Nhìn ra thế giới

Đồng Nhân dân tệ yếu đi đang trở thành vấn đề đau đầu với Ngân hàng Trung ương Trung Quốc

Hải Yến 07/07/2023 08:10

Việc cắt giảm lãi suất gần đây dường như không thể xoay chuyển nền kinh tế, thậm chí còn gây thêm áp lực lên đồng Nhân dân tệ.

Theo FactSet, đồng Nhân dân tệ đã mất khoảng 4,8% giá trị kể từ đầu năm. Ngày 5/7, tỷ giá giữa đồng USD/Nhân dân tệ giao dịch trong nước là 7,2432, hướng tới mức thấp nhất trong 15 năm được thiết lập vào tháng 11 năm ngoái.

Ngân hàng Trung ương của Trung Quốc (PBOC) đã bắt đầu phản ứng, liên tục công bố tỷ giá tham chiếu quan trọng hằng ngày cao hơn kỳ vọng thị trường. Các nhà kinh tế sử dụng việc định giá hàng ngày của đồng Nhân dân tệ như một thước đo xem Ngân hàng trung ương đang hành động để tác động đến đồng Nhân dân tệ ở mức độ nào.

Khoon Goh, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu châu Á của ANZ cho biết: “Sự suy yếu của đồng Nhân dân tệ đã đến giai đoạn mà Ngân hàng trung ương cảm thấy đã quá mức và do đó họ đã bắt đầu can thiệp để gửi đi một tín hiệu rõ ràng rằng họ đang kiềm chế sự mất giá”.

Phản ứng của Ngân hàng trung ương đối với sự yếu đi gần đây của đồng Nhân dân tệ cho thấy nhiệm vụ khó khăn sắp tới của ông Pan Gongsheng, người sắp trở thành Thống đốc tiếp theo của PBOC.

Đồng Nhân dân tệ trong nước đã vượt qua mức 7,30 so với đồng USD vào tháng 11/2022 và đồng Nhân dân tệ ở nước ngoài được giao dịch ở mức thấp nhất tại thời điểm đó. PBOC đã thực hiện một loạt các bước đi để hỗ trợ giá trị của đồng tiền, bao gồm cả việc khiến các công ty ở Trung Quốc vay ngoại tệ trở nên đắt đỏ hơn. Giờ đây, cơ quan này phải đối mặt với sự lựa chọn về việc sẽ sử dụng những biện pháp gì và liều lượng đến đâu vào thời điểm này.

Theo biên bản cuộc họp chính sách quý II công bố vào cuối tuần trước, PBOC đã cam kết “kiên quyết giám sát không để rủi ro tỷ giá hối đoái biến động mạnh”. Cụm từ đó đã không xuất hiện trong biên bản cuộc họp quý trước đó.

Tuần trước, khi đồng Nhân dân tệ ra ở nước ngoài có lúc qua mức 7,28 Nhân dân tệ đổi 1 USD, một bài báo trên tờ báo của nhà nước cho biết, tỷ giá hối đoái của đồng Nhân dân tệ “có sự hỗ trợ cơ bản vững chắc” và sẽ duy trì ở mức ổn định trong nửa cuối năm.

Bài báo cũng cảnh báo về việc đầu cơ tiền tệ. “Đừng đặt cược vào sự tăng giá hay giảm giá của đồng Nhân dân tệ. Nếu bạn đánh bạc trong thời gian dài, bạn sẽ thua”, bài báo viết.

Sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc đang mất đà, với dữ liệu gần đây về sản xuất, doanh số bán nhà mới và việc làm đều cho thấy nền kinh tế khó phục hồi như thế nào sau một loạt hạn chế kéo dài để chống lại dịch bệnh COVID-19. Xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 5 đã giảm 7,5% so với năm trước, mặc dù thực tế là vào tháng 5/2022, quốc gia này lúc đó vẫn đang thực hiện các chính sách Zero COVID hết sức nghiêm ngặt.

Trong tháng 6, PBOC đã gây ngạc nhiên cho thị trường khi cắt giảm lãi suất, điều mà các nhà kinh tế tại ngân hàng Standard Chartered cho biết là “một tín hiệu rõ ràng về việc nới lỏng nhằm ngăn chặn tâm lý tiêu cực tự sinh”.

Nhưng việc cắt giảm lãi suất càng làm tăng chênh lệch lãi suất giữa Trung Quốc và Mỹ, vốn là một trong những nguyên nhân chính khiến đồng Nhân dân tệ suy yếu trong năm qua.

Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tạm dừng tăng lãi suất vào tháng trước sau 10 lần tăng lãi suất liên tiếp. Mặc dù các quan chức FED đã chỉ ra rằng có khả năng nâng lãi suất hơn nữa, nhưng hầu hết các nhà kinh tế đều cho rằng FED sắp kết thúc chu kỳ nâng lãi suất. Theo các nhà phân tích và kinh tế, điều đó sẽ giúp ổn định đồng Nhân dân tệ vào cuối năm nay.

Gần đây, sự yếu đi của đồng Nhân dân tệ đã trở nên trầm trọng hơn do các nhà đầu tư nước ngoài rút tiền khỏi thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục. Nhiều nhà xuất khẩu Trung Quốc cũng đang chọn giữ USD và các ngoại tệ khác thay vì chuyển đổi chúng thành Nhân dân tệ, làm mất đi một nguồn hỗ trợ cho đồng nội tệ.

Không giống như nhiều Ngân hàng trung ương phương Tây, nhiệm vụ được giao của PBOC là kiểm soát lạm phát, giữ tiền tệ ổn định và quản lý rủi ro trong hệ thống tài chính. Mục tiêu thứ hai là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và việc làm.

Những mục tiêu này không phải lúc nào cũng tương thích. Nếu để đồng nội tệ yếu đi thì giá trị xuất khẩu kém đi, bởi điều này sẽ khiến hàng hóa Trung Quốc rẻ hơn đối với phần còn lại của thế giới. Nhưng mong muốn giữ đồng Nhân dân tệ ổn định của ngân hàng trung ương khiến điều đó trở nên khó khăn.

Ligang Liu, người đứng đầu bộ phận phân tích kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Citi Global Wealth Investments cho biết, việc PBOC miễn cưỡng để đồng tiền suy yếu hơn nữa một phần là do lo ngại về tác động phụ lớn hơn không mong muốn, bao gồm tác động đến giá bất động sản, thị trường chứng khoán và thậm chí là những câu hỏi về việc neo tỷ giá hối đoái của đồng đô la Hồng Kông. Đồng đô la Hồng Koong được phép giao dịch trong 1 biên độ nhất định so với đồng USD, mặc dù các mức được phép vẫn gần với giá trị của đồng Nhân dân tệ so với đồng USD.

Ngân hàng trung ương giám sát diễn biến của đồng Nhân dân tệ so với một rổ tiền tệ, bao gồm cả đồng tiền của một số đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc ở châu Á. Sim Moh Siong, chiến lược gia tiền tệ tại Ngân hàng Singapore cho biết, một sự mất giá đột ngột sẽ làm tổn hại đến quan hệ thương mại với các quốc gia đó và kéo đồng nội tệ trong khu vực xuống thấp hơn. “Điều này sau đó có thể tác động ngược trở lại Trung Quốc và nhận thức tổng thể về thị trường Trung Quốc,” ông nói.

Theo các nhà kinh tế, số phận của nền kinh tế Trung Quốc phần lớn có thể nằm ngoài tầm kiểm soát của PBOC.

“Nếu chúng ta nhìn vào nguyên nhân gốc rễ của sự yếu kém của nền kinh tế, thì đó không phải là thiếu thanh khoản, không phải là khả năng chi trả của khoản tín dụng, không phải là sự sẵn có của tín dụng - mà chỉ là sự thiếu niềm tin,” Shuang Ding, một nhà kinh tế cấp cao về Trung Quốc tại Standard Chartered nói.

(Nguồn: WSJ)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng Nhân dân tệ yếu đi đang trở thành vấn đề đau đầu với Ngân hàng Trung ương Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO