(thitruongtaichinhtiente.vn) - Citi tin rằng các định chế tài chính có cơ hội và trách nhiệm đóng vai trò dẫn dắt trong nỗ lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang một nền kinh tế toàn cầu cân bằng về năng lượng phát thải và thực hiện chuẩn mực cam kết theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Từ năm 2014 - 2019, Citi đã cung cấp và hỗ trợ tài chính với tổng giá trị 164 tỷ USD cho các giải pháp phát thải carbon thấp và năm ngoái cam kết sẽ hoàn thành thêm 250 tỷ USD cho các giao dịch hỗ trợ bảo vệ môi trường vào năm 2025. Citi cũng đạt mục tiêu mua 100% điện tái tạo cho các hoạt động thường ngày của mình.
“Hiện nay chúng tôi đang thực hiện bước đi táo bạo tiếp theo trên hành trình này. Chúng tôi cam kết hỗ trợ đạt mức phát thải khí nhà kính cân bằng (Net Zero) vào năm 2050. Tôi tự hào tuyên bố cam kết này trong ngày đầu tiên trên cương vị là người lãnh đạo của tập đoàn Citi ”, bà Jane Fraser, Tổng Giám đốc điều hành Citi toàn cầu cho biết.
Cũng theo bà Jane Fraser, Net Zero đồng nghĩa với tư duy lại công việc kinh doanh của Citi và giúp khách hàng của Citi tư duy lại về hoạt động kinh doanh của họ. Đối với các ngân hàng, điều mà một số người không nhận ra là Net Zero không chỉ bao hàm các hoạt động điều hành của Citi mà còn là các tác động xã hội từ hoạt động kinh doanh cốt lõi của Citi – thông qua việc cung cấp dịch vụ hỗ trợ tài chính.
Net Zero là sự cân bằng giữa lượng khí thải được tạo ra và lượng khí được loại bỏ khỏi bầu khí quyển. Citi sẽ công bố sáng kiến hỗ trợ Net Zero cho tới năm 2050 trong năm tới. Kế hoạch này sẽ bao gồm các mục tiêu giảm phát thải đối với các lĩnh vực có mức phát thải carbon cao cũng như cơ hội chuyển đổi sang phát thải carbon thấp, bao gồm cả các mục tiêu phát thải tạm thời vào năm 2030 cho khu vực Năng lượng và Điện.
Sau khoảng thời gian thực hiện ban đầu, ngân hàng sẽ xem xét phạm vi kế hoạch cân bằng phát thải của mình để đánh giá những lĩnh vực nào cần bổ sung và tìm ra cách tốt nhất nhằm kết hợp các ý tưởng đó trong hoạt động kinh doanh của mình. Mục tiêu là đạt được mức giảm phát thải đáng kể trong thực tế như một phần của quá trình chuyển đổi.
Đối với các hoạt động của riêng mình, Citi đang đặt mục tiêu cân bằng phát thải vào năm 2030. Là ngân hàng có mạng lưới toàn cầu rộng nhất thế giới, Citi thường có kết nối với nhiều khu vực kinh doanh sử dụng nhiều carbon để giúp thúc đẩy sự phát triển kinh tế toàn cầu, nên đây là một lợi thế để Citi có thể hỗ trợ mục tiêu này thông qua các giao dịch thường ngày của mình. Citi Việt Nam gần đây đã tạo điều kiện cho một số dự án phát thải carbon thấp và từ chối cung cấp tài chính cho một số dự án sử dụng carbon cao.
“Chúng tôi cam kết đồng hành với càng nhiều khách hàng càng tốt trong hành trình này và làm việc với họ liên tục để đạt được mục tiêu. Chúng tôi biết rằng đi trên con đường này và hoàn thành mục tiêu này sẽ đòi hỏi sự hỗ trợ từ tất cả các bên liên quan - khách hàng, đồng nghiệp, nhà đầu tư, đối tác phi chính phủ, cộng đồng và đặc biệt là các chính phủ và nhà hoạch định chính sách, vì chính sách phát triển bảo vệ môi trường và khí hậu bền vững là nền tảng để tạo ra một nền kinh tế cân bằng về lượng khí phát thải nơi tất cả chúng ta đều có thể phát triển một cách thịnh vượng”, bàJane Fraser chia sẻ.