Nhìn ra thế giới

Cuộc chiến chống lạm phát của FED chưa gây suy thoái ở Mỹ nhưng có thể dẫn đến kinh tế toàn cầu xuống dốc

Anh Đức 13/06/2023 07:15

Những nỗ lực của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nhằm dập tắt lạm phát thông qua tăng lãi suất vẫn chưa gây ra suy thoái kinh tế ở Mỹ, nhưng báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố tuần trước cho thấy, các hành động của FED có thể gây ra những hậu quả kinh tế vượt ra ngoài biên giới nước này.

FED có khả năng tạm dừng tăng lãi suất tại cuộc họp vào tuần này, với hợp đồng tương lai của quỹ FED tính đến cuối tuần trước cho thấy 72% cơ hội các nhà hoạch định giữ ổn định chính sách.

FED đã tăng lãi suất 10 lần trong hơn một năm, mặc dù lạm phát vẫn cao hơn mục tiêu 2%. Vào tháng 5 vừa rồi, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang của FED đã tăng lãi suất chuẩn thêm 0,25 điểm phần trăm, đẩy lãi suất quỹ liên bang lên phạm vi mục tiêu là 5% -5,25%. Chu kỳ mới nhất đánh dấu tốc độ thắt chặt nhanh nhất kể từ đầu những năm 1980.

Theo Ngân hàng Thế giới trong báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu, việc chuyển hướng thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh ở Mỹ sẽ tác động đặc biệt đến thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển (EMDE), và có thể dẫn đến khủng hoảng tài chính và suy thoái trên toàn thế giới.

Sự thắt chặt quá mức của FED có thể lan sang các EMDE, điều này có thể dẫn đến lãi suất của các nước này cao hơn và đồng tiền mất giá, làm trầm trọng thêm lạm phát. Điều này có thể khiến các doanh nghiệp và chính phủ ở các quốc gia EMDE gặp khó khăn hơn rất nhiều trong đi vay và tiếp cận vốn.

Những phát hiện này được đưa ra trong bối cảnh WB dự báo rằng nền kinh tế toàn cầu đang ở trong một "trạng thái bấp bênh" khi lãi suất tăng làm giảm tốc độ chi tiêu của người tiêu dùng và đầu tư kinh doanh. Điều này cho thấy một hệ thống tài chính kém ổn định hơn đang phải đối mặt với tốc độ tăng trưởng toàn cầu ước tính chậm lại ở mức 2,1%, giảm so với mức 3,1% của năm ngoái.

Các tác giả viết: “Với việc lãi suất của Mỹ tăng chủ yếu do lạm phát và các cú sốc phản ứng, triển vọng đối với các EMDE là đáng lo ngại”.

Cú sốc phản ứng, được định nghĩa là sự thay đổi lãi suất sau khi thị trường thay đổi nhận thức về quan điểm của FED trong việc chống lạm phát, có thể gây ra những tác động đặc biệt tốn kém đối với các EMDE. Các cú sốc phản ứng và lạm phát có thể làm giảm giá cổ phiếu và làm mất giá tiền tệ. Đồng tiền mất giá có thể dẫn đến chi phí lớn hơn cho thực phẩm và hàng nhập khẩu khác.

Các EMDE dễ bị tổn thương về tài chính và mất cân đối kinh tế vĩ mô lớn - chẳng hạn như những nước có xếp hạng tín dụng yếu và thâm hụt tài khoản - có thể đặc biệt dễ bị tổn thương trước xung đột kinh tế và tài chính do việc tăng lãi suất của Mỹ.

Chính sách của FED có thể sẽ vẫn thắt chặt khi cơ quan này cố gắng giảm lạm phát và tác động lan tỏa này có thể xảy ra trong bối cảnh mức nợ cao chưa từng thấy ở nhiều EMDE. Theo báo cáo, gần 60% các quốc gia có thu nhập thấp đang ở trong tình trạng nợ nần hoặc có nguy cơ cao lâm vào cảnh túng quẫn vì nợ nần.

Bên cạnh các động thái của FED sự hỗn loạn trong hệ thống tài chính Mỹ do một số ngân hàng phá sản vào hồi tháng 3 vừa rồi cũng có thể đe dọa các EMDE. Do căng thẳng ngân hàng của Mỹ đã làm chậm lộ trình ngừng tăng lãi suất như dự kiến, các nền kinh tế đang phát triển có thể phải đối mặt với việc xuất khẩu giảm và thị trường tài chính bị gián đoạn trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng trầm lắng. Kể từ cuối năm 2021, nhiều EMDE  đã phải đối mặt với việc mất khả năng tiếp cận thị trường và khả năng vỡ nợ cao hơn.

Báo cáo cho thấy ngân hàng trung ương của các nước phát triển có thể truyền đạt thông điệp về "các ý định của họ một cách rõ ràng nhất có thể và hiệu chỉnh các chiến lược của họ để tránh những thay đổi đột ngột trong triển vọng chính sách." Ngoài ra, các cơ quan quản lý tiền tệ của EDME có thể phải thắt chặt các chính sách của chính họ để tránh lạm phát gia tăng mạnh hoặc mất giá tiền tệ, làm giảm các tổn thương kinh tế lớn.

Báo cáo của WB cũng nêu rõ, các nỗ lực chính sách nên tập trung vào việc đảm bảo các tổ chức tài chính quốc tế nhận được đủ nguồn vốn để hỗ trợ các EMDE đang gặp khó khăn. Điều này đòi hỏi khu vực ngân hàng phải có đủ vốn hơn, quản lý tiền tệ tốt hơn và thanh khoản mạnh hơn, đi cùng với việc tái cấu trúc nợ nước ngoài đối với một số EMDE.

(Nguồn: Business Insider)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cuộc chiến chống lạm phát của FED chưa gây suy thoái ở Mỹ nhưng có thể dẫn đến kinh tế toàn cầu xuống dốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO