Tại đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 diễn ra sáng nay (ngày 29/4), các cổ đông của VPBank đã thông qua các kế hoạch kinh doanh quan trọng, đáng chú lý là: tổng tài sản tăng 19%, lợi nhuận trước thuế tăng 114%,… so với năm 2023. Đồng thời, các cổ đông cũng thông qua phương án chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%.
Củng cố nền tảng vững mạnh
Báo cáo kết quả kinh doanh năm 2023 và kế hoạch kinh doanh năm 2024 tại ĐHĐCĐ, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cho biết, năm 2023 là một năm đầy khó khăn và thách thức đối với kinh tế toàn cầu nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng. Môi trường lãi suất cao đầu năm cùng hoạt động sản xuất kinh doanh giảm do thiếu đơn hàng, cầu tiêu dùng chững lại, trong khi thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp gần như bị đóng băng, đã khiến tăng trưởng tín dụng chậm lại, đồng thời nợ xấu toàn hệ thống tăng lên.
Trong bối cảnh đó, ông Nguyễn Đức Vinh cho biết, hoạt động kinh doanh của VPBank cũng không tránh khỏi những tác động tiêu cực. Thấu hiểu những khó khăn trong ngắn hạn và xác định một tầm nhìn dài hạn, VPBank đã chủ động kiện toàn hệ thống nền tảng để tạo sức bật cho tăng trưởng trong các năm tiếp theo.
Theo đó, nền tảng vốn của của ngân hàng được củng cố vững mạnh. Sau khi hoàn tất thươmg vụ phát hành riêng lẻ 15% cổ phần cho SMBC với giá trị thương vụ đạt 35,9 nghìn tỷ dồng (tương đương gần 1,5 tỷ USD), vốn chủ sở hữu hợp nhất của VPBank tăng lên gần 140 nghìn tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2023, trở thành ngân hàng có vốn chủ sở hữu đứng thứ 2 hệ thống. Nhờ đó, Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) hợp nhất của VPBank theo Basel Il tăng lên 17,1%, vượt xa yêu cầu 8% của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và tiệm cận tiêu chuẩn quốc tế… Nền tảng vốn vững chắc giúp tăng cuờng sức mạnh tài chính cho VPBank trong nỗ lực mở rộng và đáp ứng đa dạng nhu cầu của các phân khúc khách hàng.
Báo cáo của VPBank cũng cho thấy, trong năm 2023, huy động tiền gửi và giấy tờ có giá của ngân hàng hợp nhất tại thời điểm cuối năm 2023 đạt hơn 490 nghìn tỷ đồng, tăng 33,6% so với năm 2022, trong đó: ngân hàng mẹ tăng trưởng 37,1%, vượt trội so với mức trung bình ngành là 13,2%. Đáng chú ý, phân khúc khách hàng cá nhân đóng góp chủ yếu trong tăng trưởng huy động với quy mô đạt hơn 291 nghìn tỷ đồng, chiếm hơn 62% tổng huy động của ngân hàng.
Tiền gửi không kỳ hạn (CASA) trở thành điểm sáng trong huy động vốn của ngân hàng. Mặc dù bối cảnh lãi suất tăng cao trong những tháng đầu năm 2023 khiến người dân có xu hướng dịch chuyển từ tiền gửi không kỳ hạn sang các khoản tiết kiệm có kỳ hạn nhưng CASA của VPBank vẫn tăng trưởng 33% so với năm 2022, với tỷ lệ CASA đạt 17,6%.
Đến cuối năm 2023, quy mô dư nợ tín dụng hợp nhất của VPBank đạt hơn 600 nghìn tỷ đồng, tăng 25,2% so với đầu năm. Trong đó, tín dụng của ngân hàng mẹ đạt 31,8%, phân bổ đồng đều vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, với khối chiến lược khách hàng cá nhân và doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) đóng góp khoảng 57% tổng dư nợ của ngân hàng riêng lẻ.
Năm qua, ngân hàng cũng đã chủ động điều chỉnh các chính sách rủi ro theo hướng tập trung cho vay có lựa chọn, điều chỉnh danh mục sang các phân khúc ít rủi ro và thu hẹp cho vay tín chấp. Cùng với đó, VPBank cũng quyết liệt triển khai các giải pháp cơ cấu nợ kịp thời, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ khách hàng trong nỗ lực kiểm soát nợ xấu, cũng như sử dụng linh hoạt các biện pháp xử lý nợ xấu... Nhờ đó, kết thúc năm 2023, tỷ lệ nợ xấu (NPL) của ngân hàng dưới ngưỡng 3% hoàn thành cam kết tại ĐHĐCĐ năm 2023. Chí phí dự phòng rủi ro đạt gần 25 nghìn tỷ đồng, tăng 11,3% so với năm 2022.
Sau hơn 1 năm gia nhập VPBankS và OPES đã đóng góp tích cực cho kết quả kinh doanh của ngân hàng hợp nhất hơn 1,4 nghìn tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Còn lợi nhuận trước thuế của ngân hàng mẹ trong năm 2023 đạt hơn 13 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, FE Credit liên tiếp đối mặt với nhiều khó khăn khi tệp khách hàng bị cắt giảm việc làm và thu nhập, trực tiếp ảnh hưởng tới nhu cầu tiêu dùng và khả năng trả các khoản nợ tới hạn, dẫn đến kết thúc năm 2023, FE Credit ghi nhận lợi nhuận trước thuế âm ở mức 3,699 nghìn tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh không tích cực đã ảnh hưởng đến kết quả chung của VPBank, cụ thể: tính đến hết năm 2023, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của VPBank đạt gần 11 nghìn tỷ đồng, giảm 31,3% so với cùng kỳ nếu loại trừ đi khoản thu nhập bất thường trong năm 2022.
Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Vinh cho biết, trong bối cảnh môi trường kinh doanh có nhiều diễn biến phức tạp cùng hệ sinh thái ngày càng mở rộng, VPBank đã chủ động kiện toàn hệ thống nền tảng để tạo đà tăng trưởng cho các năm tiếp theo, trong đó chú trọng đến: công tác quản trị rủi ro, tập trung cho nền tảng công nghệ, quản trị nguồn nhân lực, triển khai mô hình tập đoàn…
Định hướng chiến lược năm 2024
Với sự phục hồi của kinh tế toàn cầu, kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ có sự bứt tốc trở lại trong năm 2024, trở thành một trong những điểm sáng của kinh tế khu vực. Trong bối cảnh đó, ông Nguyễn Đức Vinh cho biết, ngân hàng được kỳ vọng sẽ trở lại tích cực hơn trong năm 2024 nhờ nhu cầu tín dụng tăng trở lại khi kinh tế phục hồi. NHNN cũng điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và phù hợp với diễn biến thị trường…
“Trong bối cảnh vĩ mô được kỳ vọng có nhiều gam màu sáng hơn cùng những nền tảng về vốn, hệ sinh thái, cũng như quy mô khách hàng được bồi đắp và củng cố trong năm 2023, VPBank đã thực hiện phân tích và đánh giá các kịch bản tăng trưởng, đồng thời xác định các trọng tâm trong hoạt động trong năm tới”, ông Nguyễn Đức Vinh chia sẻ và cho biết, VPBank xác định 5 mục tiêu chủ đạo trong định hướng kinh doanh năm 2024 như sau:
Thứ nhất, tăng trưởng quy mô chất lượng, đồng bộ ở tất cả các phân khúc: bao gồm các phân khúc chiến lược (khách hàng cá nhân, DNNVV) sẽ là trọng tâm tăng trưởng; tìm kiếm cơ hội phát triển trong phân khúc FDI đầy tiềm năng; đảm bảo thanh khoản dồi dào và đa dạng hoá nguồn huy động để tối ưu chi phí vốn;
Thứ hai, quản trị chất lượng tài sản toàn diện: triển khai chiến lược quản trị rủi ro chuyên biệt để hỗ trợ khách hàng; áp dụng chính sách thu hồi nợ hiệu quả.
Thứ ba, đẩy mạnh các chiến lược phát triển bền vững: thúc đẩy giải ngân các khoản tín dụng xanh; đồng thời xanh hoá danh mục tín dụng.
Thứ tư, củng cố nền tảng hệ thống: Đẩy mạnh các giải pháp số hoá; chuyển đổi số sang công nghệ điện toán đám mây; ứng dụng phân tích dữ liệu chuyên sâu để nâng cao trải nghiệm khách hàng.
Thứ năm, thúc đẩy các hoạt động hệ sinh thái: mở rộng các giá trị gia tăng cho khách hàng thông qua hệ sinh thái số; nắm bắt các cơ hội phát triển và tìm kiếm động lực tăng trưởng mới trong hệ sinh thái.
Với các mục tiêu chủ đạo trên, dựa vào tình hình thực tế, ông Vinh cho biết, VPBank đặt mục tiêu tăng trưởng tổng tài sản năm 2024 đạt 974.270 tỷ đồng, tăng khoảng 19% so với năm 2023; tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá hợp nhất đạt 598.684 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2023; lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 23.165 tỷ đồng, tăng 114% so với năm 2023 (trong đó, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng riêng lẻ ở mức 20.709 tỷ đồng, tăng 54%; FE Credit đạt 1.200 tỷ đồng….).
Tại đại hội, VPBank cũng xin ý kiến cổ đông về việc sử dụng nguồn lợi nhuận chưa phân phối năm 2023. Theo đó, trong quý II hoặc quý III năm nay, ngân hàng dự kiến sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 10% cho các cổ đông. Mỗi một cổ phiếu cổ đông sẽ nhận được 1.000 đồng tiền cổ tức. Tổng số lợi nhuận dự kiến được sử dụng để chia cổ tức là hơn 7.900 tỷ đồng. Đây là năm thứ hai liên tiếp VPBank thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt, sau khi ngân hàng đã hoàn tất các kế hoạch tăng vốn, củng cố nền tảng tài chính đảm bảo cho sự phát triển trong tương lai.
Trong năm 2024, VPBank cũng có phương án phát hành trái phiếu quốc tế để phục vụ cho việc huy động vốn bổ sung trên thị trường quốc tế. VPBank dự kiến phát hành tối đa 400 triệu USD trái phiếu, đây là trái phiếu không chuyển đổi, không có đảm bảo, không kèm chứng quyền với thời hạn dự kiến 5 năm. Thời gian dự kiến phát hành trong năm 2024 – quý I/2025.
VPBank cũng trình cổ đông xem xét phương án chuyển giao bắt buộc đối với một tổ chức tín dụng là một ngân hàng thương mại yếu kém. VPBank cho biết, sau khi nhận chuyển giao bắt buộc, tổ chức tín dụng được chuyển giao bắt buộc sẽ hoạt động dưới hình thức Ngân hàng TNHH MTV do Ngân hàng VPBank là chủ sở hữu, là pháp nhân độc lập.
Trả lời câu hỏi của các cổ đông về việc nhận chuyển giao, tái cơ cấu ngân hàng 0 đồng, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT VPBank cho biết, về mặt năng lực tài chính, năng lực quản trị, không phải ngân hàng nào cũng có thể tham gia tái cơ cấu ngân hàng 0 đồng. Hiện các ngân hàng 0 đồng đều bị lỗ luỹ kế rất lớn và đang tiếp tục lỗ. Xét ở góc độ tài chính đơn thuần thì hầu hết các ngân hàng không thiết tha gì với việc tham gia hỗ trợ ngân hàng 0 đồng. Tuy nhiên, trường hợp của VPBank hơi đặc biệt. Do có sự tham gia của SMBC, VPBank có nền tảng vốn lớn. Hơn nữa, trong chiến lược của VPBank thì tăng trưởng quy mô rất quan trọng.
Vì vậy, tham gia vào tái cơ cấu, ông Dũng cho biết, VPBank sẽ không có lợi ngay về mặt tài chính, nhưng sẽ có những lợi ích sau, đó là: tăng trưởng tín dụng sẽ được ưu tiên tăng trưởng tín dụng cao hơn trung bình ngành; được ưu tiên mở "room" nước ngoài trên 30%, nếu được nới room thì sẽ có điều kiện để nâng quy mô vốn của VPBank lên….
“Hơn nữa, chiến lược và cơ chế chính sách VPBank tham gia là phù hợp, hấp dẫn. Nếu tham gia tái cơ cấu giúp cho hệ thống ngân hàng Việt Nam tốt hơn, mà chúng ta lại có năng lực thì tại sao chúng ta lại không làm?”, ông Ngô Chí Dũng bày tỏ.
Còn với câu hỏi của cổ đông về chia cổ tức, ông Dũng chi sẻ, tại ĐHĐCĐ thường niên cách đây 2 năm, ngân hàng có tuyên bố là sẽ chia cổ tức tiền mặt trong 5 năm. Năm ngoái VPBank đã trở lại chia cổ tức tiền mặt và năm nay ngân hàng cũng đề xuất tiếp tục chia tỷ lệ 10%.
Cũng theo ông Dũng, mức chia 10% trên tổng vốn điều lệ rất lớn của VPBank hiện nay là một con số rất cao. Nếu với định hướng là dùng 30% lợi nhuận sau thuế để lại thì năm nay khoảng 3.000 tỷ đồng nhưng với nền tảng vốn tích luỹ được thì ngân hàng tự tin chia với với 7.900 tỷ đồng.
“Chúng ta đã gần 12 năm liền không được chia cổ tức tiền mặt, đó là sự kiên trì nhằm đạt được vốn chủ sở hữu cao, duy trì hoạt động kinh doanh. Vấn đề khó nhất trong phát triển ngân hàng là xây dựng nền tảng vốn thì ngân hàng đã đạt được. Trên cơ sở đó, đảm bảo được cho chúng ta 5 năm tới tăng trưởng với các chỉ số ở mức tốt, đủ để năm nay đề xuất chia cổ tức tiền mặt 10%”, ông Ngô Chí Dũng nhấn mạnh.
Tại Đại hội, VPBank cũng bầu bổ sung 2 thành viên vào Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2020 - 2025. Nhân sự được đề cử là: ông Takeshi Kimoto. Trước khi được bầu vào Hội đồng Quản trị VPBank, ông giữ chức vụ Trưởng phòng Phòng Phát triển thị trường châu Á của SMBC (Singapore) và SMBC (Nhật Bản). Đồng thời, ông cũng là Thành viên Ban Giám sát, Ngân hàng PT Bank BTPN Tbk tại Indonesia, một công ty con của SMBC; và bà Phạm Thị Nhung, hiện là Phó Tổng Giám đốc thường trực kiêm Giám đốc Khối quản lý đối tác và quan hệ đối ngoại VPBank.
Như vậy, Hội đồng Quản trị VPBank sẽ có 7 thành viên, gồm: ông Ngô Chí Dũng – Chủ tịch Hội đồng Quản trị; ông Bùi Hải Quân – Phó Chủ tịch; ông Lô Bằng Giang – Phó Chủ tịch. Các thành viên bao gồm ông Nguyễn Đức Vinh (kiêm Tổng Giám đốc), bà Phạm Thị Nhung (kiêm Phó Tổng giám đốc thường trực) và ông Takeshi Kimoto đại diện cho cổ đông chiến lược SMBC. Thành viên Hội đồng Quản trị độc lập là ông Nguyễn Văn Phúc.
Tại ĐHĐCĐ, tất cả các tờ trình đều được các cổ đông thông qua.