Ở Đông Nam Á, sự gia tăng sử dụng Internet và điện thoại thông minh, cùng với lĩnh vực thương mại điện tử đang bùng nổ trong khu vực, đang tạo ra mảnh đất màu mỡ cho các phương thức thanh toán số phát triển. Trong đó, phương thức "mua ngay, trả sau (BNPL)" đã phát triển đáng kể trong những năm qua và xu hướng này sẽ tiếp tục trong những năm tiếp theo.
BNPL dự kiến tăng trưởng gần gấp 9 lần
Ước tính của International Data Corporate (IDC) chỉ ra rằng, vào năm 2020, BNPL đã được sử dụng để mua hàng hóa với tổng trị giá 900 triệu USD trên các nền tảng thương mại điện tử. Tổ chức này kỳ vọng, con số này sẽ tăng gần gấp 9 lần, lên 8,83 tỷ USD tổng giá trị hàng hóa (GMV).
Các số liệu được chia sẻ trong báo cáo do nhà điều hành siêu ứng dụng Grab đưa ra cho thấy, giao dịch BNPL ở Đông Nam Á sẽ tăng hơn 7,9 tỷ USD vào năm 2025 và phương thức thanh toán này đã sẵn sàng để được áp dụng và tầm quan trọng ngày càng nâng lên.
Đi sâu hơn vào các xu hướng trong khu vực, nghiên cứu cho thấy, Indonesia sẽ đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng của BNPL ở Đông Nam Á, chiếm 58% tổng giao dịch BNPL cho các nền tảng thương mại điện tử vào năm 2025.
Trong khi Indonesia sẽ chiếm thị phần lớn thì Việt Nam, Philippines và Malaysia là những quốc gia được kỳ vọng sẽ chứng kiến mức tăng trưởng mạnh nhất trong việc sử dụng BNPL. Tại Việt Nam, giao dịch BNPL được dự báo sẽ tăng gấp 23 lần, đến năm 2025 ước đạt 960 triệu USD GMV. Tại Philippines, mức tăng trưởng đó sẽ gấp 10 lần (570 triệu USD GMV), trong khi ở Malaysia, chi tiêu BNPL sẽ tăng gấp 9 lần (610 triệu USD GMV).
Grab cũng đã quan sát thấy sự gia tăng của các thỏa thuận BNPL ở Đông Nam Á do sức hút đáng kể đối với sản phẩm BNPL của mình. Tại Malaysia, công ty này cho biết số lượng thương hiệu hợp tác áp dụng hình thức BNPL đã tăng gấp 4,5 lần so với năm trước (YoY), trong khi ở Singapore, con số này tăng gấp 4 lần.
Bên cạnh sức hút ngày càng tăng từ mảng cung cấp dịch vụ, Grab cũng thông báo việc sử dụng sản phẩm BNPL của mình là PayLater ngày càng tăng. Nhìn vào mức tăng trưởng theo quý (QoQ), Grab cho biết mức sử dụng BNPL của người dùng đã tăng gấp 7 lần ở Singapore, gấp 6 lần ở Malaysia và gấp 4 lần ở Thái Lan trong quý II/2022.
Đặc biệt, thời trang và làm đẹp là hai phân khúc đang chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể trong việc áp dụng PayLater. Từ quý III/2021 đến quý III/2023, mức độ sử dụng PayLater đã tăng hơn gấp đôi trong các danh mục ở Singapore. Tại Malaysia, mức sử dụng PayLater tăng lần lượt 2,6 lần và 1,5 lần đối với danh mục thời trang và làm đẹp.
Tăng trưởng nổi bật của ví di động
Việc sử dụng BNPL ở Đông Nam Á ngày càng tăng cùng với ví di động. Tại hầu hết các thị trường trọng điểm trong khu vực, những ứng dụng này đã trở thành một trong những hình thức thanh toán được sử dụng thường xuyên nhất trong khu vực, như là phương thức thanh toán hàng đầu khi ở Việt Nam, tỷ lệ thanh toán bằng ví điện tử là 42%, ở Malaysia là 41% và tại Thái Lan là 34% trong quý II/2023.
Đông Nam Á tự hào có hơn 154 triệu người dùng ví di động vào năm 2020. IDC kỳ vọng, số người dùng ví di động mới sẽ tăng gấp 1,6 lần, thêm hơn 250 triệu người dùng vào năm 2025 để đạt tổng số 404 triệu người dùng.
Indonesia dự kiến sẽ duy trì vị thế là thị trường ví di động lớn nhất khu vực với ước tính 207 triệu người dùng vào năm 2025, tiếp theo là Philippines vời 65,2 triệu người dùng.
Sự gia tăng sử dụng BNPL và ví di động ở Đông Nam Á xuất phát từ nền kinh tế số đang bùng nổ.
Đông Nam Á là nơi sinh sống của 370 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số. 75% khu vực sử dụng các hình thức trực tuyến và 88% được xác định là người dùng điện thoại thông minh. Các quốc gia bao gồm Singapore, Malaysia và Thái Lan hiện dẫn đầu về tỷ lệ thâm nhập điện thoại thông minh với tỷ lệ lần lượt là 88%, 83% và 75%.
Bất chấp những số liệu đáng khích lệ về việc ứng dụng kỹ thuật số, cứ 10 người trong khu vực thì có 6 người không sử dụng dịch vụ ngân hàng và chỉ 17% giao dịch là không dùng tiền mặt. Các thông số này đang cho thấy triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ cho các giải pháp thanh toán số và công nghệ tài chính nói chung.
Vào năm 2022, tổng giá trị giao dịch thanh toán số đã vượt quá 800 tỷ USD, tăng hơn 35% kể từ năm 2019. Các dự báo cho năm 2025 cho thấy, thanh toán kỹ thuật số sẽ tiếp tục tăng trưởng. Từ năm 2022 đến năm 2025, khu vực này dự kiến sẽ chứng kiến tổng giá trị giao dịch thanh toán số tăng 46%, đạt 1,2 tỷ USD. Các quốc gia như Philippines, Indonesia và Việt Nam dự kiến sẽ chứng kiến mức tăng trưởng mạnh nhất, tăng với tốc độ lần lượt là 64%, 58% và 44% từ năm 2022 cho đến năm 2025.
(Theo fintechnews.sg)