàn cảnh buổi họp báo

Năm 2022: Điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát

Trên cơ sở mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2022, tiếp tục bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, NHNN tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ CSTT, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, thích ứng kịp thời với diễn biến thị trường trong và ngoài nước, cụ thể:

Thứ nhất, điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu CSTT; khuyến khích các TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện giảm chi phí vốn cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế.

Thứ hai, điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt phù hợp với tình hình thị trường trong và ngoài nước, các cân đối vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu CSTT; góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Thứ ba, điều hành các giải pháp tín dụng nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế. Chỉ đạo các TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, kiểm soát và xử lý nợ xấu; hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hỗ trợ người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng và các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, thiên tai, dịch bệnh.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 là 14%. Đây là con số đặt ra để định hướng điều hành còn việc triển khai, hướng dòng vốn vào lĩnh vực ưu tiên hay các lĩnh vực khó khăn của nền kinh tế sẽ được điều hành cụ thể qua việc tăng trưởng hạn mức cho các NHTM hoặc qua các công cụ điều tiết gián tiếp.

Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục quan tâm, quán xuyến nhiều hơn các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là các gói tín dụng chính sách. Không tăng vốn thậm chí giám sát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro như chứng khoán, bất động sản.

Thứ tư, triển khai Đề án cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 sau khi được phê duyệt;

Thứ năm, thúc đẩy chuyển đổi số, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong hoạt động ngân hàng và đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán. Tập trung triển khai Đề án phát triển TTKDTM giai đoạn 2021-2025; Chiến lược phát triển hệ thống thanh toán Việt Nam đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 và Nghị định mới về thanh toán không dùng tiền mặt và Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng; Triển khai thực hiện Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Phối hợp các bộ, ngành triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money)...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ giúp người dân và doanh nghiệp vượt qua đại dịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO