(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngày 30/7/2019, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) phối hợp với Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) và WWF - Việt Nam tổ chức hội thảo “Cơ hội tài chính xanh cho sản xuất bền vững trong ngành dệt may Việt Nam”.
Hội thảo “Cơ hội tài chính xanh cho sản xuất bền vững trong ngành dệt may Việt Nam” |
Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch VITAS cho biết: Dệt may là một trong những ngành kinh tế quan trọng, đóng góp 15% tổng giá trị xuất khẩu và tăng trưởng hàng năm là 12%, với hơn 7.000 nhà máy và sử dụng gần 3 triệu lao động trên toàn quốc. Ngành dệt may đóng góp quan trọng đối với kinh tế và xã hội nước ta.
Bên cạnh những mặt tích cực, ngành dệt may tác động mạnh đến môi trường do sử dụng nhiều tài nguyên nước, xả các chất gây ô nhiễm, sử dụng nhiều năng lượng và đa dạng nhiên liệu như điện, than, dầu,... để gia nhiệt trong sản xuất. Ngoài ra, với thế mạnh là ngành mang lại doanh thu lớn, xuất khẩu nhiều, nhưng cho tới nay Việt Nam chưa thu hút được các công đoạn tạo ra giá trị gia tăng lớn mà chủ yếu dừng ở nhập khẩu nguyên vật liệu và gia công xuất khẩu. Việt Nam chứng kiến một sự dịch chuyển lớn của các DN dệt may từ Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông sang Việt Nam. Làn sóng dịch chuyển tự nhiên này vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với Việt Nam nói chung và cho ngành dệt may, ngành ngân hàng nói riêng. Nhưng nếu Việt Nam nhìn nhận việc dịch chuyển này là nguy cơ, cần ngăn chặn thì Việt Nam cũng để tuột mất những cơ hội thay đổi ngành theo hướng xanh, sạch hơn.
Nắm bắt cơ hội, giải quyết các thách thức để thúc đẩy phát triển bền vững là mục tiêu của cả Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (HHNH), WWF - Việt Nam và Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), cùng các bên liên quan như các nhãn hàng, các bộ ngành và các doanh nghiệp dệt may đang hợp tác để thúc đẩy chuyển đổi ngành công nghiệp Dệt may trở thành một ngành sản xuất thân thiện với môi trường, giúp cho các sản phẩm dệt may có được nhãn hiệu “sản xuất bền vững tại Việt Nam”.
Một trong những mục tiêu của nỗ lực nêu trên là cung cấp thêm các cơ hội tiếp cận tài chính cho các doanh nghiệp dệt may muốn chuyển sang sản xuất sạch hơn hoặc đầu tư mới sản xuất sạch và cũng chính là xây dựng danh mục dự án xanh tiềm năng là nỗ lực mang tính triển khai định hướng tín dụng xanh của ngành ngân hàng Việt Nam.
Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch VITAS phát biểu |
Tại buổi hội thảo, các chuyên gia, các nhà quản lý của WWF, các nhãn hàng, các nhà máy nhuộm, khu công nghiệp,... đã thảo luận về những kết quả đạt được, những hạn chế, khó khăn trong việc thực hiện các dự án án trong ngành dệt may Việt Nam và kinh nghiệm, bài học của Thổ Nhĩ Kỳ.
Tại buổi hội thảo, ông Nguyễn Tuấn Anh - phó phòng Tín dụng chính sách nhà nước, Vụ tín dụng và các ngành kinh tế, NHNN cho biết: Thời gian vừa qua, NHNN đã chủ động lồng ghép, xây dựng các giải pháp chính sách, chương trình góp phần tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thực hiện các dự án góp phần bảo vệ môi trường, hỗ trợ tăng trưởng xanh và phát triển bền vững như: Lồng ghép định hướng phát triển ngân hàng, tín dụng xanh vào Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 08/08/2018 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định 1604/QĐ-NHNN ngày 07/08/2018 về Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam, Thông tư 39/2016/TT-NHNN ngày 31/12/2016 về lồng ghép, yêu cầu bảo vệ môi trường vào quy định về hoạt động cho vay của TCTD; xây dựng Sổ tay hướng dẫn đánh giá rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng của TCTD đối với 10 ngành kinh tế có rủi ro MT&XH cao…
Các đại diện của ngân hàng: BIDV, Vietcombank, Sacombank cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm, sổ tay hướng dẫn, quy trình về cho vay các dự án xanh, môi trường và phát triển bền vững. Qua buổi hội thảo, các ngân hàng cũng đề xuất với HHNH, VITAS, WWF hỗ trợ các ngân hàng trong việc tăng cường tiếp cận các tổ chức tài chính quốc tế để các ngân hàng có nhiều cơ hội hơn trong việc tìm nguồn tài chính giá rẻ để phục vụ các doanh nghiệp dệt may sản xuất xanh và phát triển bền vững.
Chia sẻ kinh nghiệm của các ngân hàng |
Tại buổi hội thảo, ông Nguyễn Toàn Thắng - Tổng Thư ký HHNH cho rằng buổi hội thảo là cơ hội để ngân hàng và các doanh nghiệp dệt may chia sẻ thông tin, nắm bắt những thuận lợi và khó khăn của cả ngân hàng và doanh nghiệp để tiếp tục suy nghĩ, nghiên cứu và có những hỗ trợ kịp thời giải quyết các vấn đề nêu trên. Buổi hội thảo đem lại những điều bổ ích để gợi mở những kết nối, hợp tác trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Toàn Thắng - Tổng Thư ký HHNH phát biểu |