(thitruongtaichinhtiente.vn) - Trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu biến động bất thường, đồng USD đang tăng giá mạnh so với nhiều đồng tiền khác, giới chuyên gia khuyến nghị các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần lưu tâm đến các công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá của các ngân hàng.
Chưa quan tâm phòng ngừa rủi ro
Theo bà Phùng Thị Kim Thu - Chuyên gia phân tích của Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), từ đầu tháng 8/2022 đến nay, đồng yên Nhật và đồng euro mất giá mạnh so với đồng USD. Mặc dù hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu đều nhận thanh toán bằng đồng USD, nên khi đồng USD tăng giá, doanh nghiệp sẽ được lợi hơn. Tuy nhiên, việc đồng yên Nhật và đồng euro mất giá mạnh lại khiến các nhà nhập khẩu tại các thị trường này lo ngại, đàm phán lại về giá nhập khẩu, thời gian và số lượng nhập hàng. Bên cạnh đó, các đồng tiền của Nhật Bản, châu Âu yếu đi, người tiêu dùng sẽ cân nhắc chi tiêu, dẫn đến sức cầu giảm.
Thống kê của Vasep cho thấy, hiện kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Nhật Bản chiếm khoảng 14% tổng kim ngạch xuất khẩu ngành này, đạt khoảng 800 triệu USD trong nửa đầu năm. Trong khi đó, thị trường EU cũng chiếm khoảng 12%, đạt mức 688 triệu USD.
“Vì thế, việc các đồng tiền này mất giá quá mạnh so với đồng USD đã gián tiếp khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam thiệt hại về doanh thu và lợi nhuận, dù vẫn được lợi từ việc tỷ giá USD/VND khá ổn định”, bà Thu nhận xét.
Ngân hàng có nhiều ưu đãi trong tài trợ thương mại và mua bán ngoại tệ. |
Theo các chuyên gia tài chính, việc đồng USD tăng giá gây sức ép khá lớn đối với các doanh nghiệp bị phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Theo đó, nhóm doanh nghiệp nhập nhiều hàng từ Hoa Kỳ như: ngành bông (nhập 0,7 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm), ngành chất dẻo (0,34 tỷ USD), hóa chất (0,28 tỷ USD), thức ăn chăn nuôi (0,25 tỷ USD), dược phẩm (0,22 tỷ USD)… sẽ bị tăng chi phí đáng kể do tỷ giá USD/VND nhích lên theo diễn biến thị trường.
Nguy cơ rủi ro tỷ giá lớn nhất là đối với nhóm các doanh nghiệp có tỷ lệ vay nợ ngoại tệ cao. Trong đó, nhóm các doanh nghiệp ngành thép, xăng dầu và vận tải hàng không là những nhóm ngành chịu lỗ do chênh lệch tỷ giá khá lớn.
Thống kê riêng lẻ của các doanh nghiệp như: Hòa Phát, Vietnam Airlines, PVC, PGV, Petrolimex… đều cho thấy tỷ lệ lỗ do chênh lệch tỷ giá (tính đến cuối quý II/2022) tăng từ 5-6 lần đến hàng chục lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Điều này chứng tỏ mức độ quan tâm đến các biện pháp phòng ngừa biến động tỷ giá của nhiều doanh nghiệp chưa thực sự thỏa đáng, nhất là các doanh nghiệp có vốn Nhà nước.
Ngân hàng tích cực hỗ trợ
Theo các chuyên gia, đồng USD đang tăng giá rất mạnh trên thị trường tài chính toàn cầu do nhận được sự hỗ trợ từ động thái tăng lãi suất nhanh và mạnh của Fed. Tuy nhiên, nhìn chung thị trường ngoại hối, tỷ giá trong nước vẫn được duy trì ổn định, mọi nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của cá nhân, doanh nghiệp đều được đáp ứng thông suốt. Nhiều tổ chức quốc tế cũng đánh giá VND là một trong số ít các đồng tiền ổn định nhất trong khu vực trong thời gian qua.
Có được điều này một phần cũng nhờ nguồn cung ngoại tệ trong nước hiện vẫn khá dồi dào do cán cân thương mại tiếp tục thặng dư (8 tháng ước thặng dư 3,96 tỷ USD); giải ngân vốn FDI tăng mạnh (8 tháng đạt 12,8 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước); dòng kiều hối cũng phục hồi sau khi đại dịch Covid-19 tại nhiều nước được kiểm soát...
Đặc biệt, nhờ sự điều hành chủ động, linh hoạt của NHNN với cơ chế tỷ giá trung tâm được ấn định hàng ngày, có tăng, có giảm theo sát diễn biến thị trường trong nước và thế giới, qua đó đã giảm thiểu được nguy cơ găm giữ ngoại tệ của ngoài dân, doanh nghiệp. Đặc biệt với nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào, NHNN có đủ nguồn lực để can thiệp nhằm ổn định thị trường.
Tuy nhiên không thể phủ nhận sức ép lên tỷ giá là rất lớn khi mà đồng USD trên thị trường thế giới đang tăng giá mạnh. Trên thực tế mặc dù từ đầu năm đến nay, tỷ giá trung tâm mới chỉ tăng có 100 đồng, tức tăng có 0,43%; nhưng giá bán ra đồng bạc xanh tại các ngân hàng tăng mạnh hơn nhiều.
Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ tiếp tục tăng lãi suất đồng USD trong tháng 9/2022 nên sức ép lên tỷ giá vẫn còn khá lớn. Tuy nhiên, hiện Việt Nam vẫn duy trì được kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát thấp và thặng dư thương mại. Vì thế “với sức mạnh nội tại cùng các biện pháp điều hành linh hoạt của NHNN, đồng VND sẽ không mất giá quá 3%”, BVSC nhận định.
Trong bối cảnh hiện nay, ông Nguyễn Tiến Chương - Chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu tỉnh Đồng Nai, cho rằng để phòng vệ các rủi ro biến động tỷ giá, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu vẫn cần quan tâm nhiều hơn đến các công cụ tài chính phái sinh và sử dụng các công cụ này để giảm thiểu thiệt hại do biến động tỷ giá. Theo ông Chương, nhiều NHTM trong nước đang triển khai một số loại công cụ phái sinh về ngoại tệ, hoán đổi lãi suất, hợp đồng kỳ hạn…
“Hiệp hội cũng đã làm việc với một số ngân hàng để chủ động giới thiệu, hợp tác với các doanh nghiệp trong phòng ngừa biến động tỷ giá”, ông Chương cho biết.
Không chỉ cung cấp các công cụ để phòng ngừa rủi ro tỷ giá, hiện các ngân hàng còn triển khai nhiều sản phẩm, dịch vụ để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu như tài trợ thương mại và ưu đãi thanh toán quốc tế cũng như mua bán ngoại tệ.
Đơn cử, BIDV mới đây đã triển khai hệ thống tài trợ thương mại mới, đồng thời mở rộng chương trình Trade Booming với nhiều ưu đãi cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Trong đó, có các ưu đãi miễn giảm phí chuyển tiền quốc tế và ưu đãi tỷ giá với mức tối thiểu 30 điểm khi thực hiện giao dịch mua bán ngoại tệ.
Các ngân hàng khác như VietinBank, MB, ACB, HDBank hiện cũng đang hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Theo đó, VietinBank hỗ trợ miễn 100% phí tài trợ thương mại và thanh toán quốc tế cho doanh nghiệp khách hàng mới, ưu đãi đến 170 điểm tỷ giá mua - bán ngoại tệ tùy cặp đồng tiền. HDBank cũng triển khai chương trình “Giao dịch Online - Ưu đãi cực High”, hỗ trợ gói phí trị giá 17 triệu đồng khi doanh nghiệp giao dịch mua bán ngoại tệ…
Những diễn biến kể trên cho thấy, nếu doanh nghiệp chủ động hơn trong việc lựa chọn những ngân hàng có khả năng tài trợ thương mại tốt, sử dụng các công cụ tài chính phái sinh, đồng thời sàng lọc thị trường và đa dạng hóa đồng tiền thanh toán thì sẽ có nhiều cơ hội giảm thiểu rủi ro, thậm chí hưởng lợi từ chênh lệch giá các đồng tiền.