Sự hỗ trợ tận tình từ Quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn tỉnh An Giang đã giúp nhiều thành viên cải thiện năng lực tài chính, phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho cộng đồng dân cư trên địa bàn.
Theo thống kê, tỉnh An Giang hiện có 24 Quỹ tín dụng nhân dân đang hoạt động ổn định tại các huyện/thị/thành phố trên địa bàn. Với mục đích nâng cao hiệu quả sử dụng đồng vốn cũng như tạo điều kiện để thành viên thuận lợi hơn trong việc tiếp cận các nguồn vốn tín dụng, hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn đã tích cực triển khai nhiều chương trình tín dụng vi mô, truyền thông nhằm định hướng cho thành viên sử dụng đồng vốn đúng mục đích có thói quen vay - trả đúng kỳ hạn.
Tín dụng “tam nông” của hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân đã được thành viên sử dụng đúng mục đích, phát huy được hiệu quả rõ nét, qua đó, vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Vốn vay hầu hết được thành viên trả nợ đúng hạn, nợ xấu ở mức thấp, đã góp phần đổi mới bộ mặt nông thôn trên địa bàn tỉnh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp địa phương theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hướng tới nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa. Điều này đạt được không chỉ nhờ vào công tác thẩm định khoản vay chặt chẽ mà còn từ sự gắn kết giữa Quỹ tín dụng nhân dân và các thành viên.
Quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn tỉnh đã không ngừng hướng dẫn, kiểm tra việc sử dụng vốn của thành viên để đảm bảo khoản vay được sử dụng đúng mục đích và trả nợ đúng hạn. Sự hỗ trợ tận tình từ Quỹ tín dụng nhân dân đã giúp nhiều thành viên cải thiện năng lực tài chính, phát triển sản xuất, kinh doanh, và tiếp tục mang nguồn vốn dư thừa quay trở lại gửi tiết kiệm, góp phần tạo thêm nguồn lực cho các thành viên khác.
Đáng chú ý, với vai trò là cầu nối tài chính giúp thành viên, người dân tại địa phương tiếp cận nguồn vốn, trong hành trình 30 năm hình thành và phát triển, hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn tỉnh An Giang đã không ngừng mở rộng quy mô tín dụng và cải thiện chất lượng dịch vụ trong những năm gần đây.
Tính đến cuối tháng 10/2024, tổng nguồn vốn của hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn tỉnh An Giang đạt 3.499 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 365 tỷ đồng, vốn huy động tiết kiệm đạt 2.876 tỷ đồng, tổng dư nợ tín dụng đạt 2.696 tỷ đồng.
Thực tế, với đóng góp quan trọng bằng nguồn vốn tín dụng của hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn, sản xuất nông nghiệp, thủy sản và kinh tế nông thôn An Giang đã có sự phát triển tích cực trên cơ sở chú trọng khai thác và phát huy các lợi thế sinh thái nông nghiệp.
Sự chuyển dịch trong sản xuất nông nghiệp thời gian qua theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa, những cánh đồng mẫu lớn, quy mô đàn gia súc, gia cầm, thủy sản đã có sự tăng trưởng đáng kể. Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, như: lúa - cá; lúa – cá -vườn cây ăn trái, hoa màu, cây cảnh, chăn nuôi thủy sản đặc sản… đã có xu hướng phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu. Đến nay, ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã cơ bản hình thành một số vùng sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, khối lượng nông sản phẩm ngày càng tăng về số lượng, chất lượng và giá trị, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu.
Song hành cùng cung ứng tín dụng, hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn tỉnh An Giang đã đạt được những bước tiến lớn trong việc triển khai các dịch vụ thanh toán, đặc biệt là ngân hàng số. Từ năm 2015, hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn đã triển khai dịch vụ chuyển tiền điện tử, một giải pháp giúp giảm thiểu rủi ro và tăng tính thuận tiện cho các giao dịch tài chính.
Tuy nhiên, bước tiến đáng kể nhất phải kể đến trong những năm gần đây là sự tham gia mạnh mẽ vào quá trình chuyển đổi số, nổi bật là việc ứng dụng Co-opBank Mobile Banking. Qua đó mang lại nhiều lợi ích cho thành viên và khách hàng, cũng như tiết kiệm thời gian, chi phí quản lý, giảm sai sót, bảo mật thông tin và đơn giản hóa thủ tục giao dịch.
Cùng với những nền tảng tích lũy trong hành trình 30 năm qua và sự chuyển mình trong việc số hóa dịch vụ ngân hàng, hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn tỉnh An Giang sẽ tiếp tục khẳng định vị thế của mình không chỉ mang lại lợi ích trực tiếp cho các thành viên, mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững tại địa phương.