(thitruongtaichinhtiente.vn) - Trong bối cảnh làn sóng COVID-19 thứ tư vốn đang bùng phát dữ dội tại châu Âu, sự xuất hiện của siêu biến chủng Omicron càng làm gia tăng nguy cơ tái diễn tình trạng “đóng băng” du lịch quốc tế tại “lục địa già” trong mùa cao điểm cuối năm nay.
Nguy cơ ngành du lịch châu Âu lại “đóng băng” trong mùa đông năm nay Ảnh: REUTERS |
Ngành du lịch châu Âu đã có một mùa hè khởi sắc, sau một thời gian dài gián đoạn chuỗi liên kết lữ hành quốc tế bởi các biện pháp hạn chế phòng dịch. Nhờ chiến lược mở cửa sớm, cùng các giải pháp đảm bảo an toàn và gia tăng trải nghiệm hấp dẫn cho du khách, nhiều điểm đến tại châu Âu đã ghi nhận đà phục hồi ấn tượng. Theo báo cáo của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), trong quý III năm nay, nhất là tháng 8 và tháng 9, lượng khách quốc tế đến châu Âu đạt khoảng 63% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, đứng đầu bảng thống kê của ForwardKeys về mức độ phục hồi du lịch tại các thành phố du lịch châu Âu hè 2021 là thành phố nghỉ dưỡng biển Palma Mallorca (Tây Ban Nha) đạt 71,5% so với năm 2019 và Athens (Hy Lạp) với 70,2%. Chính thành công từ nỗ lực kiểm soát dịch bệnh và việc các nước Liên minh châu Âu (EU) ban hành Chứng chỉ kỹ thuật số về COVID-19 (EUDCC), giúp du khách di chuyển dễ dàng hơn giữa các quốc gia thành viên, đã tạo sức bật hồi sinh của ngành du lịch tại “lục địa già”.
Tuy nhiên, từ tháng 11, châu Âu lại trở thành tâm dịch của thế giới, khi làn sóng COVID-19 thứ tư diễn biến nghiêm trọng tại nhiều quốc gia. Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) đã xếp 10 nước thành viên EU cùng một số nước Đông Âu vào danh sách “rất đáng lo ngại”, và 13 nước khác bị đánh dấu “đáng lo ngại” về dịch bệnh. Không ít quốc gia đã buộc phải siết chặt các biện pháp phòng dịch. Đơn cử tại Đức, các cơ sở văn hóa, giải trí, quán bar, các câu lạc bộ và vũ trường phải đóng cửa. Trong khi Hà Lan thực hiện tái phong tỏa một phần, còn Hy Lạp áp đặt hạn chế đối với những công dân chưa tiêm chủng. Thậm chí, Áo đã áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc khoảng 10 ngày kể từ 22/11. Các động thái cứng rắn nhằm giảm thiểu lây lan dịch bệnh, khiến hoạt động du lịch của châu Âu đứng trước nguy cơ tái diễn tình trạng “ngủ đông” như thời điểm cuối năm ngoái.
Đặc biệt, sự xuất hiện của biến chủng Omicron khởi phát từ khu vực phía Nam châu Phi vào cuối tháng 11, với tốc độ siêu lây nhiễm càng khiến mối đe dọa lên sự phục hồi ngành du lịch châu Âu thêm trầm trọng. Một quốc gia trong khu vực đã bước đầu ghi nhận các ca nhiễm biến chủng này như Hà Lan, Đan Mạch, Đức, Italia, Séc… làm dấy lên mối quan ngại dịch bệnh tiếp tục “leo thang” mạnh mẽ hơn. Nhiều quốc gia châu Âu đã thực hiện tái áp đặt các hạn chế nhập cảnh để kiểm soát nguy cơ xâm nhập của biến chủng mới. Theo đó, Anh là quốc gia đầu tiên đưa ra lệnh cấm bay đối với Nam Phi và một số nước láng giềng từ ngày 26/11. Trong khi các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) cũng đã nhất trí về sự cần thiết phải kích hoạt “phanh gấp” với tất cả các chuyến bay vào EU từ phía Nam châu Phi. Nhiều nước EU như Áo, Séc, Đức, Italia, Thụy Sĩ, Hà Lan… cũng đã ban hành các hạn chế riêng với vùng khởi phát siêu biến chủng mới của virus SARS-CoV-2.
Dường như, “cú đấm bồi” của biến chủng Omicron càng khiến cho cơ hội phục hồi du lịch châu Âu trong mùa cao điểm du lịch, lễ hội cuối năm bị thu hẹp hơn. Các chuỗi liên kết du lịch quốc tế giữa các quốc gia châu Âu và nhiều nước trên thế giới vừa được tái thiết, lại đứng trước nguy cơ gián đoạn bởi các biện pháp hạn chế phòng dịch. Mặc dù việc giải cứu ngành du lịch luôn là mối quan tâm hàng đầu của lãnh đạo các nước châu Âu, bởi đây là ngành kinh tế mũi nhọn ở nhiều quốc gia, nhưng với diễn biến dịch bệnh bất lợi như hiện nay, giới chuyên gia lo ngại, gam màu xám sẽ lại bao phủ bức tranh du lịch mùa đông của châu Âu.