(thitruongtaichinhtiente.vn) - Biến rác thải thành một phương tiện thúc đẩy giao dịch tài chính là một ý tưởng mới lạ trong giới nghiên cứu phát triển kinh tế. Những người tham gia Plastic Bank thu về khoản lãi cao nhất đối với các chai nhựa so với thị trường địa phương, họ còn có cả tiền thưởng.
Nyoman Dartini, 60 tuổi, sử dụng nhựa để mua lễ cho đền thờ vào dịp lễ trăng rằm mùa hè ở Bali - Indonesia. Bà dự định sẽ sử dụng nhựa một lần nữa để mua đồ ăn và mua thêm đồ thờ cúng trong dịp lễ Galungan - một sự kiện của người Hindu, đánh dấu chiến thắng của cái thiện chống lại cái ác.
Thực ra, không phải tất cả đồ nhựa đều là thẻ tín dụng, đây chỉ là những vỏ chai bà nhặt được khi làm việc. Dartini là một nhân viên vệ sinh tại một khu chợ ở Denpasar. Bà mang những món đồ nhựa nhặt được đến một trung tâm thu gom được điều hành bởi Plastic Bank (Ngân hàng Nhựa) - là đứa con tinh thần" của doanh nhân đến từ Vancouver - David Katz. Nơi này sẽ kiểm tra khoản tiền gửi và gửi tin nhắn thông báo số dư trong tài khoản của bà.
Dartini vui vẻ chia sẻ về 100.000 rupiah (khoảng 7 USD) nhận được thêm mỗi tháng: "Tiền lương của tôi không đủ". Số tiền này sẽ được cộng vào khoản tiền lương của bà, cùng lương của chồng bà với công việc thợ xây và con trai làm nhân viên dọn phòng khách sạn. Bà nói thêm: "Nếu không có số tiền này, chúng tôi sẽ phải đi vay."
Trong nhiều thập kỷ, nhiều người trên thế giới đã thu thập nhựa và bán lại cho các bên tái chế. Tuy nhiên, khái niệm về việc biến rác thải thành một phương tiện thúc đẩy giao dịch tài chính lại là một ý tưởng mới lạ trong giới nghiên cứu phát triển kinh tế. Những người tham gia Plastic Bank thu về khoản lãi cao nhất đối với các chai nhựa so với thị trường địa phương, họ còn có cả tiền thưởng. Ngoài ra, họ cũng có thể tích trữ tại ngân hàng, thay vì rút tiền hàng ngày.
Các nhà môi trường học cũng rất hài lòng về việc này. Plastic Bank tạo thêm động lực cho những người tham gia nhặt nhiều rác thải nhựa hơn, có khả năng sẽ tăng tốc độ vốn rất ảm đạm của việc tái chế nhựa.
Trên khắp thế giới, nhiều nơi đang nỗ lực xác định lại về việc nhựa như một loại tiền tệ, để giúp loại rác thải này không bị vứt bỏ ở các bãi rác, đặc biệt là biển và nguồn nước. Chính phủ Indonesia đã vận hàng một mạng lưới ngân hàng rác, đây là những trung tâm tái chế, không chỉ giúp người tham gia kiếm được "tiền nhựa" mà còn tạo cho họ những khoản vay sau đó có thể thanh toán bằng nhựa.
Tại Surbaya, thành phố lớn thứ hai đất nước, người dân có thể trả tiền vé xe buýt bằng chai hoặc cốc nhựa. Đó là sáng kiến của nữ thị trưởng đầu tiên của thành phố, Tri Rismaharini. Bà đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là không có rác thải nhựa vào năm 2020. Một vé xe buýt cho chuyến đi 2 tiếng có giá 10 cốc nhựa cho đến 5 chai nhựa, tuỳ thuộc vào kích cỡ. Tháng 6 năm nay, Anheuser-Busch InBev - công ty sản xuất bia lớn nhất thế giới, đã tài trợ cho một chương trình đổi nhựa lấy bia trong 1 tuần. Tại đó, những người đến uống bia từ 5 quốc gia trao đổi nhựa tái chế để đổi lấy một cốc bia.
Một số ga tàu điện ngầm ở Bắc Kinh và Rome được trang bị một số máy chấp nhận chai nhựa để đổi lại các khoản tín dụng có thể trả tiền vé tàu. Ở Ấn Độ, một số trường trung học cũng chấp nhận nhựa có thể tái chế để thanh toán học phí. Trên hòn đảo Sardinia của Ý, công ty Miniwiz của Đài Loan đã mở một cửa hàng pop-up bán các mặt hàng làm từ nhựa tái chế, cách duy nhất để trả tiền là đưa đồ nhựa vào một chiếc máy có tên Trashspresso.
