Tin tức

Dồn lực triển khai hiệu quả chính sách tài khóa, tiền tệ

Minh Đức 23/10/2023 20:12

Chính phủ tập trung nguồn lực, nhân lực để tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 trong thời gian còn lại của Nghị quyết (đến hết ngày 31/12/2023); bảo đảm thực hiện ở mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết đã đặt ra.

chu-nhiem-vu-hong-thanh.jpg

Đó là một trong những đề nghị của Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh tại phần trình bày Báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV diễn ra chiều ngày 23/10.

Báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đánh giá cao những nỗ lực và sự chỉ đạo quyết liệt, tích cực, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, vai trò đầu mối của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như sự tham gia vào cuộc của các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương có liên quan, UBND các tỉnh, thành phố, đã ban hành đầy đủ 17/17 văn bản theo thẩm quyền để cụ thể hóa các chính sách theo yêu cầu tại Nghị quyết số 43, tổ chức phối hợp, thực hiện và hoàn thành khối lượng lớn công việc, cơ bản đáp ứng yêu cầu.

Về kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, Ủy ban Kinh tế thống nhất với Báo cáo của Chính phủ về đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết số 43. Việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, Chính phủ chưa phân tích rõ những khó khăn, tồn tại, nhất là khả năng phục hồi của nền kinh tế thời gian qua chưa thật sự bền vững. Đề nghị Chính phủ bổ sung phân tích về những khó khăn, vướng mắc, đánh giá khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 5 năm 2021-2025, từ đó đánh giá hiệu quả triển khai các chính sách tới khả năng phục hồi của người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế.

Về kết quả thực hiện các chính sách tại Nghị quyết số 43, đối với chính sách tài khóa, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, kết quả thực hiện các gói hỗ trợ của chính sách tài khóa đã có tác động tích cực tới người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế; trong đó một số chính sách hỗ trợ có kết quả thực hiện cao như các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí đạt 94,6% kế hoạch; chính sách cho vay thông qua Ngân hàng chính sách xã hội đạt 54,55% hạn mức tối đa, trong đó nổi bật là chính sách cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đã đạt 100% kế hoạch đề ra.

Bên cạnh đó, đa số các gói hỗ trợ thuộc chính sách tài khóa giải ngân chậm, có trường hợp rất chậm như giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển của Chương trình đạt khoảng 28,9%; cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập đạt 10,8%; cho vay phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi đạt 21,9%...

Vì vậy, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ tập trung phân tích, làm rõ nguyên nhân chủ quan, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc triển khai thực hiện chậm; ngoài những nguyên nhân đã chỉ ra trong báo cáo, cần đánh giá việc bám sát thực tiễn trong công tác dự báo, tính toán nhu cầu, trình tự thủ tục hỗ trợ trước khi ban hành chính sách; bổ sung đánh giá việc triển khai các chính sách chậm tác động tới đối tượng thụ hưởng và hiệu quả tổng thể của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Về chính sách tiền tệ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Chính phủ đã đánh giá cơ bản tổng thể, toàn diện tình hình thực hiện chính sách tiền tệ. Về nhiệm vụ điều hành tăng trưởng tín dụng, một số ý kiến cho rằng nền kinh tế hiện nay khát vốn nhưng khó hấp thụ vốn, mặc dù mặt bằng lãi suất huy động và cho vay giảm xuống, dư nợ tín dụng đến 29/9 chỉ tăng 6,92%, cho thấy nhu cầu và khả năng hấp thụ vốn tín dụng còn rất yếu. Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ bổ sung phân tích, đánh giá hiệu quả, tác động của các chính sách tới đối tượng thụ hưởng và khả năng phục hồi doanh nghiệp và nền kinh tế. Uỷ ban Kinh tế đề nghị Chính phủ bổ sung phân tích, đánh giá hiệu quả, tác động của các chính sách tới đối tượng thụ hưởng và khả năng phục hồi doanh nghiệp và nền kinh tế.

Đồng thời đề nghị Chính phủ tập trung nguồn lực, nhân lực để tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 trong thời gian còn lại của Nghị quyết (đến hết ngày 31/12/2023); bảo đảm thực hiện ở mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết đã đặt ra.

Đối với việc triển khai chính sách hỗ trợ 2% lãi suất cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thực hiện chính sách hỗ trợ 2% lãi suất này; đối với số vốn không giải ngân hết kế hoạch sau khi kết thúc thời gian giải ngân của Chương trình, trình Quốc hội hủy dự toán, kế hoạch vốn theo quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 và Luật Ngân sách nhà nước.

Về đề nghị cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển cho các dự án đầu tư của Chương trình, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện tối đa việc điều hòa vốn cho các nhiệm vụ, dự án theo quy định tại Nghị quyết số 93/2023/QH15 của Quốc hội để bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn và tăng cường tính kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dồn lực triển khai hiệu quả chính sách tài khóa, tiền tệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO