Các Hiệp hội ngành, nghề

Doanh nghiệp có thể phải đóng phí tái chế ước tính lên đến 6.127 tỷ đồng/năm

Nguyễn Huyền 28/07/2023 23:25

Theo Dự thảo ngày 26/7/2023, chỉ riêng 3 loại bao bì chính là giấy, nhựa và kim loại, các doanh nghiệp sẽ phải đóng phí tái chế ước tính 6.127 tỷ đồng/năm, chưa kể phí tái chế cho nhiều loại bao bì, sản phẩm thải bỏ khác.

Để tiếp tục lấy ý kiến cho Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành định mức Fs, và xác định mức đóng góp hỗ trợ tái chế thực hiện trách nhiệm mở rộng của các nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR), có hiệu lực từ ngày 01/01/2024, ngày 28/7/2023, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Văn phòng Hội đồng EPR Quốc gia, Hiệp hội Bia-Rượu-Nước Giải khát Việt Nam (VBA), Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA) và Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM (FFA) tổ chức “Hội thảo góp ý về định mức chi phí tái chế và chính sách về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu ở Việt Nam”.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho biết, với tinh thần cùng quan tâm bảo vệ môi trường, kinh tế tuần hoàn và tuân thủ pháp luật, VCCI cùng các hiệp hội, doanh nghiệp ngành hàng mong muốn được chia sẻ và đóng góp các ý kiến xây dựng để có một dự thảo định mức tái chế Fs phù hợp nhất, khả thi nhất cho cả mục tiêu bảo vệ môi trường và sản xuất, tiêu thụ bền vững. Bởi nếu không có Fs phù hợp sẽ không thể triển khai EPR hiệu quả.

Theo các hiệp hội, doanh nghiệp, dự thảo ngày 26/7/2023, chỉ riêng 3 loại bao bì chính là giấy, nhựa và kim loại, các doanh nghiệp sẽ phải đóng phí tái chế ước tính là 6.127 tỷ đồng/năm, chưa kể phí tái chế cho nhiều loại bao bì, sản phẩm thải bỏ khác. Đây là một khoản chi phí rất lớn, sẽ gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp và đẩy giá sản phẩm tăng cao, đặc biệt, trong tình trạng kinh tế khó khăn như hiện nay, khi riêng nửa đầu năm đã có đến 100.000 doanh nghiệp phải đóng cửa và số người thất nghiệp đã lên tới 1,07 triệu người.

Với mức Fs đề xuất cho chai nhựa cứng PET, mỗi chai nước 500 ml bị tăng lên 61 đồng, tương đương mức tăng giá 1,62%. Đó là chưa kể bao bì carton, thùng đựng, phương tiện vận chuyển…, đều phải đóng góp phí tái chế, khiến mức tăng giá có thể gấp đôi mức nêu trên.

Tính trung bình mỗi người Việt Nam, từ trẻ sơ sinh đến người già, sẽ phải đóng góp ít nhất 61.000 đồng/năm cho phí tái chế 3 loại bao bì nói trên.

Bà Huỳnh Thị Mỹ, Tổng Thư ký VPA cho biết, dự thảo có một số lĩnh vực đã được điều chỉnh cao hơn. Ví dụ, nhóm bao bì trước đây tính khoảng 7.600 đồng/kg, bây giờ lên 10.500 đồng/kg, mặc dù hệ số điều chỉnh xuống 0,6%, so với trước đây là 1%, nhưng mức cuối cùng vẫn không giảm nhiều. Ngành nhựa, nhóm bao bì mềm chiếm tỷ lệ khoảng 50%, nếu tăng lên 10.500 đồng/kg sẽ tác động rất lớn lên doanh nghiệp và người tiêu dùng, VPA kiến nghị nên giữ mức 7.600 đồng/kg như trước là hợp lý với Việt Nam.

Dưới góc độ là Giám đốc điều hành AmCham Việt Nam, ông Jame P. Ollen cho biết, Fs trong dự thảo cao hơn nhiều mức trung bình Fs của 13 nước Tây Âu, theo số liệu của Bộ Tài nguyên & Môi trường tại hội thảo ngày 28/6/2023 ở Hà Nội.

Định mức chi phí tái chế cao sẽ khiến giá cả hàng hóa tăng cao, gây khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân, nhất là trong bối cảnh kinh tế vô cùng khó khăn như hiện nay.

“Fs cao bất hợp lý là do chưa theo nguyên tắc kinh tế tuần hoàn và chưa trừ đi giá trị vật liệu thu hồi được”, ông Jame P. Ollen nói.

Báo cáo Nghiên cứu Môi trường ngày 28/10/2021 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD cũng đã nêu rõ: “Cần thiết kế các chương trình điều chỉnh phí sao cho đảm bảo khả năng thu hồi đầy đủ chi phí hoạt động”, nhưng giá trị Fs trong dự thảo lại chưa trừ đi giá trị vật liệu thu hồi được.

Với các vật liệu có giá trị tái chế thu hồi lớn hơn chi phí tái chế, như: Bao bì nhôm, sắt, giấy carton, bao bì nhựa cứng… và thực tế thu gom, tái chế ở Việt Nam cho thấy các nhà tái chế đều đang có lãi. Các bao bì, sản phẩm này về cơ bản đã được thu hồi vì các nhà tái chế có động cơ cao trong việc thu gom và tái chế, nên chúng hầu như không có nguy cơ tới môi trường.

“Các doanh nghiệp và 100 triệu người tiêu dùng Việt Nam vốn đang rất khó khăn, nếu phải đóng góp để hỗ trợ thêm cho nhà tái chế đang có lãi tăng thêm lợi nhuận, theo chúng tôi là không hợp lý”, ông Jame P. Ollen nhấn mạnh.

Mặt khác, các doanh nghiệp cũng kiến nghị về thời gian đóng góp tái chế, từ nộp tạm ứng vào đầu năm 2024 sang nộp theo quyết toán số lượng thực tế khi kết thúc năm 2024, để doanh nghiệp vẫn thực hiện đầy đủ trách nhiệm tái chế mà vẫn tháo gỡ được khó khăn về vốn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp có thể phải đóng phí tái chế ước tính lên đến 6.127 tỷ đồng/năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO