Chuyên gia: Ngân hàng Nhà nước đã thể hiện sự linh hoạt trong điều hành tỷ giá

Lan Nguyễn| 19/10/2022 14:25
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Với quyết định điều chỉnh chính sách tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thời gian qua, giới chuyên môn đánh giá, NHNN đã cho thấy sự linh hoạt trong điều hành. Các quyết định điều chỉnh là kịp thời và phù hợp với tình hình quốc tế và nền tảng vĩ mô vững chắc của Việt Nam.

Điều chỉnh tỷ giá là phù hợp và đáp ứng được các yêu cầu  thực tiễn của thị trường

TS. Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia

Việc NHNN điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá từ +/-3% lên +/-5% từ đầu tuần này, xuất phát từ việc đồng USD tăng giá quá mạnh so với hầu hết các đồng tiền trên thế giới. Trong khoảng 10 tháng qua, Chỉ số dolar Index tăng 20%. Trong khi đó, nhiều đồng tiền khác trên thế giới mất giá mạnh như: đồng Yên Nhật mất giá 30%, đồng Won của Hàn Quốc mất giá 22%; các nước trong khu vực ASEAn mất giá từ 12-18%... còn đồng VND mới mất giá  khoảng 7% - đồng tiền mất giá ít nhất so với các đồng tiền trên thế giới.

Để giữ ổn định cho tỷ giá, trong hơn 1 năm trở lại đây, NHNN sử dụng nhiều giải pháp giúp tiền đồng mất giá ít nhất mà vẫn đảm bảo các cân đối như: cán cân thương mại, xuất khẩu, nhập khẩu, cán cân vãng lai, cán cân vốn (kể cả đầu tư trực tiếp lẫn gián tiếp).

Việc điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá khó có thể cân đong đo đếm thế nào là hợp lý. Tuy nhiên, nhìn lại lịch sử trong gần 15 năm qua, việc NHNN đang sử dụng công cụ cũ, cách tiếp cận truyền thống, có thể giúp tạo ra niềm tin cho thị trường.

Trong 20 năm qua, NHNN đã điều hành thị trường ngoại hối khá nhuần nhuyễn, đặc biệt trong các giai đoạn hết sức khó khăn như: khủng hoảng tài chính tiền tệ năm 1997; cuộc khủng hoảng 2008-2009; và đến bây giờ khi mà thế giới đang chìm vào tình lạm phát rất cao và các NHTW đều thực hiện tăng lãi suất đồng nội...

Tôi được biết NHNN vẫn can thiệp thông qua mua, bán bằng nhiều công cụ như: mua bán giao ngay, mua bán kỳ hạn… nhờ đó chúng ta vẫn có thể đáp ứng được nhu cầu chi trả thanh toán của nền kinh tế. Mặt khác, điều của NHNN cũng giúp đảm bảo các cân đối lớn cho nền kinh tế, việc thặng dư cán cân thương mại hay thặng dư cán cân vãng lai là minh chứng hiệu quả nhất trong chính sách quản lý thị trường ngoại hối của NHNN thời gian qua.

Đến giờ phút này tôi cho rằng, việc điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tỷ giá đang được NHNN thực thi là phù hợp và đáp ứng được các yêu cầu  thực tiễn của thị trường.

Tăng biên độ tỷ giá là cần thiết

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh

Trong bối cảnh lạm phát thế giới cao, dai dẳng, đồng thời, Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cũng như nhiều quốc gia khác tăng lãi suất… áp lực lên tỷ giá VND rất lớn. Do đó việc NHNN điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá từ +/-3% lên +/-5% từ đầu tuần này là cần thiết, giúp tạo ra điểm cân bằng mới, giảm áp lực liên quan đến cung cầu ngoại hối trên thị trường, đặc biệt tạo dư địa để điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt hơn. Theo tôi, mức độ điều chỉnh này hợp lý trong bối cảnh hiện nay.

Thực tế cho thấy, nới biên độ điều chỉnh tỷ giá chỉ là một trong nhiều giải pháp, công cụ mà NHNN thực hiện trong thời gian qua, nhằm giúp tỷ giá ổn định một cách tương đối trong so sánh với biến động tỷ giá của nhiều quốc gia khác cũng như trong bối cảnh Fed và nhiều quốc gia tiếp tục thắt chặt tiền tệ, nâng lãi suất.