Plastic Bank đang tìm cách để hoạt động ở quy mô lớn hơn so với các dự án địa phương và ngắn hạn như thế này. Dự án lần đầu được giới thiệu ở Haiti vào năm 2015, sau đó mở rộng sang Philippines và Indonesia. Ai Cập sẽ là điểm đến tiếp theo. Gần đây, Katz đã đến Vantican để thảo luận với cộng đồng Công giáo trên khắp thế giới, nhằm triển khai kế hoạch mang nhựa đến nhà thờ vào Chủ Nhật, tương tự như dự án ông đang thực hiện ở Brazil.
Khi đến một quốc gia mới, Plastic Bank làm việc với các trung tâm tái chế và tham gia cùng một công ty quốc tế lớn để thúc đẩy chương trình của họ. Tại Indonesia, SC Johnson & Son, một nhà sản xuất vật dụng vệ sinh gia đình và nhà sản xuất bao bì nhựa uy tín của Mỹ, cam kết tài trợ cho 9 chi nhánh tại Bali của ngân hàng này trong năm 2019. Công ty này cũng công bố kế hoạch bắt đầu sản xuất một số chai cho hãng sản xuất nước lau rửa cửa sổ Windex cleaner. Những chai này hoàn toàn được làm từ nhựa đến từ Plastic Bank, được mang đến từ khắp các địa điểm ở Indonesia và Philippines.
Nato Kartohadiprodjo, giám đốc điều hành toàn quốc tại Indonesia, cho hay: "Chúng tôi muốn trở thành, nếu không phải người đầu, thì ít nhất sẽ là người đi tiên phong" khi chuyển sang sử dụng nhựa tái chế để đóng gói.
Plastic Bank cũng đang thu hút nhiều người tham gia hệ thống tài chính chính thức. Shaun Frankson, đồng sáng lập của tổ chức, cho biết: "Hầu hết các ngân hàng đều không muốn tiếp đón những người nghèo nhất trong số người nghèo, bởi sẽ không có đồng tiền nào được sản sinh. Tái chế là một cách để họ có được tài khoản ngân hàng đầu tiên của mình."
Trong số hơn 3.200 chủ tài khoản ở Bali, khoảng 1.200 có số dư ở mức dương trong ví điện tử trên ứng dụng Plastic Bank. Điều này có nghĩa là, cuối cùng họ có thể là đối tượng thu hút các nhà cho vay tầm trung. Ni Made Supartini là nhân viên quản lý tài khoản tại Unit Simpan Pinjam - một ngân hàng hợp tác với Plastic Bank. Chị dự đoán rằng chỉ sớm muộn chị cũng có thể biến một số chủ tài khoản ở Plastic Bank thành khách hàng của mình và liên kết với họ bằng những sản phẩm mà hiện họ chưa được tiếp cận, ví dụ như cho vay tiêu dùng hoặc thế chấp.
Muhammad Abdullah Sajad là một người thu gom nhựa tham gia Plastic Bank, hiện đang sống cùng vợ và con nhỏ trong một ngôi nhà tồi tàn gần với trung tâm của ngân hàng ở Denpasar. Trước đây, anh gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiết kiệm tiền. Anh chia sẻ: "Tôi dành toàn bộ tiền để mua đồ cho vợ và con." Sau khi tham gia Plastic Bank, anh còn mở tài khoản ngân hàng đầu tiên với một ngân hàng truyền thống. Có những lúc, tài khoản tiết kiện của anh đã vượt mức 50 USD, và anh muốn có đủ tiền để xây dựng một ngôi nhà mới vững chắc và khang trang hơn. Ngoài ra, anh còn có một khoản tiết kiện dưới dạn token thưởng trong tài khoản của Plastic Bank.
Gusi Made Astri, 54 tuổi, là một nhân viên dọn rác trên bãi biển Sanur ở Denpasar. Bà bắt đầu công việc của mình trước bình minh với 2 ca làm việc, và kiếm được 127 USD mỗi tháng. Astri kiếm thêm tiền bằng cách bán lại đồ nhựa cho Plastic Bank. Số tiền đó được dùng để mua thuốc đau đầu sau mỗi ngày làm việc nắng nóng và mua lễ cúng cho các dịp lễ, điều mà trước đây bà không đủ khả năng để chi trả. Từ đó, bà cũng nhận thấy rằng nhựa có giá trị hơn nhiều.