Hoạt động ngân hàng

Đồng Nai: Tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho xuất khẩu

ThS. Trần Trọng Triết 06/05/2024 - 10:10

Không chỉ thực hiện tài trợ vốn với nhiều ưu đãi, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai còn cung cấp dịch vụ bảo lãnh, thanh toán quốc tế với mức phí cạnh tranh cho các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu. Đặc biệt, các ngân hàng còn hỗ trợ doanh nghiệp trong giao dịch với các đối tác tại thị trường quốc tế, như: chuẩn bị bộ chứng từ hợp lệ, thương lượng các điều khoản thanh toán…

Được biết, xuất khẩu là một trong 5 chỉ tiêu kinh tế quan trọng, có tác động lớn đến việc phát triển của tỉnh Đồng Nai cũng như cả nước. Xét trên bình diện chung cả nước, Đồng Nai là tỉnh thu hút vốn đầu tư trong nước, vốn đầu tư nước ngoài lớn, hàng hóa sản xuất ra hơn 70% sản lượng được xuất khẩu sang các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Do đó, kim ngạch xuất khẩu giảm sẽ ảnh hưởng đến hàng loạt lĩnh vực khác như: sản xuất công nghiệp, việc làm cho người lao động, thu ngân sách nhà nước, thương mại dịch vụ, vận tải…

Với các doanh nghiệp xuất - nhập khẩu, nguồn vốn luôn là nhu cầu thiết yếu cho quá trình phục hồi cũng như đầu tư thêm cho sản xuất, kinh doanh. Vì thế, các ưu đãi về tín dụng sẽ mang lại hiệu quả lớn bởi vốn lưu động phụ thuộc rất lớn vào vốn tín dụng của các ngân hàng.

Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu của Đồng Nai đã có nhiều khởi sắc. Số liệu từ Sở Công Thương Đồng Nai cho thấy, trong quý I/2024, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt gần 5,3 tỷ USD, tăng gần 8% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng xuất khẩu lớn của tỉnh là: giày dép; máy móc, thiết bị, dụng và phụ tùng; phương tiện vận tải và phụ tùng; sản phẩm gỗ... đều có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước.

Được biết, năm 2024, tỉnh đề ra kế hoạch xuất khẩu sẽ tăng 8% so với năm 2023. Muốn đạt được kế hoạch, các doanh nghiệp phải linh hoạt, năng động hơn trong tìm đơn hàng mới. Tín hiệu vui cho tỉnh là hiện đã có những doanh nghiệp nhận được đơn đặt hàng của đối tác nước ngoài đến cuối năm 2024 và đầu năm 2025.

Nhằm đáp ứng kịp thời vốn tín dụng phục vụ nhu cầu của các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn, hệ thống ngân hàng Đồng Nai đã chú trọng nguồn vốn cho vay vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, trong đó có lĩnh vực xuất, nhập khẩu.

z5412712767091_fc4d1034982a441f3d94f39cdf1b585c.jpg
Đồng Nai: Tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho xuất khẩu

Ông Tạ Thanh Long, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Nai cho biết, đến cuối tháng 4/2024, tổng dư nợ cấp tín dụng trên địa bàn Đồng Nai ước đạt hơn 378,2 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 4% so với đầu năm nay. Trong đó, dư nợ cho vay xuất - nhập khẩu của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh ước đạt hơn 48,6 nghìn tỷ đồng, tăng 3,6% so với cuối năm 2023, gồm: cho vay xuất khẩu ước đạt hơn 26,6 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 3% so với cuối năm ngoái, tỷ trọng khoảng 7,2% tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trong tỉnh.

Đáng chú ý, với lợi thế về vị trí địa lý, giao thông, Đồng Nai trở thành cực hút được nhiều nhà đầu tư trong nước, doanh nghiệp FDI quan tâm. Hiện Đồng Nai thu hút hơn 1,6 nghìn dự án FDI từ 46 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký gần 36 tỷ USD, nằm trong tốp 10 địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút FDI.

Đồng Nai hiện có 33 khu công nghiệp đã hình thành và 6 khu công nghiệp đang chờ được Chính phủ phê duyệt để thành lập. Như vậy, Đồng Nai còn nhiều dư địa để thu hút các nhà đầu tư trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, hiện Đồng Nai đã xuất khẩu vào hơn 170 quốc gia, vùng lãnh thổ, với gần 50% kim ngạch xuất khẩu thuộc các thị trường lớn, như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc. Khu vực châu Âu dù đã có FTA Việt Nam - Liên minh châu Âu nhưng hàng hóa của Đồng Nai chủ yếu xuất vào Bỉ, Đức, Pháp, Ý, còn 23 nước khác số lượng rất ít.

Tương tự, với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương có 11 nước thành viên (bao gồm cả Việt Nam), song hiện các doanh nghiệp Đồng Nai chủ yếu xuất hàng hóa vào Nhật Bản.

Để tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu, hoạt động cho vay của các ngân hàng đối với lĩnh vực xuất, nhập khẩu là một trong những lĩnh vực được ưu tiên về nguồn vốn. Hiện nay, nhiều ngân hàng trên địa bàn tỉnh chú trọng nguồn vốn cho vay vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, trong đó có lĩnh vực xuất, nhập khẩu.

Thời gian tới, trên cơ sở Ngân hàng Nhà nước đã giao toàn bộ chỉ tiêu tín dụng năm 2024 cho các tổ chức tín dụng ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Đồng Nai tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh khẩn trương triển khai các chương trình tín dụng, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng; hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cho vay. Đồng thời, tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay và thực hiện công bố lãi suất cho vay trên trang thông tin điện tử của tổ chức tín dụng, quyết liệt triển khai các chương trình, chính sách tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng, các ngành, hàng thiết yếu của nền kinh tế…

Ngoài ra, tỉnh có các làng nghề truyền thống với những sản phẩm đặc sắc, như: gốm, gỗ mỹ nghệ, trầm, nấm, bánh gai, sợi hủ tiếu, bánh tráng, chuối sấy, cốm… Các sản phẩm làng nghề được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng về chất lượng. Trong đó có một số sản phẩm đã được xuất khẩu qua một số quốc gia, vùng lãnh thổ.

Ngoài sản phẩm gốm có thể xuất khẩu trực tiếp, còn đa số các sản phẩm của làng nghề đều xuất khẩu qua khâu trung gian. Việc này dẫn đến tốn thêm chi phí, thời gian để đưa sản phẩm tới tay người tiêu dùng.

Hiện có nhiều tập đoàn bán lẻ trên thế giới đến Việt Nam tìm nguồn cung ứng sản phẩm để đưa vào chuỗi bán lẻ trong các hệ thống siêu thị, nhà hàng, cửa hàng trên toàn cầu. Những sản phẩm đặc sắc của các địa phương, nhất là sản phẩm của làng nghề, có nhiều cơ hội vào được chuỗi bán lẻ toàn cầu, như: Walmart, Amazon, Safeway (Hoa Kỳ); Aeon, Uniqlo (Nhật Bản); Central Group (Thái Lan); Falabella (Chile); Carrefour, Decathlon (Pháp); LuLu (UAE)...

Vì vậy, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã tập trung vốn tín dụng đầu tư cho vay phát triển các làng nghề truyền thống để đẩy mạnh xuất khẩu trực tiếp sẽ nâng được giá trị và có đầu ra ổn định.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng Nai: Tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho xuất khẩu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO