Bất động sản

Đấu giá quyền sử dụng đất: Cần quy định để hạn chế việc người đấu giá thông đồng, thỏa thuận với nhau

Minh Nhật 29/11/2023 08:15

Thảo luận về hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất, một số đại biểu Quốc hội cho rằng cần có quy định để hạn chế việc người tham gia đấu giá thông đồng, thỏa thuận với nhau, dẫn đến tình trạng hồ sơ "ảo" khó kiểm soát, “dìm giá”.

Thảo luận trước Quốc hội, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương đã chỉ ra một số vấn đề trong dự thảo Luật Đấu giá tài sản như tại Điểm b, khoản 13, Điều 1 dự thảo Luật quy định trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư thì tiền đặt trước tối thiểu là 10% và tối đa là 20% giá khởi điểm.

db-nguyen-hoang-bao-tran.jpg
Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân cho rằng, quy định như vậy còn chưa thống nhất với quy định tại Điểm c, khoản 1 và Điểm a, khoản 2, Điều 17a Nghị định số 43 ngày 15/5/2014 của Chính phủ đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 3 Điều 1 Nghị định số 10 ngày 3/4/2023 của Chính phủ quy định về điều kiện tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất. Đó là tổ chức tham gia đấu giá quyền sử dụng đất phải nộp tiền mặt đặt trước bằng 20% tổng giá trị thửa đất khu đất tính theo giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất và điều kiện hộ gia đình, cá nhân tham gia đấu giá quyền sử dụng đất phải thuộc đối tượng Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo quy định tại Điều 55 và Điều 56 của Luật Đất đai và đáp ứng các điều kiện quy định tại điểm c và điểm d Khoản 1 Điều này.

Do đó, đại biểu đến từ đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương đề nghị sửa đổi, bổ sung Điểm b, khoản 13 Điều 1 dự thảo Luật theo hướng quy định về mức tiền đặt trước tối thiểu bằng 20% tổng giá trị thửa đất khu đất tính theo giá khởi điểm để thống nhất với quy định của Luật đất đai.

Mặt khác, tại Khoản 18, Điều 1 dự thảo Luật quy định việc đấu giá theo thủ tục rút gọn quy định tại khoản 1 điều này không áp dụng đối với tài sản là quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư quyền khai thác khoáng sản, quyền sử dụng tần số vô tuyến điện và tài sản khác theo quy định của luật có liên quan. Cho rằng dự thảo Luật không nói rõ về thời gian đấu giá theo thủ tục rút gọn là bao nhiêu ngày, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân đề nghị quy định cụ thể về thời gian thông báo công khai việc đấu giá theo thủ tục rút gọn trước ngày mở cuộc đấu giá để việc tổ chức đấu giá tài sản và người có tài sản đấu giá thỏa thuận thực hiện việc đấu giá theo thủ tục rút gọn được thuận lợi.

db-ho-thi-kim-ngan.jpg
Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn

Liên quan đến trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản, dự thảo Luật quy định người đáp ứng yêu cầu, điều kiện tham gia đấu giá theo thông báo của tổ chức hành nghề đấu giá tài sản quy định tại khoản 2a Điều 38 của Luật này nộp tiền đặt trước cho tổ chức hành nghề đấu giá tài sản chậm nhất trước khi mở cuộc đấu giá 1 ngày làm việc.

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn cho rằng theo quy định này, kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ tham gia đấu giá (15 ngày trước ngày đấu giá) cho đến hết thời hạn nộp tiền đặt trước (1 ngày trước ngày đấu giá) là một khoảng thời gian tương đối dài, hơn chục ngày. Trong khoảng thời gian dài như vậy có thể dẫn đến việc người tham gia đấu giá thông đồng, thỏa thuận với nhau. Khi nộp hồ sơ thì có thể rất đông người nộp hồ sơ, “tạo cơn sốt thị trường ảo”, tuy nhiên, khi nộp tiền đặt trước thì lại chỉ một hoặc vài người nộp tiền đặt trước để mua tài sản gây nên tình trạng hồ sơ "ảo" khó kiểm soát, “dìm giá” (trong đó có thể có những trường hợp mặc dù đủ điều kiện nhưng họ sẽ không nộp tiền đặt trước). Đặc biệt, việc quy định nộp tiền đặt trước chậm nhất đến trước ngày mở cuộc đấu giá 1 ngày làm việc là thời gian quá sát, gấp. Điều này sẽ gây khó khăn cho tổ chức đấu giá cũng như đơn vị có tài sản và các đơn vị liên quan trong việc chuẩn bị hồ sơ cho cuộc đấu giá đối với tài sản đông người đăng ký tham gia đấu giá.

Để tránh những hệ lụy đó, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân đề nghị nghiên cứu, không chia quá nhiều trường hợp như dự thảo mà quy định theo hướng: Tất cả các trường hợp đấu giá, không phụ thuộc loại tài sản, cứ nộp hồ sơ là nộp tiền đặt trước, trường hợp khi thẩm định, xét duyệt không đủ điều kiện thì sẽ được trả lại tiền đặt trước. Thời hạn nộp hồ sơ và tiền đặt trước quy định khoảng thời gian hợp lý, thống nhất với nhau. Đối với Thông báo thì thông báo cả người đủ và người không đủ điều kiện tham gia đấu giá, lý do không đủ điều kiện để những người đã nộp hồ sơ tham gia đấu giá đều nắm được, đảm bảo công khai, khách quan.

db-nguyen-thi-hong-han.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh

Cũng liên quan đến quy định về đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản, về đăng kí tham gia đấu giá sửa đổi, nội dung bổ sung tại Điều 38, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh đề nghị cân nhắc quy định của dự thảo Luật liên quan đến vấn đề này như ý kiến của cơ quan thẩm tra, cần cân nhắc tính khả thi. Quy định chuyển 1 bộ hồ sơ của người tham gia đấu giá cho người có tài sản đấu giá xét duyệt sẽ dễ làm lộ bí mật thông tin khách hàng, vi phạm hành vi bị nghiêm cấm.

db-pham-van-thinh.jpg
Đại biểu Phạm Văn Thịnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang

Nêu lên khoảng trống pháp lý hiện nay đối với các trường hợp quyền sử dụng đất, được giao đất, thu tiền thuê đất hằng năm qua đấu giá, nhưng sau 5 năm lại sang chu kỳ mới, tiền thuê đất tính lại, nên giá thuê đất hàng năm qua đấu giá chỉ có ý nghĩa trong chu kỳ 5 năm đầu thuê đất, đại biểu Phạm Văn Thịnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cho rằng, luật cần bổ sung quy định, khi việc đấu giá tài sản nhà nước theo phương thức trả giá xuất hiện tình huống đấu giá nhiều vòng, nếu mức giá của vòng sau cao hơn mức khởi điểm từ 2 lần thì người tham gia đấu giá tiếp theo phải nộp bổ sung tiền đặt trước để đảm bảo tỷ lệ đặt trước so với giá bắt đầu của vòng đấu giá tiếp theo.

Theo đại biểu Phạm Văn Thịnh, quy định này sẽ khiến tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá trách nhiệm hơn với quyết định chào giá của mình, tránh tình trạng trả giá quá cao rồi bỏ tiền đặt trước, gây nhiễu loạn thông tin, tác động đến thị trường.

db-nguyen-tao.jpg
Đại biểu Nguyễn Tạo - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Tạo - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng nêu rõ, vấn đề tồn tại hiện nay và vướng mắc lớn nhất là thay đổi kết quả đấu giá, xử lý vấn đề này tồn đọng lâu nay. Thực tiễn ở địa bàn, đã có tình trạng đấu giá quyền sử dụng đất mà 15 năm trôi qua không thực hiện được, không giao được quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đấu giá quyền sử dụng đất: Cần quy định để hạn chế việc người đấu giá thông đồng, thỏa thuận với nhau
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO