Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã cắt giảm thêm hai loại lãi suất cho vay cơ bản (LPR) quan trọng vào ngày 19/6, lần đầu tiên sau 10 tháng nhằm thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Cụ thể, PBoC đã cắt giảm 10 điểm cơ bản lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn một năm từ 3,65% xuống 3,55%. Đồng thời, cắt giảm lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 5 năm thêm 10 điểm cơ bản từ 4,3% xuống 4,2%. Động thái diễn ra lần đầu tiên kể từ tháng 8/2022, thời điểm nền kinh tế nước này gặp khó khăn sau hai tháng phong tỏa do dịch bệnh ở Thượng Hải.
Sau quyết định trên, chỉ số bất động sản đại lục Hang seng, thước đo của các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc niêm yết tại thị trường Hồng Kông, đã giảm hơn 3%, với "gã khổng lồ" Country Garden Holdings giảm khoảng 5%.
Đà lao dốc của các cổ phiếu bất động sản đè nặng lên các chỉ số chứng khoán tại hai thị trường đại lục và Hồng Kông, trong khi đồng nhân dân tệ của Trung Quốc ở trong và ngoài nước tiếp tục giao dịch ở mức thấp nhất kể từ cuối tháng 11.
Động thái cắt giảm lãi suất mới nhất diễn ra sau quyết định nới lỏng tiền tệ vào tuần trước. Ngày 15/6, PBoC đã cắt giảm lãi suất cho vay trung hạn từ mức 2,75% xuống 2,65% nhằm giảm chi phí đi vay do doanh số bán bất động sản và sản xuất công nghiệp suy yếu, trong khi tình trạng thất nghiệp ngày càng sâu sắc.
Hầu hết các khoản vay hộ gia đình và doanh nghiệp ở Trung Quốc đều dựa trên lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn một năm của PBOC, trong khi các khoản thế chấp được chốt theo lãi suất 5 năm. Do đó, dù quy mô cắt giảm chỉ là 10 điểm cơ bản, điều này vẫn có một số ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế chung.
Việc PBoC cắt giảm hai loại lãi suất cho vay quan trọng này cũng đã nằm trong dự đoán của thị trường sau khi chứng kiến một loạt dữ liệu kinh tế trong vài tuần qua (từ sản xuất công nghiệp, đầu tư tài sản cố định đến doanh số bán lẻ và thương mại tháng 5) không đạt được kỳ vọng. Trung Quốc dường như đang mấp mé bên bờ vực giảm phát khi sự lạc quan hậu “mở cửa trở lại” tan thành mây khói.
Động thái của PBoC cũng đặt chính sách tiền tệ của Trung Quốc vào thế đối nghịch với các chính sách ở phương Tây. Tại Mỹ, Ngân hàng Dự trữ Liên bang (FED) đã dành hơn một năm để chống lại lạm phát bằng cách tăng lãi suất liên tục trước khi tạm dừng vào đầu tháng này. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng kiên trì với chính sách thắt chặt lãi suất để đối phó với lạm phát.
Khác với phương Tây, Trung Quốc đang ở trong bối cảnh ngược lại. Chi tiêu và đầu tư của khu vực tư nhân yếu đến mức các doanh nghiệp đua nhau giảm giá để giữ khách hàng, dẫn tới giá tiêu dùng và sản xuất liên tục giảm trong 4 tháng liên tiếp, tính đến tháng 5.
Tờ New York Times bình luận, quy mô khiêm tốn của các bước giảm lãi suất cho thấy các nhà hoạch định chính Trung Quốc lo ngại, nhưng không hoảng loạn. Nhìn lại lịch sử, khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu lan rộng vào cuối năm 2008, ngân hàng trung ương Trung Quốc đã cắt giảm 1,08 điểm phần trăm lãi suất cho vay cơ bản chỉ trong một ngày. Và trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á vào cuối những năm 1990, Trung Quốc đã từng cắt giảm lãi suất cho vay 1,44 điểm phần trăm, cũng chỉ trong một ngày.
Trong một thông điệp đưa ra hôm 16/6 vừa qua, Quốc Vụ viện Trung Quốc cam kết đưa ra “các biện pháp mạnh mẽ hơn” một cách kịp thời để “tăng cường động lực phát triển kinh tế, tối ưu hóa cơ cấu kinh tế và thúc đẩy sự phục hồi bền vững của nền kinh tế”.
Cả Goldman Sachs và JPMorgan trong báo cáo cập nhật mới nhất đều đã hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 của Trung Quốc và cảnh báo về những "cơn gió ngược" phía trước.