Trước đó, để ổn định tỷ giá, NHNN đã dùng các biện pháp như: sử dụng Quỹ dự trữ ngoại hối, tăng lãi suất, chuyển phương thức giao dịch ngoại tệ từ bán kỳ hạn 3 tháng sang phương thức bán giao ngay… Chính vì vậy, việc nới biên độ này nằm trong tổng thể nhiều công cụ khác, ở chừng mực nhất định, giúp cân bằng được tất cả các chiều để tác động không quá tiêu cực tới nền kinh tế.

Sẽ có tác động ít nhiều đến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu

TS Lê Xuân Nghĩa

Quyết định điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá vừa được NHNN thực hiện phù hợp với xu thế tăng mạnh của đồng USD trên toàn cầu.

Lần điều chỉnh này có tác động ít nhiều đến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Do đó, trong thời gian tới các doanh nghiệp cần có giải pháp để hạn chế và giảm thiểu tác động từ biến động tỷ giá trên thị trường.

Khi tỷ giá hối đoái tăng sẽ có lợi cho nhà xuất khẩu, bởi khi đó việc xuất khẩu hàng sang các nước khác sẽ rẻ hơn. Ngược lại, các nhà nhập khẩu sẽ bất lợi vì nhập khẩu hàng hoá từ bên ngoài đắt hơn. Đây là điều thường xuyên xảy ra trên thương trường.

Theo tôi, yếu tố tỷ giá hối đoái tác động đến cung cầu xuất nhập khẩu của Việt Nam không lớn lắm. Vì chúng ta thấy có sự trung hoà giá trị gia tăng thấp của hàng hoá xuất khẩu Việt Nam.

Trong bối cảnh hiện nay, tôi có lời khuyên cho các doanh nghiệp nhập khẩu muốn hạn chế rủi ro tỷ giá trong những tháng tới đây nên tham gia thị trường mua ngoại tệ kỳ hạn hoặc quyền chọn hoặc tham gia vào thị trường phái sinh nào đó để bảo vệ đồng tiền.

NHNN thể hiện sự linh hoạt trong điều hành

Ông Francois Painchaud, Đại diện thường trú của IMF tại Việt Nam

Động thái điều chỉnh tỷ giá của NHNN thể hiện sự linh hoạt trong điều hành. Đây là hành động kịp thời và phù hợp với tình hình quốc tế và nền tảng vĩ mô vững chắc của Việt Nam.

Như đã lưu ý trong Triển vọng Kinh tế Thế giới gần đây của chúng tôi, thế giới đang đối mặt với tăng trưởng kinh tế chậm hơn, lạm phát cao hơn và điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt hơn. Đặc biệt, ở Mỹ, lãi suất đã tăng lên đáng kể để đối phó với lạm phát cao hơn. Lãi suất cao hơn ở Mỹ và những lo ngại về kinh tế toàn cầu đã khiến đồng đô la Mỹ mạnh lên. Nhiều đồng tiền đã giảm giá so với đô la Mỹ, bao gồm một số đồng tiền trong khu vực nhưng Đồng Việt Nam mất giá không nhiều so với các nước khác.

Với nền tảng kinh tế phát triển vững chắc của Việt Nam và lạm phát tương đối thấp, việc điều hành tỷ giá hối đoái linh hoạt là cần thiết.

Trong bối cảnh thị trường tài chính thế giới có những diễn biến phức tạp và khó đoán định, các quốc gia phải đảm bảo lượng dự trữ ngoại hối để đối phó với lượng dòng tiền chảy ra và tình hình phức tạp có thể diễn ra trong tương lai.

Các biện pháp can thiệp ngoại hối có thể giúp đối phó với tình hình phức tạp của thị trường hiện nay. Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ việc sử dụng các biện pháp điều hành kinh tế vĩ mô thận trọng. Chính sách tiền tệ trong nước có thể sẽ được thắt chặt hơn nữa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyên gia: Ngân hàng Nhà nước đã thể hiện sự linh hoạt trong điều hành tỷ giá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO