Chuyên gia lý giải vì sao Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa tăng lãi suất?

Thanh Thanh| 16/07/2022 15:10
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Trong khi trên thế giới đang diễn ra cuộc đua tăng lãi suất, có đến 80 lượt tăng lãi suất toàn cầu trong 6 tháng đầu năm 2022 thì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vẫn nằm ngoài cuộc đua. Các chuyên gia lý giải điều này như thế nào?

 

Cuộc đua tăng lãi suất và hệ lụy

Tại Hội thảo: "Lạm phát, lãi suất và chứng khoán" do Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA) và Công ty CP Chứng khoán Nhất Việt (VFS) tổ chức hôm 15/7, TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV),  thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia cho biết, trên thế giới đang diễn ra cuộc đua tăng lãi suất, trong đó tất cả lãi suất của các quốc gia đều đi lên, trừ lãi suất của Trung Quốc là đi ngang hoặc đi xuống vì họ muốn phục hồi, kích cầu. Thậm chí trong quý II vừa rồi Trung Quốc cũng mới giảm thêm lãi suất cơ bản. 

Cũng theo TS. Cấn Văn Lực, có 80 lượt tăng lãi suất toàn cầu trong 6 tháng đầu năm 2022. “Theo thống kê, lượt tăng lãi suất của năm nay là nhiều nhất. Các nước phát triển bao gồm Mỹ và châu Âu có tăng, mức độ tăng của họ khá lớn, nhưng số lần tăng không nhiều. Các nước đang phát triển có số lần tăng lãi suất rất nhiều (60 lần) nhưng chỉ tăng nhỏ giọt 0,2%/lần…”- Chuyên gia này cho hay.

Đồng thời, TS. Cấn Văn Lực cho biết, hiện nay, lãi suất điều hành của các ngân hàng trung ương các nước đã tăng lên trong tháng 6-7 vừa qua. Lộ trình tăng lãi suất của Mỹ cũng sẽ tăng gấp đôi so với hiện nay.

“Tôi lo rằng bây giờ tăng lãi suất sẽ khiến kinh tế suy thoái. Nếu tăng nhanh quá mà chưa chắc cứu được lạm phát, vì lạm phát là do đứt gãy chuỗi cung ứng. Tốc độ tăng lãi suất chưa chắc là đã thuốc đặc trị mà còn gây phản ứng phụ…”-  Vị chuyên gia này cảnh báo.

Cũng theo TS. Cấn Văn Lực, mỗi một lần tăng lãi suất có 4 rủi ro: rủi ro tỷ giá, rủi ro vỡ nợ, rút vốn khỏi thị trường mới nổi về Mỹ và châu Âu vì có vẻ an toàn hơn (rất may Việt Nam chưa bị dịch chuyển như thế mà thậm chí còn được mua ròng – nhà đầu tư nước ngoài), rủi ro địa chính trị có thể phá đi quy luật phía trên ở góc độ nào đó.

Tăng lãi suất là không cần thiết

Lý giải về việc NHNN vẫn chưa tăng lãi suất, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, có 2 nguyên nhân. Đó là, lạm phát của nước ta ở thời điểm hiện tại không xuất phát từ vấn đề tiền tệ bởi cung tiền ở mức vừa phải. Do đó, nếu như hiện tại NHNN tăng lãi suất điều hành chưa chắc phát huy tác dụng tốt với nền kinh tế. Cùng với đó, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đang triển khai đã có yêu cầu giữ ổn định lãi suất. “Nên nếu như chúng ta tăng lãi suất sẽ đi ngược lại với chương trình này…”- Chuyên gia này lý giải.

“Trước tiên, phải khẳng định quan sát nền kinh tế ở thời điểm hiện tại, tôi cho rằng trong bối cảnh hiện nay, chính sách tiền tệ không giải quyết được vấn đề lạm phát một cách hoàn hảo. Muốn xử lý tốt vấn đề lạm phát, Việt Nam cũng như nhiều nước cần kết hợp các chính sách, can thiệp trực tiếp vào lãi suất cơ bản. Nhưng nếu chỉ nói do chính sách tiền tệ ít quan hệ đến lạm phát thì không phải…”-  TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh lý giải.

Chuyên gia này cũng khẳng định, vấn đề tăng hay hạ lãi suất của NHNN có mấy điểm cần lưu ý.

Thứ nhất, nền kinh tế Việt Nam có nhiều điểm khác với kinh tế thế giới nên có tính chuyên biệt, đặc biệt là trong 3 năm trở lại đây. Ví dụ, trong 6 tháng đầu năm 2021 Việt Nam nổi lên như một ngôi sao bởi chúng ta duy trì được mức độ tăng trưởng dương. Thế nhưng, trong 6 tháng cuối năm 2021 thì ngược lại, khi nền kinh tế thế giới phục hồi tốt thì chúng ta lại lạc nhịp. Hay ví dụ như 6 tháng đầu năm nay tăng trưởng thếlạm giới xấu nhưng Việt Nam lại phục hồi rất tốt. Chính những điểm khác biệt này khiến chúng ta không thể điều hành lãi suất như thế giới được.

Thứ hai, trong chiến lược phát triển và phục hồi kinh tế, chúng ta đặt trọng tâm vào vấn đề lãi suất và tiền tệ, nên các điều hành liên quan đến vấn đề này vô cùng quan trọng, đòi hỏi chúng ta buộc phải thận trọng.

Thứ ba, mức độ giá của đồng Việt Nam hiện nay không quá lớn nên cần giữ ổn định tỷ giá của đồng Việt Nam.

Ngoài ra, hiện nay cán cân thanh toán quốc tế tương đối ổn định, thặng dư không quá nhiều nên việc tăng lãi suất cũng chưa phải là vấn đề cần thiết.

Đồng tình với ý kiến này, TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cùng cho rằng, đây là vấn đề mà Việt Nam cần phải quan sát kỹ vì chúng ta phụ thuộc vào nhập khẩu, nên nếu như tăng lãi suất, càng phá giá đồng tiền thì nền kinh tế càng ảnh hưởng đến nhập khẩu.

TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia quả quyết: “Hiện nay, lạm phát của Việt Nam là lạm phát do chi phí đẩy, nên vai trò của Ngân hàng trong câu chuyện này là nhỏ. Lạm phát này khiến chính sách lãi suất trở nên bất lực nên việc NHNN tăng lãi suất như các Ngân hàng Trung ương trên thế giới là điều không cần thiết. Cùng với đó, nếu lãi suất tăng ở thời điểm hiện tại thì thị trường chứng khoán nguy hiểm…”

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chuyên gia lý giải vì sao Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa tăng lãi suất?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO